Mong gặp anh nào khiến tôi bỏ việc, trốn sếp đi chơi

Còn trong lúc chờ đợi, xin phép vẫn cứ phải rèn luyện học hành, lo chắc chắn chuyện vật chất và gia tăng giá trị bản thân. Cũng là lo cho gia đình tương lai của chúng ta sau này thôi mà, chồng thân yêu đang còn lênh đênh phương trời nào đó của em ạ! (Ngoc Minh)
>Áp lực lấy chồng khi ngoài 30 tuổi

From: Nguyen Ngoc Minh HN
Sent: Thursday, June 03, 2010 1:11 AM


Thân gửi các anh chị, các bạn đang cùng quan tâm tới chủ đề này,


Cũng hay ghé qua mục Tâm sự nhưng không có mấy khi tham gia viết bài; lần này thấy có liên quan đến mình nên tôi quyết định tham gia chút.


Tôi khá là đồng quan điểm với bạn Abyss, chừng nào cái định nghĩa “gái già” kia còn tồn tại, thì những điều bàn tán quanh hai chữ đó sẽ vẫn còn nóng bỏng, mà vắng cái định nghĩa đó trong cuộc sống ắt hẳn là cũng có phần nhàm chán.


Cũng xin giới thiệu ngay cùng các anh chị, các bạn, tôi là một “gái già” chính hiệu, theo cách quan niệm của một số lượng không nhỏ người Việt Nam ta. Năm nay 32 tuổi, chưa kết hôn, thậm chí vào thời điểm này còn không hề có bạn trai. Xin phát biểu đôi điều thế này coi như tâm sự người trong cuộc ạ:


1. Đa số các cô đã qua tuổi 30 mà chưa kết hôn hầu như đều là có chút khó khăn nào đó, xuất phát từ nguyên nhân chủ quan cũng có, khách quan cũng có, nhưng tôi đoan chắc số lượng người tôn thờ chủ nghĩa độc thân rất là ít, ai cũng có nguyện vọng lập gia đình như ai cả. Có thể nói một cách đơn giản là không phải cứ muốn lấy chồng thì sẽ lấy được, mỗi người nhanh chậm khác nhau và có quá nhiều sự thể tác động lên một quyết định thân thiết với một người đàn ông nào đó, chứ chưa nói là tính đến chuyện cưới anh ta đâu, và tuổi càng lớn suy nghĩ càng phức tạp, chuyện gia đình, chuyện tài chính lại càng có nhiều cái phải cân nhắc.


Thông thường các cô có chút tài năng, có chút nhan sắc địa vị mà chưa chồng thì bị chụp ngay cái mũ “kén quá”. Ơ thế sao lại không được quyền kén nhỉ, các bà các chị ra chợ đến mớ rau có mấy ngàn đồng còn nâng lên đặt xuống chán ra rồi có khi chẳng mua, lấy chồng là việc ảnh hưởng đến cả đời, không “kén” để rồi sau này sẽ thế nào?


Ở đây chữ “kén” đã bị xã hội hiểu với một nghĩa khác, ấy là kiêu quá, hay nói đúng ra là hão huyền quá, tuổi này rồi mà chẳng biết mình là ai! Trong xã hội tồn tại một cái rào chắn, một thứ tiêu chuẩn không có trong văn bản nào do cơ quan có thẩm quyền ban hành cho cái sự gọi là “ế chồng”, “ế vợ”. Thứ quy định không có người ký và đóng dấu nhưng có hiệu lực và giá trị gây áp lực hơn khối thứ văn bản có ký và đóng dấu các anh chị ạ!


2. Ngoài lý do “kén”, “cành cao”, các cô có chút thành đạt trong công việc cũng thường được xã hội “thông cảm” với lý do “quá tận tâm đam mê công việc, quá bận không có thời gian”. Xin thưa, cái đó cũng có khi đúng phần nào, nhưng cũng còn một thực tế nữa, ấy là những người đàn ông họ gặp không tạo ra cảm hứng để dứt ra khỏi công việc thì sao nào.


Cũng có những lần, tôi gật đầu hẹn hò với một vài anh, nghe theo lời khuyên bạn bè “dành thời gian quan tâm chuyện ấy đi rồi mày sẽ có cảm tình với người ta”, nhưng không, với những đối tượng mặc dù biết họ thích mình song chẳng có chút gì hòa hợp. Khi cố gắng ở bên họ tôi chỉ cảm thấy tiếc, thấy lãng phí thêm một khoảng thời gian tuổi trẻ của mình; thà rằng dành để làm việc kiếm tiền và thăng tiến, hay chăm sóc nhà cửa, quan tâm đến cha mẹ, họ hàng, bạn bè, hoặc đi làm từ thiện… còn thấy có ý nghĩa hơn.


Chưa kể đến không thiếu anh nôn nóng, cứ thấy các cô “gái già” gật đầu đi với mình vài bữa là chắc mẩm mọi chuyện có thể ngã ngũ xong xuôi tới nơi, và họ cư xử như thế đã là “cái gì đó”, khiến con gái chúng tôi cảm thấy khủng hoảng và thấy nhân phẩm của mình phần nào bị rẻ rúng. Như thể tuổi 30 là chấm dứt cho mọi sự lựa chọn, thật không công bằng. Với những đối tượng loại ấy, xác định thà tắt điện thoại và tối thứ bảy đi ngủ sớm giữ sức khỏe, sáng chủ nhật kéo bạn đi shopping còn vui hơn nhiều.


Dẫu biết không “lông bông” như thế được mãi, nhưng cũng không phải cứ vứt hết quan tâm tới sự nghiệp, học hành, vui chơi đi thì tự nhiên có một tấm chồng tử tế từ trên trời rơi xuống. Cuộc sống là sự tìm kiếm, lựa chọn, cần mình cố gắng, và cũng cần có cái duyên như ai đó nói, tôi tin là thế. Đời tôi ước ao gặp được anh nào khiến tôi bỏ bê việc, giữa giờ trốn sếp đi chơi, mong lắm đấy!


Còn trong lúc chờ đợi, xin phép vẫn cứ phải rèn luyện học hành, lo chắc chắn chuyện vật chất và gia tăng giá trị bản thân. Cũng là lo cho gia đình tương lai của chúng ta sau này thôi mà, chồng thân yêu đang còn lênh đênh phương trời nào đó của em ạ! Khi nào anh tới, em sẽ dành thời gian để đi chơi với anh, bao giờ ta cưới, em sẽ giảm bớt công việc để về lo chăm sóc nhà cửa và các con anh, hứa đấy…


3. “Gái già”, hay ngay cả “trai già”, tức các đối tượng đến tuổi có thể thành gia thất lâu rồi mà chưa thấy thực hiện cái việc đó đều bị cha mẹ, họ hàng, bạn bè, cơ quan đoàn thể “hỏi han, quan tâm” rất là kỹ. Một mặt người trong cuộc thấy vui vì được người khác quan tâm, một mặt những câu hỏi xưa như trái đất “bao giờ cho ăn kẹo”, “bao giờ cho ăn cỗ”… sẽ gây ra sự dị ứng bản năng, cho dù người được hỏi âm thầm lảng tránh một cách buồn bã hay tự tin pha trò để cười trừ.


Thực sự mà nói, từ nhỏ đến lớn chúng ta đã phải đối diện với những chuyện đại loại như vậy. Đi học thì có người hỏi “bao giờ tốt nghiệp”, ra trường thì lại có người quan tâm “thế bao giờ xin được việc, bao giờ đi làm”, chưa có người yêu thì hỏi “có người yêu chưa”, ngộ có bạn trai bạn gái rồi cũng chưa thoát vì ai đó sẽ lại hỏi “bao giờ thì cưới”, cưới rồi tưởng sẽ thoát ư, lại sẽ bao nhiêu người hỏi thăm “có tin vui chưa”… Nếu mà cứ căng thẳng trước những câu “bao giờ…” kiểu đó, ấy là chính người bị hỏi tự gây áp lực cho mình.


Tôi biết có những em sinh viên mới ra trường vì bị hỏi thăm chuyện xin việc quá nhiều sinh ra ngại không còn muốn tụ tập bè bạn vì các bạn đã có công việc hết; có những bạn gái tối chẳng muốn về nhà, hay Tết chẳng muốn về quê vì bị “thăm hỏi”… Bản thân chúng ta sẽ trở nên thư giãn hơn nếu tự mình hỏi mình theo một kiểu khác: tôi sẽ phù hợp với một công việc như thế nào, một người đàn ông như thế nào, tôi sẽ thích một ngôi nhà, một cái xe như thế nào… và quan trọng hơn là làm thế nào để có được những thứ đó.


Người ta hạnh phúc vì đạt được điều mình muốn và giữ gìn được nó, chứ không hạnh phúc vì mình giống y như người bên cạnh, hay ngược lại cố tình sống không giống ai. Cũng xin gửi thông điệp tới người thân, họ hàng, cơ quan đoàn thể, rằng sự quan tâm chia sẻ trong cuộc sống hàng ngày mới là sự quan tâm đích thực chứ không phải những câu “bao giờ…” đâu ạ. Đừng hỏi nhiều, hoàn toàn phản tác dụng đấy.


Càng lớn tuổi hơn, tăng thêm tiền tài địa vị, thêm nhiều ý thức về giá trị bản thân, cuộc kiếm tìm với những cô “gái già” như chúng tôi lại càng gian nan, nhưng trước mắt cứ phải sống tốt cái đã. 32 tuổi, không biết là tôi có lạc quan tếu hay không nữa, vẫn thấy mọi thứ bình thường, và tôi nghĩ với mọi người cũng sẽ là bình thường nếu bản thân xã hội không coi những người độc thân là “vật thể bay lạ”. Sẽ không ai phải gồng mình chứng tỏ ta vẫn OK không cần chồng, hay ai đó vì áp lực quá mà nhắm mắt đưa chân tự đẩy mình vào bi kịch cả đời.

Chúc các anh chị, các bạn vui vẻ!

Ngọc Minh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.