Tôi chẳng thể nào quên hình bóng anh và chín năm trôi qua, năm nào tôi cũng trở lại nơi anh cầu hôn mình để tìm lại chút hơi ấm ở trong lòng.
Chúng tôi quen nhau trong đêm hội diễn văn nghệ. Anh là cây văn nghệ của sinh viên khoa hóa, còn tôi dẫn chương trình. Trước phong thái lịch lãm, chững chạc cùng giọng hát trầm ấm lắng đọng của anh, một trái tim vốn chưa một lần cảm xúc, một cô gái khó tính như các bạn trong lớp thường nói về tôi đã thay đổi, nói một cách trần trụi thì tôi đã bị anh hút hồn.
Càng tiếp xúc, tôi càng khâm phục trước những kiến thức phong phú của anh. Quê anh ở Quảng Bình, là anh cả trong gia đình có 4 anh em. Anh vừa đi học vừa dạy thêm, lịch dạy kín mít để có đủ tiền trang trải việc học và gửi về quê phụ mẹ nuôi các em. Còn tôi là con gái rượu trong nhà, từ nhỏ đến lớn được bố mẹ và anh trai cưng chiều. Trong nhà luôn có từ 2 đến 3 người giúp việc nên tôi chẳng biết nấu nổi một bữa cơm, suốt ngày chỉ biết cắm đầu vào học và khi rảnh thì cùng bố mẹ đi du lịch. Anh ngại trước sự giàu có của gia đình tôi, và rất tự trọng khi tôi có nhã ý muốn giúp đỡ anh một chút gì đó, nhưng không bao giờ được anh chấp nhận, anh nói:
– Anh yêu em, yêu tính cách và bản chất thánh thiện của em. Mong em đừng bắt anh bỏ đi lòng tự trọng của người đàn ông. Công việc của anh rất bận rộn, những ngày lễ anh đã không có mặt bên em đúng lúc, thế mà em không giận hờn, trách móc. Em đã biết và cảm thông cho anh như thế, anh thật sự hạnh phúc nhất rồi!
Thấy tôi rảnh rỗi trong những ngày hè, anh rủ tôi đi dạy thêm. Lần đầu nhận được tiền chính công sức mình bỏ ra, tôi rất vui, tôi mời anh đi ăn. Lần đầu tiên anh cho tôi trả tiền, chứ những lần đi ăn uống trước mỗi khi thấy tôi móc ví, anh nghiêm nét mặt không hài lòng nói:
– Chẳng lẽ anh không đủ tiền mời người mình yêu đi ăn sao?
Người phụ nữ không biết nấu ăn là người phụ nữ chưa thật sự hoàn hảo, anh nói vậy và dẫn tôi ra chợ, chỉ cho tôi cách chọn những mớ rau ngon, hướng dẫn cho tôi cách kho cá. Sau một tuần tôi đã biết nấu những món đơn giản nhờ sự trợ giúp của anh và chị giúp việc ở nhà. Anh nói về các lớp tình thương, các em tật nguyền mồ côi bố mẹ, anh nói tôi lúc nào rảnh, hãy đến dạy cho các em, khi đó sẽ thấy giá trị của cuộc sống lớn đến mức nào. Bên anh tôi cảm thấy yên bình và thật ấm áp.
Rồi một ngày khi tôi chạy băng qua đường để đến lớp học, chiếc xe ngược chiều đã đâm sầm vào tôi, tỉnh dậy thấy chân mình đã bị băng bó do chấn thương cột sống. Sau khi tôi nghe lén được bác sĩ nói nhỏ với bố mẹ tôi là trường hợp tôi rất nặng, nguy cơ bị liệt hoàn toàn rất cao, tôi khóc rất nhiều. Anh bỏ dạy để túc trực bên tôi, an ủi tôi, còn tôi thì mặc cảm mình là người bệnh tật, tôi cáu gắt với anh, đuổi anh về. Tôi nói tôi không hề yêu anh, chỉ xem anh như một trò đùa trong tình yêu, tôi nói nhiều và rất nhiều nhưng anh đều bỏ ngoài tai, vẫn dịu dàng đến bên tôi, chăm cho tôi từng muỗng cháo.
Nghĩ mình là người tàn phế không muốn làm khổ anh, chỉ có một cách duy nhất để anh rời xa tôi là đánh vào lòng tự trọng của anh, tôi lựa lúc có mặt đầy đủ bố mẹ mình vờ cáu gắt anh, nói anh đến với tôi chỉ vì sự giàu có của gia đình. Khuôn mặt anh từ chịu đựng chuyển sang tái mét, anh bóc hết quả cam đang bóc dỡ rồi lẳng lặng bước đi.
Ba ngày trôi qua, anh không đến bệnh viện thăm. Tôi vừa đau vừa ngẩn ngơ vì nhớ, hối hận vì những lời nói của mình, nhưng rồi tự an ủi, mình làm thế sẽ tốt cho anh, sự tật nguyền sẽ làm cho những người thân yêu đau khổ. Bảy ngày trôi qua, tôi đếm từng khoảnh khắc và nhìn ra hành lang, trông chờ hình bóng anh xuất hiện. Một sự mâu thuẫn nội tâm rất lớn, tôi chẳng buồn ăn uống, chẳng nói một lời.
Đến ngày thứ 12, khi tôi không còn sức để ngóng chờ nữa thì anh lại đến, râu ria anh mọc dài, bộ dạng tiều tụy chẳng kém gì tôi. Đi bên anh còn có thêm 5 em học sinh nữa, em thì sứt môi, em thì bị quẹo tay, hai em bị ngọng, và một em đi tập tễnh. Anh cầm tay tôi áp sát vào má anh, những dòng nước mắt anh nóng hổi, lần đầu tiên tôi thấy anh khóc, nước mắt tôi cũng chảy dài. Lau nước mắt cho tôi, anh đưa tay vào túi quần lấy ra chiếc hộp nhỏ, mở ra là một chiếc nhẫn khắc tên hai đứa. Anh lồng vào ngón tay áp út của tôi và nói trong xúc động:
– Hãy để anh được chăm sóc cho em! Anh yêu tâm hồn của em, yêu sự nhân hậu và tính cách của em chứ không phải bề ngoài hiện tại. Anh không thể thiếu em. Đừng lảng tránh anh! Em cứ làm thế sẽ gây thêm khổ cho cả hai mà thôi. Hãy làm người phụ nữ của anh, em nhé!
Tôi òa khóc, bố mẹ tôi cũng khóc khi nghe anh nói và thấy em học sinh bước những bước nặng nhọc đưa bó hoa đến bên tôi, vẻ nũng nịu dỗ dành:
– Cô ơi, cô chấp nhận làm vợ của thầy em nghe cô! Mấy ngày nay thầy buồn lắm, cũng chẳng thiết ăn uống gì .Chúng em cùng thầy sẽ chăm sóc cho cô.
Lời cầu hôn của anh như liều thuốc làm tôi phục hồi nhanh chóng, được sự trị liệu của các bác sĩ giỏi và sự chăm sóc của anh, sau một năm tôi đã gần như bình phục hoàn toàn. Giai đoạn tôi hạnh phúc nhất là khi sắp được làm cô dâu, sắp được làm người phụ nữ của anh thì anh lại rời xa tôi mãi mãi trong một vụ tai nạn xe ở đường hầm, anh đã không cho tôi được chăm sóc anh, dù chỉ là một giờ.
Chín năm trôi qua, tôi không thể nào quên được hình bóng anh trong trái tim và cứ mỗi lần đến đúng giờ, ngày, tháng của ngày anh cầu hôn năm nào, tôi lại đến bệnh viện, nơi căn phòng bốc mùi hóa chất khử trùng, nơi của sự lạnh lẽo, cô đơn. Ngày ấy anh đã đem luồng sinh khí sưởi ấm cho cả căn phòng. Không nến, quần áo lụa là, không mặt mày trau chuốt, anh đã cầu hôn bằng tất cả tấm lòng thành, giản dị mà lấy đi rất nhiều nước mắt của tôi và những người lớn.
“Anh ạ! Em sẽ thay anh chăm sóc cho mẹ và các em anh!”.