Tôi lấy chồng không được sự đồng ý của cha mẹ. Cưới nhau, chồng tôi vẫn đang xin việc làm, còn tôi là cô giáo tiểu học ở trường huyện.
Làm vợ anh trong thời điểm đó, tôi tự hào đã yêu anh không tính toán, dù cha mẹ hăm dọa “gạch tên khỏi danh sách thừa kế”.
Chúng tôi ra thị xã thuê phòng trọ để anh dễ có cơ hội xin việc làm. Hàng ngày tôi chạy xe từ thị xã về huyện hơn 20 cây số để dạy học và ngược lại. Mùa khô gió hanh rát mặt, mùa mưa ướt lạnh, nhưng về đến nhà có sẵn cơm canh chồng nấu, thấy đời vui lắm dù nửa cuối tháng, mâm cơm chỉ có món rau xào suông. Thỉnh thoảng em gái tôi đến thăm, trước khi ra về em gái thường hỏi “Anh chị cần tiền không?”. Câu hỏi khiến nung nấu trong lòng tôi ý nghĩ, một ngày nào đó vợ chồng tôi sẽ quay về chào cha mẹ trong tư thế thật xênh xang.
Sau một năm hai đứa sống bằng tiền lương của tôi thì anh xin được việc ở Đắk Nông, một tỉnh mới tách ra từ Đắk Lắk. Nhân sự chưa ổn định, hàng tuần cán bộ công nhân viên chức từ tỉnh Đắk Lắk về Đắk Nông làm việc cho đến cuối tuần thì họ quay về với gia đình, còn anh là nhân viên tép riu mới toanh, có nhiều cuối tuần phải ở lại để kiêm luôn công việc bảo vệ cơ quan.
Tôi trả phòng trọ ở thị xã dọn về huyện cho gần trường. Dù ở một mình nhưng thỉnh thoảng có chồng về nên tôi không thể tiết kiệm bằng cách ở chung với bạn bè mà phải thuê riêng một phòng. Một cảnh hai quê, đi đi lại lại thăm nhau, rồi thì cơm hàng cháo chợ rất tốn kém…
Tôi có thai. Ốm nghén nôn mửa oặt ẹo mà không có chồng bên cạnh, thật buồn. Buồn hơn nữa là những cú điện thoại anh gọi về nói nhớ em bằng giọng lè nhè. Vậy, khi thất nghiệp thì không rượu chè không thuốc lá, có được việc làm thì sinh tật và đổ thừa tại buồn. Khuyên can không được, tôi dọa ly hôn, chồng thách “tùy em”.
Chụp cây bút viết đơn ngay, nhưng… ly hôn là thừa nhận cha mẹ mình đúng khiến tôi sĩ diện với gia đình mà ngừng lại. Lời xin lỗi của chồng không lấp được cái hố tràn ngập chua xót trong tôi.
Tôi vừa mong vừa sợ em gái đến thăm. Mỗi khi em gái đến, tôi nấu nướng linh đình và mua hoa về cắm khắp nơi, mở nhạc tưng bừng… tôi không muốn em chứng kiến tôi cô độc và buồn, không muốn lời em kể về mình là hình ảnh tội nghiệp, muốn ba mẹ hiểu tôi đầy đủ và hạnh phúc, để rồi khi nhìn thấy tia thương hại trong mắt em gái, tôi gồng mình để không òa khóc. Sợ mình khóc thì con sinh ra bị sầu muộn, tôi lại gượng cười đùa…
Mấy lần chồng về thăm chứng kiến tôi khóc khóc cười cười như vậy, anh sợ, hứa bỏ rượu và tiết kiệm dành dụm. Sự tình có vẻ tươi sáng hơn một chút thì nhà trường đưa ra quy định chuẩn hóa giáo viên, ai cũng phải có bằng đại học. Tôi khệ nệ bụng bầu chạy xe ra thị xã để ôn thi, bạn bè cười: “Bà xin chuyển làm văn thư là vừa, có thi đậu đi nữa thì ai giữ con cho mà đi học?”.
Bụng tôi được tám tháng thì em gái đến: “Mẹ nói khi sinh chị về nhà để mẹ chăm sóc cho”, tôi chưa kịp vui được mẹ thông cảm thì em gái tiếp: “Nhưng chồng chị không được lui tới”. Tôi gượng cười: “Tụi chị tính rồi, chồng chị xin nghỉ phép và nghỉ không lương thêm tháng nữa. Cũng ổn”.
Nhưng vào thời điểm đó, sếp quan tâm đến chồng tôi và thường yêu cầu anh cùng tiếp khách, vị trí trợ lý là trong tầm tay. Nếu anh nghỉ việc dài ngày sợ tuột mất cơ hội. “Anh coi chức trợ lý hơn em và con à?”, tôi gào lên uất ức rồi xé lá đơn xin nghỉ phép anh viết. Công danh sự nghiệp của anh cũng là của tôi, của con tôi, của cái ngày xênh xang quay về chào ba mẹ để chứng tỏ chọn lựa của mình không mù quáng.
Nuốt tủi cực vào lòng, tôi chuẩn bị tự chăm sóc mình và con, chuẩn bị đối diện với bao điều hay dở có thể tưởng tượng được… Duy nhất một điều tôi không hề nghĩ tới là mẹ chồng có mặt vào ngày con tôi chào đời.
Sự xuất hiện của bà khiến tôi mừng đến chảy nước mắt, là tôi muốn mọi người thấy tôi được nhà chồng quan tâm trân trọng biết bao.
Bà lặng lẽ chăm sóc tôi tận tình và hơn vậy nữa, bà đến chào cha mẹ tôi. Hình dung bà khép nép trước mặt cha mẹ tôi vẻ nhận lỗi vì con trai mình làm buồn lòng người khác, tôi ứa nước mắt muốn nói lời cảm ơn mà không thể thốt thành lời.
Tôi và em bé được ba tháng mười ngày thì mẹ chồng trở về quê. Tôi bận bịu vất vả hơn, nhưng nỗi buồn dịu đi nhiều lắm, vợ chồng tôi đầm ấm hơn dù vẫn một cảnh hai quê. Có lẽ đến lúc đó tôi mới thật sự cảm nhận yêu là như thế nào và người ta có thể làm được gì cho người mình yêu thương.
Con được bốn tháng thì bắt đầu học kỳ đầu tiên của chương trình đại học, lớp học tập trung ở thành phố cách nơi tôi ở 40 cây số, mỗi kỳ học kéo dài hai tháng rưỡi. Chồng tôi hỏi “Em tính sao?”. Nghĩ đến ngày mình cầm tấm bằng đại học trong tay về chào cha mẹ, ồ, đẹp hơn những hình ảnh xênh xang nhất mà tôi có thể tưởng tượng được. Nhưng mà ngay cả khi chồng hy sinh chịu ở nhà bế con thì tôi cũng không muốn cho bé bú sữa ngoài.
Đành vậy, tôi nhìn bạn bè lên đường ra phố học và xếp cất tờ giấy báo thi đậu của mình vào hộc bàn, để làm kỷ niệm thôi. Quyết định vậy nhưng tay tôi cứ bấm phím điện thoại hỏi thăm bạn bè học hành ra sao, mới nhận ra trong lòng mình nôn nao luyến tiếc.
Một lần nữa, chồng tôi lại cầu cứu mẹ. Đến lúc đó tôi mới biết là khi mẹ vào với vợ chồng tôi thì bố chồng ngoài việc nương rẫy còn phải đảm đương thêm việc của vợ ở vườn rau, các em chồng đi học về phải thay nhau nấu nướng và lo cho đàn heo, bầy vịt, vì thêm việc cho nên phải thức rất khuya mới kịp học bài.
Nhập học trễ nên tôi phải học bù rất nhiều, may mà có mẹ chồng giữ con và nấu nướng giặt giũ cho, tôi chỉ làm một việc là cho con bú. Bà chủ nhà trọ nói kiếp trước tôi làm gì mà kiếp này có phước vậy.
Tấm lòng của mẹ chồng khiến tôi uốn nắn được chính mình, tôi không nghĩ tới ngày xênh xang như một cuộc đáp trả nữa. Tôi vẫn mong có ngày đó và cố gắng cho ngày đó, để cha mẹ tôi yên lòng thấy tôi được hạnh phúc, và để nói với con tôi “Mẹ cảm ơn ông bà nội và các cô chú của con nhiều lắm”.
Nguyên Hương