Ngày bé, lúc lên sáu tuổi, lần đầu tiên tôi cùng gia đình đón một cơn lũ bất ngờ ập đến giữa đêm. Mẹ đi trước soi đường. Chị cả dắt tay chị Hai chạy, cha cõng tôi đi sau cùng. Cả nhà rồng rắn lội qua dòng nước xiết đi lên phía gò cao. Tại trụ sở ủy ban xã, gia đình tôi cùng nhiều gia đình khác trú tạm.
Hồi đó tôi chẳng biết sợ là gì, thấy nước nhiều là thích, chỉ muốn đưa chân xuống té nước cho vui. Sáng hôm sau, mưa tạnh, trời quang, mọi người kéo nhau về nhà. Nước đã rút hết, để lại bao nhiêu rác cùng đồ đạc của những nhà khác trôi về. Nhà tôi đi tong cái chum và mấy con gà. Nghe nói có nhà bị trôi hẳn con lợn. Tôi hỏi mẹ: “Vì sao lại có lũ lụt?”. Mẹ bảo: “Đấy là nước mắt của những dòng sông”… Tôi lại hỏi: “Mà sao sông lại chảy nước mắt?”. Mẹ ân cần giảng giải: “Cũng như đôi mắt con người, sông cần những cái cây để làm bờ mi che chắn, bảo vệ. “Bờ mi cây” đó bị chặt phá thì sông đau mà khóc thôi con”… Câu trả lời của mẹ cùng trận lũ năm đó trở thành ký ức đáng nhớ của tuổi thơ tôi.
Thế rồi, khi tôi tròn 18 tuổi, một trận lũ lại ào về. Kể từ lúc ấy cho đến bây giờ, hơn bốn năm trôi qua, không mùa mưa nào quê nhà không bị chìm trong bể nước. Hằng ngày nghe tin tức thời sự về những cơn lũ ở miền Trung, lòng tôi không khỏi se sắt về sự khắc nghiệt của thời tiết… Sau cơn lũ, tôi trở về thăm nhà, trước mắt là một bức tranh ảm đạm vô cùng. Những mảnh vườn xác xơ, ruộng đồng ngập úng. Cha mẹ tôi cực nhọc dọn dẹp đống đổ nát, mốc meo trong nhà. Cô dì chú bác hối hả vớt vát những hạt lúa còn sót lại trên các thửa ruộng.
Trước đây, khi mùa lũ về, nghe mẹ giải thích, tôi chỉ biết đến nỗi đau của những con sông, bây giờ tôi biết thêm nỗi đau của những người xung quanh… Chợt nhớ câu trả lời của mẹ ngày xưa và nhận ra rằng: khi gặp thiên tai, con người thường đổ lỗi cho tự nhiên, nhưng chính con người mới là kẻ đem tai họa cho bản thân mình. Những dòng sông đau, bạn bè, gia đình, hàng xóm của tôi cũng đau, chỉ vì ở đâu đó vẫn còn nhiều người chưa biết giữ lấy những “bờ mi cây”…
Bích Yên / Theo phunuonline.vn