Em đã thầm dằn vặt vì không thể hiểu nổi tại sao chúng ta xa nhau khi vẫn còn yêu nhau. Anh từng là bầu trời của em, từng là thế giới, từng là tất cả của em.
Vậy nên khi anh bỏ đi, em đã ngỡ mình đánh mất mọi thứ. Mùa thu sắp đi qua, cái mùa ghi dấu nhiều nhung nhớ lại sắp sửa từ biệt, để lại trong em sự trống rỗng, bên cái lạnh của mùa đông giá.
Em cứ nhớ anh và nghĩ mình đã sai nên chẳng bao giờ em có thể quay lại nơi ta đã từng. Em cứ nuôi trong mình mối tình dang dở như thế dù bên cạnh luôn có người sẵn sàng vì em mà “gom mây kết thành lâu đài”.
Cho đến một hôm, thật tình cờ, khi phòng em có nhân viên mới, nhìn hồ sơ em kinh ngạc phát hiện ra đó chính là vợ anh.
Có lẽ em sẽ chẳng có thiện chí, không buồn quan tâm đến An nếu không có lần cô ấy ốm phải đi viện mà cũng không dám nghỉ làm quá hai hôm, vì sợ bị đuổi việc. Em đã gần gũi, giúp đỡ An vì thấy tội cho thân hình gầy gò, lúc nào cũng sấp sấp ngửa ngửa, vội vàng về cho kịp giờ đón con của cô ấy. Và cũng do em tò mò muốn biết về cuộc sống hiện tại của anh.
Khi đã thân thiết hơn, vào những lúc nghỉ giải lao và giờ ăn trưa của công ty, An đã trút bầu tâm sự quá lớn trong tim mình với em.
An miêu tả chồng mình chỉ được mồm miệng đỡ chân tay, có khiếu ăn nói và đôi mắt cũng như biết thủ thỉ, anh đẹp trai, đa tình và luôn khiến người con gái bên mình có cảm giác được tôn vinh, song người bạn đời của anh luôn phải đón nhận sự cô đơn. Anh viện cớ phải kiếm tiền nên đi suốt, lúc nào cũng thấy anh tăng ca, cả chủ nhật, mọi người cười nhạo An bóc lột chồng quá, mặc cho tiền anh đưa vợ nhỏ giọt, phần lớn gửi mẹ, và anh phải để dành còn gặp gỡ, hội ý đọ rượu chè với chúng bạn, thi thoảng văn nghệ, đánh bài giải trí cho vui, chẳng biết trong đó có gái gú không.
Sinh con xong An xuống mã trầm trọng, bận rối rít với con mọn vì bà nội kêu tao già rồi phải được nghỉ ngơi, An đành nghỉ việc trông con. Vậy là mẹ chồng suốt ngày nhiếc móc con dâu vô công rồi nghề. Lần nhà có giỗ, cô em dâu góp một triệu cho bà làm cỗ, An lại chẳng có đồng nào. Hai người đó cứ như làm trò, đưa qua đưa lại, bà đưa lại một nửa nói để mua sữa cho con, nhưng cô em dâu bảo thôi… cứ thế, rồi bà quay sang An nhắc làm việc này việc kia đi, còn đứng đấy à. Chỉ thế thôi, có ai mắng chửi gì đâu mà nước mắt An cứ lăn tràn má.
An nghiệm ra, đời khổ nhất là sống với người không có lập trường, giá anh một phải thôi thì vợ con còn được nhờ, đằng này lại ba phải, nhất nhất nghe mẹ, nghe tất cả những gì bà nói. Điệp khúc An được nghe là “Mẹ vất vả cả đời rồi, anh không muốn để bà phải khổ thêm vì anh nữa”. An phải tự lo liệu lấy cuộc sống của mình thôi… Và thế là cô ấy sống chết nhất quyết phải đi làm bằng được, dẫu cho xót ruột con bé chưa đầy tuổi đã phải đến trường.
Những mẩu chuyện về gia đình An còn dài lắm, mỗi ngày lại có thêm tin để cô ấy than vãn. Em chỉ còn biết thở dài, như thấy trong lòng mình nhẹ nhõm đi, suýt nữa thì người ngồi “bán than” và được người khác thương hại sẽ là mình, còn ngồi đó mà mơ mộng những ngày xưa.
Bình Yên