Hãy cùng chúng tôi dõi theo chặng đường làm thêm của sinh viên để thấy được bức tranh đa sắc của cuộc sống. Có thể trong đầu bạn chưa từng nghĩ đến một nghề, như nghề các sinh viên chọn làm thêm dưới đây, để trang trải cuộc sống.
Bán nụ cười
Một ngày làm thêm của Thu Hương (sinh viên năm thứ ba Đại học Thương mại, Hà Nội) bắt đầu lúc 11 giờ đêm và kết thúc lúc 4 giờ sáng. Hương là người giới thiệu cho một hãng rượu trong nhà hàng karaoke trên đường Đê La Thành (Hà Nội).
Công việc của Hương là trang điểm thật đẹp, đợi khách gọi rượu, giới thiệu và rót rượu phục vụ khách. Tuyệt đối phải nhẹ nhàng và khéo léo. Nụ cười luôn thường trực trên môi!
“Với gần 3 triệu đồng/ tháng, cường độ làm việc cũng không vất vả, chỉ hơi đặc thù về thời gian và môi trường. Tính mình khá ngang ngạnh nhưng vào đây làm chữ nhẫn phải đặt lên đầu. Đây là điều rất cần cho nghề du lịch của mình sau này” – Hương nói.
Hiện tại, ở Hà Nội không ít nữ sinh có ngoại hình khá trở lên cũng làm thêm các “nghề” như giới thiệu rượu, đứng quầy bar, bưng bê rót rượu hoặc là chỉ đứng ở cửa cười khi khách đến và về …
Tất nhiên, đó đều là những nhà hàng sang trọng, có đẳng cấp và tiêu chuẩn cũng rất gắt gao (điều kiện tuyển chọn cao 1m60 trở lên, ngoại hình phải cân đối, đang học đại học hoặc đã tốt nghiệp, nói tiếng Anh thông thạo).
Kiều Oanh, từng nhiều năm là nhân viên bán hàng hóa mỹ phẩm tại siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu (TPHCM) vừa quệt những giọt mồ hôi vừa tâm sự: “Công việc của tụi em là tư vấn, giới thiệu cho khách về sản phẩm, nói suốt ngày.
Nhưng như thế không cực bằng việc gặp những vị khách khó tính, cứ xem hết sản phẩm này đến sản phẩm khác, lật tới lật lui rồi bỏ đi, khiến nhân viên phải tất tả dọn lại cho ngay thẳng, chứ người quản lý mà đi qua thấy khu vực nào hàng hóa, sản phẩm bê trễ sẽ bị “hỏi thăm” ngay”.
Cô gái xinh đẹp, nhà ở đường Ba Tháng Hai (quận 11, TPHCM) này còn cho biết, nhiều chàng trai vào siêu thị mua thì ít, ngắm thì nhiều và luôn buông lời chọc ghẹo các nữ nhân viên đứng quầy. Và cho dù bực tức chăng nữa, nhiệm vụ của các nữ nhân viên là phải cắn răng mà… cười.
Tại siêu thị, công việc thường chia làm 2 ca, sáng từ 8 giờ đến 3 giờ chiều, ca chiều từ 3 giờ đến 9 giờ tối, và đêm nào cũng phải sau 9 giờ, Kiều Oanh mới được trở về nhà sau một ngày chỉ đứng, cười và nói.
Đi chơi với khách!
Ở một số trung tâm thương mại lớn của TPHCM như: Parkson, ZenPlaza… đã xuất hiện một loại dịch vụ mới, đó là các chàng trai trẻ tháp tùng khách hàng (thường là nữ) đi mua sắm. Ngoài cao to, đẹp trai, các chàng phải có trình độ đại học, cư xử có văn hóa.
“Công việc của bọn mình không phải thường xuyên, có khách thì công ty mới gọi đi làm. Chỉ là những việc nhỏ: mở cửa xe, xách đồ khi khách mua sắm và thậm chí là đi uống cà phê với khách. Có những khách hàng giàu có nhưng cô đơn lắm, đôi khi họ bỏ ra 700-800.000 đồng thuê mình một ngày chỉ để có người nói chuyện cho đỡ buồn. Thế mới biết nhiều khi không phải cứ giàu là vui vẻ, sướng” – Huy, sinh viên ĐH Kinh tế, tâm sự.
Trong những nghề “lạ lùng” của giới sinh viên còn có thể kể đến nghề sắp bóng ở quán bi-a, làm người mẫu giới thiệu xe… và hát múa ở quán bar.
Tự lập nhóm múa, tự tìm cho mình những hợp đồng và đi diễn, những “diễn viên múa” mới 17-18 tuổi mà chúng tôi đã gặp thấy họ rất năng động và tự tin khi nói về hành trình làm thêm của mình.
Nguyễn Thanh Tuấn, K32 Cao đẳng Múa Việt Nam cho biết, nhóm Fluster của Tuấn thường biểu diễn các tiết mục múa, nhảy dance sport, hiphop, nhảy phụ họa cho ca sĩ… tại hầu hết các quán bar, vũ trường ở Hà Nội. Cát – sê cho mỗi điệu nhảy từ 30-50.000 đồng…
Tuấn nói: “Trước mỗi buổi diễn chúng em phải tự dựng vở tập, tìm tòi qua mạng và cùng nhau học từng điệu nhảy cho phù hợp với bài hát, bối cảnh. Có lần, do tính chất của vở diễn đòi hỏi phải có bộ trang phục phù hợp, chúng em phải đầu tư hết hơn 500.000 đồng mà thù lao không đủ bù chi.
Điều đặc biệt là chúng em phải tự sáng tạo và tự hạch toán lỗ lãi về tiết mục của mình. Ở góc độ nào đó đây là điều rất cần cho nghề bọn em. Trước khi đến với sân khấu lớn thì những ngày tháng làm thêm thế này rất bổ ích”.
Kinh nghiệm và cám dỗ “Cái được nhất không phải là tiền mà là kinh nghiệm. Nếu một cô gái tồn tại được trong môi trường như thế thì chắc chắn sẽ bản lĩnh hơn. Ví dụ đang rót rượu mà khách có hành vi sàm sỡ thì làm sao? Quẳng rượu và làm toáng lên ư? Không, cách hay nhất là cười nhưng phải cho ông khách biết điểm dừng, biết mình không phải là “thế này, thế nọ”. Những ứng xử kiểu đó sẽ rất tốt cho nghề hướng dẫn viên du lịch của tôi sau này” – Hương cho biết. Làm thêm ở những nơi nhạy cảm như quán rượu, quán karaoke…rất dễ bị người khác hiểu nhầm, nhất là đối với các cô gái. Đôi mắt của Hương thoáng xa xôi: “Gia đình người yêu mình không thể nào chấp nhận bạn gái của con lại đi làm ở một nơi như thế. Mình cũng có bao đêm khóc tủi hờn vì điều này”… Còn Huy thì một lần đã bị bạn bè hiểu nhầm là cặp bồ với một bà “nạ dòng”. Bạn bè thường xì xào tiền đâu tôi mua xe đời mới, điện thoại xịn, quần áo đẹp nếu không phải làm bồ cho mấy bà “sồn sồn”. Thậm chí có người còn nghĩ tôi là “trai nhảy” dưới vỏ bọc là đi biểu diễn nghệ thuật”. Huy đúc kết: “Mỗi người tìm cho mình một cách để vào đời, làm thêm cũng là một cách thâm nhập cuộc sống ngoài sách vở. Không có gì tốt hơn ngoài việc tích lũy kinh nghiệm thực tế để sống bản lĩnh hơn dù bất kỳ ở đâu”. |
Theo Tiền Phong
Source: Báo Dân Trí