Lên đời đồ cũ

TTCT – Tiện nghi hiện đại vẫn không ngăn được nhiều người săn tìm các loại đồ gỗ xưa cũ. Những món như bàn, ghế, giường, tủ, sập… có tuổi vài chục năm bỗng trở nên hút hàng.

Lên đời đồ cũ

Một bộ cối xay mía làm đường ngày xưa được một người mua bán đồ cũ mang về từ miền Trung – Ảnh: Thuận Thắng

Hiện ở Sài Gòn có khoảng tám cửa hàng chuyên kinh doanh các loại đồ gỗ xưa cũ. Trên một số trang web như muaban.com, raovat.com…, mặt hàng này được giao dịch sôi động. Những món đồ cũ tưởng như lỗi thời nay được lên đời trở nên hút hàng, bán đắt như tôm tươi.

Hàng xưa không lỗi thời

“Bây giờ tìm mua những loại đồ gỗ kiểu xưa khó lắm. Ai muốn mua phải đặt hàng trước. Nếu may mắn sở hữu được một bộ đồ xưa cũ mới là đẳng cấp” – anh Tư, chủ một cửa hàng chuyên thu mua và bán lại các loại đồ gỗ xưa cũ trên đường Bùi Thị Xuân, P.2, Q.Tân Bình, nói. Anh cho biết tiệm của mình hiếm khi có hàng nằm sẵn trong kho, tất cả đã có người đặt trước và chỉ cần nghe có hàng về là đến lấy ngay.

Anh kể có lần bán được bức tranh xưa vẽ khung cảnh Vạn lý trường thành cho một đại gia ở quận 1 với giá 6.000 USD, ngay sau đó ít tháng giá bức tranh đã lên tới 45.000 USD. Nhiều người hỏi mua nhưng ông này nhất định giữ làm của riêng.

Nhiều năm trong nghề “săn đồ cũ, bán đồ mới”, anh Tư cho biết sở dĩ đồ xưa cũ “sống” được là do người sử dụng ngán đồ tân thời nhập từ các nước, tuy mẫu mã đa dạng nhưng chất lượng thua xa một trời một vực. Gần đây có khách hàng đến gặp anh phàn nàn: “Mấy loại đồ tân thời giờ muốn kiểu gì cũng có, nhưng xài vài năm là xuống cấp, lỗi thời lại phải thay. Chi bằng mua mấy bộ bàn ghế xưa cũ xài bền mà chẳng bao giờ lỗi thời cả”.

Các loại đồ gỗ xưa cũ thường làm bằng gỗ rất tốt như lim, gụ, sến, lát hoa… có tuổi 30-40 năm, thậm chí có món gần cả 100 năm. Hoa văn họa tiết được chạm trổ công phụ, tinh xảo, khác xa so với đồ gỗ hiện đại và khó có thể bị “copy” về kiểu dáng. “Công sức bỏ ra cho một món đồ lắm khi cả tháng, cả năm trời nên những món đồ đó ắt mang một cái hồn riêng đặc biệt” – anh Tư nói.

Tiệm M trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp) là nơi bán đủ loại đồ xưa cũ từ bàn, ghế, tủ cho đến đồng hồ, tranh… cũng luôn trong tình trạng “cháy hàng”. “Hàng về là có người lấy ngay” – bà chủ tiệm giải thích lý do tiệm bán đồ xưa cũ nhưng lại trưng bày toàn đồ tân thời. Bà kể có một khách hàng sộp ở quận Gò Vấp, mỗi khi có hàng chỉ cần alô là ông đến lấy ngay. Ông này không chỉ thích những loại đồ gỗ xưa như bàn, ghế, giường, tủ… mà cả những món như đồng hồ, đèn, dao, kéo xưa…

Giới thu mua các loại đồ gỗ xưa cũ cho biết trước đây Sài Gòn là cái nôi của những món đồ xưa. Đó có thể là đồ của Pháp, Tàu, một số ít là của người Việt. Một số địa bàn ở TP.HCM như các quận 1, 5, 10, huyện Hóc Môn, Củ Chi… và một số tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang, Bến Tre… là nơi cung cấp nhiều loại đồ gỗ xưa.

Một cái tráp cũ với hoa văn tinh xảo – Ảnh: Thuận Thắng

Tìm về kỷ niệm

Giữa Sài Gòn ồn ào, náo nhiệt vẫn còn có những người say sưa tìm về những vật dụng xưa cũ. Huy Cường là một trường hợp như thế. Nằm ở một góc khá khuất trên đường Trần Não (Q.2), phía trước là đoạn đường ứ đọng nước mưa, tiệm trưng bày đồ gỗ xưa cũ của anh quanh năm vang lên những tiếng đục đẽo. Tuổi đời của Cường trẻ hơn tuổi những món đồ mà anh trưng bày.

“Từ khi theo người cậu tìm hiểu những loại đồ gỗ xưa, tình yêu đồ gỗ đã ngấm vào tôi lúc nào không hay” – Cường nói về cơ duyên đến với nghề. Bây giờ anh có cả một bộ sưu tập đồ gỗ xưa cũ gồm bàn, ghế, tủ, kệ tivi, bàn phấn, sập gụ tủ chè, bàn thờ, câu đối đại tự, gương đại… có tuổi từ vài chục năm trở lên. Tiệm của chàng trai trẻ này cũng là nơi thu mua đồ xưa cũ về “thổi hồn” bán lại cho người có nhu cầu. Cửa hàng của anh cũng là nơi trưng bày phục vụ những người yêu thích đồ cũ xưa nhưng không có điều kiện sở hữu.

Trong căn nhà mướn rộng và thiếu sáng, những bộ bàn, ghế, tủ, bàn thờ, câu đối đại tự… được xếp san sát chật cả lối vào. Phía bên ngoài công nhân đang miệt mài “son phấn” cho chiếc kệ vừa được một khách hàng mang đến bán. Ở Sài Gòn, tiệm của Huy Cường là một địa chỉ khá quen thuộc với những ai yêu đồ gỗ xưa, từ những nhà kinh doanh sộp cho tới người hành nghề buôn bán nhỏ.

“Em có tin không, cái tủ anh đang làm mấy ngày trước nó nằm lăn lóc trong chuồng gà đấy. Lúc này nhìn đẹp đẽ, bóng loáng, chứ khi mới mua về không khác gì thứ bỏ đi, cho cũng không ai lấy”. Mân mê tân trang chiếc tủ, anh nói tiếp: “Chiếc tủ này tầm 40 chục năm tuổi, người Hoa thường sử dụng đựng thuốc đông y, không còn xài nên họ vứt đi”.

Hầu hết những món đồ mua về đều được “trang điểm” lại, có nhiều món bị hỏng quá nặng phải bỏ công sức nhiều ngày để tu sửa, giữ lại nguyên xi bản gốc.

Trong đống đồ cũ đủ loại, đằng sau mỗi món đều gắn với một câu chuyện. Cường kể trong một lần đi tìm những món đồ xưa, anh phát hiện một chiếc ghế làm bằng gỗ quý, hoa văn đẹp, nhưng qua thời gian màu gỗ đã phai, hoa văn cũng bị bào mòn. Chiếc ghế có tuổi hơn 40 năm không còn dùng tới nên người chủ định bổ ra làm củi. May là Cường đến đúng lúc và phát hiện được.

Rồi câu chuyện về chiếc bàn xưa. Xót cho món đồ, anh cất công đến nài nỉ mua, gia đình nhất định không bán vì chiếc bàn dùng để kê máy cắt gạch. Thế là chiếc bàn bị đục thủng mấy lỗ. Cứ thế, không ít món đồ rơi vào tình trạng “sống dở, chết dở” được anh mang về trả lại cho nó giá trị vốn có.

Đây là chiếc móc áo cũ
Nhiều người săn tìm đồ gỗ xưa với suy nghĩ nó được làm thủ công nên ắt mang cái hồn riêng biệt – Ảnh: Thuận Thắng

Đa dạng lý do chơi đồ xưa

Người chơi các loại đồ gỗ xưa xuất phát từ nhiều lý do. Người giàu có muốn sở hữu những món đồ “độc”, có người mua về chỉ để sưu tầm mỗi lúc rảnh rỗi ngắm cho vui. Nhiều người một thời gắn bó với những loại đồ gỗ đó, vì nhiều lý do mà mất đi nên họ muốn tìm lại, sống với những kỷ niệm xưa. Anh Cường kể có một ông người Pháp rất mê đồ gỗ xưa cũ nên thường xuyên lui tới cửa hàng. Ông này cho biết sở dĩ thích chơi những món đồ này vì nó thật, chỉ cần ngắm nhìn là hiểu được công sức của người thợ thủ công.

Anh T., nhân viên một ngân hàng ở Q.1, tìm đến những món đồ xưa cũ để sống lại với những kỷ niệm. Anh tâm sự: “Gia đình tôi ở miền Trung, tuổi thơ tôi gắn bó với những cái bàn, cái tủ cổ kính. Cái bàn xưa là nơi tôi chong đèn học bài và có nhiều kỷ niệm với nó nên tôi mua về để trong phòng làm việc. Thỉnh thoảng nhìn chiếc bàn tôi lại thấy bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ ùa về…”.

HOÀNG LỘC – TRẦN HƯNG

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.