Ba tôi đã bỏ trốn theo người đàn bà khác, quay lưng với vợ con và gia đình. Tôi đã thề sẽ không bao giờ tha thứ cho ông…
Tôi không bao giờ quên cái ngày ba bỏ mẹ tôi để chạy theo người đàn bà kia. Ba nói với mẹ là đi mua đồ ăn sáng, nhưng mẹ đợi đến trưa, đến chiều, lòng đầy lo lắng và đói lả vẫn không thấy ba quay lại.
Khi tôi nhận được tin đến nơi thì người ta đã chuyển mẹ tôi lên phòng cấp cứu. Bệnh tim của mẹ tái phát sau một thời gian điều trị ổn định. Chuyện xảy ra đã 7 năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ như in.
Năm đó tôi 20 tuổi, đang học đại học năm thứ hai. Khi mẹ tôi phát bệnh, ba giao công việc lại cho anh hai để vào bệnh viện chăm sóc mẹ. Ba nói: “Chỉ có ba mới hiểu ý mẹ, làm cho mẹ vui mà khỏi bệnh”. Tôi đã chứng kiến những tháng năm hạnh phúc của ba mẹ nên hiểu tấm lòng của ba trong câu nói đó. Vậy là anh em tôi thay nhau quán xuyến chuyện làm ăn để ba toàn tâm, toàn ý chăm lo cho mẹ.
Bác sĩ Trưởng Khoa Nội Tim mạch của một bệnh viện trên địa bàn quận 5, TP HCM là bạn thân của mẹ nên ba chọn bệnh viện đó để mẹ điều trị.
Sau khi tình trạng của mẹ ổn định thì ba đăng ký cho mẹ nằm ở phòng dịch vụ chỉ có 2 bệnh nhân. Người bệnh nằm cùng phòng với mẹ là một bác cũng trạc tuổi ba mẹ tôi. Nuôi bác là người vợ còn khá trẻ. Nghe đâu hai người mới chắp nối được vài năm sau khi người vợ đầu của bác mất vì bệnh hiểm nghèo.
Đồng bệnh tương lân nên hai gia đình khá thân thiết. Bên này có cái gì ngon cũng mời bên kia, bên này hết nước sôi thì bên kia đi đổ dùm, bên này có việc đi đâu đó thì bên kia trông dùm người bệnh, khi người này bận thì người kia đi lấy cơm cháo dùm…
Anh em tôi thấy vậy cũng mừng, nghĩ mẹ bệnh dài ngày, ba chăm sóc cũng vất vả, có người bầu bạn tâm sự cũng đỡ buồn. Hằng ngày, ba nhờ người phụ nữ kia mua cơm, sau đó họ cùng xuống căn tin của bệnh viện ăn cơm “cho khỏi mắc công rửa chén bát” như lời ba tôi nói. Cả ba tôi và người phụ nữ kia đều rất cảm kích trước sự chăm sóc tận tình của mỗi người dành cho người bạn đời của mình.
Cho đến cái ngày định mệnh. Ba tôi bảo đi mua đồ ăn sáng cho mẹ rồi không thấy quay lại. Bác Giao, người bệnh nằm cùng phòng với mẹ cũng lâm vào cảnh tương tự. Sau này bác kể, mẹ tôi cứ ngồi ngóng ra cửa phòng, chốc chốc lại ngoắc mấy người nuôi bệnh quen ở mấy phòng bên cạnh để hỏi “có thấy chồng em đâu không? Ảnh đi mua đồ ăn sáng cho em, không biết bị gì mà tới giờ chưa thấy về?”. Mẹ tôi sợ ba bị tai nạn hay bệnh hoạn bất ngờ…
Ở bên cạnh, bác Giao cũng nhấp nhỏm. Đến trưa vẫn không thấy vợ bác và ba tôi quay lại phòng, bác Giao đã gọi cho con mình. Họ túa đi tìm, đến tối vẫn không gặp họ. Cả hai người đều không mang theo điện thoại. Khu khám bệnh ban đầu còn xầm xì, sau đó thì bàn tán ồn ào về chuyện hai người nuôi bệnh dẫn nhau bỏ trốn, để lại hai người bệnh không người chăm nom.
Mẹ tôi ngất xỉu khi biết chắc là ba không quay lại. Khi anh em tôi nhận được tin báo, từ Đà Lạt chạy xuống thì mẹ tôi đã hôn mê sâu. Tôi chỉ kịp nắm lấy bàn tay đang lạnh dần của mẹ. Mặt mẹ ướt đầm nước mắt. Mẹ tôi ra đi mà vẫn không hiểu tại sao người chồng yêu thương lại có thể nhẫn tâm quay lưng, bỏ rơi mình trong lúc bệnh hoạn như vậy.
Đám tang mẹ tôi, ba không về. Tôi chẳng biết ông có biết tin không, hoặc là ông không dám về để chứng kiến hậu quả việc làm độc ác của mình.
Riêng tôi, cùng lúc mất cả cha lẫn mẹ đã khiến tôi rơi vào u uất. Tôi phải nghỉ học một năm trời để trị bệnh. Tôi hận ba tôi và người đàn bà kia và thề sẽ xé xác, phanh thây họ nếu gặp lại. Anh hai tôi thì trầm tĩnh hơn. Anh ôm tôi vào lòng: “Còn có anh hai đây mà cưng. Mẹ bệnh lâu quá rồi, có lẽ ba cũng bức bách. Thôi thì mình cứ cho là duyên nợ của ba mẹ chỉ có bấy nhiêu, em đừng giận, đừng trách ba làm gì, mọi chuyện rồi sẽ qua thôi”.
Tôi không nói, không rằng nhưng tôi không dễ tha thứ như anh hai. Tôi nửa muốn đi tìm ba để hỏi tội, nửa muốn xem như ông đã chết rồi.
Cuộc đời thật trớ trêu. Ngay khi tôi gần như đã quên chuyện cũ thì bất ngờ tôi gặp lại ba mình. Công ty cử tôi về TP HCM tập huấn 6 tháng. Chỗ tôi ở cách trường học khá xa nên tôi phải đi xe ôm mỗi ngày. Và một trong những lần như vậy, tôi đã gặp người đàn ông của mẹ tôi. Khi nhận ra người chạy xe ôm là ông, tôi nhìn ông trân trối và không thốt lên được lời nào. Ông cũng vậy. Sau khi há hốc nhìn tôi, ông vội vàng nổ máy định phóng xe bỏ chạy nhưng tôi đã níu lại.
Trong suy nghĩ của mình, tôi không bao giờ hình dung người cha mà tôi kính yêu lại tàn tạ, hom hem như vậy. Khi đã tiêu hết số tiền dành chữa bệnh cho mẹ tôi, ông phải đi chạy xe ôm kiếm tiền nuôi người tình bụng mang dạ chửa. Sau khi sinh con, bà ta bị bệnh nằm một chỗ, gánh nặng gia đình dồn hết lên vai ba tôi. Ông phải đem đứa con nhỏ gởi vào một mái ấm trên quận Thủ Đức.
Giờ đây, ngày ngày ông chạy xe ôm để kiếm tiền thuốc thang cho người đàn bà ấy. Họ sống trong một căn nhà tồi tàn ở tận ngoài Bình Chánh. Căn nhà này được mua bằng một phần tiền bán mạng mẹ tôi. Nếu ba không bỏ đi, ôm hết tiền theo thì mẹ tôi không chết tức tưởi như vậy.
Càng nghĩ tôi càng hận. Nỗi căm hận tưởng đã phai mờ 7 năm qua giờ lại bùng lên như ngọn lửa nhỏ gặp cơn gió to. Tôi hả hê nói với ba: “Đáng đời cho ông. Mẹ tôi chết là vì ông và người đàn bà kia. Đúng là ông trời có mắt, chuyện nhân quả ngày nay nó tới liền chứ chẳng phải đợi lâu”. Ba tôi cúi gầm mặt không nói lời nào. Tôi càng hả hê trong dạ.
Nhưng cảm giác ấy cũng chỉ được vài phút giây ngắn ngủi. Khi quay lưng đi là tôi bắt đầu khóc. Tôi nhớ những ngày tháng ấu thơ hạnh phúc ngập tràn bên ba mẹ. Ba rất thương và chiều tôi. Chưa bao giờ ba từ chối những yêu cầu trời ơi, đất hỡi của tôi. Nhớ có lần tôi bệnh bị sốt cao, nửa đêm ba cõng tôi chạy ra đường để đón xe lên bệnh viện tỉnh. Suốt mấy ngày liền, ba ngồi quạt cho tôi, đút cho tôi từng muỗng nước cam, từng muỗng cháo…
Ký ức về gia đình hạnh phúc, về tình yêu thương vô bờ bến của ba cứ cuồn cuộn chảy về trong tôi. Có lúc tôi nghĩ, đúng là ba có lỗi với mẹ nhưng với anh em tôi, cho đến ngày ba dứt áo ra đi theo tiếng gọi của một con tim lạ thì cũng vẫn vẹn nguyên hình ảnh một người cha mẫu mực, hết lòng yêu thương con cái. Tôi không biết phải làm sao bây giờ?
Hình ảnh gương mặt hom hem của ba và người đàn bà gầy gò trong căn nhà nhỏ cứ ám ảnh tôi. Rồi câu chuyện về đứa nhỏ phải đem gởi ở nhà mở khiến lòng tôi ray rứt. Nếu tôi tha thứ cho ba thì tôi có lỗi với mẹ; còn nếu như cứ bỏ mặc ông như thế thì cũng có nghĩa là tôi tự đày đọa mình suốt phần đời còn lại bởi trong sâu thẳm lòng mình, tôi biết tình phụ tử là thiêng liêng và không gì có thể cắt rời…
Tường Vi