Bà nội trông cháu, lấy tiền công của con dâu

Bà nội trông cháu đòi lấy tiền công hợp lý không?

🍀 Mới đi làm được hai tuần sau thời gian nghỉ thai sản, Liên – cô đồng nghiệp cùng phòng gọi điện nhờ tôi tìm chỗ nào nhận trông trẻ mới 6 tháng tuổi. Tôi ngạc nhiên bảo: “Chẳng phải có bà nội giữ rồi hay sao, mà bé còn nhỏ thế ít nơi nhận lắm”.

Như khơi đúng nỗi lòng, Liên trút cả bầu tâm sự: “Em bực mình làm chị à, ai đời bà nội trông cháu mà đòi tiền công, như thế thà em đi gửi trẻ còn hơn”. Tôi nghe qua hiểu ngay Liên lại vướng chuyện mẹ chồng nàng dâu.

Câu chuyện mẹ chồng của Liên sòng phẳng, chẳng phải mình tôi biết mà cả cơ quan đều tường tận nhưng mỗi người một ý. Có người đứng về phía Liên, đả kích mẹ chồng, họ bảo: “Cháu chẳng phải máu mủ ruột rà sao mà phải lấy tiền công như thiên hạ, bà phải có trách nhiệm chứ”.

Nhưng nhiều người cho rằng việc mẹ chồng Liên muốn nhận tiền công không có gì quá đáng mà rất hay nữa. Như thế lại dễ sống, coi như tiền gửi con dùng để biếu bà, mất đi đâu mà tính toán.

Riêng tôi, khi đã tường tận sự việc thì mới hiểu ra chuyện gì cũng có lý do của nó. Trước đây, lúc bố chồng Liên còn sống, ông bà ở dưới quê gần nhà anh trai cả. Một tay bà chăm sóc mấy đứa cháu để anh chị yên tâm làm việc. Liên thấy thế cũng yên tâm đến khi mình sinh con, bà nội chắc chắn sẽ đỡ đần việc trông cháu.

Nhưng khi Liên mới có bầu vài tháng thì bố chồng đột ngột qua đời. Ngày trước, bố chồng từng làm cán bộ nên có lương hưu, cuộc sống của hai ông bà nhờ vào số tiền hàng tháng đó nên con cái không phải lo.

Đến khi ông mất, bà không lương, cháu cũng đến tuổi đi học, bà phải đi phụ nấu ăn đám cưới để lấy tiền trang trải qua ngày. Vợ chồng anh cả làm ruộng, chỉ giúp mẹ được ít thức ăn, vật dùng còn vợ chồng Liên cũng không dư giả gì lại đang ở nhà thuê nên mỗi lần về quê biếu mẹ được vài trăm ngàn là nhiều.

Mà ở quê thì ngày nào chẳng có việc. Nào là giỗ chạp, ma chay, cưới hỏi… đủ cả, tiệc lớn tiệc nhỏ gì người ta cũng mời. Biết con cái vất vả, mẹ chồng Liên lâu nay gần như tự xoay xở, làm làm thêm việc này việc kia để kiếm tiền ở tuổi gần 70.

Đến khi Liên sinh con, vợ chồng cô đón mẹ ở cùng để nhờ bà chăm sóc cháu. Liên cứ nghĩ đơn giản, mẹ chồng sống chung thì cô đã lo hết chi phí sinh hoạt rồi. Vì thế, khi bà đề nghị mỗi tháng cô đưa thêm cho bà 2 triệu tiền trông cháu thì Liên mới bật ngửa.

Kể ra, mẹ chồng Liên cũng có nỗi khổ khó nói, tiền ăn uống thì con lo nhưng còn khoản tiền chi tiêu cá nhân hay lo việc dưới quê thì bà lấy đâu ra. Nếu không lên phụ con trông cháu, mỗi tháng bà đi làm kiếm được bốn, năm triệu đủ để trang trải mọi việc.

Tôi khuyên Liên nên bình tĩnh, đừng vì lời đề nghị đó mà làm um sùm mọi chuyện lên. Mẹ chồng Liên chẳng phải tính toán thiệt hơn gì mà hoàn cảnh bắt buộc bà phải thế. Việc bà tự đi làm kiếm tiền, không đòi hỏi con chu cấp đã thấy bà không muốn thêm gánh nặng cho con.

Tính ra, có bà trông cháu vẫn yên tâm, chứ con còn nhỏ đem đi gửi trẻ thì như ngồi trên đống lửa. Nhờ bà chăm cháu rồi thì gắng tìm việc làm thêm để tăng thu nhập mà phụ thêm chi phí cho bà. Đợi con cứng cáp, bà muốn về quê đi làm thì gửi trẻ cũng chưa muộn.

Tôi cũng thuyết phục Liên bỏ cái suy nghĩ cổ hủ “chăm cháu là nghĩa vụ của bà” bởi mình sinh con thì phải có trách nhiệm với con, chứ ông bà đã tới tuổi nghỉ ngơi rồi. Nếu ông bà giúp, thì việc gửi tiền công cho bà chăm cháu quá bình thường, chẳng có gì là trái khoáy cả, chẳng qua là chúng ta chưa quen mà thôi.

Thực tế có nhiều cô con dâu lại thèm được rõ ràng chuyện tiền bạc như thế cho bớt cảm giác mang ơn, để bị khắp thảy anh em nhà chồng so bì, kể lể …

🍁🍁🍁
Trúc Hân
VuLe Bt (Bài & Ảnh minh họa)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.