(Dân trí) – Tết Trung thu có từ hàng trăm năm. Tết Trung thu ở Hà Nội có màu sắc rất riêng! Tuy nhiên, Trung thu trước cách mạng tháng 8/1945 và Trung thu nay đã có rất nhiều đổi thay!
Trong không khí tưng bừng của tết Trung thu đang đến gần, PV Dân trí đã có những cuộc trò chuyện với các bậc cao niên ở Hà Nội để tìm hiểu về Trung thu truyền thống (Trước cách mạng tháng 8/1945) và Trung thu hiện đại.
Nhớ về Trung thu xưa
Nói tới Trung thu truyền thống, nhà văn Băng Sơn (một người sống lâu năm ở Hà Nội, là người chuyên nghiên cứu về văn hoá và chứng kiến nhiều nét đổi thay của Hà Nội) xúc động kể với chúng tôi về “cái thời khó khăn và rất nhiều người nghèo!”.
Ngày đó, cuộc sống vất vả nhưng trẻ con rất háo hức và luôn chờ đợi tết Trung thu. Trong suy nghĩ của người lớn và trong tâm hồn của trẻ thơ, không khí của ngày tết Trung thu có trước hàng tháng. Người Hà Nội ăn tết Trung thu to hơn, đầy đủ hơn những nơi khác.
Phố cổ Hà Nội không chỉ nổi tiếng là khu phố quý tộc, tấp nập buôn bán mà còn là nơi diễn ra lễ hội Trung thu truyền thống. Trong mùa Trung thu, cả khu phố nhộn nhịp, rực rỡ đèn hoa và những hoạt động vui chơi dành cho trẻ em. Mỗi con phố có một nét đặc trưng và mang dáng vẻ của 1 Hà Nội lịch lãm, hào hoa.
“Phố hàng Mã rực rỡ đèn hoa, nến và đồ chơi trẻ em… Người dân hàng Mã rất khéo tay và tinh tế. Họ làm ra những chiếc đèn ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân, đèn trời tuyệt đẹp. Phố hàng Trống lại tưng bừng trong tiếng trống ếch, trống quân… Không có bánh Trung thu ở đâu có thể sánh được với bánh Trung thu do chính tay của những người thợ bánh hàng Đường, hàng Buồm làm ra. Còn phố hàng Gai chuyên buôn bán giấy, 1 khu phố quý tộc. Hàng năm, cứ đến tết Trung thu, những tiểu thư con nhà giàu trên phố hàng Gai lại “khoe” sự khéo léo trong việc trang trí và bày biện những mâm cỗ trên vỉa hè”.
Tết Trung thu là của trẻ thơ, nên trong dịp này các em được ngắm nhìn rất nhiều thứ đồ chơi: đèn ông sao, đèn kéo quân, trống ếch, những con giống nhỏ xinh…
Nhà nào cũng có không khí của ngày tết, nhà nào cũng có mâm cỗ Trung thu mang tính truyền thống dân tộc và có đầy đủ các loại hoa quả trong mùa như: chuối tiêu, na chín, ổi, bưởi, hồng ngọc, hồng Lạng, hồng ngạn, sấu, thị, cốm, bánh nướng, bánh dẻo… Trên mâm cỗ Trung thu xưa còn có đèn ông sao, có ông Tiến sỹ giấy, ông Phỗng (mang ý nghĩa khuyến khích tinh thần học tập, giáo dục và hướng thiện). Mâm cỗ Trung thu không phải để thắp hương cúng tổ tiên mà được bày dưới ánh trăng ở sân nhà (cùng với 1 chậu nước sạch).
Tết Trung thu ở Hà Nội rộn rã và tưng bừng! Có cỗ, có đèn, trống, bánh Trung thu, những con giống… nhưng ngần đó vẫn chưa đủ, phải có thêm cả những màn múa lân, múa sư tử hoành tráng.
Buổi tối Trung thu, những tay chơi ở Hà Nội tập hợp lại và tổ chức các đám múa lân, múa sư tử. Trẻ em (không phân biệt giàu – nghèo nhưng đa số là trẻ em con nhà nghèo) rất náo nức và thích thú theo các đoàn múa lân, múa sư tử đi biểu diễn khắp các tuyến phố của Hà Nội và đến tận khuya mới giải tán.
Cách mạng tháng 8/1945 thàng công, đó là năm đầu tiên thiếu niên, nhi đồng được ăn tết Trung thu trong không khí thanh bình, độc lập, tự do. Bác Hồ tổ chức Trung thu cho trẻ em ở Hồ Gươm theo kiểu tập trận. Trẻ em được thoả sức bắn nhau, tập trận, đánh du kích… bằng cùi bưởi. Đó là cái tết Trung thu tưng bừng và hạnh phúc nhất!
Nói chuyện Trung thu nay
Kể từ lễ hội Trung thu theo hình thức tập trận mà bác Hồ tổ chức cho thiếu niên nhi đồng, đến nay đã qua hơn nửa thế kỷ. Mỗi mùa Trung thu đến, không khí vẫn nhộn nhịp, nhưng Trung thu xưa và nay đã thay đổi rất nhiều.
Cuộc sống của người Hà Nội hôm nay tất bật hơn, đầy đủ hơn và thậm chí có thừa những điều kiện về vật chất. Thế nhưng… không khí của tết Trung thu chỉ được cảm nhận như một ngày bình thường, người lớn thờ ơ và trẻ nhỏ cũng không chờ đợi ngày tết lớn như xưa.
Trên các con phố của Hà Nội, chúng ta vẫn thấy không khí mua bán nhộn nhịp, nhưng chuyện mua bán giờ đã trở thành buôn bán. Đến giáp rằm hoặc chính rằm, người dân mới đi mua sắm và chuẩn bị sơ sài cho ngày tết của trẻ. Còn trẻ em, chúng “chờ đợi” được mua những món quà đắt tiền, đồ chơi điện tử hiện đại và “khác người”…
Bé Trung (4 tuổi, ở Tây Hồ) hồn nhiên: “ Cháu thích đồ chơi siêu nhân. Cháu muốn có 1 sức mạnh như siêu nhân!”. Tết Trung thu này, bố mẹ của Trung cũng không quên thưởng cho em 1 bộ đồ chơi siêu nhân theo đúng ý thích của em.
Những ngày này, khu phố cổ rực rỡ, đường xá chật cứng người. Đồ chơi Trung Quốc tràn ngập: đồ chơi điện tử, trang phục ác quỷ, mặt nạ kinh dị, hình hài siêu nhân, súng, gươm, ô tô siêu tốc… là những thứ đồ chơi được bày bán nhiều nhất.
Em Long (hơn 3 tuổi, ở Long Biên) được bố mẹ đưa đi chơi Trung thu. Đến phố hàng Mã, Long chỉ thiết tha với bộ đồ chơi siêu nhân. Khi chưa được bố mẹ mua siêu nhân cho, Long buồn thiu. Vì muốn con đi chơi Trung thu vui vẻ nên bố mẹ chiều lòng mua cho Long bộ siêu nhân. Có bộ siêu nhân rồi Long mới hớn hở.
Chúng tôi đi khắp khu phố tìm ông Phỗng nhưng… không có, ông Tiến sỹ giấy thì như “hàng độc” nên phải thật tinh mắt mới nhìn thấy (có giá bán 90.000 đồng/ông, xưa rất rẻ!). Phố hàng Đường giờ là những shop quần áo, trang sức, đồ trang trí. Còn phố hàng Buồm tràn ngập bánh Trung thu Kinh Đô, Đồng Khánh, Hữu Nghị…
Trong mỗi gia đình hiện đại không còn những mâm cỗ trong đêm rằm, nếu có thì cũng không đầy đủ hương vị của tết Trung thu. Trẻ nhỏ thì “ngại” ra đường, chúng được người lớn đưa đi chơi công viên, đi xem phim trong rạp… Tết Trung thu hiện đại, có rất ít trẻ con chạy theo xem múa lân, múa sư tử khắp phố phường.
Nói về Trung thu truyền thống và Trung thu hiện đại, nhà văn Băng Sơn tâm sự: “Cuộc sống hiện đại ở thế kỷ 21, chúng ta hội nhập, tiếp thu tinh hoa của văn hoá thế giới để phát triển con người và xã hội. Thế nhưng… chúng ta lại tiếp thu quá nhiều. Những thói quen và lối sống mới ảnh hưởng rất nhiều từ văn hoá phương Tây nên dần dần chúng ta đã mất đi nhiều nét văn hoá truyền thống quý báu của dân tộc. Tết Trung thu xưa và nay, thay đổi quá nhiều! Tôi thấy “tiếc”, thấy “xót xa” về điều đó!”.
Châu Như Quỳnh
Source: Báo Dân Trí