TT – Chiến tranh. Mang trong mình án tử của căn bệnh phong, họ chạy xuống núi, ra ốc đảo. Một ngày không định trước họ nên duyên vợ chồng. Và 40 năm sau, dù không có được mặt con, nhưng tình già nơi ốc đảo sắt son như ngày tuổi mới đôi mươi.
Không thể chia tay – Kỳ 5: Tình già nơi ốc đảo
Chiếc chõng này là nơi bao nhiêu năm qua, mỗi bữa cơm sớm tối ông Bồng – bà Diên vẫn có nhau – Ảnh: Hữu Khá |
Đã qua mùa dông bão
Ở ốc đảo này câu chuyện bà Nguyễn Thị Bốn lo cho người cha già luôn làm mọi người xúc động. Bà kể: “Ngày đó tôi mới lên mười. Mẹ mất, cha tôi bị bệnh phong rất nặng. Với làng xóm ở quê lúc đó nhà nào có người dính phải căn bệnh phong là khiếp đảm lắm. Hết cách, ba tôi bồng bế mấy chị em tôi đi bộ cả trăm cây số xuống làng phong này. Ngày xuống đây, cuộc đời của chúng tôi như khép lại. Cha tôi hiểu điều này nhưng ông không nói, đêm đêm ông không ngủ lại đến ngồi đầu giường mấy chị em tôi. Giờ cha tôi đã hơn 80 tuổi, sức khỏe đã kiệt, tôi hiểu cha và không để ông phải cô đơn một phút nào trong những ngày cuối đời này”. |
Tôi tìm xuống ốc đảo nằm dưới chân đèo Hải Vân (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) để tìm họ. Ông Bồng – bà Diên, ông Hương – bà Lai và nhiều cặp vợ chồng khác nữa… Họ bảo cuộc đời mình là những mảnh chắp vá, như cỏ cây yêu thương, tựa nhau mà sống cho hết tháng ngày.
Mấy bữa nay trở trời, ông Bồng lại ốm. Sáng sớm bà Diên tranh thủ ra bãi cá trước biển chọn con dìa tươi. Bà nói phải kiếm được con cá ngon nhất nấu bát canh để ông ăn cho giải nhiệt.
Lui cui nấu cơm canh cũng tận mười giờ trưa mới xong. Bà chạy vào trong nhà năn nỉ: “Ông ơi, dậy ăn bát cơm cho nóng”. “Tui thấy mệt không muốn ăn bà ạ!”. Nghe ông bảo vậy, bà nắm tay ông sụt sùi: “Ông mà không ăn tui nuốt sao nổi. Có bát cơm vào người mới nhanh khỏe được. Chớ ông nằm miết vậy nhỡ có chuyện gì… tui biết sống với ai”.
Nói rồi bà đỡ ông dậy bước ra cái chõng tre trước nhà. Nơi mà 40 năm nay, mỗi bữa cơm sớm tối ông bà vẫn có nhau.
Trong bữa cơm hôm đó trên chiếc chõng tre, câu chuyện tình ông Bồng – bà Diên nghe qua tưởng như không có thực trên đời. 18 tuổi. Anh thanh niên Phạm Bồng quê làng Phú Lương (huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) bỏ lên phố học. Nhưng chỉ mấy hôm sau theo tiếng gọi của bạn bè, anh rời ghế nhà trường theo phong trào thanh niên cứu nước.
Ngày đó, Bồng đã có mối tình với một cô gái quê. Tất cả đã định sẵn, chỉ chờ ngày đám cưới. Lên đường và ít lâu sau anh bị bắt giam ở lao Thừa Phủ. Giam ba năm. Bọn cai tù phát hiện anh bị bệnh phong nên thả. Đêm trước ngày rời nhà lao, anh viết một bức thư đẫm nước mắt gửi cho người vợ chưa cưới. Anh xin người yêu tha thứ và mong nàng hãy quên mình mà đi lấy chồng. Sáng hôm sau Bồng đi không lời giã biệt.
“Kể từ đó tôi như kẻ không nhà lang bạt khắp nơi chữa trị ở Sài Gòn. Rồi ngược ra Viện phong Cẩm Hải (Điện Bàn, Quảng Nam)… nhưng bệnh tình ngày càng trầm trọng. Có hôm người ta bảo tôi: Ông thuộc loại nan y rồi, có nước đợi ngày về với ông bà thôi”.
Ông Bồng rớm nước mắt: “Nghe người ta phán câu đó tôi như rơi vô hố sâu của tuyệt vọng. Sống ở Viện phong Cẩm Hải được mấy năm. Chiến tranh ngày thêm ác liệt, địch phá nát bệnh viện buộc chúng tôi – hàng chục đôi trai gái, già trẻ dắt díu nhau chạy xuống chân đèo Hải Vân”.
Họ như thân cây khô gãy xuống để sóng gió cuốn đi trong ngày dông bão rồi gặp nhau ở bến bờ. Cũng éo le như ông Bồng, bà Diên, gốc làng Mỹ Lợi (Thừa Thiên – Huế), khi đến tuổi con gái thì bị bệnh phong. Rồi một ngày khi chiến tranh còn ác liệt bà lặng lẽ xách gói rời khỏi làng. “Tìm nơi chữa chạy bệnh phong lúc đó vô cùng khó khăn. Cái án tử cứ treo bên người mà không biết mình sẽ ngã quỵ bất cứ lúc nào. Thôi đành vậy, tôi cứ chạy, hết nơi này đến nơi khác nhưng vẫn không khỏi”.
Rồi một ngày bà hay tin ở làng Vân có bệnh viện cho người mắc bệnh phong điều trị liền chạy đến. Cùng cơn hoạn nạn, ông xởi lởi giúp bà bước qua ngày đầu khó khăn nhất.
Ông Bồng bảo: “Ban đầu đến đây, cái chết vẫn cứ rình rập. Chúng tôi chẳng biết duyên phận là gì, chẳng ai dám mơ màng về hạnh phúc đôi lứa. Nhưng rồi ngày lại qua ngày. Căn bệnh phong buộc hai người phải dựa vào nhau mà sống. Cứ ốm đau là người này lo cho người kia miếng cơm, bát cháo”.
Ngày đó họ che tạm vài cái chòi ở bờ biển sống với nhau. Trai gái mang trong mình căn bệnh phong dần dà cũng thân quen. Họ biết gạt đi mặc cảm nhưng không ai dám nói lời yêu thương. Ông Bồng bảo với tôi thế mà tình yêu một ngày đủ lớn để họ gắn kết với nhau.
Rồi một hôm ông kéo bà ra bờ biển. Hai người siết tay nhau thật chặt. Họ nguyện sẽ ở bên nhau suốt đời. Vậy mà đã 40 năm rồi, ông bà vẫn chăm chút cho nhau từng li từng tí như thuở ban đầu.
Suốt đời có nhau
Chiều tối, tôi tìm đến nhà ông Hương. Bà Lai, vợ ông, ngồi bên bậu cửa nhìn ra biển. Ông bảo bà quen rồi, cứ đến chiều là ngồi ngóng mắt ra biển như vậy. Ông ôm cái rạp trên tay dẫn tôi ra ngồi bên bờ biển. Câu chuyện tình của ông với bà cứ mãi dài ra không hết như tiếng sóng biển dào dạt xô vào bờ.
Ông bảo tôi có biết gì về bệnh phong không. Rồi ông bảo ngày đó bệnh phong như án tử treo trên đầu. Cứ ai mà phát hiện bị bệnh phong thì đời coi như không còn gì đáng sống nữa. Người bị bệnh phong bị xã hội kỳ thị ghê gớm lắm. Chuyện tình của ông Đặng Hương và bà Đặng Thị Lai là minh chứng về một câu chuyện tình cảm động, nguyện suốt đời có nhau.
Ông Hương kể: “Năm 1945, tôi tham gia cướp chính quyền ở Tam Kỳ. Hoạt động trong lòng địch được mấy năm, tôi thoát đi văn công chiến trường”. Nhưng rồi một buổi chiều ông đau đớn khi phát hiện mình mắc phải bệnh phong. Gần như tuyệt vọng, ông được đồng đội đưa vào Quy Hòa (Bình Định) điều trị.
Sau ngày giải phóng, ông được chuyển từ Quy Hòa ra làng Vân. Chỉ mấy ngày sau ông gặp bà Lai, cũng dính căn bệnh như mình. Và rồi không cần nói với nhau một lời nào, họ tự hiểu đời này họ đã thuộc về nhau!
Khát khao có một mặt con nhưng căn bệnh quái ác đã cướp đi khả năng được làm cha làm mẹ của họ. Đã mấy mươi năm rồi nhưng không lúc nào ông Hương, bà Lai nói nặng với nhau một tiếng.
“Với chúng tôi đã là những người bất hạnh rồi, đau khổ đã nhiều rồi thì giờ phải biết vun xới cho nhau. Tôi đã gần đất xa trời rồi, làm việc gì mà bà không hài lòng sinh ra phiền muộn mất đi thì mình biết sống với ai” – ông Hương đưa tay lén chùi vội dòng nước mắt vừa lăn dài trên khóe mắt nhăn nheo.
HỮU KHÁ
————————————
* Tin bài liên quan:
>> Kỳ 1: Bức tranh hạnh phúc
>> Kỳ 2: Hoa trong sỏi đá
>> Kỳ 3: Chuyện tình ở đồng chiêm trũng
>> Kỳ 4: Đời khoai củ
_____________________
Chồng nghiện ngập rồi đi tù, chị phải húp cháo loãng, nhai khoai sắn cầm hơi để dành tiền thăm chồng, nuôi con. Lúc đói thuốc chồng đánh chửi, đòi bỏ chị. Mà khi tỉnh cơn, xót vợ, anh cũng kêu chia tay để khỏi giày vò chị! Nhưng chị chỉ gạt nước mắt: “Tình cảnh này sao em nỡ bỏ anh!”.
Kỳ tới: Em đợi anh về
Source: Báo Tuổi Trẻ