(Dân trí) – Anh là người đa tài, võ, vẽ, đóng phim anh đều thử qua rồi. Không có từ nào phù hợp để nói về anh hơn từ “nghệ sĩ”. Cũng bởi cái tình nghệ sĩ quá nặng trong người mà số phận anh cứ long đong lận đận, để rồi một ngày kia anh đã được ghi tên vào sách “Kỷ lục Việt Nam”.
Những chữ ký nghĩa tình
Chiếc xe Lambretta với hơn 400 chữ ký của diễn viên, đạo diễn đã đưa anh trở thành kỷ lục gia vào năm 2006. Đây là chữ ký của những người mà anh khâm phục cả về đức lẫn tài. Trong số hàng trăm chữ ký chi chít trên xe, Quang Đạt ấn tượng nhất chữ ký của diễn viên Lê Chánh.
Khi đó, người diễn viên này đang lâm bệnh nhưng vẫn nhiệt tình cho chữ ký. Quang Đạt phải dìu ông đến chiếc xe, đỡ tay để ông ký cho khỏi run. Khi ký xong, Quang Đạt thấy lưng áo ông ướt đẫm mồ hôi. Anh rơi nước mắt vì tấm thịnh tình của ông. Đó cũng là chữ ký khá đặc biệt vì nét chữ vừa bay bướm nhưng lại run rẩy vì yếu sức.
Tuy vậy, việc xin chữ ký cũng không dễ dàng gì. Có dạo anh phải tìm đến nhà một diễn viên trên 40 lần với hàng chục cú điện thoại mới có được chữ ký. Chiếc xe Lambretta giờ có hơn 407 chữ ký của các diễn viên, đạo diễn. Chữ ký mới đây nhất là của diễn viên Thanh Thúy. Anh bắt đầu sưu tập chữ ký trên chiếc xe này là vào năm 1991 với chữ ký đầu tiên của nam diễn viên Lê Tuấn Anh.
Trong số 99 chữ ký trên 99 chiếc giày của các diễn viên điện ảnh, Quang Đạt cứ nhớ mãi lần anh xin giày nghệ sĩ Hồ Kiểng – người đạt kỷ lục là diễn viên đóng vai phụ nhiều nhất. Anh kể: “Chú Hồ Kiểng chỉ có duy nhất một đôi giày dưới gầm tủ. Trong căn nhà lụp xụp, chú lom khom lấy một chiếc đưa cho anh. Anh cứ đứng lặng người đi vì nhà chú nghèo quá mà sẵn lòng hy sinh làm nghệ thuật”.
Bộ sưu tập của Quang Đạt.
Con số 99 cũng cho anh nhiều cảm hứng để làm bộ sưu tập. Anh có cây bút có 99 chữ ký của phóng viên, nhà báo; bức tranh được 99 họa sĩ vẽ với chủ đề về cuộc đời: sinh, lão, bệnh, tử; lá cờ với chữ ký của 99 võ sư trên mọi miền đất nước; một máy quay phim với 99 chữ ký của nhà quay phim; một bộ đĩa vói 99 chữ ký của ca sĩ.
Ngày xưa, hàng xóm thấy anh mang về nhà toàn xoong, nồi, chảo cũ “ngược thời gian” (chữ của Quang Đạt) cứ bảo anh dở hơi. Anh cười bảo: “Mấy thứ đó bây giờ quý lắm, kiếm không ra đâu, rất cần thiết để đóng những phim ngày xưa”. Quý là thế nhưng Quang Đạt bảo khi anh mất sẽ hiến tất cả đồ sưu tập cho bảo tàng điện ảnh.
Bao lần khóc với đất Sài Gòn
Anh trầm ngâm: “Mình đã bao lần đổ nước mắt ở cái đất Sài Gòn này”. Anh có hai người mẹ nuôi ở thành phố này và họ đều mất trên tay anh, nhưng người mẹ ruột ngoài Đà Nẵng lại không kịp nhìn thấy mặt con trai trước khi mất. Trong những ngày đó, anh đang ở Huế trong hành trình xuyên Việt kêu gọi ủng hộ nạn nhân chất độc da cam. Dù bỏ dở hành trình nhưng mãi đến hai ngày sau anh mới về tới nhà được để gặp mẹ lần cuối.
Anh tâm sự: “Tình yêu điện ảnh làm mình khổ. Vì nó mình bỏ vợ bỏ con lang thang ở đây. Đêm về nằm ngủ co ro một mình. Thèm một mái ấm gia đình lắm chứ”. Gắn bó với điện ảnh đã lâu (từ năm 1988) với đủ vai trò: diễn viên, họa sĩ thiết kế, phó đạo diễn, phó chủ nhiệm nên Quang Đạt hiểu rất rõ về nghề này: “Bên ngoài, nó có bề mặt văn hóa, rất đẹp nhưng bên trong, đó là sự giành giật, tranh đấu với đủ mọi thủ đoạn”.
Chữ ký của diễn viên Lê Chánh
nằm sát dưới chữ Lambretta.
Anh nói: “Những khi buồn quá, Quang Đạt chỉ biết ngồi và ngẫm nghĩ. Nhưng nhờ thế mà mình thấy được nhiều điều người khác không thấy. Mình không thích tính toán, chứ nếu không bây giờ đã khá lắm”. Có hai phòng tranh ở Bà Rịa – Vũng Tàu, anh cũng bị người ta lừa lấy mất trong một lần bận đi đóng phim.
Vợ anh có đồng ra đồng vào cũng nhờ người ta đến tham quan phòng triển lãm rồi… ghé uống nước ở quán của chị. Đến giờ mang danh là nghệ sĩ mà anh chỉ xài chiếc điện thoại màn hình trắng đen. Chiếc điện thoại cũng dở hơi, khi không đang gọi bỗng dưng tắt khiến nhiều lần Quang Đạt bị người ta hiểu lầm là “chảnh”.
Căn nhà của anh ở Bà Rịa – Vũng Tàu cũng chỉ được xây có 30 triệu mà giờ anh còn nợ 10 triệu nữa chưa trả xong. Có lần đi chiếc xe đạp cà tàng đến đoàn phim, có người xưa từng dạ thưa anh Đạt đã nói thẳng với anh rằng: “Tôi cấm anh đi xe đạp đến đây. Như thế là bôi nhọ đoàn phim”. Anh Đạt chỉ biết kể với vợ mà hai vợ chồng rơi nước mắt.
Vào Sài Gòn từ 1975, nhưng đến nay anh vẫn còn trắng tay với nó. Tình yêu nghệ thuật thứ bảy kéo anh ở lại thành phố này. Quang Đạt tâm sự: “Nếu sau này khi không còn đủ sức nữa thì mình sẽ về nhà ở Bà Rịa – Vũng Tàu với vợ con thôi. Chứ đất Sài Gòn này bữa đói bữa no, sống không nổi”. Nói vậy, nhưng anh vẫn cần mẫn tiếp tục thực hiện bộ sưu tập mới: “Chữ ký của những kỷ lục gia”.
Hiếu Hiền
Source: Báo Dân Trí