(Dân trí) – Chiều ngày 20/12, chúng tôi tìm đến Bệnh viện Quân đoàn 4 để thăm những nạn nhân trong vụ sập nhà tại Bình Dương. Qua tìm hiểu được biết đây là một nhóm thợ sơn nước “đồng hương” cùng ra đi từ vùng quê nghèo vào trong Nam để mưu sinh. >> Trắng đêm cứu người giữa đống đổ nát >> Nạn nhân và cứu hộ “tái hiện” vụ sập nhà kinh hoàng
Trong số những nạn nhân may mắn phải kể đến nhóm thợ sơn nước gồm 5 người đều xuất thân từ tỉnh Thanh Hóa gồm các anh: Nguyễn Đình Binh (26 tuổi); Nguyễn Văn Ngọc; Trần Đình Toàn (cùng 19 tuổi); Nguyễn Đình Hiểu (37 tuổi, cùng ngụ tại Thọ Xuân, Thanh Hóa) và Nguyễn Huy Mười (26 tuổi ngụ tại Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Nhóm thợ sơn nước bị nạn đang được chữa trị tại bệnh viện Quân đoàn 4
Rưng rưng nước mắt anh Nguyễn Đình Hiểu người được tôn như trưởng nhóm tâm sự: “Anh em chúng tôi làm ở nhiều nơi lương chỉ đủ nuôi thân, khi đến công trình này thì được trả khá hơn một chút. Mỗi ngày công một người cũng kiếm được từ 100.000 đến 150.000 đồng, ai cũng mừng. Nhưng niềm vui mừng ấy chưa được lâu thì tai họa ập xuống, giờ nằm đây không biết phải sống như thế nào? Nhưng dù sao còn giữ lại được cái mạng là tốt lắm rồi”.
Nguyễn Đình Hiểu với thương tích đầy người
Trong số anh em cùng bị nạn, người trẻ nhất và có hoàn cảnh khá éo le là anh Nguyễn Văn Ngọc, dù còn khá đau đớn nhưng anh Ngọc vẫn cố tâm sự, gia đình em nghèo lắm cha mẹ đã ly thân từ khi em còn rất bé nên không có nơi nương tựa, em đành bỏ học sớm.
Năm 2003 em vào Sài Gòn kiếm công việc và bắt đầu bằng việc đi làm phụ hồ sau đó là học nghề sơn nước. Sau 3 năm “khổ luyện” đến năm 2006 Ngọc đã có thể kiếm cơm bằng nghề này. Cũng kể từ ngày theo nghề sơn nước đây là lần đầu tiên Ngọc gặp nạn nhưng chuyện xảy ra hôm nay đã để lại một vết hằn khó phai.
Nguyễn Văn Ngọc người có số phận nhiều éo le
Khi được hỏi về các chế độ bảo hiểm khi xảy ra tai nạn lao động anh Nguyễn Đình Binh cho biết, chúng tôi đều là người cùng hoàn cảnh rất nghèo, mỗi khi có việc làm thường hưởng lương theo kiều ngày nào “xào” ngày đó nên không có bảo hiểm gì cả.
Trần Đình Toàn bị thương khá nặng ở đầu gối
Trao đổi về chấn thương và sức khỏe của những nạn nhân đang nằm điều trị tai khu vực khoa ngoại B2 thuộc Bệnh viện Quân đoàn 4, các bác sĩ trực cho biết, về cơ bản các nạn nhân này đã qua tình trạng nguy kịch tuy nhiên đa số đều bị va đập mạnh nên cần có thời gian theo dõi và ổn định tinh thần.
Về trường hợp cháu Phạm Thị Linh (8 tuổi, con chủ nhà) bị đa chấn thương nặng đã chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu hiện vẫn đang nguy kịch.
Hiện UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo UBND huyện Dĩ An tổ chức các đoàn thăm hỏi động viên các nạn nhân trong vụ sập nhà nói trên.
3 người chết, 9 người phải nhập viện, 2 người bị thương nhẹ là con số mà PV Dân trí cập nhật được đến 16 giờ chiều ngày 20/12 sau vụ sập căn nhà 4 tầng xảy ra tại đường số 19, khu phố Thống Nhất I, huyện Dĩ An, Bình Dương. |
Bài và ảnh: Trung Kiên – Vân Sơn
Source: Báo Dân Trí