Đũa có đôi

Năm nào cũng vậy, sau ngày giỗ ba là má tổ chức một chuyến trở về nhà cũ, nơi cả gia đình từng sống hơn 20 năm trời. Má nói, trước thăm bà con lối xóm, sau là nhắc nhở con cái nhớ lại những năm tháng gia đình đầm ấm để thương nhau nhiều hơn.

Còn một điều má giấu trong lòng, nhứt định không chịu nói ra, mà con cháu thì biết hết ráo, đó là má muốn hình dung lại bóng dáng của ba qua từng gốc cột, mái hiên, giếng nước, cây ổi, cây mít, cây mãng cầu…

 

Sáng nay, khi mọi người chuẩn bị lên xe thì Út chạy tới báo tin: “Đêm qua ba chồng con bị khó thở phải nhập viện. Giờ chỉ con với hai đứa nhỏ đi thôi. Chồng con về quê từ hồi khuya rồi”.

 

Má chưng hửng, lớn giọng, hỏi mà không cần nghe trả lời: “Sao con không đi về quê với chồng? Bậy, bậy, con làm vậy là bậy lắm… Rồi má biết ăn nói làm sao với anh chị ở bển”.

 

Út gân cổ cãi: “Tại ảnh biểu, nói một mình ảnh về được rồi, bệnh ba chồng con là bệnh già mà. Con đi sẵn dịp cho hai đứa nhỏ tắm biển luôn”.

 

Má không nói gì, ngẫm nghĩ một lúc rồi quyết định: “Tất cả lên xe, theo má thăm anh sui”. Trên đường đi, má phân bua, “chuyện về thăm nhà cũ hay ghé biển cho mấy đứa nhỏ chơi khi này không được thì khi khác, thiếu gì dịp. Còn sức khỏe của ông sui thì không biết ngày mai ra sao. Thời khắc này con cần có mặt bên cạnh chồng, để cùng sớt chia nặng nhẹ với nhau”.

 

Út xưa nay vốn cứng đầu, bực mình vì không được đi biển, lầm bầm trách má lo xa, người ta không nghĩ như mình đâu, mọi thứ đơn giản lắm, mắc công chuyện thì không về, đông người càng thêm rối… Giọng má nhẹ bâng: “Ờ, nhưng mà cuộc đời đâu đơn giản như mình nghĩ. Tao mà như tụi bây…”.

 

Má bỏ lửng câu nói. Cả nhà biết má muốn nói đến chuyện hồi xưa. Lúc đó đã có anh Hai, ba làm công chức, má làm thợ may. Đùng một cái, ba bị chuyển nhiệm sở về một vùng biển heo hút. Ba đi tháng trước, tháng sau má tém dẹp tiệm may, ôm con ra theo. Nhà tập thể chật chội, trống trước trống sau, lại không có nước ngọt, mùa nắng mua được đôi nước cũng trần ai khoai củ. Bà ngoại lặn lội đi thăm, thấy cảnh sống của con cháu rớt nước mắt biểu, mày không thương thân mày thì cũng phải thương con, bắt nó ở đây thiếu thốn trăm bề. Má cương quyết: “Người ta sống được, mình sống được”.

 

Ít tháng sau, má mở tiệm vừa bán tạp hóa vừa may vá quần áo. Thu nhập tất nhiên không nhiều nhưng biết sống căn cơ cũng đủ ăn. Ba yên tâm, làm việc tốt, được thăng chức, lên lương. Rồi ba má mua đất cất nhà, sắm sửa xe cộ, nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn. Bởi vậy, hồi nghe anh Hai báo tin đang làm thủ tục ra nước ngoài học lấy bằng tiến sĩ, để chị Hai và cu Bin ở lại, má đâu chịu. Anh Hai nói, vợ chồng đã bàn tính kỹ rồi, sự nghiệp của chị đang phát triển, thu nhập lại cao ngất ngưởng, đi theo chồng có nghĩa là mất hết, mai mốt phải làm lại từ đầu, cực lắm. Phần anh thì dứt khoát không thể bỏ lỡ cơ hội này. Anh còn ghẹo má lo xa quá mau già, da nhăn hết trơn, tới đâu hay tới đó cho khỏe. Vậy rồi anh đi, năm đầu về thăm nhà, thấy vợ hơi khang khác, năm thứ hai về, vợ chìa tờ đơn ly hôn với lý do không còn tình cảm, anh bị stress, phải dở dang việc học để trị bệnh. Giờ thì chị Hai đã đưa con sang Úc sống với ông chồng mới, thằng con thỉnh thoảng gọi điện thoại về thăm ba, thăm nội, chỉ nói vỏn vẹn được vài câu chào hỏi rồi thôi.

 

Chuyện của Út chưa đến nỗi như anh Hai, nhưng rõ ràng là nguy cơ ngày càng lớn… Nguyên nhân bắt đầu từ chuyện Út quyết định xin nghỉ việc ở xí nghiệp chế biến xuất khẩu, rời quê chồng, đưa hai đứa con lên thành phố lập nghiệp với nghề buôn bán thủy hải sản. Chồng Út không chịu vì còn cha mẹ già phải phụng dưỡng. Út nói, cứ làm công ăn lương thì lâu giàu lắm, con cái không có tương lai. Vậy là gia đình nhỏ chia hai. May là bây giờ đường sá dễ dàng, vài ba bữa, nhớ vợ con, chồng Út lại phóng xe cái vèo lên thăm, mất chừng hơn hai giờ là tới. Nói nghe dễ ợt chớ đêm nằm không có vợ con chắc là chồng Út buồn lắm. Chừng một năm trở lại đây, dòm tướng mất phong độ hẳn, ốm nhom, già sọm, hỏi Út, con nhỏ xì một cái: “Nhậu quá mà”. Nhưng hỏi biết tại sao chồng nhậu sa đà vậy không, Út nín thinh.

 

Tất nhiên má đâu có tha cho Út. Cứ mỗi lần Út tạt qua nhà, má tụng cho một bài… Má nói, đũa mà tách ra mỗi chiếc một nơi thì làm nên trò trống gì. Trừ những trường hợp bất khả kháng, như trong thời chiến, còn thì theo má cứ chồng đâu vợ đó, dẫu nghèo dẫu khổ mà chia hai cũng đỡ nhọc nhằn hơn. Chuyến này hình như má đang quyết liệt bắt Út quay về quê chồng. Kinh nghiệm cho thấy, má bao giờ cũng có lý.

 

Theo PNO

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.