Dường như chuyện các cô con dâu “ngại” gia đình chồng đã là chuyện bình thường, chẳng có gì để nói, riêng tôi – một người con rể – lại thấy “ngán” gia đình bên vợ. Nói cho ngay, chẳng riêng gì tôi mà chính vợ tôi cũng có vẻ ái ngại với những người thân của mình.
Gia đình vợ có tất cả năm người con, trong đó, bốn người đã lập gia đình, vợ tôi là trưởng nữ. Khách quan mà nói, vợ chồng tôi làm ăn tương đối “ngon lành” nhất. Theo quy ước mỗi tháng, bốn cặp vợ chồng đều gửi cho bố mẹ vợ của tôi một số tiền để lo cho ông bà và lo cho thằng em út đang đi học, số tiền đó tùy thuộc vào khả năng kinh tế của mỗi người. Chuyện đó là phải đạo, chẳng có gì đáng phàn nàn. Thế nhưng, cứ lâu lâu, tôi lại được ba vợ hỏi mượn tiền. Kể từ khi về hưu, chẳng biết có phải do rảnh rang mà ông bỗng sinh tật đỏ đen, ghiền đánh số đề như điếu đổ. Thỉnh thoảng ông cũng trúng, số tiền trúng ấy chẳng đáng là bao. Mấy người em vợ của tôi lúc đầu cũng dấm dúi cho ông chút đỉnh, nhưng về sau, họ nại lý do làm ăn thất bại, khó khăn này nọ để từ chối sự đòi hỏi liên tục của ông. Vợ tôi cũng biết điều đó, tội nghiệp, dù rất bực mình nhưng cô ấy chỉ biết khóc, biết ba mình làm như thế là sai trái nhưng con cái làm sao dám “góp ý” ? Mà ông nhạc khi cần tiền chỉ toàn gặp riêng tôi để hỏi chứ không hề nói qua vợ tôi. Ðã thế làm sao tôi dám từ chối ?
Chưa hết. Thằng em út của nàng vốn ham chơi hơn ham học. Nghĩ dù sao cũng là người một nhà nên tôi không tiếc những món tiền nho nhỏ lâu lâu dúi cho “cậu út” khi thì để đi sinh nhật bạn, lúc thì để đóng tiền học. Là đàn ông, tôi rất thông cảm với nó – một thanh niên mới lớn có biết bao nhiêu nhu cầu để tiêu xài. Thế nhưng nó chẳng biết nghĩ cho tôi mà thậm chí có lần còn đến tìm tôi với chiếc xe gần như nát bét để “mượn” tiền sửa lại, sợ về nhà sẽ bị mẹ mắng. Tôi thừa biết thói quen lạng lách của “cậu út” nên dù bực mình nhưng vẫn bấm bụng móc ra cho nó vài trăm ngàn kèm theo lời hứa sẽ không méc chị nó vì nó biết tính vợ tôi vốn nghiêm khắc, nếu biết được sẽ làm cho nó một trận ra trò.
Mới đây cô em kế của vợ tôi đến hỏi mượn một số tiền khá lớn để hùn hạp làm ăn gì đó và hứa hẹn sẽ trả “cả gốc lẫn lời” khi công việc đã xong đâu vào đấy. Biết chắc món tiền đó nếu cho mượn cũng sẽ một đi không trở lại hoặc có lấy lại cũng trầy vi tróc vẩy như những lần trước đây vợ tôi từ chối với lý do chúng tôi sắp sửa sang lại căn nhà nên không thể cho mượn. Vì giận hai vợ chồng tôi nên gặp ai cô em vợ đều nói: “Ổng bả giàu như vậy mà khi em út có chuyện cần đến nhờ vả một chút cũng không được. Tình nghĩa anh em đâu chẳng thấy”. Nghe vậy, vợ tôi giận lắm định gặp hai vợ chồng cô em mắng cho một trận, thà là “mất lòng trước được lòng sau”; cũng may mà tôi biết nên ngăn lại kịp.
Tôi quan niệm chẳng thà cho luôn chứ nói tiếng “mượn” mất công người cho mượn cứ nghĩ đến lúc trả. Mà phải đâu tôi chưa cho bao giờ? Cứ mỗi khi có người em nào của vợ có con bệnh, gia đình cần tiền gì đó là vợ chồng tôi lại bàn với nhau giúp cho một ít mà không hề mong được trả lại, nói gì đến chuyện ơn nghĩa. Với mỗi người, lập gia đình riêng đâu phải là đã đặt dấu chấm hết với những mối quan hệ ruột thịt máu mủ của mình, vợ tôi cũng cần sống với gia đình mình, tôi hiểu điều đó nhưng thú thật mỗi khi nghĩ đến những người thân của vợ, tôi chỉ thấy… sợ. Nhưng chẳng lẽ tôi bảo vợ mình đừng qua lại với họ nữa? Vợ tôi là một người giàu lòng tự trọng, nàng cũng rất hay tự ái nên việc gia đình mình “quấy rầy” tôi như thế thật sự làm mất mặt dù tôi không tỏ ra phân biệt “nhà em” hay “nhà anh” gì cả. Những rắc rối, hục hặc nho nhỏ như thế liên tục xảy ra giữa chúng tôi, vợ tôi bực mình vì gia đình mình, còn tôi bực mình vì những điều bức xúc nhưng không tiện nói ra.
Với không ít người, tiền là một công cụ để người ta làm đẹp lòng nhau nhưng với tôi, tiền chẳng khác nào một con dao hai lưỡi, sẵn sàng cắt đứt tình nghĩa giữa những ai không khéo cư xử. Tôi không muốn kể xấu gia đình vợ bởi tính tôi vốn chẳng nhỏ nhen, hẹp hòi nhưng trong một số trường hợp, chính quan niệm “cái gì của anh cũng là của em” đã hại tôi. Tôi không tiếc tiền mà chỉ khó chịu vì cảm giác bị làm phiền, bị lợi dụng lòng tốt quá nhiều. Nếu tôi là con ruột hẳn không có gì để bàn, nhưng đằng này, ở vào vị trí con rể tôi rất sợ “há miệng mắc quai”, sợ bị quy chụp vào cái tội bủn xỉn, hà tiện với gia đình vợ trong khi thực tâm tôi nào phải thế. Hơn nữa, nếu nói ra “xấu chàng” thì “hổ thiếp” chứ có được gì.
Tôi không biết mình còn phải sống trong tình trạng này đến bao giờ nữa…
V. N. T. L