TTO – Bài viết này là tình cảm của cá nhân tôi, nhưng cũng là những gì tập thể lớp A, khóa học 2004 – 2008, trường dân tộc nội trú tỉnh Yên Bái gửi tới cô Trương Thị Mai – giáo viên dạy toán, cô chủ nhiệm của chúng tôi, người đã làm cho rất nhiều học sinh trong lớp tôi trở thành thầy, cô giáo và lúc nào các bạn cũng tâm huyết “được là cô giáo Mai”.
Cô Mai
Năm 2004, tôi xa nhà xuống học cấp III ở trường nội trú tỉnh, khác biệt hoàn tòan với những ngôi trường phổ thông trung học khác, chúng tôi được ở ký túc và 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Chủ nhiệm lớp tôi là cô Trương Thị Mai. Ngày ấy cô đã ngoài 40 tuổi, gương mặt đôn hậu, nhưng vẫn toát lên vẻ nghiêm khắc. Lớp tôi có 26 học sinh, tuy nhiên chỉ có vài đứa đi học đúng tuổi, còn chủ yếu là đi học muộn, do vậy lớp chia thành nhiều nhóm chơi khác nhau.
Theo lời các anh chị khoá trên “truyền lại” lớp tôi không may mắn vì cô chủ nhiệm rất khó tính, khắt khe.
Nhưng trái ngược với lời “đồn đại”, buổi sinh hoạt đầu tiên của lớp diễn ra rất hấp dẫn, cởi mở, thay vì 45 phút tổng kết tuần, nêu phương hướng, nhắc nhở lớp thì cô chỉ đánh giá về tình hình chung trong 15 phút, 30 phút còn lại cô nói chuyện về cuộc sống, về tương lai của chúng tôi.
Thế nhưng mọi nỗ lực của cô trong năm đầu tiên đều không được đền đáp, tổng kết lớp 10, chúng tôi chỉ được 3 học sinh tiên tiến, nhưng có đến ¼ lớp yếu kém, phải học phụ đạo để thi lại, thành tích lớp đứng cuối bảng xếp hạng của trường, cô bị cắt danh hiệu thi đua, cắt thưởng.
Buổi sinh hoạt lớp cuối năm ấy kéo dài hơn 1 tiếng, đến khi kẻng ăn cơm chúng tôi mới về, nhưng nội dung sinh hoạt không phải về kết quả học thi đua của lớp mà về cuộc sống gia đình của từng đứa, về những ưu, khuyết điểm cá nhân, nguyên nhân những tồn tại, hạn chế của bản thân. Đấy là những buổi học thật ý nghĩa đối với chúng tôi, ai cũng ân hận, ân hận vì mình không làm được trọng trách mà gia đình, thậm chí của cả xã mong đợi vì chúng tôi là đội ngũ cán bộ nguồn của địa phương. Không ai nói với ai, tất cả chúng tôi sau buổi sinh hoạt đều xây dựng cho mình một quyết tâm vươn lên trong năm học sau.
Lên lớp 11, tình hình học tập trong lớp tôi thay đổi, chúng tôi liên tục giành vị trí đầu bảng của trường, nhưng điều đó không tồn tại được lâu, gần cuối học kỳ I, trong một cuộc kiểm tra an ninh, công an đã phát hiện học sinh sử dụng ma tuý trong trường học, lớp trưởng lớp tôi là người đầu tiên bị bắt.
Nhà trường rất bất ngờ vì đây là một học sinh có nhiều thành tích nổi trội, tuy đi học muộn so với tuổi nhưng Tài rất hoà đồng và có tinh thần trách nhiệm cao. Trước những chứng cứ không thể chối cãi được, Tài bị buộc thôi học. Cô giáo rất bối rối, khi bị chính học trò mình yêu thương, quý mến phản bội lại niềm tin.
Trong thời gian Ban Giám hiệu nhà trường và công an làm thủ tục pháp lý, cô giáo có trách nhiệm quản lý Tài, chờ ngày có quyết định thôi học, nhà trường sẽ đưa Tài trả về địa phương. Cô vẫn cho Tài lên lớp, nói chuyện với nó rất nhiều, cô buồn lắm, nhưng không trách cứ ai, cô chỉ hay kể chuyện, cô kể về những người tàn tật nhưng có ích, cô kể về nghị lực của con người để vượt lên số phận, vượt lên những ham muốn tầm thường, vượt qua chính mình. Tài không lầm lũi, nó buồn lắm, nhưng không nói bất cứ điều gì, nó nói với mấy đứa cùng phòng nó rất ân hận, nó đã đánh mất cuộc đời rồi, không thể quay đầu được nữa. Rồi nó trốn.
Giữa thành phố ồn ào, có biết bao nhiêu góc tối, nó đi đâu, về đâu không ai biết, cùng với công an, con trai lớp tôi, cô giáo chủ nhiệm đi tìm nó. Thời tiết Yên Bái những ngày chuyển mùa thật lạ, mới nắng đó nhưng mưa ngay, 3 ngày trôi qua, tin tức về nó vẫn là con số không. Cô bảo cả lớp, thi học kỳ sắp đến rồi, lớp mình chuyên tâm ôn thi cho tốt, việc của bạn Tài cô sẽ giải quyết.
Rồi đột ngột như lúc đi, Tài quay về trường, tự viết bản tường trình và đợi quyết định thôi học, nó buồn lắm, cô giáo cũng không nói gì, chỉ bảo chúng tôi hãy gần gũi nó, đừng tỏ thái độ gì vì Tài là người rất tự trọng, cô rất sợ Tài không thể vượt qua được chính mình và trở thành tội phạm, cô bảo “khi con người mất mắc lỗi, không có chỗ dựa về tinh thần, bị xa lánh, kỳ thị họ có thể làm những việc mất nhân tính”.
Trước ngày nhà trường đưa Tài trở về địa phương, lớp tôi tổ chức một buổi chia tay, lúc nói chuyện với lớp, nó xin lỗi cô, xin lỗi chúng tôi, nó khóc bảo rằng “Trong góc xấu xa nhất của thành phố này, hình ảnh cô trên chiếc xe đạp dưới mưa hàng đêm làm trái tim đen của nó tìm thấy chỗ sáng để về, hình ảnh ấy làm nó đau, đau hơn những gì nó đang phải chịu trách nhiệm, tình cảm của cô sâu sắc hơn cả mẹ mẹ nó”. Sự việc kết thúc, cô và tập thể lớp mất hết các danh hiệu thi đua.
Chúng tôi như những đứa con mắc lỗi, len lén sợ mẹ. Nhưng khác với điều chúng tôi nghĩ, cô không trách lớp, cô tâm sự “vì cô chưa thật sự hiểu các em, nên đã để cho Tài đánh mất cuộc đời”. Mấy thằng con trai cùng phòng Tài đứng lên khóc, nhận lỗi với cô vì đã giấu cô chuyện Tài xử dụng ma tuý, cô chỉ bảo “Các em sống với nhau là anh em một nhà, anh em thì thấy chết phải cứu, thấy làm điều xấu phải biết ngăn cản, không có để xảy ra chuyện tồi tệ rồi các em sẽ phải ân hận cả cuộc đời.
Chuyện bạn Tài là bài học cho lớp mình, từ nay chúng ta phải đoàn kết, hiểu về nhau hơn, thật lòng với nhau hơn. Lớp mình vẫn còn những cơ hội vươn lên ở phía trước, các em không được nản, chúng ta đã để mất bạn Tài, vì vậy giờ chúng ta phải cố gắng cả phần của bạn ấy, lớp mình nhất định sẽ lại giành vị trí nhất trường”.
Một sự khích lệ thật nhẹ nhàng, nhưng sao thấm thía đến thế, kết quả là lớp tôi lại trở lại vị trí quán quân trong bảng xếp hạng thi đua. Ngày Valentin năm đó, cô mang sôcôla đến lớp, cô bảo đó là tình yêu cô dành cho chúng tôi và cô hứa ngày lễ tình yêu nào cô cũng có sôcôla cho cả lớp, cả phòng tôi nâng nia mãi, giữ lại cả vỏ kẹo để làm kỷ niệm. Và hôm đó, thật bất ngờ, cô cho lớp viết thư cho cô, ghi lại tên cũng được, không ghi tên cũng được, viết về tình cảm dành cho nhau, về những cảm xúc của mình viết tất cả những gì mình đang nghĩ, đang bận tâm… viết để chia sẻ với cô và cô hứa cô sẽ giữ cho của riêng cô. Hôm đó là một ngày hết sức ý nghĩa của chúng tôi.
Sang kỳ II lớp 11, nam nữ trong lớp tôi bắt đầu nảy sinh tình cảm, vẫn dùng dằng giữa tình yêu và tình bạn nên hết sức lãng mạn. Nhưng Ban Giám hiệu nhà trường cấm học sinh trong trường yêu nhau vì sợ có những chuyện không mong muốn xảy ra do ở nội trú.
Lớp tôi có Yến Hoàng được xem là hoa khôi của trường, các anh lớp trên, các bạn cùng khối, thậm chí có cả các em lớp dưới ngưỡng mộ. Rất nhiều lá thư tỏ tình và hoa được gửi trong ngăn bàn. Trong một lần nhận được thư tỏ tình rất cảm động, cô nàng đã ghi lại vài dòng vào đó từ chối và để nguyên ngăn bàn để đối phương tự nhận, nhưng thật không may, không hiểu lý do nào lá thư đó lại được gửi đến Ban Giám hiệu, cả trường xôn xao, thầy Hiệu trưởng kiên quyết yêu cầu cô chủ nhiệm xử lý.
Tin ấy làm buổi sinh hoạt lớp tôi trở nên căng thẳng, lớp trưởng nêu vấn đề về việc nảy sinh tình cảm của một vài người trong lớp và xin ý kiến của lớp. Thay vì thái độ nghiêm khắc, cô lại rất vui vẻ nói với chúng tôi về tình yêu, tình bạn, cô nói “Năm nay các em ít nhất cũng đã 17 tuổi, đó là tuổi đẹp nhất của cuộc đời, tuổi này con trai đã biết rung động và con gái đã biết làm duyên, nếu các em không biết quý một ai đó hơn tình bạn thì các em không sống đúng lứa tuổi của mình, đây là ngưỡng cửa các em bước qua để trở thành người lớn.
Đó là những hiện tượng tâm lý hết sức bình thường, nhưng làm thế nào để nó thật đẹp và không bao giờ phải ân hận là một việc không phải ai cũng làm được, vì tình yêu và tình bạn rất mong manh, từ tình bạn phát triển thành tình yêu thì dễ mà từ tình yêu trở lại tình bạn thì không thể nào nguyên vẹn, vì thế chúng ta hãy cứ là bạn đi, cứ để trong lòng tình cảm của riêng mình ấy và giúp đỡ nhau trong cuộc sống, khi nào thầnh người lớn hẳn ta hãy yêu, vì đôi lúc cảm tính thế thôi, chỉ hoa nhài, hoa bưởi tý, sau trưởng thành chỉ thấy nó buồn cười thôi. Nhưng trong cuộc sống, muốn thành một người cao thượng và xây dựng được một tình yêu đẹp thì con trai phải dũng cảm, biết hy sinh và con gái phải có lòng nhân ái…”.
Cô đã nói nhiều, rất nhiều về những cái được và mất khi tình yêu đến quá sớm. Buổi sinh hoạt hôm đó lại trở thành một buổi tư vấn tình cảm, chúng tôi đã trao đổi, nói chuyện với cô như với chính bạn mình, có đứa còn nhờ cô tư vấn luôn về tình yêu. Tôi nhớ, cô đã vẽ một cái cân và gọi Cường lên bảng để thống kê những cái được và mất trong tình yêu cấp III, cô đùa “bên tình, bên bạn, bên nào nặng hơn?”, bên nào nặng hơn thì là nhiều hơn, lớp mình cứ theo nguyên tắc số lượng mà thông qua, cuối cùng tình bạn được cả lớp nhất trí là hợp lý nhất. Chúng tôi đã rất vui, Yến Hoàng cười tít cả mắt bảo “sau này tớ cũng sẽ “làm” cô Mai”.
Năm cuối cấp cũng đến, chúng tôi không có thời gian để tâm vào những chuyện đẩu đâu nữa, đứa nào cũng lo ôn khối thi của mình vì thế không khí rất căng thẳng, đôi lúc mệt mỏi chỉ mong có giờ sinh hoạt thôi, chỉ có sinh hoạt mới làm chúng tôi cười được nhiều, trút bỏ được những áp lực. Những ngày như thế cô rất hay kể chuyện cười cho chúng tôi, hay đọc những câu chuyện nhỏ trong quà tặng cuộc sống và thi thoảng cô còn mời chúng đi ăn bánh, ra nhà cô ăn khế ngọt. Chúng tôi nhận cây khế ấy là của lớp A.
Rồi mùa thi cũng đi qua, lớp tôi lại một lần nữa có tỷ lệ học sinh đỗ chuyên nghiệp cao nhất trường, đó là niềm tự hào của cô trò chúng tôi. Cô báo tin cho chúng tôi, biết đứa nào đỗ, đứa nào trượt vì cô đã nối mạng internet để xem điểm thi cho cả lớp.
Năm 2008, lớp A gặp mặt, không một lá thư gửi, không có ai tổ chức, chỉ một lời hẹn trong ngày chia tay được cô đánh máy in đằng sau tấm ảnh, chúng tôi đã về đông đủ ở nhà cô, cô vẫn đề dành sôcôla cho lớp, vẫn để cây khế sau nhà cho chúng tôi mặc dù chồng cô thi thoảng kêu ca lá rụng nhiều, khế rụng nhiều rác nhà quá….
PHAN THI TRUNG KIEN (theo www.netbuttrian.vn)
Source: Báo Tuổi Trẻ