Đàn ông đích thực

Đã khuya lắm anh vẫn không ngủ được, trằn trọc suy nghĩ câu nói của cô bạn cũ: “Hạnh phúc lớn nhất của người vợ là được ủi từng chiếc áo cho chồng, nấu những món ăn mà anh ấy thích”. Còn vợ anh thì…

Đàn ông đích thực  Xmen
Đàn ông đích thực Xmen

Chiều nay, sau mấy ngày đi công tác xa chưa kịp về, vợ nhắn “xong việc chưa honey, anh tranh thủ về gấp nhé”. Được lời như cởi tấm lòng, anh bỏ luôn cả bữa trưa, chạy xe gần hai trăm cây số, chỉ mong được ăn những món ăn mà mình yêu thích như thường lệ. Hơn ba tiếng phơi mặt ngoài quốc lộ, về nhà đã gần 4 giờ chiều, chưa kịp thay đổi trang phục anh lao vào bếp định “quất” một hơi cho đã, nhưng, nồi cơm lạnh ngắt, đã bốc mùi chua bên cạnh nồi canh cũng đã lên men.

 

Thường ngày gặp “cảnh” đó, anh đã chạy ra phòng khách, mắt long lên, răng nghiến chặt và quát vợ. Nhưng hôm nay, anh chựng lại. Thằng bé đang khóc nhè và bên cạnh, bà ngoại nó đang chuẩn bị mấy viên thuốc uống cho cháu. Giận quá, anh không thèm “đếm xỉa” coi vợ đang làm gì. Không thể chịu nổi cái đói, anh hậm hực đun nước sôi, lôi ra một gói mỳ tôm. Chán nản, mệt mỏi anh lăn ra sofa đánh một giấc, mặc cho thằng bé vẫn đang ho sù sụ…

 

Anh thức giấc, đã gần 12 giờ khuya. Cục tức hồi chiều lại đến, nghĩ đến câu nói của bạn, anh quay vô buồng định bụng sẽ cho vợ một bài học về cái gọi là “bổn phận làm vợ”. Vợ đang ngủ, hình như vẫn còn nguyên bộ quần áo hồi chiều, tóc rối bù. Anh cúi xuống nhìn khuôn mặt “đáng ghét” rồi bỏ ra ngoài chiếc võng cạnh sofa. Ở đó, ngay trên tường, cũng là người phụ nữ mà anh vừa nhìn, đang nắm tay anh, “nàng” quá xinh đẹp. Nhìn kỹ, hình như không phải vợ anh đang nằm trong kia, đó một “bà cụ” hốc hác vừa đen vừa gầy. Mới có một con mà đã như thế, thật là chán. Anh cọt kẹt đưa võng, miên man rồi thiếp đi lúc nào chẳng hay.

 

Thức dậy, ông Trời đã lên cao, anh dắt chiếc xe bụi bặm ra ngoài, phi thẳng đến cơ quan. Dọc đường, Chung nhắn ghé vô nhà nó có chuyện. Hóa ra nó nhờ anh gởi cho Sếp xấp tài liệu cho kịp chuyến đi công tác. “Tối qua lo lên mạng chưa kịp ủi bộ đồ mầy ơi”, nó nhe răng cười, trông hết sức vô duyên. Dù là bạn nối khố nhưng anh chúa ghét thằng này vì nó rất “mất đoàn kết” và hơn hết nó rất “đàn bà”. Liên hoan, tổng kết nó viện cớ “gan nhiễm dầu” để khỏi “trăm phần trăm” với anh em. Ở nhà thì chui rúc vào bếp với ông táo, thậm chí có lần anh còn bắt gặp nó đang “đánh giặc” một chậu đồ của cả nhà. Anh chỉ thấy nó hèn, vậy mà trong cơ quan, tất cả chị em đều lấy nó làm “điển hình tiên tiến” để dạy chồng?

 

Hôm nay Sếp đi công tác nên mọi người có “lý do chính đáng” để ra căn tin. Anh khoe với cả hội về chiếc I-phone cáu cạnh – “hàng khủng” nhưng giá rất “bủn” – mà anh vừa “khiêng” về trong chuyến đi biên giới vừa rồi. Café, chat chít xong cũng đã gần 9 giờ 30. Vào phòng, anh lập tức thay đổi hình nền. Lướt qua các file hình, anh “chạm mặt” vợ. Lại tức. Anh bèn nhắn tin cho vợ theo cách mà anh hay làm mỗi khi có “chiến tranh”.

 

“Chuyện ngày xưa: thấy Lưu Bình ham chơi không lo công danh sự nghiệp, Dương Lễ bèn kêu đến và đưa một tô cơm hẩm và bát cà thiu, ý muốn nói “Phải lo học hành để thi đỗ làm quan”. Còn chuyện ngày nay: Có một ông chồng đi công tác, vợ gọi về gấp rồi cũng đưa ra một nổi cơm thiu và một nồi canh lên men. Vậy ý vợ muốn nói gì?”. Năm phút trôi qua, vẫn không có tin nhắn trả lời, rồi 60 phút, cũng không có. Ba giờ chiều, không ai rủ đi rửa điện thoại, anh uể oải lấy xe về nhà.

 

Chưa kịp vào nhà anh đã nghe tiếng nheo nhéo của bà Tư Lùn, hàng xóm mới chuyển đến, vọng sang. “Thằng nhỏ nhà bây hết ho chưa? Thật tội nghiệp, mấy ngày nay ở kế bên, nghe tiếng thằng nhỏ ho, tao muốn đứt ruột. Làm cha như chú cũng được hén, con đau, bây đi công tác xa cũng tranh thủ về, tối còn thức khuya canh chừng con, ngày đi làm tranh thủ về sớm lo tiếp cơm nước…”. “Dạ…” – anh lí nhí. “Có bây về, vợ bây cũng đỡ cực. Mấy đêm nay nó có ngủ được chút nào đâu, làm mẹ thật là khổ”.

 

Anh bước thật lẹ vào nhà, như sợ bà Tư biết sự thật, tự trách sao mình vô tư quá. Rồi anh lại dắt xe ra, chạy nhanh đến nhà Chung, để hỏi: “Đàn ông Xmen như tui, giờ muốn làm “nội trợ”, trước hết phải làm gì?”

 

Theo PNO

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.