(Dân trí) – Những ngày giáp Tết, ở phường Hoà Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng xuất hiện một nghề mới: bán cát thay lư hương. Người làm nghề chủ yếu là dân nghèo, chỉ với một chiếc xe ba gác đầy cát, họ rong ruổi khắp các tuyến phố, kiếm thêm chút thu nhập ngày cuối năm.
Thức dậy từ 3h sáng, vợ chồng anh chị Hùng Hương đến nhà máy Thuỷ Tinh Đà Nẵng để đặt hàng. Hàng ở đây là phần cát mịn mà nhà máy thải ra, mỗi xe công nông cát này có giá 120.000 đồng. Với chiếc xe ba gác chở đầy thứ cát mịn và đẹp đó, anh chị dạo khắp TP, rao bán cát thay lư hương.
Trung bình mỗi xe ba gác cát họ được lãi 20.000 đồng. Anh chị đong cát bằng lon, mỗi lon giá 500 đồng. Mỗi khách hàng thường mua nhiều nhất cũng chỉ 7, 8 lon, còn thường chỉ mua 3, 4 lon. Chị kể mình đang có cậu con trai học ở TPHCM, “chỉ mong từ những chuyến xe này, mua cho con bộ quần áo mới”.
Cái nghề vừa lạ vừa mới này còn thu hút cả các em học sinh như em Tuấn, em Yến. Tuấn khoe: “Hôm nay em đã bán được 3 xe rồi, mong sao giờ đến tối bán nốt xe còn lại”. Yến đang là học sinh lớp 4, chỉ theo giúp mẹ đong cát hoặc đẩy xe những đoạn đường dốc. Vừa day day đầu gối, em vừa than: “Em đi với mẹ từ sáng đến giờ, mỏi hết cả chân mà chưa hết hai xe cát”.
Công việc của họ còn kéo dài đến tận những giờ phút cuối cùng của năm, bởi nhiều gia đình bận bịu, đến lúc cận Giao thừa mới nghĩ đến chuyện thay cát trong lư hương.
Bà Hồng, một khách hàng mua cát của mẹ con Yến, tâm sự: “Công việc của họ thật ý nghĩa, họ như nhắc nhở chúng ta nhớ đến cội nguồn”.
Viết Lam
Source: Báo Dân Trí