Nghĩa tình tấm mẳn

Trên đường về quê, chồng sắp cưới của tôi dặn dò: “Ông bà ngoại của anh theo đạo “hồi”… đó. Em nghe có chán thì kiếm cớ lảng ra, ví như là xin phép đi ra đồng chẳng hạn. Nhớ đừng hỏi ông bà ngoại điều gì thêm nha”.

Tình già

Biết anh dọa cho vui, nhưng cũng thấy lo, vì đây là lần đầu tiên tôi ra mắt ông bà của chồng sắp cưới. Nhưng, khi thấy ông bà ra đón chúng tôi tận cổng, nỗi lo ấy đã nhanh chóng biến mất. Ông cười móm mém: “Sắp nhỏ đi ngoài đường thấy tụi mày xuống xe, chạy u về cho ngoại hay”. Gỡ điếu thuốc rê trên môi xuống, ông tiếp: “Vô nhà nghỉ ngơi rồi ăn cháo vịt. Mấy con vịt xiêm này hồi mới đem về bằng nắm tay, bà ngoại mày nuôi sao có mấy tháng mà nó lên ba, bốn ký”.

Anh bấm tay tôi, nháy nhó: “Sắp rồi, sắp rồi…”. Y như rằng, bà ngoại tiếp: “Thì cũng nhờ ông, hồi tụi nó mới mặc áo lá, ông lo thuốc men, nên mới khỏe vầy…”.

Cứ vậy, ông ngoại một câu, bà ngoại tiếp một câu. Thấy khuôn viên nhà ngoại rộng mênh mông, trồng toàn cây ăn trái, hoa kiểng, tôi thắc mắc: “Trời, rộng vầy sao ông bà ngoại chăm sóc nổi?”. Ông ngoại đầy vẻ tự hào: “Nhằm nhò gì, hồi ông bà ngoại mới về đây, chỗ con đứng là ruộng. Rồi ông đào ao, bà bưng đất đổ, cả năm trời mới thành cái nền này”. Chỉ bộ ván gõ dày cả tấc, ông kể, có được là do hồi bà ngoại đi mua bán gạo ngoài chợ để dành tiền sắm. Bà nói, ngoại mang tiếng vậy thôi chớ hồi đó gánh gồng, khuân vác gạo đều do một tay ông ngoại bây. Cảm động nhất là khi nói về từng người con cháu qua những tấm hình được lộng kiếng nơi cái bàn gỗ dài để giữa nhà, ông bà nhớ rõ từng chi tiết như: “Hồi sanh con Hai, ổng ẵm ngoại chạy băng băng qua mấy cánh đồng”; “Hồi bả sanh thằng Tư, ông bị bệnh gan nằm liệt cả tháng trời, vậy mà hổng hiểu sao bả vừa chăm ông, vừa chăm con được ráo”. Rồi chỉ lên bàn thờ, có hình ông bà cố, giọng ông ngoại đầy phấn khích: “Hồi còn sống, ông bà cố cưng bả lắm nghen. Đi đâu cũng khoe con dâu tui”…

Mỗi lần ông nói, bà nghiêng nghiêng đầu lắng nghe rồi cười, mắt nheo nheo, lấp lánh nhìn ông. Gần 60 năm chung sống, có biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, nhưng với ông bà ngoại hình như những điều buồn phiền không hề đọng lại một chút gì, hoặc nếu có thì lập tức được biến sang sự sẻ chia, nương tựa, như khi nói về chuyện người con gái đã chết vì tai nạn giao thông, bà chỉ tay sang ông: “Hồi đó không có ông ngoại bây an ủi sớm tối, chắc tao chết theo dì Út bây rồi”.

Càng lúc, tôi càng bị hút vào câu chuyện của ông bà ngoại, khâm phục từng chút trân trọng ông bà dành cho nhau. Có lẽ chính từ sự trân trọng đó mà ông bà được cả xóm đem ra làm gương cho con cháu. Riêng tôi, những chương hồi trong cuộc đời ông bà là bài học lớn, dạy tôi biết trân quý tất cả những gì người khác mang đến cho mình, mà gần nhất là với người sẽ cùng tôi đi đến hết cuộc đời sắp tới.

NGỌC QUÝ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.