Chiều sếp, chồng hay phải đến ‘quán đèn mờ’

Nếu việc xây dựng quan hệ với cấp trên chỉ dừng lại ở việc quà cáp biếu xén hay nhậu nhẹt thì có lẽ không có gì đáng nói. Đằng này, như anh tâm sự, sau những cuộc nhậu, anh phải dẫn sếp đi massage hoặc bia ôm, karaoke ôm.

Trường hợp của tôi rất khác với những bài viết thường gặp trên mục Tâm sự. Vợ chồng tôi khá hòa hợp, yêu thương nhau. Vấn đề không nằm ở quan hệ giữa hai vợ chồng mà là ở công việc của anh. Anh là người có chí tiến thủ, có tham vọng trong sự nghiệp.

Làm việc trong cơ quan nhà nước nhưng anh rất có trách nhiệm. Anh cũng đang phấn đấu để được đi học, là cơ sở để phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, trong ngành anh công tác, năng lực chưa phải là quyết định, mà các mối quan hệ chiếm vai trò cực kỳ quan trọng. Việc tạo dựng quan hệ với cấp trên là không thể thiếu. Bản thân tôi cũng rất ủng hộ và mong làm chỗ dựa vững vàng để anh yên tâm công tác và phấn đấu.

Nếu việc xây dựng quan hệ với cấp trên chỉ dừng lại ở việc quà cáp biếu xén hay nhậu nhẹt thì có lẽ không có gì đáng nói. Đằng này, như anh tâm sự, sau những cuộc nhậu, thỉnh thoảng anh phải dẫn sếp đi massage hoặc bia ôm, karaoke ôm. Anh nói mong tôi thông cảm, vì chẳng lẽ sếp yêu cầu mà mình từ chối. Anh cũng khẳng định bản thân chẳng thích thú gì, rằng anh không bao giờ làm gì có lỗi với tôi, anh rất trong sáng, biết cách tự bảo vệ mình.

Thực lòng tôi rất tin anh. Nhưng dù tin đến mấy tôi cũng không tưởng tượng nổi đã vào những chỗ như vậy thì còn giữ mình làm sao được. Mình có muốn không làm gì thì những người đi cùng có chấp nhận không? Các em tiếp viên lại thiếu gì cách để lôi kéo, chiều chuộng khách. Vào đó thì biết thế nào là điểm dừng. Ranh giới giữa “trong sáng” và “trong tối” có lẽ quá mong manh.

Chuyện đó lại không phải chỉ diễn ra một hai lần mà có thể còn nhiều lần khác. Anh có giữ mình được mãi không khi cuộc sống vợ chồng có rất nhiều điều không thể nói trước. Khi tình cảm vợ chồng dần trở nên nhàm chán, hay những lúc cơm không lành canh không ngot, những lúc vợ chồng xa nhau lâu ngày?

Thực sự, tôi không biết mình nên cư xử thế nào cho phải, để vừa không ảnh hưởng đến công việc của chồng, vừa không ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Khuyên anh bỏ việc là điều không thể, vì ngành của anh là ngành được đào tạo đặc thù. Bảo chồng đừng phấn đấu thì càng không được, vì đàn ông không thể không lo sự nghiệp, mà như đã nói, sự nghiệp của anh được quyết định rất nhiều bởi các mối quan hệ với cấp trên, có lẽ mọi người cũng không lạ.

Khuyên anh đừng đến những nơi như vậy? Chắc cũng không được nốt vì bản thân anh đâu có muốn, với anh, đó là một phần của công việc, một việc phải làm. Tôi cũng không muốn mỗi lần anh về muộn lại tra hỏi, chất vấn chồng. Có lẽ chỉ làm không khí thêm căng thẳng mà thôi.

Nhưng ngược lại, nến tôi chấp nhận “sống chung với lũ”, chấp nhận như đó là điều hiển nhiên thì bản thân tôi thấy không cam tâm, thấy mình quá thiệt thòi, cam chịu. Dù tin những lời anh nói, và biết không phải cứ vào những chỗ như vậy thì phải “làm gì đó” mới được, có thể chỉ đơn giản là thư giãn mà thôi, nhưng chỉ cần tưởng tượng việc chồng vào những nơi đó, ngồi cạnh một người phụ nữ không phải là mình, dù không làm gì thì tôi cũng đã đau thắt ruột gan.

Và cứ mỗi lần anh về muộn hay vắng nhà là tôi lại suy diễn ra đủ mọi viễn cảnh u ám. Sợ rằng nếu tiếp tục thì niềm tin và tình yêu tôi dành cho anh cũng bị tổn thương, sợ rằng tôi không đủ rộng lượng để có thể coi việc đó là bình thường.

Cõ lẽ, trong xã hội hiện nay, các anh coi việc này là bình thường, hiển nhiên, còn các chị thì phải thông cảm và chấp nhận. Tôi nghĩ không ít gia đình rơi vào hoàn cảnh giống mình. Vậy theo mọi người, chấp nhận hay không chấp nhận?

Thu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.