Cậu mợ cưới nhau được 7 năm, cũng có với nhau hai mặt con, một nếp, một tẻ. Tưởng rằng cái gia đình bé nhỏ ấy sẽ trong ấm ngoài êm, ai ngờ…
Mấy năm sau, không chịu được cảnh nhà quê lam lũ, mợ bỏ lên thành phố rồi đi bước nữa, cậu gà trống nuôi con, hàng ngày chạy bắt lợn thuê cho mấy ông bán thịt bỏ mối khắp chợ, dần già cũng làm quen được cô bán thịt đã ngoài 30 “xém ế” gần nhà.
Đám cưới diễn ra trong không gian ấm cúng, ai cũng mừng cho cậu “bắt” được “gái chưa chồng” đảm đang, tháo vát lại giỏi buôn khéo bán, sẽ lo toan được cho gia đình.
Năm đầu tiên mọi chuyện chưa vỡ lở. Đến năm thứ 2, sau khi mợ hai sinh em bé, ngoài đầu đình thiên hạ xôn xao: Trước khi lấy chồng, mợ có vay bà chị dâu một khoản tiền, để làm gì, không ai biết. Giờ bà chị ấy đòi.
Cũng kể từ đó, mợ tỏ thái độ hằn học, cư xử rất thô lỗ, hay đá thúng đụng nia, nhất là khi có mặt thằng con riêng của cậu, cứ như nó là cái gai đáng ghét lắm.
Thấy cảnh nhà nheo nhóc, vợ nợ nần, cậu quyết đi xuất khẩu lao động, trả hết nợ và lo cho thằng lớn học hành đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, mợ ở nhà vẫn mặt sưng mày sỉa và khoe mẽ “cần gì phải nhờ vả ai”.
Làng xóm láng giềng có lỡ mồm khen thằng lớn “đẹp y chang mẹ nó” là mợ móc ngoéo: “Sao mày không đi theo con mẹ mày luôn đi. Mẹ mày thì ham giàu chứ có mẽ gì mà sang!”
Khi thằng lớn thi đậu vào cao đẳng, mợ nhất quyết không cho tiền nhập học, vứt hết sách vở vào chuồng gà bắt nó ở nhà làm đồng, trồng khoai. Cậu thấu hiểu suy nghĩ “mẹ ghẻ con chồng” nên âm thầm chuyển tiền vào tài khoản thằng bé để nó yên tâm học.
Chuyện chưa dừng tới đó. Mọi người phát hiện mợ dắt trai về nhà ngủ trong lúc vắng chồng. Cậu ngửa đầu lên trời kêu khổ. Tại cái số cậu khổ, hay sướng khổ do mình?
C.Nguyễn