TTO – Nghe tiếng lá sầu đông trước cổng nhà xào xạc, từng làn gió heo may ùa về trong khô khốc, cuốn những cành lá trên giàn hoa giấy hất lên cao, gió thoảng qua đánh thức bông hoa cúc giật mình bung nở cánh vàng tươi, một làn hương dìu dịu lúc có lúc không, chắc là hương hoa nhài quyện với hương hoa cúc còn sót lại vài bông cuối.
Người thầy không đứng trên bục giảng
Kính gửi thầy nơi xa
Dường như mùa đang chuyển bởi con thấy mình co ro trong cơn gió se sắt mỗi khuya, bởi sáng cuối tuần dậy muộn vẫn thấy hơi sương tràn qua cửa sổ, ngỡ như với tay có thể kéo cả mùa về…
Ảnh minh họa: Internet |
Nghe Radio: Nét bút tri ân tuần thứ 9 |
Cứ mỗi khi mùa đông đến con lại có cảm giác nao lòng đến lạ, yêu thương xưa cứ rộn rã từng khoảnh khắc trong trái tim. Con không thể lý giải một cách cụ thể là vì sao, nhưng con biết bản thân mình đang nghĩ về thầy – một người thầy vĩ đại luôn hằn sâu trong tâm trí con…
Sẽ thật khó để con có thể nhớ thật rõ và gọi tên từng kỷ niệm. Bởi lẽ thời gian cứ lao đi vùn vụt, làm cho ký ức cứ nhòe đi, nhòe đi để thành mơ hồ, thành khoảng ký ức mông lung và đẹp bảng lảng khói sương.
Thầy của con, người thầy chưa từng đứng trên bục giảng đã dạy con những bài học chiêm nghiệm về cuộc đời… Từ bé thầy dạy con biết yêu ngôi nhà nhỏ có vườn chanh chín cất giữ cả bí mật tuổi thơ, yêu cánh đồng quê bình dị mà thân quen, yêu bông lúa đọng bao mồ hôi sương khó, yêu cánh cò, yêu dòng sông đã cùng con lớn lên theo từng mùa nước lũ, yêu cánh diều chở bao ước mơ nơi triền đê của đứa trẻ chưa vướng bụi đời.
Lớn thêm chút nữa thầy dạy con đọc và viết những con chữ ê, a. Thầy cho con biết ý nghĩa của từng chữ cái vì chỉ khi biết hết được ý nghĩa của nó thì ta mới thành người. Thầy bảo phải sống có mục đích, vì nếu không mục đích sống, không xác định mình sống vì điều gì thì con người ta sẽ chẳng làm được gì cả, thầy muốn con phải biết chữ M – mục đích. Khi có mục đích sống ắt hẳn sẽ có ước mơ, đó là chữ cái Ư con được học.
Mỗi lần làm sai một bài toán hay viết trang văn còn quá non nớt… con thấy nản rồi thôi không tiếp tục, vậy là thầy dạy con chữ cái C – cố gắng, thầy dạy con phải bước qua mọi khó khăn, thử thách dù lớn hay nhỏ, dù chủ động hay thụ động, dù bước qua bằng cách nào. Sống trên đời phải biết đến tình yêu, vì chỉ có sự yêu thương mới hàn gắn mọi vết thương, mọi nỗi đau cho con người, làm người gần người hơn, đó là chữ cái T – tình yêu… Biết bao bài học ý nghĩa từ những chữ cái tưởng chừng như đơn giản trôi nhanh trong hành trình làm người lớn của con, nhờ nó mà con biết mình sẽ phải làm gì và sống sao cho đúng với nghĩa làm người.
Khi con lớn thầy dạy con biết yêu, biết quý những trang văn và tự bao giờ thầy trở thành người giáo dạy văn của con. Thầy luôn dặn con phải sống mạnh mẽ, không được yếu đuối, không được nhu nhược, thầy lo lắng cuộc đời không bằng phẳng với những xô bồ, bon chen phức tạp với những giả dối, lừa lọc sẽ xô bước chân con vấp ngã. Thầy bảo con phải sống sao cho trọn vẹn, đừng để nuối tiếc và ân hận quá nhiều, đừng để cả cuộc đời phải nói ”giá như – nếu thì ” …. Những bài học thầy dạy luôn đúng, và như thế đã hơn một lần con cố sức gồng mình để trở thành ai đó khác!
Tự bao giờ thầy hướng con theo nghiệp văn chương mặc dù thầy vẫn biết: ”Muốn là người viết văn thì dễ nhưng trở thành nhà văn thì khó vô cùng” và ”Một khi bước vào văn chương, người cầm bút sẽ phải chịu cái nhìn khắc khe của xã hội”. Chính vì hiểu điều đó nên con đã cố gắng nỗ lực rất nhiều, con luôn tự hoàn thiện mình bằng cách ghép những mảnh vỡ vụn trong cuộc sống, con luôn nuôi dưỡng ước mơ trở thành một nhà văn thực thụ từng ngày thầy ạ!. Con hiểu rằng một nhà văn không thể biết được khi nào mình thành công hoặc liệu nó có tới với mình không, con chỉ có thể làm hết sức mình và chuẩn bị cho khoảnh khắc của thời cơ bằng cách viết, viết, viết – và rồi viết thêm nữa …
Nghĩ về thầy, bao nỗi niềm cứ ùa về theo tiếng gọi của thời gian làm con cứ hoài nhớ, hoài thương….
Nhớ lắm những đêm không ngủ được thầy kể con nghe câu chuyện của Hàn Mặc Tử, hai cái bóng xáp vào nhau trước thềm nhà, kẻ kể, người nghe cho đến khi nào con say vào giấc ngủ mới thôi. Giờ đây, không còn những câu chuyện ly ky, hấp dẫn ấy nữa! Thoáng buồn trong đôi mắt, con chạnh lòng nhưng cố sẽ không khóc đâu thầy!
Con nhớ từng cơn đau thắt ruột mà thầy phải chịu khi mùa đông đến. Nhớ đôi tay, đôi chân tê liệt, co rút mà thương! Nhớ cái đầu ”muối tiêu” năm nào, nếu còn chắc muối cũng nhiều hơn tiêu rồi thầy nhỉ?
Con nhớ lắm lời khuyên nên có cái nhìn bao dung và rộng lượng, phải tha thứ cho bất cứ ai phạm lỗi lầm dù đó là kẻ thù của chính mình trong cuộc sống. Nhớ cách nói lời xin lỗi và cảm ơn bằng hành động. Bây giờ con đã thấm nhuần hơn cái cách nói ấy và mọi người cũng nhìn nhận bằng ánh mắt hoàn thiện hơn đối với con rồi thầy ạ!
Thầy biết không? Kể từ ngày thầy đi xa, có đôi khi con cảm thấy như mây mù vần vũ trong tim, những ký ức xưa bên thầy phút chốc xa tầm tay với, nhưng lại có lúc con những tưởng như đâu đó quanh căn nhà vẫn còn vọng bao lời giảng hay, bao điều đạo đức của một người thầy suốt đời tận tụy với cái nghề mình yêu thương!
Và dù xa con nhưng đôi mắt của thầy vẫn dõi theo từng bước con đi. Nhớ có lần đi chơi cùng lũ bạn khi chưa xin phép mẹ, ánh mắt ấy nghiêm nghị như chỉ trách con, nhớ năm nào con nhận được phần thưởng của trường qua một bài văn, ánh mắt áy bỗng sáng lên, hiền dịu lạ kỳ, nhớ nhất là những khi vấp ngã trên đường đời, ánh mắt ấy lại thúc dục con đứng dậy tiếp tục chặng đường đi của mình. ánh mắt ấy không ở đâu xa mà ở ngay trên ảnh thờ thầy, nghi ngút khói hương…..
Ngày hôm nay con chẳng có gì ngoài bức thư không tem kèm bao lời tri ân sâu sắc gửi đến thầy. Con hi vọng đâu đó đôi mắt của thầy sẽ đọc được dòng suy ngẫm của đứa con thơ – đứa học trò nhỏ này. Và con xin hứa sẽ học tập thật tốt để có thể khơi dậy nụ cười trên đôi mắt biết nói của thầy để góp chút công lao xây dựng quê hương – nơi có thầy, nơi có những tháng ngày đã làm nên một phần cuộc đời con!
VÕ THỊ NHƯ TRANG
Source: Báo Tuổi Trẻ