Tôi và người yêu cũ đã chia tay, lý do là tình cảm không còn. Mặc dù thế, tôi nghĩ vẫn nên duy trì mối quan hệ bạn bè, chứ không nên vì đã hết yêu mà xem nhau như người dưng, ngoảnh lưng quay mặt.
Không biết có phải vì thế mà tôi tự đặt mình vào thế khó hay không, bởi người cũ cứ nhân danh bạn bè mà không để cho tôi yên. Mới đây tôi đã có đối tượng hẹn hò khác, người cũ đến tìm tôi nhiều hơn, như một vị khách không mời, thản nhiên bấm chuông, thản nhiên vào nhà tôi ngồi “ám”. Người cũ hỏi tôi nhiều chuyện liên quan đến đời sống riêng tư, đến tình cảm mới tôi đang có. Thái độ anh ấy nhiều lúc quá khích tới mức tôi buộc phải nhắc nhở giữa chúng tôi không còn gì, chỉ là bạn, mà với bạn bè thì tôi có thể chia sẻ có thể không, tôi không có nghĩa vụ phải kể hết chuyện riêng tư của mình với anh nếu không thấy thoải mái. Đáp lại thái độ của tôi, người cũ lại có những hành động bạo liệt hơn, cố tình chạm vào tôi và đẩy tôi lên giường.
Làm sao để rõ ràng được một lần với anh ấy rằng quan hệ của chúng tôi đã hết, anh ấy không có quyền cứ thích thì lại đến tìm tôi. Làm sao để người cũ hiểu rằng anh ấy cần buông tay, để cho tôi ra đi vì mọi chuyện đã chấm hết?
Bạn trẻ thân mến
Vấn đề đúng là nằm ở lựa chọn “không còn là người yêu thì làm bạn” của bạn đấy. Khi chia tay, người ta cần chia tay bằng cả hành động chứ không phải chỉ lời nói. Có những người nghĩ rằng duy trì mối quan hệ bạn bè là cách đối tốt với nửa kia, song thực ra, giải pháp đó có thể là con dao hai lưỡi, khiến người kia vẫn luôn nuôi hy vọng.
Bạn nên “chia tay lại” một lần nữa. Cá nhân tôi cho rằng, ngoài những cặp đôi đã có chung mối ràng buộc về con cái, không thể không liên quan đến nhau và nên duy trì mối quan hệ hòa hảo vì các con, thì những cặp đôi khác hoàn toàn không nên tiếp tục gặp gỡ nhau sau chia tay, ít ra là nên giữ khoảng cách một thời gian nhất định để hoàn toàn chấm dứt những dư âm do mối tình để lại. Bạn nên dành thời gian của mình cho những người bạn riêng, và chấm dứt hoàn toàn việc qua lại, gặp gỡ người cũ cũng như gia đình, bạn bè anh ấy, cả những người bạn chung…
Cả hai bạn bây giờ đều cần đưa ra những ranh giới rõ ràng về việc sẽ không xâm phạm vào cuộc sống của nhau, không đến nhà, không tìm cách lại gần nhau. Đừng đặt gánh nặng “buông tay và tiếp tục sống” lên một mình người cũ. Bản thân bạn cũng cần chắc chắn rằng bạn không bắn tín hiệu, không gieo thêm hy vọng.
GocTamSu.com – Một buổi chiều tháng Ba năm 2010, tôi vào trang cá nhân của mình, bất chợt liếc qua phần “tình trạng hôn nhân”. Frank, người chồng 42 tuổi của tôi vừa mất được một tháng, nhưng ở đó vẫn ghi “có gia đình”.
Trong sự dứt khoát thoáng chốc của kẻ đang ngồi ở thế kỷ 21, tôi chuyển tình trạng hôn nhân của mình thành “góa bụa”. Chẳng từ nào diễn tả được chính xác hơn thế, “độc thân” nói lên quá ít. Tôi cũng nghĩ đến một lựa chọn khác là “Rất phức tạp” (có sự mất mát nào không phức tạp cơ chứ?), nhưng rồi lại thôi. Một số từ khác như “Chia cách” cũng hiện ra trong đầu, nhưng tình trạng của tôi còn bi đát hơn chia cách nhiều. Có những người vẫn hy vọng có thể tìm lại nhau dù chia cách. Còn với tôi, sự ra đi này là mãi mãi.
Vậy nên, ở tuổi 39, sau 7 năm kết hôn, tôi không còn là phụ nữ có gia đình. Tôi là bà góa. Bệnh tật và cái chết của Frank thuộc về anh ấy, nhưng chúng cũng làm thay đổi cuộc đời tôi, đưa ra những yêu cầu và đòi hỏi hy sinh. Con đường biến tôi từ một người vợ sang một bà góa rất dài, gập ghềnh và đau đớn. Hai năm trước khi Frank mất, tôi ở đó bên anh ấy, nhìn anh chống chọi với bệnh tật, không lúc nào không nuôi hy vọng và luôn nhắc mình phải lạc quan lên. Frank mắc một loại ung thư thực quản rất hiếm và quái ác. Khi tình trạng ung thư được kiểm soát, tôi vui với anh, khi nó xuất hiện trở lại, tôi đau nỗi đau của anh, tuyệt vọng cùng anh. Tôi nhào theo khi xe cấp cứu chở anh đến bệnh viện lúc nửa đêm, hỏi bác sĩ hàng ngàn câu hỏi về ung thư và ghi chép. Tôi khóc trên điện thoại khi gọi điện làm việc với bảo hiểm y tế. Rồi một sáng, khi tôi rời phòng bệnh có một lát để đi gọi điện, thì Frank qua đời. Lúc người ta thông báo, tôi quỵ xuống sàn, khóc lóc, đau đớn, dày vò tột độ vì đã không ở bên anh đúng giây phút cuối cùng.
Cho dù đã quyết định sẽ vẫn tiếp tục đeo nhẫn cưới suốt 1 năm sau khi Frank mất, 6 tháng sau, tôi cảm thấy vết thương đã dịu đi rất nhiều và có thể hẹn hò trở lại. Tôi bắt đầu nhớ cảm giác có đôi, có một người đàn ông làm bạn đồng hành. Thế nhưng khi quay lại hẹn hò, “góa bụa” lại trở thành vấn đề quá lớn. Đàn ông tránh nói về chủ đề đó với tôi.
Người đàn ông đầu tiên tôi thử hò hẹn là một vận động viên thể thao. Sau 2 tháng, anh ấy cố nặn nụ cười để nói với tôi lời “anh rất tiếc” trước khi đổi chủ đề từ “góa bụa” sang nói chuyện thể thao. Đó là một phản ứng thích hợp, nhưng chẳng cần nói tôi cũng đủ cảm thấy tiếc cho mình rồi. Sau chuyện này, tôi khó lòng chịu nổi việc ở bên ai đó cảm thấy tiếc cho tôi, thương hại tôi.
Một người đàn ông khác, khi biết “tiểu sử” của tôi thì “chạy” ngay tắp lự. Nhìn chung, đàn ông đến với tôi, cứ khi nào tôi thấy đủ thoải mái để kể chuyện của mình cho họ, thường là sau vài lần hẹn hò, thì họ sẽ ngãng ra, không email, không điện thoại nữa.
Tôi thừa nhận, việc tôi vẫn còn đeo nhẫn cưới và nói về Frank có thể là dấu hiệu để người ta nghĩ tôi chưa sẵn sàng sống tiếp. Nhưng tôi thực sự bị giằng xé giữa cảm giác quá gắn bó với những kỷ niệm về Frank và mong muốn bước tiếp về tương lai mà không có anh ấy.
Góa bụa dường như có một ảnh hưởng lạ kỳ nào đó lên cách đàn ông tiếp nhận tôi. Một số họ gọi tôi là “đầy nghị lực”, đến nỗi có lúc tôi thấy như họ đang nhìn tôi là một vị thánh sống. Còn cuộc hôn nhân đã qua của tôi trong mắt họ thì hoàn hảo đến không tì vết, mặc dù thực tế không phải vậy.
Cuộc hôn nhân ấy bình thường như hôn nhân của bao người khác, cũng có lúc thăng trầm. Một năm trước khi Frank ốm, chúng tôi có lúc còn phải gõ cửa trung tâm tư vấn, thậm chí đã thử chia tay, nhưng chưa bao giờ chúng tôi đặt câu hỏi liệu tôi có ở bên Frank không khi anh ấy ốm.
Dẫu thế, có vẻ như sự ra đi của Frank đã làm dịu tất cả, những sần sùi, gai góc của cuộc hôn nhân, chỉ để lại điều gì đó thật lý tưởng đến không thể chạm vào, như một mối đe dọa với những người đàn ông định đến bên tôi vậy.
Cứ thế tôi hò hẹn được 2 năm, có những người chỉ gặp gỡ, chuyện trò duy nhất 1 lần, có người vài tháng. Dường như luôn có rào cản giữa tôi với họ, và đó thường là Frank. Ở tuổi còn trẻ, tôi đã kết luận rằng, “bà góa” khác với những người đàn bà khác, khác với mọi người. Và tôi thì là một trong những người đàn bà góa bụa.
Rồi gần đây, tôi gặp một người đàn ông – bạn của bạn. Anh ấy gặp tôi khi đang từ Châu Âu du lịch khắp New York. Chúng tôi hẹn nhau đi uống nước và có khoảng thời gian vui vẻ, kể nhau nghe những câu chuyện về thời thơ ấu, chia sẻ về cuộc sống của mình như thế nào khi là một nhà văn. Tôi cho rằng người bạn chung đã nói với anh ấy việc tôi mất chồng. Thực ra thì người bạn ấy không nói, nhưng tôi cứ cảm giác thoải mái trong khi trò chuyện như thể anh biết rõ về điều đó vậy. Có lẽ vì cuộc trò chuyện đó không thực sự giống một buổi hẹn hò. Thay vì “rất tiếc”, anh ấy phản ứng bằng sự đồng cảm: Anh ấy muốn nghe nhiều hơn, anh ấy hiểu, được nói ra hết quan trọng với tôi thế nào.
Đó là điều những người đàn ông khác còn thiếu. Buổi tối của chúng tôi kết thúc rất trong sáng, nhưng lại ngân lên những rung động lớn trong tôi, nhắc tôi một điều rằng mình vẫn có khả năng gắn kết với đàn ông.
Tôi không tin cái chết đồng nghĩa với một bài học nào đó cho chúng ta. Nhưng tôi biết Frank khi ốm chẳng mong muốn gì hơn là được sống thêm một ngày. Và đó là điều đáng ghi nhớ: Nên trân trọng mỗi ngày mà mình có. Tôi không chắc rồi mình có kết hôn nữa hay không. Cho dù có kết hôn lần nữa, cho dù “tình trạng hôn nhân” trên trang cá nhân của tôi lại thay đổi, tôi vẫn mãi mang theo trải nghiệm về cuộc sống của một phụ nữ góa chồng.
Song gánh nặng đã nhẹ hơn. Ở chính nơi mà ý nghĩ về việc yêu thêm lần nữa dường như chẳng bao giờ thành hiện thực, tôi đã mang một cảm giác khác. Tôi không cảm thấy bi kịch, dị thường. Tôi thấy sẵn sàng. Gần như là thế.
Huyền Anh
Lược dịch theo Rosie Schaap/MC
– Nhỏ to tâm sự chuyện tình cảm tình yêu hôn nhân gia đình và cuộc sống