All posts by Góc Tâm Sự

MẸ NGHÈO.

Mẹ nghèo

🍀 Mẹ tôi mất cha lúc còn nằm trong bụng và mồ côi mẹ thuở mới lên ba. Mẹ về sống với dì Ba, em ruột bà ngoại, chúng tôi gọi bằng ngoại Ba.

Ông ngoại Ba là con cháu địa chủ nức tiếng một vùng, hành nghề nhập đồng bói toán. Giàu có, biết tiền vận hậu vận, thêm biệt tài yểm bùa chuốc ngải nên nguyên một vùng nhiều người người ái ngại. Chưa hết, nhà có tám ông con trai, ông nào cũng cao to vạm vỡ, tính hung dữ cộc cằn, thành ra người ta cũng ngại đụng chạm, sợ dây vào ổ kiến lửa nó thui.

Cũng không biết ông ngoại bói có đúng, bùa ngải có linh không, thực hư chuyện nhập đồng trù yểm không ai rõ, tại cả xóm đâu ai tới. Cơ bản việc đời một đồn mười, mười đồn trăm rồi khách thập phương về quỳ lạy cầu khấn – mê muội và chạy theo đám đông là cái lỗi lớn mà con người rất dễ mắc.

Mẹ kể, ở nhà ngoại Ba, mẹ đảm tất tật chuyện cơm canh, lau chùi, giặt giũ để rồi tới bữa ngồi co ở góc bếp, cạo cơm thừa quét canh cặn. Quần áo mặc mót của bà ngoại, cái thùng thình, cái già chát. Cũng xót cháu nhưng biết tính chồng gia trưởng, quản từ hũ vàng trong rương đến củ hành củ tỏi dưới bếp, mọi thứ trong nhà chỉ cần chệch ý ông sẽ phải trả giá ngay lập tức nên bà ngoại không dám ho he. Và mẹ đủ thông minh để hiểu nỗi phũ phàng đời mình nên không trách hờn, càng không dám trông chờ tình thương.

Sau này, mấy cậu lấy vợ sinh con, không lo làm ăn mà thi nhau tiêu pha nên tài sản tiêu tán, bói toán cũng hết thời, nhà ngoại Ba chỉ còn cái vỏ. Liền đó, ông ngoại đòi gả mẹ cho một người làm, cách gián tiếp đuổi mẹ ra khỏi nhà. Mẹ bảo, ông ngoại quy mẹ mang đến điều xui xẻo, tại cái bớt đen trước ngực. Như một người sinh ra đã mê tín, ngoại lý giải cái bớt đen là dấu vết tiền kiếp lưu lại, là biểu hiện của kiểu người “lòng lang dạ sói”, nếu không cũng đem đến tai ách. Đó là lý do “chính đáng” để mười ba tuổi mẹ ra khỏi nhà ngoại Ba. Dùng cách đó để đuổi cháu ra khỏi nhà thì quá tàn nhẫn. Và mẹ, vì bẽ bàng, vì tự trọng nên không bao giờ quay lại ngôi nhà cao rộng đó nữa, dù có lúc ôm cái bụng lép kẹp lê lết ngoài đường.

Mười ba tuổi, ẵm em cho người ta chai hông để đến năm mười lăm tuổi đã có thể xăm xăm đồng nọ núi kia như một lực điền có hạng. Vậy đấy, khi bị đẩy vào đường cùng, nếu không muốn bị vùi dập, người ta tự khắc sẽ kiên cường.

Năm mười bảy tuổi, vượt hai trăm cây số đi cắt lúa mướn, mẹ gặp ba tôi, cũng dân tha phương làm mướn. Cô gái mồ côi gặp chàng tuổi trẻ độc chiếc, thấy hiền hiền, mến mến, người lớn ghép đôi, vậy là thành vợ thành chồng. Hồi đó hôn nhân đi trước tình yêu mà.

Và như thế, chúng tôi, cả thảy năm anh em, là những đứa trẻ nhà nghèo. Càng nghèo hơn khi bốn mươi tám tuổi, mẹ mồ côi chồng. Bằng cách nào đó, mẹ lo các con có cơm ăn và cho đi kiếm chữ. Tiêu chí của mẹ là nghèo nhưng không được dốt, để làm được điều đó, mẹ phải nai lưng làm và tới bữa “ăn cá mút xương, ăn mắm mút dòi”.

Mẹ không biết khóc, kể cả ngày chồng mất. Người ta chỉ trích, mẹ bảo mình không chết cùng được thì phải mạnh mẽ để lo hậu sự cho chồng, rồi lo mà nuôi con chứ khóc la gì. Mạnh mẽ và lý trí, mẹ khiến nhiều người kính nể nhưng cũng vướng nhiều thị phi. “Kệ! Không quan tâm người ta nói, nếu ai lo dùm các con, mẹ cũng sẽ ngồi lê, chao chát với đời”, mẹ nói.

2.

Các con của mẹ lớn lên, mỗi đứa một cảnh.

Chị Hai và các em kề học không sáng, lết qua lớp 9, mẹ hướng học nghề. Nhờ vậy mà mấy cô con gái có nghề nghiệp, đỡ phải bươn chải nắng mưa đồng cạn đồng sâu.

Nhưng cuộc đời đâu thể dễ dàng với tất cả. Riêng chị Bốn, trúng tiếng sét ái tình, đang học nghề may lại đành đoạn bỏ ngang lấy chồng vì “sự cố kỹ thuật”. Yêu bất chấp ai ngờ gặp tên vũ phu, ưa bài bạc. Chịu hết nổi cái lý “đánh bài kinh doanh”, chị nách ba con về mẹ. Mẹ bèn chia đôi ngôi nhà hình chữ L, mẹ con chị một bên, mẹ một bên.

Phần Út Chi mặt mũi dễ thương, học hành sáng dạ, mẹ không thôi hy vọng nó công thành danh toại. Mẹ bảo trong các con nó tội nhất vì sớm mồ côi cha. Mẹ xoa đầu, ráng học, tới đâu mẹ lo tới đó. Nhưng cuối cùng, Út Chi lại làm mẹ lao tâm khổ tứ, thiếu điều chết đi sống lại với nó.

Nó thông minh nhưng ngang ngược, đua đòi từ nhỏ, mẹ ra sức kiềm, tôi cận kề định hướng nhưng lực bất tòng tâm. Nó luôn thấy mình là người thiệt thòi nhất, ở cái tuổi bạn bè khối đứa đã được quyền “hư hỏng”, nó học về còn phải đi rinh gạch, cắt lúa, dọn gốc rạ, chăn bò, vân vân… Nó vùng vằng bức xúc, mẹ không cằn nhằn, chỉ hét: “nhà mình nhà làm chứ hổng phải nhà chơi, nghèo rạc mà đua đòi, mai mốt có nước ra đường ăn xin”. Luôn luôn như vậy, con thì rất thương nhưng mẹ chỉ chiều chuyện chính đáng. Út Chi, tự nó thấy mình không sai. Có đứa con gái nào chẳng kiêu hãnh vì đẹp, và đương nhiên cái khao khát ăn diện để phô bày nhan sắc chẳng phải điều sai trái, rất tiếc nó bỏ qua hoàn cảnh. Đã không dưới chục lần, thằng anh khốn khổ tôi động viên nó ráng, từ từ học xong, đi làm có tiền anh bù cho nhưng nó vẫn ương bướng, lầm lì khó dạy.

Nó chính thức có “thành tích” nổi loạn năm học 12. Đi học mà rủ bạn bè huê hụi rồi ôm tiền đi chơi xả láng. Trước đó, cô giáo tới nhà báo nó có biểu hiện yêu đương lộ liễu, lập hội con gái đánh nhau. Mẹ hỏi chuyện, nó nhất quyết không nhận, tôi âm thầm điều tra chân tướng, nó dám nói “Anh khôn hồn thì ngậm miệng dùm em!”, sự hỗn hào của nó đã phục hồi sự cộc cằn mà tôi đã cố bỏ theo ý mẹ – tôi nổi điên chố cho một tát nảy lửa. Không nhằm nhò.

Chưa dừng ở đó, nó đùng đùng đòi vô đại học tư, mẹ gánh học phí cóng róng. Đang là sinh viên năm hai, yêu đương sao hổng biết, bị vợ người ta tìm về tận làng lu loa.

Sau vụ bê bối đó, nó bỏ học, la cà bạn bè chỗ nọ chỗ kia. Rồi một ngày nó đi không về, mọi liên lạc bị chặn hết. Còn đang hoang mang thì thằng xã hội đen gọi điện cho mẹ, chửi bới om sòm đòi nợ. Tôi tái mặt, mồ hôi bực ra đầm đìa. Trời ơi, nợ lần hai trăm triệu, chẳng biết nó làm cái giống gì mà đổ tháo cỡ đấy. Mẹ lại là người lãnh trận.

Mẹ nghèo, tôi quá biết, quá rõ. Mới thổ lộ muốn giải cứu cho em, vợ tôi đay nghiến, nó làm nó chịu, anh lo trả nợ cho em thì ai trả nợ cho anh, nói và đẩy hai cô công chúa tới trước mặt như… đe dọa. Tôi bối rối về thưa mẹ mình bó gối. Lúc đó, mẹ không nói gì, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt khiến tôi đứt ruột. Hèn hạ, bệ rạc là cái thằng tôi. Đứa con trai độc nhứt, ăn học hết cơm, láng giềng khen hay khen tốt nhưng rồi trong cơn hoạn nạn lại chẳng giúp mẹ được gì.

Ngày trai trẻ, tôi không nổi loạn như con Út nhưng ích kỷ, chỉ nghĩ tới ước mơ mà bỏ quên hiện thực nhọc nhằn của mẹ. Hồi đó tôi mãn 12, mẹ “rón rén” khuyên học sư phạm cho nhẹ nhàng – học phí được miễn. Tôi biết, tôi hiểu nhưng cái khao khát đổi đời trong tôi quá lớn. Tôi quyết vào đại học. Mẹ chỉ còn cách đồng ý, những nếp nhăn giữa hai cặp chân mày của mẹ xuất hiện từ đó. Học xong, tôi được giữ lại trường, lấy vợ thành phố. Ngày cưới, tôi chiều ý nhà vợ danh giá, mượn chủ hôn tướng mạo sang trọng mà để mẹ ngồi chung với khách quê. Đổ lỗi cho tuổi trẻ là ngụy biện, nghĩ lại thật đáng hổ thẹn, cái sĩ diện đáng khinh bỉ. Là người có học mà tôi đã hành xử rất vô đạo với mẹ.

Mẹ bán nhà. Trả nợ và ngóng tin.

  • Nó sống như nữ hoàng lạc thú! Cái ngu của nó còn to hơn quyền lực của Thượng đế. – Chị Hai kết tội em và trách mẹ theo đuôi Út Chi, cứ bỏ dãi cho bọn chủ nợ gô đầu về, một lần ăn đòn sẽ tởn tới già. Mình dạy không được để giang hồ họ dạy!
  • Chuyện đã rồi thì lo giải quyết chứ chì chiết ích chi.

Mẹ nói bằng vẻ bình thản minh mẫn và rầu rĩ. Một con ngựa dày dạn roi vọt hẳn sẽ chẳng điều gì khiến nó sầu thảm tuyệt vọng nữa. Nhưng có can trường tới đâu cũng là một người mẹ – máu chảy ruột mềm. Em tôi dại khờ, nó bộc lộ bất hạnh bằng việc lao vào những thú chơi với trái tim căng đầy thèm muốn. Ngụp mình trong những trận vui bất tận. Lầm lạc lại nghĩ mình thấu suốt trần đời. Cái đầu ngang ngạnh của nó chắc không đời nào hiểu được tâm tư lúc này của mẹ. Héo hon, gầy rạc. Dưới gầm trời này, có lẽ không gì trọn vẹn bằng khổ hạnh.

3.

Rồi một đêm, mẹ chìm trong giấc ngủ và không thức dậy nữa…

Trong ngày buồn nhất đời mình, tôi tái tê quỳ gối tiễn mẹ về miền Cực lạc, và bây giờ, tôi muốn ngợi ca mẹ hơn là khóc lóc sụt sùi.

Đồ đạc của mẹ được sắp lại gọn gàng. Chỉ vài bộ đồ và một ít giấy tờ tùy thân.

Bên góc chiếc rương cũ có mấy cái cuống rốn. Đó là thứ duy nhất mẹ để dành cho mình.
🍁🍁🍁
Nguyễn Thị Bích Nhàn
VuLe Bt (Bài & Ảnh)

NGƯỜI ĐÀN BÀ CÂM

Người đàn bà câm

🍀 Chị bị câm, theo như lời người ta kể thì lúc lên sáu, chị vẫn ríu rít nói cười. Rồi một ngày, trời mưa nặng hạt, sấm chớp giật đùng đùng. Ba chị kịp dắt con bò về chuồng nhưng bò vừa vô đến cổng, một tia chớp sáng rực, ông bị thiên lôi gọi tên. Chị chứng kiến, sợ hãi, mặt cắt không ra giọt máu nhưng không khóc. Rồi từ đó đến nay, chị không một lời.

Trớ trêu thay! Người biết nói rành rõi lại không thích hoặc không thể giao tiếp với người câm. Dù chị có được học ngôn ngữ của người câm bao giờ, cách nói của chị cũng chỉ là bản năng. Rồi xung quanh chị, cái xóm núi nghèo nàn lạc hậu, người ta càng lạ với ngôn ngữ cử chỉ. Khổ nỗi, như bị trời đày, chị lại thích nói. Người ta khó lòng đứng lại trò chuyện với chị dăm phút, cuộc sống gấp gáp, cái ăn cái mặc làm người ta hối hả, tất bật. Chị vẫn không nản, vẫn kiên trì muốn “nói chuyện”, hầu như chị độc thoại, gặp ai chị cũng chỉ chỏ, ra hiệu không ngừng, miệng ứ ư liên tục. Ai nhìn chị cũng thương, những người vô tâm hơn cũng chỉ biết cười thầm. Có người thấy bất nhẫn quá thì cũng nán lại vài giây, giả bộ dùng cử chỉ ngôn ngữ, cũng ứ ư rồi khua chân múa tay. Chị cười vì được chia sẻ.

Người lớn thương cảnh ngộ của chị, dù không rảnh trò chuyện nhưng họ nhìn bằng ánh mắt thông cảm, đôi khi cả thương hại. Trẻ con trong xóm thì nghịch ranh. Chị vô tình trở thành đề tài của những trò nghịch như quỷ của chúng. Mỗi lần thấy chị, chúng chạy ào lại, tay múa lia lịa, rồi mấy đứa đứng sau lưng bụm miệng cười. Nếu cãi nhau, cãi không lại, tức quá thì rủa bạn mình câm như chị cho người khác nhờ.

Đã qua tuổi 25 nhưng chị vẫn một mình. Nói cho cùng, cuộc sống đầy rẫy những cô gái đẹp, có tri thức, ăn nói có duyên, ai lại đi lấy chị, một người đàn bà nhan sắc tầm tầm, lại câm.

Chị không có bạn, sống âm thầm bằng nghề đan lát. Kể cũng lạ, cái tật đi trước cái tài theo sau. Chị có đôi tay tài hoa, chị đan rất khéo và cũng giàu óc sáng tạo. Những món đồ thủ công của chị vừa đẹp vừa lạ, giá lại mềm. Tụi nhỏ hay vô cái cửa hàng mà mẹ chị làm cho để mua đồ tặng bạn bè. Chị cũng kiếm được đồng vào đồng ra.

Mẹ chị già lắm rồi, cũng không thể sống đời với chị mãi được. Rồi một ngày, bà qua đời. Chị lại côi cút, nhìn chị cũng không đoán được đang vui buồn hay hờn giận gì. Khuôn mặt chị, sức biểu cảm là trung dung, khó nắm bắt.

Anh hàng xóm bị bệnh, bệnh triền miên, dai dẳng. Lúc trẻ trai, khi còn sung mãn, anh làm lở núi lở non, chăm lo cho gia đình đầy đủ. Bây giờ tự dưng cơ thể trở chứng, bệnh hoạn hoài. Anh là trụ cột gia đình, giờ lăn đùng ra bệnh, tình cảnh rõ cơ cực. Các con nheo nhóc, chúng cứ như cỏ dại ven rừng, cằn cỗi nhưng vẫn sống. Đã vậy, lúc còn khỏe, anh không cho vợ đụng tay đụng chân, việc đồng áng anh lo tất, vợ chỉ cơm nước, giặt giũ. Bây giờ ra nông nỗi này, cái bệnh, cái nghèo đeo bám. Quả thật “họa vô đơn chí”, mấy hôm nay tự dưng chị vợ vắng nhà, đứa con nhỏ theo mẹ, đứa lớn ngồi cửa ngóng, anh nằm đợi, đợi mãi rồi không thấy vợ về.

Hai cha con, nhà không có đàn bà, rơi vào cảnh bi đát. Anh bệnh tật không ai chăm sóc, cơm cháo, giặt giũ, thuốc thang… Đứa con còn nhỏ, tự lo cho bản thân là giỏi rồi, cơm nước bữa khê bữa khét. Tuy câm nhưng chị rất giàu tình cảm. Chị thấy tội nghiệp, qua lại chăm lo chu đáo – cứ như hai cha con anh với chị là chỗ thân tình. “Giao tiếp” riết, thằng nhỏ bắt đầu hiểu được “ngôn ngữ” của chị. Và chị thích nghi, hòa hợp được với họ, những người biết nói.

Chị vợ bặt vô âm tín cả năm. Có người xa quê tình cờ gặp, nghe phong thanh chị ta đã theo một người đàn ông khá giả, sang trọng và được đổi đời. Anh không buồn, không oán giận, chỉ bảo hết duyên. Từ đó, anh với chị càng thân tình hơn, hai mảnh đời rách rưới đùm bọc, nương tựa lẫn nhau mà sống. Vậy là chị có chồng.

Cuộc sống của đôi vợ chồng êm ấm. Không phải vì chị câm nên không mồm mép, không thể càu nhàu như người vợ trước mà bởi lẽ chị rất ngoan hiền. Chị không nói được nhưng tâm hồn “biết nói”, hiền lành và thương chồng, yêu con. Chị chăm lo tận tâm, anh dần bình phục như có phép màu. Cái tiệm hớt tóc trước cửa nhà khách ra vô đều đặn, thêm mấy sào ruộng đưa người ta thuê, nói chung, không dư giả nhưng đủ rau cháo qua ngày. À, trước đó, khi chính thức về nhà anh, chị hoàn toàn tin tưởng nên không ngần ngại bán đi cửa hàng làm đồ thủ công. Chị bây giờ chỉ làm bà nội trợ. Cũng buồn đôi tay nhưng chị hạnh phúc. Sống đạm bạc nhưng êm đềm, nghèo tiền bạc nhưng tình thương dư giả.

Rồi một ngày, anh lại ngã bệnh. Càng ngày càng tiều tụy, gầy gò đến độ da bọc xương, da dẻ vàng chạch. Chủ quan vì nghĩ bệnh cũ tái phát nên anh cứ lần lựa. Chị lo lắng khi thấy sức khỏe chồng sa sút, muốn khuyên nhủ anh nhưng quả là quá khó. Rồi một ngày, khi bệnh càng trầm kha thì đi viện. Bác sĩ bảo ung thư gan giai đoạn cuối, đã di căn. Và anh đi. Anh bỏ chị một mình.

Anh mất, chị đau đớn, còn gì đau khổ bằng muốn khóc mà không khóc được. Khóc không ra tiếng, cứ nấc lên quằn quại, ruột gan càng đau đớn. Chị lủi thủi ra vào trong ngôi nhà quạnh vắng. Cuộc sống từng ngày trôi qua trong im lặng, trống trơn.

Người vợ năm xưa bỗng dưng xuất hiện. Chị ta ra mồ thắp cho anh nén nhang và về đuổi người đàn bà câm ra khỏi nhà. Bị câm nhưng chị vẫn hiểu khi người ta giao tiếp bằng tay chân. Thấy người vợ trước hung dữ nhặt đồ mình vứt hết ra ngoài đường là chị hiểu, mình không có quyền gì để ở trong ngôi nhà này. Ngôi nhà mà chị là “người dưng” còn người đàn bà đang sục sạo và quăng đồ đạc chị ra đường kia mới là vợ trên giấy tờ.

Chị lặng lẽ ra đi. Theo sự mách bảo của một số người trong thôn, chị theo xe vào thành phố bán vé số, lay lắt qua ngày. Bán vé số là một công việc không bỏ vốn nhưng vẫn có lời, người bán chỉ cần bỏ sức và dẻo mồm mời khách. Oái ăm thay, chị lại không biết nói. Gặp ai chị cũng giơ tập vé số ra, ánh mắt thiết tha. Một số người thấy tội nghiệp mua cho vài tờ, chị mừng húm. Gật đầu cảm tạ lia lịa.

Hôm đó vô quán nhậu, lũ trẻ choai choai tụm năm tụm bảy, đầu xanh, đầu bạch kim, hai lai… Chị giơ tập vé mời, một cậu trong bàn bất ngờ giựt hết cả tập, chạy vù khỏi quán. Chị chạy theo cậu nhỏ, miệng muốn la kêu mọi người chặn đòi tập vé số giúp nhưng không được. Chị kiên trì chạy theo cậu nhỏ một quãng. Bất lực, chị ngồi bệt xuống đường, buồn bã.

Một người đàn ông đứng trước mặt chị. Người này to cao, vạm vỡ, anh không đứng một mình mà tay dắt cậu bé lúc nãy đến xin lỗi chị. Chị vui mừng chụp tập vé số, nụ cười đang nở bỗng tắt ngấm. Chị buồn hiu hắt, đã hết giờ để trả lại vé cho đại lí rồi. Người đàn ông như hiểu được cảnh ngộ của chị, anh ta đưa tiền, mua hết tập vé số, rồi anh ta bỏ ngược lại tập vé số vào chiếc túi của chị và nhanh chân sải bước…

Chị về đại lý, mọi người thấy chị xác xơ nhưng vẻ mặt lộ rõ niềm vui. Mỗi người một dự đoán, chị biết điều thắc mắc đó nhưng tiếc là không thể chia sẻ được câu chuyện buổi chiều cho mọi người.

Và tối đó, chị dù không trúng tờ số nào nhưng nhớ tới cái cách người đàn ông lạ tặng chị xấp vé, chị ngồi cười đỏ mặt …

🍁🍁🍁
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
VuLe Bt (Bài & Ảnh )

Bà nội trông cháu, lấy tiền công của con dâu

Bà nội trông cháu đòi lấy tiền công hợp lý không?

🍀 Mới đi làm được hai tuần sau thời gian nghỉ thai sản, Liên – cô đồng nghiệp cùng phòng gọi điện nhờ tôi tìm chỗ nào nhận trông trẻ mới 6 tháng tuổi. Tôi ngạc nhiên bảo: “Chẳng phải có bà nội giữ rồi hay sao, mà bé còn nhỏ thế ít nơi nhận lắm”.

Như khơi đúng nỗi lòng, Liên trút cả bầu tâm sự: “Em bực mình làm chị à, ai đời bà nội trông cháu mà đòi tiền công, như thế thà em đi gửi trẻ còn hơn”. Tôi nghe qua hiểu ngay Liên lại vướng chuyện mẹ chồng nàng dâu.

Câu chuyện mẹ chồng của Liên sòng phẳng, chẳng phải mình tôi biết mà cả cơ quan đều tường tận nhưng mỗi người một ý. Có người đứng về phía Liên, đả kích mẹ chồng, họ bảo: “Cháu chẳng phải máu mủ ruột rà sao mà phải lấy tiền công như thiên hạ, bà phải có trách nhiệm chứ”.

Nhưng nhiều người cho rằng việc mẹ chồng Liên muốn nhận tiền công không có gì quá đáng mà rất hay nữa. Như thế lại dễ sống, coi như tiền gửi con dùng để biếu bà, mất đi đâu mà tính toán.

Riêng tôi, khi đã tường tận sự việc thì mới hiểu ra chuyện gì cũng có lý do của nó. Trước đây, lúc bố chồng Liên còn sống, ông bà ở dưới quê gần nhà anh trai cả. Một tay bà chăm sóc mấy đứa cháu để anh chị yên tâm làm việc. Liên thấy thế cũng yên tâm đến khi mình sinh con, bà nội chắc chắn sẽ đỡ đần việc trông cháu.

Nhưng khi Liên mới có bầu vài tháng thì bố chồng đột ngột qua đời. Ngày trước, bố chồng từng làm cán bộ nên có lương hưu, cuộc sống của hai ông bà nhờ vào số tiền hàng tháng đó nên con cái không phải lo.

Đến khi ông mất, bà không lương, cháu cũng đến tuổi đi học, bà phải đi phụ nấu ăn đám cưới để lấy tiền trang trải qua ngày. Vợ chồng anh cả làm ruộng, chỉ giúp mẹ được ít thức ăn, vật dùng còn vợ chồng Liên cũng không dư giả gì lại đang ở nhà thuê nên mỗi lần về quê biếu mẹ được vài trăm ngàn là nhiều.

Mà ở quê thì ngày nào chẳng có việc. Nào là giỗ chạp, ma chay, cưới hỏi… đủ cả, tiệc lớn tiệc nhỏ gì người ta cũng mời. Biết con cái vất vả, mẹ chồng Liên lâu nay gần như tự xoay xở, làm làm thêm việc này việc kia để kiếm tiền ở tuổi gần 70.

Đến khi Liên sinh con, vợ chồng cô đón mẹ ở cùng để nhờ bà chăm sóc cháu. Liên cứ nghĩ đơn giản, mẹ chồng sống chung thì cô đã lo hết chi phí sinh hoạt rồi. Vì thế, khi bà đề nghị mỗi tháng cô đưa thêm cho bà 2 triệu tiền trông cháu thì Liên mới bật ngửa.

Kể ra, mẹ chồng Liên cũng có nỗi khổ khó nói, tiền ăn uống thì con lo nhưng còn khoản tiền chi tiêu cá nhân hay lo việc dưới quê thì bà lấy đâu ra. Nếu không lên phụ con trông cháu, mỗi tháng bà đi làm kiếm được bốn, năm triệu đủ để trang trải mọi việc.

Tôi khuyên Liên nên bình tĩnh, đừng vì lời đề nghị đó mà làm um sùm mọi chuyện lên. Mẹ chồng Liên chẳng phải tính toán thiệt hơn gì mà hoàn cảnh bắt buộc bà phải thế. Việc bà tự đi làm kiếm tiền, không đòi hỏi con chu cấp đã thấy bà không muốn thêm gánh nặng cho con.

Tính ra, có bà trông cháu vẫn yên tâm, chứ con còn nhỏ đem đi gửi trẻ thì như ngồi trên đống lửa. Nhờ bà chăm cháu rồi thì gắng tìm việc làm thêm để tăng thu nhập mà phụ thêm chi phí cho bà. Đợi con cứng cáp, bà muốn về quê đi làm thì gửi trẻ cũng chưa muộn.

Tôi cũng thuyết phục Liên bỏ cái suy nghĩ cổ hủ “chăm cháu là nghĩa vụ của bà” bởi mình sinh con thì phải có trách nhiệm với con, chứ ông bà đã tới tuổi nghỉ ngơi rồi. Nếu ông bà giúp, thì việc gửi tiền công cho bà chăm cháu quá bình thường, chẳng có gì là trái khoáy cả, chẳng qua là chúng ta chưa quen mà thôi.

Thực tế có nhiều cô con dâu lại thèm được rõ ràng chuyện tiền bạc như thế cho bớt cảm giác mang ơn, để bị khắp thảy anh em nhà chồng so bì, kể lể …

🍁🍁🍁
Trúc Hân
VuLe Bt (Bài & Ảnh minh họa)

RANH GIỚI MONG MANH

Ranh giới mong manh

Cô là dân marketing, lanh lắm, lại tươi tắn xinh đẹp nên công việc cũng thuận buồm xuôi gió.

Chồng cô là dân design, đẹp trai, lãng tử, để tóc dài bụi bụi, mặt thanh cằm nhọn lún phún râu. Mấy em nhìn phải nói là mê tít.

Hai đứa có với nhau hai cậu con trai khoẻ mạnh. Hai vợ chồng đều lương cao nên gia đình thường xuyên đi chơi xa khi có dịp.
Nhìn ảnh cô khoe, ai cũng ganh tị cô có một gia đình hạnh phúc.

Rồi một ngày đẹp trời, anh chồng kêu cô ra bàn chuyện nghiêm túc.

Anh nói : Công việc của anh cần nhiều cảm xúc, anh cần bay bổng, anh cần sáng tạo…mà giờ ở bên em anh mất cảm giác rồi, vậy sao anh làm việc được. Thôi thì mình chia tay nhau, anh để lại nhà cửa hết cho em, mỗi tháng chu cấp để em nuôi con, anh xách vali
quần áo ra đi là xong.

Cô ngồi nghe, sửng sốt, chết lặng, nhưng vẫn cố tỏ ra bình tĩnh và bất cần: Ok, vậy cũng tốt thôi. Lâu lâu ghé qua thăm hai thằng nhỏ là được rồi.

Chả trách dạo này mỗi lần hai người thân mật, anh hay lấy khăn đắp lên bụng cô che đi những vết rạn da do hai lần sinh nở. Chả trách dạo này anh hay ra ban công hút thuốc tận nữa đêm. Chả trách…

Sau đó anh bỏ nhà ra ngoài thuê nhà khác ở với một cô bồ cùng Cty.

Hiện tại đã là cô bồ thứ ba rồi.

Thỉnh thoảng cuối tuần anh sẽ đưa xe đến đón hai con đi chơi xa cùng với cô bồ nào đó mà anh đang ở chung.

Nhiều lúc cô thấy mình như một kẻ dư thừa bị đá khỏi cuộc chơi . Hai đứa con mỗi lần đi chơi về cũng tíu tít kể chuyện về cô bồ nào đó của ba có vẻ rất thân thiết.

Cô đổ gục một thời gian, bỏ cả việc làm, bị trầm cảm, rồi bị béo phì.

Cô hay ra sân nhìn vào khoảng không im lặng. Hoặc có lúc cô giận dữ chẳng vì một lý do gì cả. Cô mất ngủ và phải uống rất nhiều thuốc.

Có một ranh giới rất mong manh giữa bình tĩnh và bất ổn. Nhiều lần bạn vượt ranh rồi quay đầu lại. Nhiều lần như vậy, rồi sẽ có lần bạn sẽ vượt ranh mà không còn quay về được nữa. Người ta nói đó là bệnh tâm thần. Lúc đó bạn sẽ không còn người thân nữa, và không còn ai chịu đựng nổi bạn, họ chỉ muốn tống bạn vào bệnh viện cho rãnh nợ thôi.

Anh thì vẫn vậy, đẹp trai, phong độ, thay tình nhân như thay áo.

Rồi một ngày, trong phút giây tỉnh táo, cô nhìn vào gương và thảng thốt: Ôi chao! Ta đã làm chi đời ta vậy ?

Và cô sực tỉnh khỏi cơn mê.

Cô gửi con cho anh chồng giờ không còn là chồng cô nữa, đóng cửa, xách ba lô khăn gói lên đường. Cô chỉ đi mà không biết đâu là nơi đến. Trái tim cô mách bảo muốn sống sót thì phải ra đi.

Đã từ lâu cô không kết nối với trái tim mình. Trái tim cô như bị ghim chặt giữa những cuộn thép gai bởi đã bị thương tổn quá nhiều. Có một khoảng lặng chết chóc nơi trái tim cô. Và nội tâm cô giống như một vùng đất hoang vắng, đầy tàn tro và xám ngắt. Cô chỉ muốn đóng sầm tất cả mọi người ở bên ngoài. Nhưng kết cuộc là cô đã tự khoá mình ở bên trong, đơn độc và bất lực.

Lần này thì trái tim cô cất tiếng: hãy ra đi, ra đi, ra khỏi chốn giam cầm tăm tối, ngoài kia là trời đất bao la…

Cô ra đi, ngửi thấy hương thơm cây cỏ, ngửi thấy mùi nắng ấm áp, mùi hương mát lạnh của trăng thanh…Và cô cũng tìm thấy một vùng đất để dừng chân.

Cô làm bạn với dòng suối, với cánh rừng, với ngọn núi, với thiên nhiên hùng vĩ… Và Mẹ Thiên nhiên đã nuôi dưỡng cô sống lại một lần nữa.
Cô đã mang một gánh nặng, một vết thương và nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Và khi cô buông thả mình với thiên nhiên ở chốn này, cô cảm thấy cô đang dần tìm thấy chính mình.

Ngày mới đặt chân đến đây, cô đã bị vỡ tan thành hàng triệu mảnh nhỏ. Cô đã sụp đổ.

Người ta nói khi bạn sụp đổ là lúc bạn mạnh mẽ nhất vì bạn đã có những vết nứt. Huyền thoại Leonard Cohen nói rằng đó là khi ánh sáng có thể tràn vào. Và ánh sáng ấy đã tràn vào cô, xua tan bóng đêm, xua tan giá rét. Và trái tim cô dần mềm mại lại. Và cô một lần nữa quay lại với nụ cười.

Ngày nào cô cũng leo núi, lên rừng hái nấm, xuống suối giặt đồ.. cơ thể săn chắc gọn gàng, da thịt hồng hào khoẻ mạnh. Bỏ lại phía sau những muộn phiền đau khổ, trái tim cô một lần nữa nở hoa, gương mặt cô một lần nữa sáng đẹp như hoa.

Rồi cô quay về nhà cũ của mình.

Thăm dò thị trường một thời gian, cô mạnh dạn tự mở xưởng may chăn drap gối bằng nguyên liệu vải cao cấp nhập về từ Hàn quốc. Đã vài năm trôi qua, nhãn hàng của cô cũng được đông đảo người ưa thích, dần có chổ đứng trên thị trường. Công việc đã đi vào quỹ đạo, cô chuyển dần cho nhân viên quản lý nên cũng không còn mất quá nhiều thời gian . Cô quay về mảnh rửng xưa mua mảnh đất làm trang trại, trồng rau nuôi cá. Đa phần thời gian cô cắm rễ chốn này, thỉnh thoảng về Cty xem sổ sách, kiểm tra sản phẩm, rồi lại đi.

Các con cô đã đi du học nước ngoài. Nhà tận dụng làm văn phòng Cty, chỉ chừa một phòng nhỏ trên lầu để mỗi khi cô về có chổ nghỉ ngơi.

Nhiều lần anh ghé thăm cô, xin ở lại ăn cơm, xin uống bia, rồi xin ngủ lại. Cô từ chối, cô nói bây giờ mình chỉ đơn thuần là những người bạn mà thôi. Vậy đi cho lòng an yên.

Thật là điên rồ khi để bị sa ngã bởi một thứ gì đó. Thứ mà ngày hôm nay làm nhưng rồi ngày mai lại khiến mình trông như kẻ ngốc trước chính mình.

Anh nói : em đã khác xưa, em không còn yêu anh nữa.

Có những con người sống vô cùng ích kỷ, không phải nói là độc ác. Họ gây ra nổi đau cho người khác, rồi dửng dưng nhìn người ta vật vã, luôn nuôi ảo tưởng rằng mình mãi mãi là một vị thần, khi họ cần, họ gọi thì người ta chờ ở đó sẵn sàng và cun cút tới mà phục vụ.

Tất cả những gì chúng ta gọi là cuộc sống chỉ là bề mặt của những rung động. Ai đã từng nếm trải vị ngọt của sự tĩnh lặng sẽ biết được cái gì là chân thật và cái gì chỉ là ảo ảnh.

Những ảo ảnh về anh cô đã bỏ qua cùng với tình yêu ngỡ đã dìm cô mãi mãi vào vực sâu không có ngày quay lại. Giờ này đây anh lại nhắc nhớ cô, về cái tình mong manh hư vô đó, về cái tâm phù phiếm dễ đổi thay đó, về đoạn đường đầy hố sâu vực thẳm mà cô đã một mình ngoi ngóp vượt qua đó.

Cô nói: Anh cứ như vậy thì tình bạn của em với anh cũng không còn.

Và anh ta mang vẻ mặt đau khổ như bị tình phụ. Cô chỉ cảm thấy tội nghiệp anh ta, sao lại trở thành nô lệ cho cảm xúc cả đời như vậy chứ.

Từ dạo anh hay qua thăm quấy rối, cô cũng thưa về nhà. Cô ở luôn trên trang trại.

Cả năm nay bị hạn hán, phần lớn cây cối đã bị chết. Tuần trước đây đã có những cơn mưa đầu tiên. Và cô nhận ra, ở một kẽ nứt, những chiếc lá xanh bắt đầu xuất hiện. Khả năng hồi phục của những loài thực vật này đã dạy cô biết rằng nội lực trong bạn có thể sẽ không bao giờ thực sự mất đi. Nó chỉ nằm yên đó, chờ sự tỉnh thức lên tiếng gọi và vươn mình nở rộ.

Khi bị con người hay cuộc đời làm đau đớn, người ta sẽ có hai con đường lựa chọn. Một là tiếp tục giam mình trong đau đớn đó, dễ bị tổn thương hoặc đi tổn thương người khác. Hai là học được bài học nào đó, tự chữa lành rồi bước đi tiếp và khôn ngoan hơn.

Thời Đệ nhị thế chiến, ở đất Do thái, có một gia đình, đang đêm bị quân Đức lùa vào trại tập trung. Cậu em mới năm tuổi, mếu máo khóc và quên mang giày. Trên xe lửa, cô chị xót ruột tát vào đầu và mắng cậu tới tấp, em thật là ngu ngốc, chúng ta đã có quá nhiều rắc rối rồi, vậy mà em còn quên mang giày. Thời đó, vào mùa đông, không mang giày đi trên đường đồng nghĩa với cắt bỏ đôi chân. Cả gia đình sau đó bị chia cắt mỗi người mỗi ngả. Sau chiến tranh, cô chị còn sống, tìm các thành viên trong gia đình, nhưng họ đã hoàn toàn mất tích không một dấu vết. Cô nhớ cậu em trai bé bỏng của mình, nhớ đến những lời sau cùng cô đã nói với em trai mình. Lòng cô đau như dao cắt. Kể từ giây phút đó cô nguyện với lòng, những gì cô nói ra sẽ chỉ là những lời tốt đẹp, như những lời sau cùng cho lần gặp gỡ sau cùng, với bất kỳ ai. Cô đã chọn lựa sống khôn ngoan hơn.

Trên vùng cao nguyên này tiện nghi thiếu thốn, có trường nhưng không có giáo viên. Dạo trước cũng có một vài người đến ở nhưng chẳng trụ được bao lâu. Cô xin phép chính quyền địa phương tu bổ lại ngôi trường cũ, rồi gom lũ trẻ xung quanh làng về trường và mở lớp.

Nếu bây giờ có phải ước mơ một điều cho nhân loại thì cô ước tất cả mọi người có thể mở rộng trái tim mình. Mở ra, như một bông hoa.

Trái tim của ta hãy mở ra như một bông hoa, và hãy thơm ngát như một bông hoa.

Nếu bông hoa ấy có gai, thì ta hãy nhổ bỏ cái gai chết tiệt ấy đi!

Nhừng gì không cần thiết và không hữu dụng, hãy bỏ hết đi, ta chỉ cần mang bên mình những gì hữu ích.

“Cô giáo vô rừng hái nấm à?”
Cô ngẩng đầu lên cười xinh đẹp: Dạ.

Anh là thầy thuốc ở làng đã mấy mươi năm. Vườn thuốc của anh trồng sát rừng, mỗi lần đi ngang đây hương thơm lãng đãng dịu nhẹ. Anh mời cô vào uống tách trà.

Nghề của anh là cha truyền con nối. Cha anh cao tuổi mất đã vài năm. Cô hỏi sao anh lớn tuỏi vầy mà không lấy vợ. Anh nói chưa gặp được người vừa ý, chờ hoài gần hết đời mới gặp.

Hai người nói chuyện về những đứa học trò trong lớp học nghèo, về những người già yếu không con cái, nói về cây thuốc quý mới bứng được trong rừng về, nói về những chồi non mới mọc lên từ những kẽ đá trên vách núi, nói về buổi tối hôm qua trăng sáng đẹp quá chừng…

Anh đưa tay nhặt cánh hoa rơi trên tóc cô, hương hoa cùng với hương thơm cây thuốc trên tay áo anh phảng phất trong gió.

Buổi sáng an lành…

Saigon 03/04/2022

yenkim

Dứt khoát là em không lấy anh, kể cả trên đời này em ế nó mốc lên!

Anh này là người Việt sinh sống ở California (San Jose), người gốc Đà Nẵng, hồi đó sau khi ‘giải phóng’, cuộc sống sung túc quá, chịu không nổi nên “ôm phản lao ra biển” theo người ta, cuối cùng được qua Mỹ.

Hồi đầu những năm 2000 anh ấy về VN tìm vợ, cũng tán tỉnh nhiều cô lắm nhưng mà cái tính bủn xỉn, keo kiệt nên họ chạy hết (cái này hồi sau mới rõ).

Tới lượt mình, mặc dù được cảnh báo trước nhưng cũng không nghĩ tới mức như vậy, một phần thấy anh này cũng yêu mình nên cũng xúc động, cái gì chứ cứ ai yêu mình nhiều là xúc động ngay.

Lúc đó mình cũng hơn 30 rồi, mẹ giục dữ lắm “học cho lắm vào, lo mà lấy chồng đi”.

Anh này cũng không còn trẻ nữa nên thấy mình ưng là vội vàng dẫn về nhà, cha mẹ mất hết rồi chỉ còn các chị thôi.

Ra Đà Nẵng, ông ấy hỏi “em thích ăn cua không, mình đi chợ mua cua”.

Ừ thì đi. Lúc ra chợ. Cái chợ gì ở quận Cẩm Lệ ấy họ bán hàng rất trật tự. Họ ngồi một hàng từ đầu chợ tới cuối chợ.

Đầu chợ là những cái gì ngon và mắc tiền, cuối chợ là giá giảm dần.

Nhìn thấy con cua to lắm, mình nói “anh ơi, mua con này này” (chắc khoảng 1 kg/con).

Không, em, lại đây nè.

Mình qua hàng kế tiếp, cua nhỏ hơn, khoảng 800 gram 1 con.

Anh ơi, mua con này đi.

Không, xuống dứoi này đi em, ông ấy đi trước còn mình thì đi sau.

Mình lại vào hàng 1kg khoảng 2 con, “anh ơi, mua mấy con này đi”.

Không, em, xuống đây nè.

Lúc này mình thấy câu sấm truyền của bà chị ứng nghiệm rồi “thằng B nó hà tiện lắm đó em, mấy cô trước không ai chịu nổi”. MÌnh dừng lại, câm mồm, không nói gì nữa, cứ lẽo đẽo theo sau xuống mãi tận cuối chợ có hàng không phải cua mà là … ghẹ, con ghẹ bé tý mà chết ngắc rồi. Ổng ôm xô hết cả rổ đếm đươc 24 con. Ổng nói “ăn cái này nè em, 1 rổ này có mà ăn đã luôn”.

Về, lúc đó khoảng 7-8 giờ tối, mình chán lắm rồi, muốn bỏ về nhưng mà trong đầu lý trí bảo rằng không bỏ được, ít gì thì phải dắt về quê cho mẹ yên tâm cái đã rồi mình tính sau.

Ổng luộc 1 rổ ghẹ lên thấy toàn tay chân, không thấy thân mình con ghẹ đâu. Ổng giục mình “ăn đi em, ăn đi, ăn đi cho nóng”

Không, em không ăn. Muốn ăn thì ăn cho đàng hoàng, ăn cái kiểu năm Ất Dậu là em không ăn. Xong, ổng với mấy đứa cháu ngồi ăn. Ra tới bờ biển mà đi ăn ghẹ chết thì có mà điên. Tại sao phải ăn? “Mặc dù lương em thấp nhưng em ăn là đàng hoàng chứ kiểu 1 quả trứng luộc cắt đôi làm 2 bữa là em không ăn”.

Đáng lẽ mình không bực nhưng mà ông ấy khoe khoang quá. Lúc nào cũng nói là buôn bất động sản nhiều tiền, mới về hồi sáng, trưa dắt mình đi ngân hàng rút nửa tải tiền về quăng ở góc nhà. (chắc để thử lòng mình).

Tối dắt mình đi mua giày với mua cái “ăn đờ goe”, mình mua 2 đôi giày và tất nhiên là mình tự trả tiền. Về nhà khoe với bà em dâu liền “anh mới dắt cổ đi chợ nè, mua được 2 đôi giày, đẹp không, đẹp không?”

Đẹp cái đầu ông ấy, nói vậy người ta lại tưởng tôi lợi dụng ông.

Xong, đi mua cái “ăn đờ goe” thì ông ấy bảo “em mua cái ít tiền thôi, mặc ở trong ai mà thấy?”

Lúc này nóng máu rồi, cái thứ đàn ông gì mà miệng như đít vịt, nói nhiều mồm không kịp mọc da non.

Mình bảo “anh có im cái miệng đi không, em mua, em mặc, tiền của em, em muốn mua cái gì là quyền của em, mắc gì anh góp ý này nọ?”

Tại vì hồi đó mình làm kinh lắm, 80 giờ 1 tuần nên không có thời gian đi đâu cả, cho nên mới tranh thủ đi mua đồ lúc ra đó chơi.

Sau này còn dài nữa mà thôi, lúc khác kể.

Đại khái dẫn về nhà xong mẹ nói “mày định lấy thằng này hả, mẹ không thấy được, đàn ông đàn ang gì mà cái miệng y như đít vịt”

Dạ, không, con đâu có định lấy, tại mẹ giục quá nên con đưa đại về. Mẹ không thích thì thôi nhé, từ bây giờ kệ con, lúc này con muốn lấy thì con lấy, mẹ mà giục nữa con lại đưa thêm một cái đít vịt nữa về ra mắt đó”.

Xong, xuống Hà Nội. Ổng mua cho mình cái vé tàu nằm giường tầng 3 sát mái.

Ối cha mẹ ơi, nó nóng thấy mẹ luôn. Có hai mẹ con chị kia ở tầng 2 và tầng 1, chị con gái nói “em cá với chị, nếu vào SG mà chị không bỏ ông này em đi đầu xuống đất”.

Sau đó mình vào SG một mình còn ổng đi Mỹ luôn.

Mình email nói thôi là hết em đi đường em, kỷ niệm chúng mình chỉ có bấy nhiêu thôi.

Ổng xin lỗi, thôi anh biết rồi, em không lấy anh thì em lấy ai?

Không, dứt khoát là em không lấy anh, kể cả trên đời này em ế nó mốc lên y như nấm mốc ấy thì em cũng không lấy anh, để nhện nó giăng tơ chơi vậy đó.

Bây giờ anh cho em biết, làm sao để em thanh toán lại cho anh 2 cái vé tàu, số tiền mà anh đã bỏ ra để mua vé cho em. Các bữa mình đi ăn ở biển ấy, anh cưa đôi sòng phẳng đi, mặc dù em không uống bia rượu gì nhưng anh cứ cưa đôi đi cho dễ.

Ổng không dám cưa và cuối cùng là coi như mình còn nợ ông ấy 2 cái vé tàu giá của 20 năm về trước.

Còn dài nữa mà tóm tắt vậy thôi. Kể nữa xấu mặt đàn ông rồi nhiều người lại tự ái, hehe.

Tác giả: Lê Nhàn