“Mùa xuân đầu tiên”

TTO – Vào một sớm mai thức sớm, ông già vừa ngâm nga câu hát: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về – Mùa bình thường mùa vui nay đã về…”. Nhìn qua khung cửa, mặt hồ Michigan mênh mông băng giá, gió và tuyết. Mới đó mà đã 35 năm! Mùa xuân trong suốt 35 năm đã lặng lẽ qua khung cửa này.

“Mùa xuân đầu tiên”

Trở về để tìm lại một Hà Nội mái ngói rêu phong – Ảnh: TTVNOL

Tại thành phố Chicago này, hơn 30 cái tết đã đi qua cõi lòng ông. Dù ở xa quê hương ngàn vạn dặm hơn nửa vòng trái đất, mỗi khi tết về ông lại tha thiết nhớ đến bài hát: Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao. Ông nhớ đến Tết Bính Thìn 1976, chính ông đã chọn bài hát này cho tốp ca Đoàn thanh niên khoa ngoại của Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang hát để chào mừng cách mạng. Rồi ông lại ngâm nga một mình “… Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông, gà gáy trưa bên sông.. Người mẹ nhìn đàn con nay đã về… Từ đây người biết quê người, Từ đây người biết thương người, Từ đây người biết yêu người…”.

Tháng 7-1995 khi được tin Văn Cao bỏ Hà Nội, bỏ Hoàng Cầm, Trần Dần… theo Phan Khôi về trời, ông ngậm ngùi suốt cả tháng. Chính từ nơi bệ cửa này ông nhìn ra hồ Michigan bao la réo gọi Văn Cao, lúc ấy ông là một tên điên khùng, lạc lõng giữa chợ đời xa lạ. Ông xúc động, tết năm đó ông viết bài thơ:

Ngậm ngùi Văn Cao

Ngày xuân lưu lạc lại nhớ anh
Nhìn xuống trang thơ
Lửa cháy
Nhìn ra hồ
Tiếng hát Trương Chi vời vợi ngàn trùng…
Tiếng ai réo gọi
Bản tình ca bất diệt
Cho tình yêu
Cho độc lập
Cho tự do
Cho mọi trái tim
Cho mỗi con người
Văn Cao
Anh vội ra đi
Chưa hề gặp anh
Sao tôi vẫn nhớ
Chưa ai hề gặp Trương Chi
Sao vẫn có Trương Chi trong cõi đời mình…

Có tiếng điện thoại reo. Ông biết ngay là bà gọi ông. Bà thường gọi ông vào giờ này để biết ông thức dậy chưa và ông có khỏe không? Sau câu hỏi thường lệ ” ông đang làm gì đó, cà phê tôi làm sẵn ông uống có thấy thích không?”, bà nói với ông:

– Mới đó mà 12 năm rồi mau quá anh.
– Em muốn nói gì mà 12 năm?
– Mình về thăm nhà mới đó mà đã 12 năm rồi.
– À! Mau thật, hình như lần cuối mình về thăm nhà hồi tháng chạp 1998. Lúc ấy Phan Rang đang ngập lụt.

– Thấy người ta về thăm nhà, về quê hương ăn tết nhiều quá làm mình cũng muốn về, tự dưng cũng nhớ nhà, nhớ Sài Gòn nhớ làng, nhớ xóm… Tết nay vợ chồng mình về quê ăn tết nghe anh?

–  Anh cũng muốn về thăm nhà, lâu quá mình chưa về thăm từ đường… Anh cũng nhớ nhà, nhớ Phan Rang, nhớ Xóm Động, nhớ núi Cà Đú, nhớ Sài Gòn, nhớ Huế, nhớ Hà Nội…nhớ nhiều lắm, nhớ nhiều nơi, nhớ nhiều người, ngay cả những người không còn trong cõi đời này…

– Nghe nói Hà Nội, Sài Gòn, Huế bây giờ thay đổi nhiều lắm. Lần này nhất định mình phải thăm Huế, thăm Hà Nội nghe anh. Nhưng làm sao mình tìm lại được một “Hà Nội của ngày tháng cũ với mái ngói rêu phong “, một Sài Gòn của Vương Hồng Sển với “Năm mươi năm mê cải lương”…

Sự thật lý do thúc đẩy ông về thăm nhà, về ăn tết quê hương, với ông rất trừu tượng, rất mơ hồ nhưng cũng rất mãnh liệt. Quê hương với ông là bến đợi, và đời người là những chuyến đò đến, những chuyến đò đi. Những chuyến đò luôn thao thức ngày trở về bến đợi. Dù sao đi nữa ở đó ông cũng cảm thấy ấm cúng và hạnh phúc hơn bất cứ nơi nào của hơn nửa vòng trái đất mà ông từng đi qua.

ĐÀO NHƯ

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.