Tiếng kêu cứu từ nỗi cô đơn

Bài viết “Lối sống emo” (TTCT số ra ngày 20-2) nhận được nhiều phản hồi, chia sẻ của các độc giả trẻ. TTCT giới thiệu một số ý kiến.
Tiếng kêu cứu từ nỗi cô đơn

Tôi đang cải thiện bản thân

Gia đình tôi rất phức tạp, chịu nhiều áp lực tiền bạc… Lúc đầu tôi không nói chuyện với ai, cáu gắt với mọi người xung quanh, rất nóng tính. Tôi đánh nhau liên miên, bị gia đình la mắng, càng ngày tôi càng chìm sâu. Tôi không thèm nói chuyện với bất cứ người nào, đi học về là đóng cửa phòng hoặc ra bờ sông ngồi một mình.

Đến khi tôi lên cấp III thì có một thay đổi lớn trong đời. Tôi bắt đầu tụ tập đi chơi với các bạn xấu, học lực giảm sút. Gia đình không động viên mà lại chê trách, so sánh với các bạn khác khiến tôi mặc cảm, càng ghét ngôi nhà mình hơn. Ngay lúc đó trường phát động phong trào đôi bạn cùng tiến, rất may mắn tôi được xếp chung nhóm với một bạn gái xinh xắn, học giỏi nhất trường.

Sau nhiều lần học nhóm, tôi bắt đầu cảm mến bạn gái này. Từ đó tôi quyết tâm thay đổi cuộc sống, chăm chỉ trở lại, kiềm chế nóng giận bằng cách nghĩ tới bạn ấy. Kết quả học tập của tôi bắt đầu tiến triển, tôi hòa đồng hơn, tham gia thể thao tập thể nhiều hơn, bạn bè ngày càng mến tôi hơn. Tôi thật hạnh phúc. Ở nhà tôi cũng bắt đầu phụ giúp gia đình và hiểu công việc của ba mẹ cực khổ thế nào.

Thế rồi tôi lại rơi vào trạng thái hụt hẫng khi cô bạn mà tôi thầm yêu từ chối lúc tôi thổ lộ tình cảm. Đau khổ, tuyệt vọng nhưng tôi chưa bỏ cuộc. Đến năm lớp 11 tôi lại nói tiếng yêu cô ấy, nhưng tiếp tục bị từ chối. Tôi như phát điên khi cô ấy tránh mặt tôi. Một hôm chơi đá bóng trong sân trường tôi bị chơi xấu nên cãi cọ, xô xát diễn ra. Không hiểu sao tôi không đánh trả, chỉ đứng cho bị đánh rồi lẳng lặng bỏ đi. Lát sau công an đến mời chúng tôi về trụ sở xử lý. Công an bảo sẽ đình chỉ anh bạn đánh tôi một năm (lúc đó bạn ấy học lớp 12), tôi lại xin công an tha cho bạn ấy, thế là huề…

Đến cuối năm lớp 11, tôi có phần lấy lại được bình tĩnh khi cô bạn gái nói sẽ cho tôi cơ hội nếu tôi vào đại học. Từ đó tôi học như điên… Đến gần cuối năm lớp 12, tình cảm của chúng tôi có vẻ tiến triển đôi chút nhưng lại xuất hiện thêm chướng ngại mới: tôi đăng ký thi ĐH Cần Thơ, cô ấy chọn ĐH Y dược TP.HCM. Trong thời gian ôn thi, chúng tôi không liên lạc, dần dần tình cảm ít ỏi của cô ấy với tôi thật sự nhạt phai.

Sau khi chúng tôi đậu ĐH, tôi ngỏ lời lần nữa nhưng lần này cô ấy lại từ chối. Tôi chỉ biết khóc. Suy nghĩ và suy nghĩ, tôi thấy không nên tiếp tục vì mỗi người đều có sự lựa chọn riêng. Tôi tôn trọng cô ấy. Giờ đây tôi đã vui vẻ trở lại, tôi quen được nhiều bạn mới, môi trường mới đang chờ tôi khám phá. Tôi đang cải thiện bản thân.

Tôi mong bạn cũng vậy. Những thứ đã qua chỉ là quá khứ, hãy nghĩ về hiện tại và tương lai.

taraki_otenlo

___________

Đừng đóng cửa phòng

Tôi năm nay 17 tuổi, học lớp 12. 17 tuổi, tôi và những ai cùng lứa vẫn nghĩ mình đã trưởng thành ít nhiều nhưng đôi khi cha mẹ hay thầy cô vẫn nghĩ chúng tôi là trẻ con. Những giây phút buồn hay cô độc không sao tránh khỏi.

Bạn bè tôi hay chia sẻ với nhau là cha mẹ thường không quan tâm hay không hiểu con cái. Cha mẹ thường bắt con cái làm theo ý mình, sống theo ý mình mà không cần biết con cảm nhận như thế nào. Cha mẹ cũng không mấy khi lắng nghe con, hỏi han để hiểu những suy nghĩ và hiểu đời sống tinh thần của con. Cha mẹ thường dùng quyền làm cha mẹ của mình để ra lệnh, quát nạt hay áp đặt: lúc nhỏ cha không cư xử giống con, lúc nhỏ mẹ không học tệ như con. Con không được làm việc đó, không được mặc bộ đồ đó, không được coi phim đó, không được chơi với đứa đó, không được thi ngành đó, học trường đó…

Càng lớn, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái cứ lớn dần lên. Đến khoảng 15-18 tuổi, cha mẹ và con cái không thể đối thoại, không thể hiểu nhau nữa, cùng gia đình nhưng luôn luôn giữa cha mẹ và con cái có một bức tường vô hình mà cha mẹ dựng lên bởi uy quyền muôn thuở. Những cuộc đối thoại của con cái với cha mẹ thường kết thúc bằng cảm giác mình (là con cái) không được (cha mẹ) tôn trọng. Những cuộc đối thoại dần thưa hẳn và có khi chấm dứt vì con cái chỉ gặt hái những kinh nghiệm thương đau mới.

Tôi hiểu tại sao các bạn cùng lứa tuổi tìm tới “lối sống emo”. Tôi hiểu nhưng không có ý làm theo. Tự hành hạ, làm khổ mình như vậy chỉ là sự rồ dại nhất thời mà hậu quả không nhỏ, những vết sẹo xấu xí không xóa được. Cảm giác cô độc có lui đi chốc lát nhưng rồi sự cô độc khác lại kéo đến đôi khi dữ dội hơn, bế tắc hơn. Không lý nào các bạn lại cắt tay chân mình cho đến khi thành tật nguyền.

Tôi mong các bạn cùng trang lứa khi phải trải qua những khoảng thời gian tồi tệ với những cảm xúc tiêu cực hãy tìm đến bạn bè chứ đừng đóng cửa phòng, trốn tránh mọi người và hành hạ mình. Tôi cũng mong những bậc cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn với con cái, hiểu con cái để sự đối thoại giữa cha mẹ và con cái cởi mở hơn.

THIÊN NGA (Trà Vinh)

______________

Trân trọng kiếp người cha mẹ đã cho ta!

Tôi là một thanh niên 20 tuổi. Từ nhỏ tôi đã trải qua những vất vả gian truân của con nhà nghèo, thiếu thốn đủ thứ trong cuộc sống và học tập. Khi nhận ra công việc của nhà nông không mang lại cho mình tương lai tốt, tôi rời quê lên Sài Gòn.

Lên thành phố, mọi thứ với tôi đều lạ lẫm. Tôi mang nỗi mặc cảm lớn về thân phận và hoàn cảnh, nhưng không vì thế tôi tự ti và xa lánh mọi người. Tôi hòa nhập cuộc sống nơi đô thị rất nhanh và có nhiều mối quan hệ tốt. Tôi tự làm thêm để có tiền sinh sống và theo học tại Trường đại học Kiến trúc. Trong mắt bạn bè, tôi là người nghị lực và bản lĩnh. Dẫu còn nhiều vất vả và thiếu thốn, nhưng cuộc sống của tôi vẫn êm đềm trôi chảy nếu không có người con gái đó…

T. bằng tuổi tôi và chúng tôi gặp nhau trong một buổi sinh hoạt về hội họa. T. xinh xắn, dễ mến, là tiểu thư sống trong một gia đình giàu có và gia giáo. Chúng tôi quen nhau và sau một thời gian trở nên thân thiết, yêu thương nhau. Vì tình yêu, tôi bỏ qua mặc cảm, cố gắng vươn lên, quyết tâm là người thật giỏi để xứng đáng với T..

Rồi đột nhiên T. xa dần tôi sau ba năm yêu nhau, tình cảm nhạt nhòa đến bất ngờ. Mọi liên lạc bị cắt đứt. Sau đó tôi mới biết T. đã yêu một người khác, thành đạt và giàu có. Không thể diễn tả nỗi đau của tôi khi đó. Tôi mất phương hướng, mất niềm tin vào cuộc sống, vào con người. Tôi không tin ai, tôi nghi ngờ tất cả vì niềm tin lớn nhất của tôi đã tan vỡ.

Mọi thứ trong tôi rối bời, tôi bỏ bê học hành, ít nói và chẳng muốn gặp ai. Lang thang trên mạng, tôi học cách giải sầu bằng cách rạch tay, rạch chân mình và đúng là cảm thấy… đỡ buồn. Suốt thời gian dài, tôi trốn mình trong căn phòng trọ tối tăm, ẩm ướt với đống đồ đạc bề bộn xung quanh. Tôi uống rượu một mình, thường xuyên bỏ ăn. Có những lúc nỗi cô đơn và uất hận đã nhen nhóm trong tôi ý định tự tử… Lúc đó chính tôi còn không nhận ra tôi. Tôi muốn gào thét đòi nợ cuộc đời trả lại cho tôi – tôi của ngày trước – một tôi riêng biệt và không lẫn vào ai, một tôi nghị lực và mạnh mẽ.

Một thời gian sau, tôi nhận được tin ba mất. Ba tôi bị chìm xuồng trong một lần ra sông kéo cá. Cái chết của ba khiến tôi như người bừng tỉnh sau cơn mê. Tôi tự dằn vặt bản thân “Mày đã làm gì thế này? Mày có xứng đáng với những hi sinh của ba mẹ vất vả lo cho mày ăn học nơi phồn hoa, đô thị? Mày có nhớ đến giọt mồ hôi của mẹ giữa trưa nắng đi cắt lúa thuê để kiếm đồng tiền ít ỏi cho mày không? Mày có xứng đáng với vong linh của ba nơi chín suối không?…“. Tôi bật khóc, chưa bao giờ tôi khóc nhiều như vậy.

Tôi lột xác! Tôi lao vào việc học, việc làm. Tôi tham gia nhiều hoạt động từ thiện, gặp gỡ và quen thêm nhiều người. Khi làm nhiều việc, bạn sẽ không còn thời gian để nghĩ ngợi lung tung. Tôi nhận ra cuộc sống này còn đẹp lắm.

Qua câu chuyện này, tôi muốn nhắn nhủ với các bạn cùng trang lứa rằng khi chúng ta nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống, nhận ra trách nhiệm của bản thân với gia đình, với cuộc sống và với chính cuộc đời mình, bạn sẽ không rơi vào lạc lõng, không cô đơn và không tự phá hoại đời mình. Hãy trân trọng kiếp người cha mẹ đã cho ta!

lequang2703@…

Source: Báo Tuổi Trẻ

3 thoughts on “Tiếng kêu cứu từ nỗi cô đơn”

  1. Tôi nghĩ mình là nữ chính trong câu chuyện đầu tiên. Một lần rảnh rỗi, tôi đã dùng google để tra nick của anh “taraki otenlo” và tôi đã đọc được bài viết này.
    Anh là nổi ám ảnh nhất trong quản thời gian cấp 3 của mình. Thật sự thời gian đó tôi cũng thích anh. Nhưng vì bản thân rụt rè, lại vì chuyện học hành nên không nghĩ sẽ yêu sớm. Và cuối cùng để lỡ nhau ngần ấy thời gian.
    Giờ tôi đã tốt nghiệp đại học và đang làm việc tại tp HCM. Tôi đã có gia đình, cuộc sống rất hạnh phúc.
    Và điều tôi muốn nói chính là, chồng tôi là taraki otenlo, người đã viết bài viết đầu tiên. 10 năm trước, có nằm mơ tôi cũng không nghĩ cái người cứ lẽo đẽo theo sau mình mỗi khi tan trường sau này sẽ là chồng mình. Chắc anh cũng vậy :).
    Anh là mối tình đầu và cũng là mối tình cuối của tôi.
    Hy vọng mọi người yêu nhau đều sẽ đến được với nhau.
    Love_U

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.