Tôi nghĩ mình lo đi làm, hàng tháng đưa tiền về cho vợ là đã đầy đủ bổn phận. Ngay cả số tiền đó thiếu đủ thế nào tôi cũng ít quan tâm. Cho đến lúc này, đối mặt với cơm áo gạo tiền của chính mình, mới chợt ngỡ ngàng.
Trước đây tôi là người đàn ông vô tâm, hết giờ làm là bù khú bên bạn bè, vui vẻ nhậu nhẹt, tôi không quan tâm đến cảm xúc của vợ mình ra sao, dù nhiều lần vợ tôi nhắc nhở hãy dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Nhưng kỳ lạ, vợ tôi càng cấm đoán tôi lại càng muốn thoát ra, muốn chứng tỏ mình với bạn hữu rằng hôn nhân không thể ràng buộc được tôi.
Đôi lúc về khuya thấy vẻ mặt vợ buồn bã tôi cũng thấy xót xa, nhưng hôm sau vui vẻ bên bạn hữu và các em chân dài tôi lại quên hết mọi nỗi buồn phiền của vợ. Cho tới một hôm vợ đưa cho tôi lá đơn ly hôn, tôi rất bất ngờ, không bao giờ nghĩ rằng có ngày vợ lại dám làm như vậy, nhưng vì tự ái tôi ký luôn. Chúng tôi nhanh chóng ra tòa, sau khi ly hôn tôi mới biết tài sản của mình thực chất chẳng có gì, bao năm chung sống tôi đã chẳng lo lắng được gì, một mình vợ phải gánh vác mọi việc trong gia đình chỉ bởi vì người chồng ham chơi, thích nhậu như tôi.
Thời gian đầu sau ly hôn tôi cảm thấy rất thoải mái, tự do, muốn đi đâu thì đi, không bị ai thúc giục, quản lý. Nhưng sau rồi nhậu nhẹt bù khú mãi cũng chán, nhất là ngày lễ tết, bạn bè đều ở nhà với vợ con, chỉ còn một mình đơn độc tôi mới hiểu cảm giác cô đơn trống trải của vợ ngày xưa mỗi khi tôi đi đến đêm khuya mới về, chắc hẳn vợ từng rất buồn và cô đơn. Giờ đây ngồi một mình trong căn nhà trống trải, nhớ về những tháng ngày hạnh phúc, những tiếng cười đùa của vợ con, tôi thấy nuối tiếc vì đã không biết quý trọng gia đình. Tôi thấy thương vợ con mình hơn bao giờ hết.
Những ngày vội vã, hối hả sau ly hôn cũng qua đi. Tôi bắt đầu sống chậm lại, và chính trong những khoảng lặng nhìn lại ấy, tôi đã giật mình. Dường như trước nay mình chưa bao giờ dừng lại, để nhìn ngẫm, để suy xét. Tôi ngỡ ngàng nhận ra mình đã không hiểu nhiều về người phụ nữ bao năm sống bên cạnh. Cô ấy vui gì, buồn gì, bận rộn gì, mơ ước gì, gặp chuyện khó khăn gì… hầu như phải tự mình bươn chải. Mà phụ nữ vốn yếu đuối và đa cảm.
Tôi đã thờ ơ, như bản chất vô tâm cố hữu của mình, không hề nghĩ rằng đời người phụ nữ khi lấy chồng sinh con đã như một bông hoa dâng mật ngọt cho chính chồng con họ hết rồi. Tôi nhận ra, hình như mình chỉ biết nhận mà chẳng hề cho đi, đã tự làm nguội lạnh nơi được gọi là mái ấm.
Không phải tôi không yêu quý gia đình, nhưng hình như tôi đã quá coi nhẹ những va chạm vụn vặt, những thất vọng nhỏ nhặt, những lo toan mà gia đình nào cũng có. Tôi cứ nghĩ, mình lo đi làm, hàng tháng đưa tiền về cho vợ là đã đầy đủ bổn phận, còn gì để kêu ca, phàn nàn, đòi hỏi kia chứ. Ngay cả số tiền đó thiếu đủ thế nào tôi cũng ít quan tâm. Cho đến lúc này, đối mặt với cơm áo gạo tiền của chính mình, mới chợt ngỡ ngàng.
Bây giờ, tôi thường về nhà sớm, ngồi một mình bên cửa sổ, nơi mà trước đây thi thoảng tôi thấy vợ đã ngồi. Tôi thử tự nếm trải cảm giác cô đơn trong chính ngôi nhà mình, cô đơn ngay bên cạnh người thân, và cảm thấy thấm thía thật nhiều. Giá như tôi sớm nhận ra rằng, có những điều nhỏ nhặt nhưng sức tàn phá của nó thật ghê gớm. Giá như tôi biết, sức chịu đựng của mỗi người đều có hạn. Giá như tôi hiểu, sẽ có lúc những người thân yêu chán nản lìa xa nhau, chứ không phải hiển nhiên họ phải ở mãi bên tôi.
Tôi cũng nhận ra rằng, thành công trong sự nghiệp của bất kỳ cá nhân nào cũng không thể sánh bằng thành công của một người vượt qua chính mình trong cuộc sống, góp phần bảo vệ cho những thành viên trong gia đình mà mình đã lựa chọn và cho chính mình có được một mái ấm hạnh phúc, một cái nôi tốt để nuôi dưỡng những đứa con đang hình thành nhân cách.
Thành công đó không đong đếm, phô trương, nhưng luôn luôn kế thừa được cho con cháu dù con cháu có làm bất kỳ ngành nghề gì, sống ở đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. Phải chăng tất cả những điều đó đã gói gọn thành một chữ “đức” mà ông bà ngày xưa mong muốn để lại cho con cháu đời sau.
Tôi thực sự kêu gọi các đức ông chồng hãy đọc để cảm nhận được tâm sự chân thành này. Mong rằng họ sẽ ý thức hơn để giữ được mái ấm của mình vì suy cho cùng thành công lớn nhất, vĩ đại nhất của một người là có một gia đình hạnh phúc đến cuối đời.