Thực ra ở cái nhà cao tầng phân chia cho các “xóm liều” lấn chiếm để bây giờ nhà nước mở đường này, chỉ lọt vào vài căn hộ có chủ là cán bộ, như cô Vân đây, còn lại phần lớn là dân nghèo. Họ cũng đi suốt ngày. Nào lái xe ôm, bán rau, bán thịt ngoài chợ. Nào sửa khóa ở góc đường, mở quán ăn ở ngã tư… Vân tôn trọng họ và tránh làm phiền mọi người. Cô nghĩ ai cũng bận rộn cả, ai có việc của người ấy. Riêng Vân, con còn nhỏ, chồng lại đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, ở cơ quan cô phụ trách phòng vi tính, tiếng Anh kha khá rồi nhưng bây giờ còn phải học thêm tiếng Nhật. Vân không còn thời gian để quan tâm đến chuyện gì khác. Cô phải đón một đứa cháu ở quê ra để nó bế em, trông nhà và dọn dẹp giúp. Sau một ngày bù đầu với công việc ở cơ quan, Vân về nhà nấu cơm, tắm giặt và chơi với con một lúc rồi lại phải ngồi vào bàn. Đến khuya trước khi đi ngủ bao giờ cô cũng có thói quen viết cho chồng những cảm xúc trong ngày. Và những “nhật ký thư” ấy mấy hôm lại được gửi đi một lần. Bây giờ Vân còn mơ mua vi tính riêng, nối mạng internet để có thể gửi email (thư điện tử) cho anh ấy hằng ngày. Thực ra ở cơ quan cô cũng thỉnh thoảng sử dụng “trộm” máy để gửi thư cho chồng. Nhưng làm thế rồi có người biết, phiền lắm. Vân cặm cụi đi làm, đi học, chăm con và chăm tâm sự với ông xã ở xa. Cô chẳng để ý gì đến xung quanh.
Nhưng cái Thủy cháu của Vân ở quê ra bế thằng cu, thì tối nào cũng mách đủ chuyện:
– Cô ơi, cháu nghe người ta nói cô chẳng ra gì, sợ lắm cô ạ.
Vân chau mày:
– Thế à, họ nói gì?
– Bà Tư Còm bảo cô có chồng đi xa mà diện quá. Nào váy ngắn, quần bò, áo Hàn Quốc, chẳng biết để làm gì. Hôm chủ nhật cháu bế em cu ngồi ở quán nước chơi, có chú Minh ở cơ quan cô đến. Gửi xe máy xong chú ấy lên cầu thang vào nhà mình. Thế là cháu thấy bà Cả Toét bán nước chạy ngay sang bên kia đường nhìn lên rồi thầm thì với bà Tư Còm: “Không mở đâu chị ạ”. Cháu nghĩ mãi không hiểu là mở cái gì.
Cô Vân cười rũ ra:
– Ái chà. Mở cửa đấy cháu ạ. Chả là các bà theo dõi cô, xem đàn ông vào nhà thì cô có mở cửa ra không. Rồi sao nữa cháu?
Cái Thủy hồn nhiên:
– Rồi các bà ấy giục cháu bế em về ngay.
Tối hôm ấy cô Vân viết ngay cho chồng: “Anh biết không, anh có cả một đội đặc nhiệm “công an nhân dân” chuyên theo dõi em để bảo vệ hạnh phúc cho anh đấy. Chắc chắn là em không thể nào hư được đâu, vì họ không thể để cho em hư mà”. Cô kể tỉ mỉ mọi chuyện với chồng kèm theo lời bình: “Báo hại anh trước khi đi cứ nằng nặc đòi mắc điều hòa cho thằng cu mà không thông báo cho hàng xóm dưới tầng một biết là đã điều hòa thì phải đóng cửa. Nhưng nói để anh biết nhá, dù chưa có điều hòa thì bốn năm học ở xứ lạnh cũng tạo cho em thói quen đóng cửa suốt ngày rồi, có khách hay không cũng vậy nghe!”.
Sáng hôm sau, Vân trang điểm kỹ hơn, diện bộ váy ngắn màu vàng chanh, xức chút nước hoa ông xã mới gửi về và phấn son rực rỡ, trông cứ như đi thi hoa hậu. Lúc lấy xe máy, cô dừng lại nói chuyện với bà Tư Còm và bà Cả Toét:
– Hai bác trông em có được không? Ấy ông xã mới gửi bộ váy mốt về, cứ bảo phải ăn mặc đàng hoàng.
Hai bà xuýt xoa:
– Cô còn trẻ, chưa đến 30 mà, mặc thế này trông được lắm. Xinh quá!
Nhưng cô vừa đi khỏi hai bà lắc đầu nhìn nhau:
– Khiếp. Trông cứ như…
Họ chỉ nói thế thôi, không nói hết câu, mặc ai muốn hiểu thế nào thì hiểu.
Buổi tối cái Thủy lại mách:
– Bà Tư Còm bảo, cô nói thế chứ lâu nay có thấy chú thư từ gì đâu, mà còn gửi váy với chả áo. Bà Cả còn bảo, chú đi những mấy năm, cứ cung cách này khéo lại chả bỏ nhau sớm.
Cô Vân ngạc nhiên:
– Thư chú gửi ở cơ quan cô, làm sao các bà ấy biết được?
Rồi cô lại phá ra cười.
– À, cô nhớ ra rồi, dạo mùng 8 tháng 3 năm ngoái chú có gửi bưu thiếp về thẳng nhà, bà Cả nhận hộ. Chắc bà tưởng cái gì cũng phải qua bà cô mới nhận được! Mặc các bà ấy cháu ạ. Rõ là ngồi lê.
Và sáng sáng đi làm, chiều chiều về gửi xe, Vân vẫn vui vẻ trò chuyện với hai bà cũng như với các bà hàng xóm khác. Cô thấy mình cách xa họ quá, và không muốn làm khoảng cách ấy lớn hơn.
Một hôm cô Vân hơi mệt, nhưng buổi tối cơ quan có việc họp không bỏ được. Làm việc buổi chiều xong, cô nhờ bác trưởng phòng đưa về xem thằng con thế nào, ăn qua loa rồi lại đến cơ quan họp tối.
Vào đến nhà cô rót nước mời khách, rồi sai cái Thủy đi mua thêm thức ăn. Cô vừa bế thằng cu vừa loay hoay pha sữa cho con. Bác trưởng phòng ân cần:
– Cô đưa cái phích đây để tôi pha giúp cho.
Đúng lúc bác đang lúi húi tay cốc tay phích nước trông rất là bận rộn và thân thiện, thì bà Tùng hàng xóm đẩy cửa bước vào rất tự nhiên và nói oang oang:
– Cô Vân ơi, cho tôi mượn cái kéo. A, chào ông. Ông đây là thế nào với cô Vân ạ? Cái Thủy đâu rồi cô?
Bà nhìn bác trưởng phòng dò xét. Cô Vân nhăn mặt:
– Lần sau bác nhớ gõ cửa kẻo cháu nó giật mình. Kéo ở trên bàn kia kìa, bác cầm giúp, tôi đang bận.
Bà Tùng liến láu:
– Ấy chết tôi vô ý quá. Nhưng tôi hỏi khí không phải, bác đây đã có gia đình chưa ạ?
Bác trưởng phòng trạc ngoài bốn mươi bật cười:
– Bà định gả con gái cho tôi hay sao mà hỏi kỹ thế ạ.
Bà Tùng đỏ bừng mặt, quay người đi thẳng, quên cả cái kéo trên bàn.
Cô Vân và bác trưởng phòng nhìn nhau, bụm miệng cười. Ông khách nói thêm:
– Suýt nữa thì tôi bảo là “Bà định lấy tôi hay sao”, may kịp sửa thành “Bà định gả con gái cho tôi”, nếu không chắc bà ấy tức chết.
Cô Vân thở dài:
– Không khéo ông xã cháu về đến ngõ đã muốn bỏ vợ ngay vì nghe quá nhiều tiếng xì xèo về cháu mất.
– Mặc họ cô ạ, các bà già rỗi việc ấy mà, mình đông khách thì họ bảo đàn đúm, ít khách thì họ bảo chẳng ai thèm đến chơi. Lưỡi không xương mà cô.
– Nhưng cháu còn trẻ, chồng lại ở xa. Họ có để yên cho đâu.
Quả nhiên tối hôm ấy họp xong, cô Vân về đến nhà muộn, chưa kịp tắm rửa thay quần áo đã thấy một bà lạ hoắc ngồi đợi trong nhà. Bà nhìn lên đồng hồ:
– Mười giờ hai mươi. Sao cô về muộn thế? Có con nhỏ phải về sơm sớm chứ!
Cô Vân nén giận, bình tĩnh hỏi:
– Bác có việc gì ạ? Nếu không gấp lắm xin bác để mai.
Bà lạ mặt làm vẻ ân cần:
– Em thông cảm, chị phải gặp em ngay, phải góp ý chân thành với em vì bà con trong xóm xì xào về em nhiều quá. Chồng đi vắng lâu rồi, mà còn vắng mấy năm nữa kia, con thì nhỏ, em phải ý tứ hơn, đừng để hàng xóm nói này nói nọ, chị nghe được không thể yên tâm.
Cô Vân vừa kéo rèm thay quần áo vừa nói vọng ra, bình thản:
– Cháu xin lỗi nhưng cháu chưa biết bác là ai.
Bà lạ mặt nhảy dựng lên:
– Ô, ra cô lại không biết cả ai là trưởng ban phụ nữ của phường ta sao? Thảo nào mà cô dám ngồi lên dư luận, không coi ai ra gì. Cô ra đây. Mời cô
ngồi xuống nói chuyện cho đàng hoàng.
Cô Vân đã mặc bộ quần áo trong nhà, vẫn bình thản:
– Vâng, bác đợi một chút để cháu rửa mặt mũi tay chân đã.
Cô vào nhà vệ sinh một lát rồi ra kéo ghế ngồi trước mặt bà trưởng ban phụ nữ, mệt mỏi:
– Nào, có việc gì thì mời bác cứ nói.
Cái Thủy đã đặt em ngủ ở phòng trong, ra pha nước cho khách vì thấy cô Vân nó chẳng mời như mọi khi, rồi lại vào với em. Nhưng nó vẫn lắng nghe.
Bà khách nghiêm giọng:
– Tôi nghe bà con phàn nàn về cô nhiều rồi. Nhưng hôm nay tôi mới đến gặp, vì hôm nay cô đã xúc phạm đến hàng xóm, là bà Tùng, bên cạnh đây. Có đúng là cô có khách lúc bà Tùng vào hỏi mượn cái kéo, nhân thể hỏi thăm ông ấy một câu, mà ông ấy dám chế giễu, rồi bà ấy đi ra, hai người lại bịt miệng cười sau lưng người ta, làm sao người ta không biết?
Vân chưa kịp nói gì, bà khách đã nghiêm nghị răn dạy tiếp:
– Cô đừng tưởng chồng đi vắng, ở nhà muốn thế nào cũng được đâu. Ai lại để đàn ông đèo xe máy về, ăn uống xong lại đèo xe máy đi, đến đêm mới trở lại nhà. Rồi phấn son ăn diện, cười cười nói nói chẳng coi ai ra gì…
Vân mệt quá, ngán quá. Cô tưởng như mình đang ngồi trước quan tòa, hoặc trước một bà mẹ chồng ác nghiệt. Cô đứng lên:
– Thôi được rồi. Cháu sẽ rút kinh nghiệm. Bác về đi. Cám ơn bác.
Đêm hôm ấy nằm bên con, Vân đã ứa nước mắt. Cô không tài nào ngủ được, phải ngồi dậy, viết thư cho ông xã. Cô kể mọi chuyện rồi kết luận: “Em đến phải chuyển nhà thôi. Bởi vì em không chỉ bị theo dõi mà còn bị phê phán góp ý từng ngày. Em không thể nào chịu nổi nữa. Anh có hiểu không?”.
Và chồng cô viết thư về: “Chịu khó nuôi con chờ anh về nhất định sẽ đủ tiền mua nhà riêng. Mà ngay cả lúc ấy em cũng không thể nào tránh khỏi con mắt dò xét cùng miệng lưỡi kinh hoàng của các bà hàng xóm đâu, bé ạ. Nhưng lúc ấy có anh bên cạnh, may ra chỉ đỡ hơn thôi. Còn bây giờ, em chỉ có thể đến ở một khu tập thể, mà khu năm tầng nào cũng có một bà giữ xe, một bà bán nước, hai bà hàng xóm cạnh nhà, một bà phụ trách chị em, một ông tổ trưởng… Bé chịu khó làm lành với mọi người và viết thư kể mọi chuyện cho anh. Anh rất thích những chuyện bực mình của em, vì nó chứng tỏ là em rất ngoan. Hãy cứ xinh đẹp, ăn diện, giỏi giang và đảm đang như anh đã biết. Đừng khóc nhè. Hôn em và con”.
Vân đọc thư chồng và nghĩ thầm, không có anh chắc mình chết mất. Cô nhìn ra ngoài trời và thốt lên:
– Ô, đã mưa bụi rồi. Xuân lại về.
Nguồn: Báo Thanh Niên