Người thầy không cầm phấn

TT – Thầy! Người chưa từng cầm phấn đứng trên bục giảng. Thầy! Người chưa một lần ngồi bên ô cửa sổ lật từng trang giáo án. Thầy! Người chưa bao giờ tham dự lễ mittinh chào mừng ngày nhà giáo với cương vị một nhà giáo thật sự. Bởi lẽ thầy không phải là người thầy trên những giảng đường, mà là người thầy nơi võ đường.

Người thầy không cầm phấn

Hôm nay, tôi muốn viết về người thầy ấy, người thầy đã dạy tôi suốt hai năm qua. Đặt hai năm ấy bên con số 20 năm nghiệp võ của thầy thì thật chông chênh quá. Nhưng điều quan trọng là khoảng thời gian ấy thầy đã cho tôi cảm nhận được nhiệt huyết và tình yêu đối với võ thuật, cũng như đối với những học sinh của mình.

Thầy bảo người ta đến với võ là một cái duyên, và khi người ta đi có lẽ cũng là một sự trả duyên. Chẳng mấy ai sống được cả đời với võ vì người ta thường không chịu đựng được sự vất vả, chẳng mấy ai vượt qua được sự mệt mệt nhoài của thân xác, cũng chẳng mấy ai đủ kiên trì và lòng quyết tâm để theo đuổi nó. Và vì một điều quan trọng nữa: “Võ không phải là một nghề!”. Có lẽ nào chính vì “không phải là nghề” như thầy vẫn nói mà ngày nhà giáo người ta chỉ nhắc tới những con người nơi bục giảng, mà không bao giờ nhắc tới những người thầy vẫn đứng nơi võ đường.

Nhưng dù có là gì thì với thầy, điều quan trọng là được tập luyện và sống với võ. Cái ngày mà nơi sân trường người ta tôn vinh những người trong ngành giáo dục thì thầy vẫn miệt mài với tấn pháp, nhãn pháp, quyền cước…, vẫn tận tình chỉnh sửa cho học trò từng động tác, từng kỹ thuật; vẫn ân cần lặng lẽ nén chịu sự mệt mỏi, quên đi cảm giác rã rời nơi đôi bàn chân, quên đi sự đau đớn muốn rơi rụng ra nơi những khớp tay.

Thầy vẫn yêu thương và tận tình dạy bảo cho chúng tôi, dùng hết tâm huyết truyền đạt tất cả những gì mình có. Một lời chúc chân thành từ người học trò của mình nhân ngày nhà giáo đã là niềm hạnh phúc lớn lao. Đâu cần người ta biết đến nhiều thầy nhỉ, thầy chỉ cần những người mình từng dạy bảo, chăm lo trong ngày ấy nhớ tới mình đã là quá đủ, phải không thầy? Hư danh, cái chữ “tôn vinh” ấy đâu sánh bằng tình thầy trò chân thành, thiêng liêng cao quý.

Nhắc đến tình thầy trò, em lại thấy mình có lỗi thật nhiều, thầy ạ. Ngày xưa khi còn học tập bên cạnh thầy, cuối mỗi buổi tập thầy vẫn hỏi các em có mệt không, vẫn dặn dò mọi người ra về cẩn thận, vẫn nhắc nhở mặc áo ấm vào trước khi rời khỏi lớp mỗi khi trời gió, vẫn tới động viên khi em mỗi khi mệt mỏi, muốn nghỉ học. Vậy mà suốt hai năm qua, từ chính trái tim của một học trò chưa một lần em hỏi thầy được một câu ngắn ngủi: “Thầy có mệt không?”.

Lắm lúc thấy trời mưa nên nghỉ học không tới lớp, để thầy một mình trầm ngâm nơi võ đường vắng lặng.

Lắm lúc vô tâm quên lời thầy dặn, về nhà không tập luyện, tới lớp lại lười biếng, nghịch ngợm khiến thầy buồn.

Vẫn vô tình quên nhắn tin chúc mừng thầy nhân ngày nhà giáo từ sáng sớm, mãi tới khi ngày thiêng liêng ấy sắp qua đi mới nhớ để mua vội một nhành hoa tặng thầy. Nhìn nụ cười và niềm hạnh phúc đang đầy trên khuôn mặt thầy lúc ấy, em thấy lòng mình thắt lại. Mình thật vô tâm quá! Em có lỗi thật nhiều phải không thầy?

Tôi nhớ một lần trời mưa rất lớn, mà những cơn mưa, những đợt nắng nơi xứ sở miền Trung quê tôi lúc nào cũng đầy khác nghiệt và dai dẳng. Tôi nhìn ra ngoài trời, nhìn những giọt mưa đang xối xả ngoài hiên, từng đợt gió ầm ào thốc mạnh. Một cơn mưa thật lớn! Tôi quay vào nhà, mặc áo mưa. Bà tôi cản tôi:

– Lại đi tập hả? Mưa rồi đấy! Nghỉ đi con!

“Hôm nay lớp vẫn học, bà ạ” – tôi nói rồi đạp xe tới lớp.

Thầy đã tới, nhưng… chỉ một mình thầy. Tôi bước vào, chào thầy và hai thầy trò cùng nhìn ra ngoài cửa sổ. Mưa! Vẫn chưa dứt! Vẫn xối xả…!

– Em vẫn tới à?

– Dạ. Mọi người chưa tới hả thầy?

– Mấy đứa này thấy trời mưa chắc lại nghỉ rồi. Chắc tối nay sẽ không ai tới nữa đâu! – gương mặt thầy thoáng buồn

Năm phút, mười phút… đã quá giờ vào học mà cũng chỉ tôi, thầy và một chị nữa tới. Mọi người đã bị cơn mưa kia giữ chân.

Buổi tập hôm sau, trời nắng nhẹ. Lớp học đông đủ hơn. Những con gió đầu hạ tuy chưa mang theo hơi nồm nóng bức nhưng cũng đủ khiến người ta cảm thấy cảm giác oi nồng. Mọi người vẫn thản nhiên cười đùa…

– Những ai buổi trước nghỉ tập đứng dậy cho thầy xem.

– …

– Tại sao các em lại nghỉ tập? – giọng thầy vẫn đều đều.

– …

– Các em tới đây không phải chỉ để luyện tập thể lực bản thân, mà hãy nhớ khi tới đây, khi đã mang trên mình bộ võ phục thì phải thể hiện đúng tư cách một võ sinh. Mai này trên đường đời các em còn phải đối mặt với vô vàn sóng gió. Nó cũng như cơn mưa hôm trước. Các em đã trốn tránh! Nghỉ một buổi tập sẽ không ảnh hưởng nhiều tới các em, nhưng trốn tránh gian nan trên đường đời lại là một sai lầm lớn. Lẽ ra các em phải biết vượt qua nó, phải đối đầu với nó? Người học võ không được ngại khó ngại khổ, phải biết vươn lên.

Mọi người nhìn nhau không nói…

Ngày xưa tới với phòng tập này em không tin lắm về cái duyên mà thầy nói, vì em chỉ nghĩ một điều rằng: “Mình chỉ tới đây để luyện tập thôi mà!”. Nhưng không biết từ bao giờ ý nghĩ ấy đã hoàn toàn biến mất vì cái thầy dạy cho tôi không chỉ là những bài tập thông thường, mà là những bài tập về ý chí và bản lĩnh của một người võ sinh, bài tập về lương tâm, đạo đức và cách sống!

Ngày võ đường chuyển đi nơi khác, phải rời khỏi nơi đã gắn bó suốt 20 năm qua, thầy nuối tiếc… Những kỷ niệm, những niềm vui, những nỗi buồn gắn liền với căn phòng ấy… sắp phải chia xa. Ngày ấy em cũng không còn tiếp tục theo học nữa, em phải tập trung vào việc học văn hóa của bản thân. Thầy buồn…

Thầy ơi, có thể hôm nay em không còn được tiếp tục bân cạnh thầy nữa, không còn được thầy hướng dẫn những động tác, những kỹ thuật. Những bài tập ấy có thể ngày mai, ngày kia… khi không còn rèn luyện thường xuyên sẽ mai một, nhưng những lời thầy dặn em sẽ không bao giờ quên. Người thầy đâu cứ phải đứng trên giảng đường, phấn, bảng và giáo án, thầy nhỉ!

NGUYỄN THỊ MAI LINH

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.