Người đàn ông phụ bạc phải trải thảm rước mẹ con tôi về

Anh thường đặt sữa và áo quần trẻ con trước cửa phòng trọ, có khi đặt cả xe đẩy và nôi điện tử. Tôi nhận tất cả mọi thứ vì con có quyền được hưởng những quà tặng từ bố nó.

 

Đàn ông có thể chối bỏ phụ nữ chứ không bao giờ ruồng rẫy con cái. Đó là kết luận của tôi sau một thời gian làm mẹ đơn thân. Người từng phụ bạc tôi cũng chính là người trải thảm rước mẹ con tôi về chung sống.

Tôi là người tỉnh lẻ lại sống ở môi trường nhà trọ phức tạp trong nhiều năm nên không thể chiến thắng được cám dỗ khi yêu đương. Tôi đã lỡ có thai với một người mình chưa thật sự yêu.

Do công việc ở khách sạn bận rộn nên tôi không chú ý đến sự biến mất của kinh nguyệt. Khi chợt nhớ ra thì thai đã bước sang tháng thứ 3, tử cung của tôi lại yếu nên không cách gì phá thai được.

Tôi đã rất hoảng sợ và nghĩ rằng nếu muốn sống chỉ còn cách đeo bám đòi hỏi trách nhiệm ở người yêu. Tất nhiên là anh từ chối. Đàn ông muôn thuở là vậy.

Anh gần 30 tuổi vẫn một mực khăng khăng phải lo tiến thân trong sự nghiệp, chưa tính chuyện gia đình. Trong khi đó anh nào phải cán bộ cốt cán gì. Anh chỉ là một anh nhân viên chuyên về điện lạnh ở công ty tôi làm mà thôi.

 

Con bụ bẫm dễ thương
Con bụ bẫm dễ thương

Uất ức và phẫn nộ nhưng nhìn xuống bụng bầu ngày một lớn, tôi đành chấp nhận chịu muối mặt về nhà anh ăn vạ. Cả gia đình anh lúc ấy đã xô đẩy và phủ nhận tôi như một con hủi. Lý lẽ của họ là: “Đàn ông có quyền quất ngựa truy phong, còn đàn bà ngu thì ráng chịu”.

Tôi hận họ, tôi muốn cào xé họ nhưng ngẫm đến một mái ấm trọn vẹn cho đứa con sắp chào đời, tôi cố sống cố chết để được họ chấp nhận.

Tôi xin nghỉ sinh sớm rồi hàng ngày cần mẫn đi chợ nấu ăn cho bố mẹ anh. Không những thế, tôi còn mua sắm đồ dùng trong nhà. Người nhà anh hất đổ mâm cơm thì tôi lại nhặt lên. Mẹ anh lấy chổi đánh đuổi thì đợi bà ngủ trưa, tôi âm thầm dọn dẹp. Bố anh chửi đến ba đời nhà tôi, tôi vẫn im lặng cúi đầu giặt quần áo. Em gái anh miệt thị tôi, tôi chỉ cười buồn.

Còn anh, anh luôn nổi điên mỗi khi trông thấy tôi ở nhà. Ban đầu chỉ chửi bới nhưng thấy tôi lỳ lợm, anh bắt đầu đập phá đồ đạc và ném về phía tôi. Đến lúc không còn thứ gì có thể vỡ nữa, anh lao vào đánh. Không một ai đứng ra ngăn cản điều này. Anh nỡ đánh người phụ nữ đang mang thai giọt máu của mình.

Phải chịu quá nhiều tủi nhục và đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn vẫn không được thừa nhận, tôi đành lòng buông xuôi. Tôi đã thật sự cùng đường, chỉ có thể làm mẹ đơn thân. Tôi cũng nung nấu ý định sẽ trả thù. Tôi muốn nuôi dạy con thật tốt để anh và bố mẹ anh phải ân hận khi bỏ rơi 2 mẹ con tôi.

Sau khi sinh con, tôi chuyển đến ở trọ ngay khu nhà anh ở. Tôi muốn họ dù không thừa nhận vẫn phải trông thấy con cháu họ lớn lên từng ngày. Nỗi hận trong lòng tôi lớn đến mức muốn đặt tên con là Thù, là Hận. Song vì nó còn quá nhỏ không đáng để mang những gánh nặng cuộc đời nên tôi đặt là Hoài Bão. Tôi hi vọng con mình lớn lên sẽ thật thành đạt và sống cả phần đời dang dở của tôi.

Gia đình anh rất tức giận khi thấy tôi lảng vảng quanh khu vực nhà anh. Nhưng họ không thể làm gì vì tôi chỉ đang ở nhà mình, không có mối liên hệ gì đến họ nữa.

Hàng xóm thương cảm và hiếu kỳ về hoản cảnh đơn chiếc của mẹ con tôi. Tôi không ngần ngại thừa nhận mọi chuyện và chỉ thẳng ra ai là cha, là ông bà nội của đứa bé. Họ đã rất sốc và giận, nhất là bác tổ trưởng dân phố. Không ai chấp nhận được một khu dân cư văn hóa lại có gia đình sống trái đạo lý đến vậy.

Gia đình anh vì đó mà bị một phen bẽ mặt. Trước sức ép của mọi người, gia đình anh bị đề nghị hợp thức hóa hôn nhân với tôi và nuôi dưỡng con cái. Nhưng tôi một mực từ chối. Mục đích của tôi bây giờ không phải là sống để được thừa nhận nữa mà phải muốn khiến họ phải ân hận vì lỗi lầm của mình.

Cuối tuần không phải đi làm, tôi bế con đi khắp xóm chào hỏi mọi người. Đứa bé ngoan và kháu khỉnh nên ai cũng thương, chào đón chúng tôi. Nhiều lần trông thấy ông bà len lén nhìn đứa bé, tôi mở cờ trong bụng. Tôi biết người Việt mình dù có bạc tình bạc nghĩa đến đâu cũng khó lòng chối bỏ con cháu, nhất là một đứa cháu trai bụ bẫm thế này.

Cả anh cũng cố tình tìm cách gặp gỡ tôi. Anh thường đặt sữa và áo quần trẻ con trước cửa phòng trọ, có khi đặt cả xe đẩy và nôi điện tử. Tôi nhận tất cả những quà tặng này vì con tôi có quyền được hưởng quyền lợi từ bố nó.

Một lần tôi nhờ hàng xóm trông con để đi chợ thì lúc về đã thấy anh bế nó trên tay. Anh ngượng ngập bối rối khi bị tôi bắt gặp nhưng sau đó anh mạnh dạn hỏi han con như thể chúng tôi là vợ chồng. Tôi tuy giữ im lặng nhưng cũng không có thái độ gay gắt nào.

Sau một thời gian có cơ hội gần gũi đứa bé, cả gia đình anh thay đổi thái độ. Họ bớt gai góc, cay nghiệt mà dịu dàng và tỏ vẻ ăn năn. Mới đây, bố mẹ và anh đã sang phòng tôi nói chuyện rất nghiêm túc. Họ xin được tha thứ chuyện cũ và đặt vấn đề hỏi cưới.

Tôi biết người mà họ cần là con trai tôi chứ không phải tôi. Nhưng bản năng muốn được hạnh phúc khiến tôi vô cùng lưỡng lự. Tôi có nên cho họ một cơ hội không các chị em?

Tác giả bài viết: Thu Hạnh
Nguồn tin: Afamily

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.