TT – Với Việt Nam, người đàn ông 76 tuổi đến từ Cộng hòa Czech này luôn lưu giữ ký ức những ngày dịch tập thơ Nhật ký trong tù sang tiếng Czech, những khi đi sưu tầm hiện vật văn hóa cổ của người Việt, những tô miến gà ở một quán yêu thích, những chuyến xe buýt ngược xuôi…
Tiến sĩ Ivo Vasiljev:
Làm gì cũng không quên tiếng Việt
Trước ngày ông nhận Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh, Tuổi Trẻ gọi điện xin hẹn một cuộc phỏng vấn. Ông đồng ý nhanh gọn và bắt đầu… hướng dẫn đường đi: “Đó là đường một chiều nên đến ngã tư là quẹo ngay nhé… Mà giờ này đang mưa chắc lát nữa tắc đường đấy…”.
Ông Ivo Vasiljev sinh năm 1935 tại Prague (CH Czech), là tiến sĩ ngôn ngữ học. Ông là người đầu tiên dịch Nhật ký trong tù ra tiếng Czech (xuất bản năm 1985), là tác giả cuốn Tìm di sản văn hóa của người Việt cổ (xuất bản năm 1999), tham gia trực tiếp công trình khai quật nghiên cứu tàu đắm cổ tại vùng biển cù lao Chàm, dự án Nâng cao vị thế của cộng đồng người Việt Nam tại Czech, cộng tác với làng nghề Một thoáng Việt Nam ở Củ Chi, chuẩn bị thực hiện cuốn Từ điển giáo hóa Czech – Việt và Việt – Czech… Ngày 29-4-2005 tại TP.HCM, ông đã được nhận Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam.
Tối 24-3-2011, cùng với nhà thơ – dịch giả Kevin Bowen, ông là một trong hai người nước ngoài được trao Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh (lần 3-2010) – giải Việt Nam học. |
* Thưa ông Ivo, lần này là lần thứ mấy ông đến Việt Nam rồi?
– Ôi tôi không nhớ chính xác đâu. Hai năm trước tôi có cố gắng ngồi thống kê, tôi đã bay vòng quanh Trái đất 12 lần và đến Việt Nam khoảng 50 lần. Bây giờ thì chắc phải hơn 50 lần rồi nhỉ.
Tôi vừa bay đến Sài Gòn tối qua, có cảm giác như trở về nhà vậy, nhưng lần này chỉ ở lại được năm ngày là phải đi rồi. À tôi đã thử nghiệm bay sang Việt Nam từ ngả Thổ Nhĩ Kỳ, công nhận là nhanh hơn đi từ Paris một tí.
* Ông nói tiếng Việt tốt quá, chuẩn giọng Hà Nội và nếu chỉ nghe qua điện thoại thì có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ông là người Việt Nam!
– Ồ cảm ơn nhé! Tôi thích nhất là được khen nói tiếng Việt chuẩn giọng vì trong quá trình nghiên cứu các ngôn ngữ trên thế giới (ông Ivo thành thạo 10 thứ tiếng – PV), tôi phát hiện tiếng Czech là khó nhất về ngữ pháp, tiếng Nhật khó nhất về chữ viết và tiếng Việt khó nhất về phát âm.
Tôi bắt đầu học tiếng Việt từ năm 1959 với một thầy người Việt tại Tiệp Khắc. Phải nói thầy đã rất kiên trì với tôi trong việc luyện cách phát âm. Ngoài ra tiếng Việt cũng rất khó trong những từ đồng âm khác nghĩa. Như mấy hôm trước khi tôi đang dạy tiếng Việt cho hai anh em một gia đình người Việt Nam nhưng sinh ra ở Czech, tôi phải giải thích mãi hai cậu ấy mới hiểu chữ “lòng” trong câu Không có việc gì khó / chỉ sợ lòng không bền là “tấm lòng” chứ không phải… “cháo lòng”.
* Từ học nói tiếng Việt đến việc dịch Nhật ký trong tù và xuất bản sách về di sản Việt cổ đó là cơ duyên bất ngờ, là tình yêu mới mẻ hay chỉ đơn giản là công việc của một nhà nghiên cứu?
– Là tất cả những điều đó. Tôi đến với tiếng Việt lúc đầu là vì nhiệm vụ mà nhà nước Tiệp Khắc khi đó giao phó, họ cần tuyển một nghiên cứu sinh tiếng Việt để phát triển ngành Việt Nam học. Tôi đi học và ăn lương nhà nước, lý tưởng nhỉ? (cười). Tôi học về lịch sử, địa lý, văn hóa và con người Việt Nam.
Sau đó tôi tự nhiên thấy yêu tất cả những điều đó. Những năm 1970 tôi thử dịch sang tiếng Czech những bài thơ tình yêu thời kháng chiến được sưu tầm trong nhật ký của những cô gái Việt Nam ở nước ngoài. Sau đó tôi bắt tay vào dịch Nhật ký trong tù của Bác Hồ bằng cách xem nghĩa nguyên bản tiếng Hán, đối chiếu với tiếng Việt, dịch ra tiếng Czech rồi nhờ một nhà thơ trẻ người Czech chỉnh lại cho thành thơ vì tôi không có khiếu văn chương lắm.
Tôi tham gia nghiên cứu về di sản văn hóa Việt cổ vì rất thích những chữ đức, trung, nhân, dũng trong các mối quan hệ của người Việt từ xưa đến nay.
Nhờ tiếng Việt, văn hóa Việt mà tôi có cơ hội được gặp gỡ những người Việt Nam nhiều thế hệ suốt nửa thế kỷ qua. Tôi cho đó là những cơ duyên tuyệt vời trong đời.
* Được trao giải Phan Châu Trinh vì những đóng góp lớn cho Việt Nam, ông cảm thấy thế nào?
– Hôm trước có người bạn viết email báo tin tôi được giải, tôi bất ngờ và vui sướng lắm. Tuy nhiên ngẫm lại tôi thấy trong đời mình cũng có những lúc tôi không làm được gì nhiều cho ngành Việt Nam học. Tôi có những công việc ở Malaysia, Thái Lan…, nhưng dù làm gì thì vẫn không thể quên được tiếng Việt.
Bây giờ được chính người Việt Nam công nhận và tôn vinh, tôi thật sự rất xúc động và tự hào. Hội Người Việt tại Czech cũng mừng cho tôi lắm. Chính họ đã tài trợ tiền vé máy bay để tôi về nhận giải lần này đấy, vì giờ tôi đã về hưu nên không được đơn vị nào cử đi cả (cười)!
HOÀNG OANH thực hiện
Hẹn gặp phóng viên, ông Ivo chuẩn bị sẵn hai tách trà nóng vì lúc ấy trời Sài Gòn vừa có một cơn mưa lớn. Ông ngạc nhiên hỏi “Lô cốt là gì? Có bắn nhau sao?” khi nghe chúng tôi bảo phải vượt qua khá nhiều “lô cốt” trên đường. Sau khi hiểu ra ông gật gù như vừa học thêm một từ mới và cười nói: “Nếu vậy thì ở Czech có nhiều “lô cốt” lắm, người ta sửa chữa đường sá suốt, nhất là sau mùa đông”. Thỉnh thoảng trong buổi chuyện trò, ông xoay xoay chiếc tràng hạt đeo tay của nhà Phật. Thấy lạ chúng tôi hỏi, ông trả lời: “Tôi không theo tôn giáo nào hết, nhưng đeo vòng này là để có người thấy lạ và hỏi vì sao. Lúc đó tôi sẽ có cơ hội kể với họ về những hoạt động của bà con phật tử VN tại Czech, về phương pháp thiền minh triết mà tôi được một nhà sư người Việt truyền cho…”. |
Source: Báo Tuổi Trẻ