Có lẽ vài bạn thắc mắc lắm vì sao “tôi lại là dì ghẻ của con mình” lại có chuyện nực cười như vậy. Nhưng có đấy bạn ạ! Theo như những gì những người thân của tôi miêu tả.
Con tôi hơn 5 tháng tôi đã cho vào địu đi chợ, đi chơi. Nhà chỉ có mẹ con. Cha đi làm cả ngày thử hỏi lúc bé bú mẹ thì còn nhịn ăn được chứ đến tuổi ăn dặm không vác nhau đi chợ thì nhịn đói sao.
Con hơn 6 tháng tôi vác ngay về nhà cái ghế ăn gỗ. Nội thì ca thán rằng “con người ta mười mấy tháng vẫn nằm ăn đấy thôi”. Ngoại thì bảo “mày chơi sang quá ha”. Thời gian đầu bé chưa chịu hợp tác nội thì bảo “con nít phải vừa ăn vừa vận động nó mới tiêu, cho nó chơi đi”. Ngoại thì “mở ti vi cho nó xem, mở nhạc cho nó nghe”. Với tôi thì không ngồi thì không ăn. Khi ăn thì chỉ tập trung ăn.
Bé không bú bình và bú đêm. Tôi đút sữa, nội bảo ” đây để mẹ tập, con phải canh chừng đêm kêu nó dậy bú, con cô X cháu chú Y đêm thức bú 5 lần luôn đấy”. Tôi thì “vâng, mẹ cứ tập. Đêm con sẽ kêu bé dậy để mẹ cho bé ti nhé”. Kết quả thấy bình sữa nó khóc thét, không thèm uống giọt nào dù bỏ 2 cử sữa liên tiếp. Con tôi từ bé dùng kháng sinh nên biếng bú lại có chứng trào ngược dạ dày nên hai vợ chồng tôi chẳng khi nào ép bé. Trộm vía bé vẫn tăng cân đều. Vả lại sau này tôi mới phát hiện ra là cô nàng không thích sữa chứ không do bình sữa vì bình nào cho nước vào nàng cũng ti nhưng sữa thì không. Ngoại thì “cứ cho nó ăn thay sữa”. Tôi thì dưới 1 tuổi sữa là thực phẩm chính, bé không thích thì uống ít, nhiều lần. Sau một tuổi không ép lúc nào muốn uống thì uống.
Con tôi ăn dặm nói KHÔNG với máy xay, làm bạn với rây, cối chày, thớt dao. Tôi tăng độ thô cho con sớm vì theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật. Tôi không chấp nhận hành vì 2 tuổi còn ăn cháo. Dù bé ăn ít sau mỗi lần tăng độ thô trộm vía bé lại biết nhai, không nuốt đồ ăn khi nó chưa nhuyễn.
Tôi tập cho bé ăn tất cả mọi thứ bé có thể ăn được như thịt heo, gà, cá lóc, cá diêu hồng, cá basa, cá bóp, cá hồi, gan gà, trứng gà, các loại rau củ kể cả bí đao. Tôi không chấp nhận cái lý thuyết cá hồi tốt nhất nên chỉ nên ăn cá hồi, bí đao có bổ gì mà cho ăn vì tôi từng đọc một tâm sự của một mẹ khi nuôi con kiểu “sang chảnh”, sợ lắm ân hận không kịp. Hơn nữa thực phẩm không bổ nhiều thì bổ ít. Xưa kia làm gì có cá hồi mà ăn dân mình vẫn khối người thành đạt, trẻ con chẳng khỏe mạnh ra. Chủ yếu bé cần ăn đủ vị để không kén ăn, đủ chất để phát triển.
Con bước vào giai đoạn biếng ăn chán sữa tôi thay bằng cháo, chán cháo tôi thay bằng sữa. Hỏi
ý kiến bé 3 lần nếu bé vẫn không muốn ăn tôi đem bỏ luôn chứ không phải cất để dành lát năn nỉ tiếp. Trẻ đói sẽ muốn ăn và thèm ăn. Cứ không ăn thì ép, thành sợ ăn, không ăn nên cho ăn vặt đầy bụng lại không ăn. Cái vòng lẩn quẩn biếng ăn đó bao giờ dứt.
Tôi tắm con bằng nước lạnh khi bé hơn 9 tháng vì vào đỉnh điểm mùa hè. Tắm nước lạnh còn không hạ hỏa, tắm nước nóng chắc bốc khói luôn.
Tôi không tập con ở điều hòa
như ý nội. Biết rằng con sẽ thoải mái nhưng sẽ thế nào nếu 1 ngày nào đó bé đi chơi xa hay cúp điện.
Tôi tập bé nằm giường ngủ thay vì ngủ võng như bà tập hồi nhỏ, đơn giản vì con tôi nó ngủ nằm sấp kể cả nằm võng nên mỗi khi cô nàng ngủ phải có người canh, mỗi lần đổi tư thế là y như rằng ” đất ơi, ta đến đây…”. Thời gian đầu bé ngủ không say giấc thậm chí khóc suốt đến 12h đêm. Nhưng khi quen bé không bị giật mình lúc bế từ võng xuống giường.
Cứ thế trộm vía con tôi không bú bình nên không cần cai bình sữa. 10 tháng tôi tập bé uống nước và sữa bằng ống hút. Mỗi khi ăn là ngồi vào ghế ăn xong mới bước xuống đi chơi không đi rong hay bưng chén cháo đến chảy nước.
Làm con tôi khổ lắm, không có đồ đẹp mặc mà chỉ có đồ thoải mái thôi.
Không có đồ ăn ngon mà chỉ có đồ ăn đủ chất.
Khi ăn không được đi chơi mà phải ngồi một chỗ.
Sữa không được bú bình mà phải hút bằng ống hút.
Không được ngủ võng lắc lư mà phải nằm giường nhưng đi đâu cũng ngủ được.
Điều tiếp theo tôi làm là tập bé tự xúc cơm ăn, tự tắm cho mình và tự xếp quần áo.
Dĩ nhiên không dễ, nếu dễ đâu ai sợ trốn tránh trách nhiệm làm cha mẹ. Nhưng đã làm con tôi là phải tự lập trước đã. Học có thể không cần giỏi nhưng phải biết tự lo cho bản thân, không ai đảm bảo bạn sống cả đời để lo cho con. Tôi muốn dạy cho bé kỹ năng sống trước khi học kiến thức sống.