Hồi nhỏ, người tôi ngưỡng mộ nhứt là dì Sáu của tôi. Ai hỏi lớn lên muốn làm gì là tôi trả lời: làm dì Sáu. Chẳng phải vì dì đẹp hay tài ba lỗi lạc, mà chỉ vì tôi thường nghe ngoại, má, mấy dì, mấy mợ… khen dì có phước, được chồng cưng.
Dì Sáu tôi lấy chồng ngoài thị trấn, nghe đâu cũng con nhà nền nếp, gia giáo. Dượng làm công chức, đeo kính nhốp, đầu chải láng o, dáng dấp nho nhã, nói năng mềm mỏng, ăn mặc lịch sự. Với ai dượng cũng xởi lởi thăm hỏi rất chân tình. Bà con họ hàng đều quý mến dượng, nói ông ngoại ăn ở có đức nên con gái được tấm chồng hiền. Riêng bà ngoại thì mừng khấp khởi vì chắc mẩm con mình không chỉ được ăn trắng mặc trơn, không phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời như hầu hết đàn bà ở quê, mà còn tránh khỏi cảnh chồng chúa vợ tôi, sáng say chiều xỉn.
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh mỗi lần dì dượng về thăm nhà bao giờ cũng quần áo thiệt đẹp, thơm tho. Hai người thả bộ trên đường làng, dượng một tay che dù cho dì, một tay xách giỏ, qua cây cầu khỉ bắc ngang con mương trước nhà, dượng nắm tay dì dìu từng bước, luôn miệng: Coi chừng té nha em, chừng, chừng em… y như trong phim, dù dượng thừa biết dì có thể nhắm mắt băng băng đi qua cây cầu dì đã từng qua gần 20 năm.
Thấy vậy ai không nghĩ Sáu sướng nhứt trần đời. Cho tới lần dì Sáu về nhà một mình, vô buồng ngồi khóc kể với ngoại chuyện làm dâu cực như người ở, thức từ bốn giờ sáng đến khuya cũng chưa ngơi tay. Chồng không đỡ đần được cho vợ, nhờ chuyện gì cũng nói anh hổng biết, từ nhỏ đến giờ chưa từng làm bao giờ, em sai anh, hư bột hư đường, ráng chịu nghen. Chịu hết xiết, Sáu đòi ra riêng, dượng trách Sáu không thương chồng, không phụ giúp chồng trả hiếu mẹ cha. Vậy là Sáu phải ngậm bồ hòn làm ngọt mấy năm qua. Sáu về, ngồi chưa nóng chỗ, dượng hớt hải chạy vô nhà, lớp năn nỉ ngoại, lớp năn nỉ Sáu… Giọng dượng nói giống như muốn khóc. Ngoại vốn xưa nay thương dượng cho nên thấy chuyện cũng chẳng có gì lớn lao, răn dạy con gái phải vì chồng mà ráng chịu cực, mà tính ra có thấm tháp gì so với người khác. Vậy là Sáu trở lại nhà chồng.
Lần thứ hai Sáu về khóc với ngoại có cả dượng. Đó là lần hai người mượn ngoại tiền để trả nợ do dượng dễ tin nên bị bạn lừa, giờ mắc nợ nhiều quá trả tiền lời chịu không thấu. Thương con, ngoại gom góp của cải lâu nay chắt chiu đưa cho Sáu. Dượng sụp lạy ngoại nói ơn này con nhớ suốt đời, hứa sẽ làm lụng để có tiền sớm trả cho má, hứa sẽ không làm cho con gái má phải khổ sở lần nữa vì chuyện tiền nong. Ngoại nghe mát bụng, không la rầy dượng tiếng nào.
Bẵng đi chừng mấy năm, ít thấy Sáu về thăm ngoại. Hỏi ra mới biết dì dượng đã dời nhà tới tỉnh khác để… trốn nợ. Dì dượng làm gì để đến nỗi phải mang nợ thì không ai biết, kể cả ngoại. Thương con cháu, ngoại đùm túm những gì có được lặn lội tìm thăm. Chừng về, ngoại thẫn thờ hai ba ngày chưa hết. Ngoại kể, dượng vẫn y như xưa, ông bà sui cũng vồn vã, kêu quán đem hết món này đến món kia đãi đằng ngoại phủ phê như hồi trước, chỉ có Sáu, quay như cái chong chóng, vừa chăm sóc con cái, vừa quán xuyến cái cửa hàng tạp hóa kiếm tiền lo cho cả nhà. Gặp ngoại, dượng cúi đầu chịu tội, nói con xấu hổ, nhục nhã quá, không dám về gặp má. Con làm đàn ông mà không lo được cho vợ con có cuộc sống sung sướng, con không xứng đáng làm rể má… Còn ông bà sui thì khen con dâu nức nở khiến ngoại muốn trách cũng không trách được, bị rào đường chặn ngõ hết ráo rồi.
Từ đó, cứ vài ba tháng ngoại lại cụ bị đi thăm Sáu. Đi vài chuyến, ngoại bắt đầu sinh nghi. Ngoại nói “hình như thằng dượng mày nó thất nghiệp. Tao thấy nó muốn ở nhà là ở nhà, muốn đi giờ nào là đi. Ở không ăn xài kiểu đó núi cũng lở, huống chi là…”. Thêm vài chuyến nữa, ngoại dứt khoát không bao giờ tới thăm Sáu, lý do thì chỉ mình ngoại biết. Chỉ một lần, lúc đó tôi đang đấm lưng cho ngoại, ngoại thủ thỉ, dặn dò: “Ráng mà tỉnh táo chọn chồng nghen con”. Tôi cắc cớ ghẹo ngoại: “Ủa, phải mê mới chọn, chớ tỉnh sao chọn được ngoại?”. Ngoại cười buồn hiu, “ờ, ngoại nhắc cho có chừng thôi, chớ ngoại biết khó, khó lắm, như Sáu mày…”.
Cũng hơn chục lần Sáu tính ly hôn. Giận, viết đơn, dượng ỉ ôi hứa hẹn, lại xé đơn. Cứ vậy mà làm riết. Dượng không cờ bạc, không rượu chè, không bạo hành vợ. Dượng chỉ làm biếng và nói dóc tổ. Lúc đầu, Sáu bỏ qua, tại thấy cũng không chết ai… Nhưng ngày qua tháng lại, niềm tin cứ lụi dần mà vẫn phải sống chung vì con cái, vì tiếng thơm… Sẵn đà được ngoại tâm sự, tôi thắc mắc: “Vậy tại sao ngoại không đi thăm Sáu nữa?”. Ngoại thở cái khì, “ờ tao thấy buồn, ân hận, lên xe đò ngồi mà tưởng tượng ông bà sui, thằng rể đang cười ngạo mình, già sắp xuống lỗ nghe nói nịnh mà cũng tin”.
Theo PNO