Category Archives: Tâm sự hôn nhân

Cơ bản thì không có cuộc hôn nhân nào dễ chịu.

Gặp chị bạn cũ trên Tây Bắc, đi một mình. Chị bước sang năm thứ 10 hôn nhân, có nhà chung cư, 2 ô tô và 3 đứa con. Chị bay từ Sài Gòn ra Hà Nội, bắt xe đi một mạch thẳng từ sân bay theo cao tốc Lào Cai lên núi rồi quay về ngay hôm sau.

2 chị em ngồi dưới mây bìa rừng ăn cơm, có đĩa thịt lợn quay mua dưới phố chợ kèm nhiều loại rau rừng chua chua. Chị đẹp dưới vệt nắng, mình chụp chị mấy bức, đưa chị ảnh mới nhớ ra chưa add Facebook.

Chị bảo bị mất Facebook, chồng chị lấy mất rồi. Chị bảo “Chán lắm em ạ, 10 năm hôn nhân và vẫn đề ở chỗ không đồng dạng văn hóa”. Chị cứ ngủ là anh lấy điện thoại dí vào chỗ vân tay xem email, tin nhắn, zalo, viber…

Khách nhắn tin cảm ơn về công việc, anh chủ động lấy số hôm sau gọi mắng đừng nhắn tin vợ tôi nữa, chưa yên tâm anh tìm cả số vợ nhà anh kia nhắc chị chú ý đừng để anh liên lạc vợ tôi. Chị muối mặt đi xin lỗi khách, cũng may toàn người lớn và có tri thức.

Anh cài định vị trong điện thoại chị, chị đi tiếp khách bên ngoài, anh tìm đến bế theo thằng cu út 2 tuổi đợi dưới lầu, 15 phút gọi vợ một lần xuống dỗ con khóc, cho con ăn sữa…

Chị đi họp lớp cũ anh không đồng ý. Chị hôm sau giữa giờ làm lặng lẽ đi gặp lại vài bạn thân năm cũ. Chiều anh nhắn tin hỏi bảo đang đi dự hội thảo, tối ấy anh gầm lên ĐM sao mày nói dối, tao điện thoại đến khách sạn X ở đấy nó đéo tổ chức hội thảo nào hôm nay cả.

Chị kể chuyện như người hút cần, mắt cứ ầng ậng nước rồi lại cười. Thế đấy em ạ. Chị quì xuống xin anh ơi anh buông tha cho em, cho con nó lớn lên đừng phải chứng kiến bố mẹ sống với nhau như kẻ thù thế này.

Không được, cứ đối thoại một chiều xong là mắt lại vằn tia rượu, ôm chặt lấy đứa con bé nhất đe dọa.

Lúc tỉnh táo, anh bảo chị bỏ nghề nhà báo đi làm thu tiền điện, anh “lo” được vì đang công tác sở điện thành phố.

Em ơi, 20 năm nghề báo, kiếm ra tiền nuôi cả nhà giờ bảo chị đi thu tiền điện em có nghe được không?

Bọn đàn ông khi ghen hình như nó tự ti nhỏ mọn bé tý lại, không biết bằng mắt thường có nhìn thấy chúng không hay phải qua kính lúp?

Chị nhắc đi nhắc lại về sự không đồng dạng văn hóa, nó giết chết mấy mẹ con chị và bây giờ không có lối thoát.

Có vẻ như sự bất cân xứng văn hóa trong hôn nhân ngày càng nhiều, điều đó được “bù đắp” bằng những điều hão huyền vật chất, địa vị hoặc cảm tính ủy mị gục ngã tưởng là yêu.

Cứ tưởng hiểu nhau tất cả, hóa ra toàn hiểu lầm.

Có vẻ như sự trên mạng ngày nay luôn bọc vỏ cho những thứ hôn nhân trông có “đẹp đẽ” và hào nhoáng hơn.

Về cơ bản thì không có cuộc hôn nhân nào dễ chịu.

Nghe chuyện chị buồn, đưa chị về lại Nội Bài bay về phía Nam với gia đình, một chuyến xe 400KM im lặng.

Fb Trí Hoàng Minh

Yêu vợ

Trên con đường từ Đồng nai về Sài Gòn, tôi ngồi trên xe du lịch, hờ hững trông tầm mắt sang những cánh rừng cao su loang loáng vụt qua. Gần tới cầu Sài Gòn, bỗng nhiên tôi nhìn thấy những khối cao ốc hình chữ nhật bé nhỏ bắt đầu nhô lên phía chân trời…
Bất giác, tôi nhìn xuống đường, kìa, một thanh niên chạy CBR, quanh người đồ cột đầy mình, ba lô chất ngất phía sau, giáp trụ sáng lòa…anh ấy đang chạy những KM cuối cùng trên hành trình xuyên Việt của anh ấy. Cái cảm giác đó, cái cảm giác khi những cột cao ốc của thành phố HCM bắt đầu nhô lên ở phía chân trời, là cảm giác chiến thắng, chinh phục, là tột cùng của sự phấn khích, tột cùng của đam mê!

yêu vợ
yêu vợ – NAG: Le Viet Khanh

Tôi nhìn trở lại kính ô tô, ngồi ườn trên ghế xe là tôi của ngày hôm nay, trung niên, và đã lấy vợ!

38 tuổi tôi mới lập gia đình, có thể là muộn trong suy nghĩ của nhiều người. Nhưng với tôi thực ra là vẫn sớm! Đã có lúc tôi nghĩ mình sẽ không lấy vợ. Cứ sống một cuộc đời tự do cho đến lúc về già. Cá tính của tôi, cách sống của tôi, cái máu phiêu lưu lúc nào cũng chảy rần rật trong huyết quản của tôi vốn không thuộc về hai chữ lấy vợ.

Trước khi quyết định lấy nhau, vợ tôi hỏi: Thế lấy nhau rồi anh có đi nhiều thế này nữa không? Tôi quả quyết: Không, anh sẽ hy sinh vì gia đình. Nhất định sẽ ít đi hơn.

Thế là vợ tôi tin! Quyết đinh trao gửi hạnh phúc cuộc đời cô ấy cho tôi. Còn về phần tôi, căn bản lúc ấy cũng chả biết mình có làm được không, cứ hứa đại. Cưới trước đã!

Nhưng sau tôi thấy thương vợ tôi nhiều. Chả gì thì trước khi lấy tôi, cô ấy cũng là thiếu nữ vạn người mê, trâm anh tiểu thư. Chả hiểu sao lại yêu phải một thằng cùng trời cuối đất như tôi. Tiền bạc không có, nhan sắc cũng không nốt, sự nghiệp thì chả đâu vào đâu. Phấn đấu cả đời rút cục cũng chỉ thành một ông nhiếp ảnh dạo!

Tôi lại nhớ đến câu danh ngôn của cổ nhân: Một lời nói ra thì bốn con ngựa cũng không đuổi được. Tôi quyết định lấy vợ xong sẽ ở nhà cày tiền. Lúc nào không cầy tiền, thì lại lau nhà, cọ toa lét!

Thật tâm tôi cũng muốn để vợ thấy tôi có ý thức gìn giữ hạnh phúc gia đình. Mặt khác, tôi cũng muốn thể hiện rằng tôi biết giữ cái gì đó một lời đã xuất thì bốn con ngựa cũng không đuổi được. Thế nên hàng ngày lúc vợ tôi đi làm, thì tôi lại ở nhà làm ảnh trả khách, không thì lại cắm đầu vào toa let cọ cho mọi thứ sạch bong bòng bòng bóng lộn lôn.

Vợ tôi đi làm về, nhìn thấy tôi mắt đần thối, ngồi trong nhà. Cô ấy hỏi: Anh sao thế?

Tôi bảo: Có sao đâu!

Vợ tôi cười hì hì bảo tôi: Thôi anh đi đâu đi, đi Y Tý đi.

Thế là tôi xách ba lô đi, vui quá. Còn gì sung sướng hơn cái cảm giác chim sổ lồng sói về rừng. Tôi tung tăng đi chơi hè, chụp ảnh hè, livestream các kiểu. Cho đến lúc vợ tôi gọi điện hỏi:
Ơ, sao em thấy anh vui thế, vui hơn cả lúc ở nhà với em à?
Tôi biết ý, cun cút về. Lại cầy tiền và cọ toa lét. Năm tháng trôi qua. Một hôm tôi ốm. Ốm lay ốm lắt, ốm mãi không khỏi. Vợ tôi chăm bón thuốc thang đủ đường nước mũi vẫn toe toét ra như ống cống vỡ. Cuối cùng vợ bảo: Thôi anh đi đâu đi, em thấy anh cứ ra khỏi Hà Nội là khỏe lắm.

Vợ đúng là nhân bảo như thần. Tôi cùng đường đành phải xách ba lô ra khỏi nhà. Ô hay, vừa được đi cái khỏi ốm luôn! Tung tăng gió bể mưa nguồn, livestream các kiểu!

Cuối cùng tôi nhận ra một chân lý! Có vợ hiểu mình đúng là Vàng các bạn ạ. Hóa ra người nắm giữ hạnh phúc gia đình không phải là tôi, mà là cô ấy! Tôi đã thật sự may mắn khi gặp được một người vợ không bao giờ nói với tôi những câu đại loại như: “Sao anh đi gì mà lắm thế” “Anh đi mãi không thấy chán à?” “Nhà còn bao nhiêu việc mà cứ đi”…vvv…vv….

Yêu vợ!

Theo Fb Le Viet Khanh

Nếu anh muốn tôi chiều thì anh đưa 300 ngàn đây

Nếu anh muốn tôi chiều thì anh đưa 300 ngàn đây”. Vừa dứt lời thì chồng thẳng tay cho tôi một bạt tai đau điếng.

Ảnh minh hoạ - Anh muốn tôi chiều thì đưa 300 ngàn đây

Ảnh minh hoạ – Anh muốn tôi chiều thì đưa 300 ngàn đây

Vì quá lứa lỡ thì nên tôi lấy anh mà không dám đòi hỏi hay ước mơ gì nhiều. Nhưng 3 năm qua, cuộc sống của tôi chưa từng có một ngày vui vẻ.
Nhà chồng tôi khá nhỏ, lại cũ kỹ và chật chội nên việc sinh hoạt cá nhân vô cùng bất tiện. Bố mẹ chồng tôi không quá khó tính, chỉ phải cái hay xét nét con dâu, làm gì ông bà cũng để ý. Chồng tôi là con một, do được nuông chiều từ nhỏ nên mắc bệnh hưởng thụ, không chỉ thế, anh còn rất nguyên tắc trong cách tiêu tiền, nếu không muốn nói là keo kiệt. Nhưng anh keo kiệt với cả vợ con thì liệu có chấp nhận được hay không?
Về nhà anh tới nay đã được 3 năm có lẻ, vậy mà cái nhà tắm tầng hai, cạnh phòng vợ chồng tôi hỏng từ khi tôi mới về làm dâu vẫn chưa được sửa chữa vì cả nhà anh đều cho rằng sửa chữa mất tiền, hơn nữa chỉ hỏng ống dẫn nước thì sửa làm gì cho bẩn nhà. Hơn nữa bố mẹ chồng tôi không thích dùng chung phòng tắm nên tôi luôn phải xách nước từ tầng 1 lên tầng 2 để dùng. Vậy mà mỗi lần thấy vợ xách nước, anh chẳng hề ra giúp đỡ mà chỉ nằm dài xem ti vi.
Tới bữa ăn cơm thì không chỉ anh mà bố mẹ chồng tôi cũng bóng gió nói rằng con gái ăn làm gì nhiều mất dáng, ăn ít thôi còn giữ eo. Đi làm về mệt mà cơm không được ăn no, lại vất vả xách nước, tôi gầy đi trông thấy.
Quyết tâm không thể sống chung trong căn nhà chật hẹp, bất tiện ấy, ở chung được hơn 1 năm, tôi thuyết phục chồng ra ở riêng. Nhờ vay mượn và tiền tích cóp được của hai đứa, chúng tôi mua lại được một căn nhà nhỏ của họ hàng nhà anh. Những tưởng ra ở riêng cuộc sống sẽ tốt hơn nhưng cũng hơn khá hơn là mấy ngoại trừ việc tôi không còn phải xách nước tắm.
Tiền lương của 2 chúng tôi sẽ tiêu hết tiền của tôi trước vì anh nói tiền của anh còn phải lo trả nợ. Thời gian tôi mang thai nghén ngẩm, khó chịu, anh cũng không động viên, cũng chưa từng hỏi tôi muốn ăn gì để anh mua, hay đưa tôi đi sắm đồ cho con. Các khoản chi tiêu trong nhà mình tôi gánh vác nên thành ra tháng nào tiền lương cũng cạn sạch. Vậy mà ngày tôi sinh con, thay vì quan tâm, chăm sóc, anh lại chìa ra trước mặt tôi tờ hóa đơn viện phí rồi nói chia đôi. Mọi người xung quanh xì xào, bàn tán khiến tôi vừa xấu hổ, vừa tủi thân. Cùng đường, tôi đành mở lời xin mẹ đẻ mà lòng chua xót vô cùng.
Tệ hơn nữa, anh bỏ mặc tôi chăm con. Con ốm tôi lo. Con ăn gì, mặc gì cũng tiền tôi. Anh vô tư ăn nhậu với bạn bè trong khi tôi phải vay tiền mẹ đẻ để mua sữa cho con. Không thể chịu đựng thêm nữa, tôi quyết định ly thân. Bất ngờ hơn là anh đồng ý ngay lập tức.Chúng tôi sống với nhau mà cứ như trọ cùng một nhà. Việc ai người ấy làm nhưng trách nhiệm vợ chồng là không tránh khỏi. Anh chỉ sang tôi những khi anh có nhu cầu. Nếu tôi không đồng ý anh sẽ hét lớn lên hoặc gây sự làm con tỉnh giấc nên tôi đành chấp nhận theo anh. Anh thỏa mãn rồi thì đuổi tôi về phòng ngủ với con vì chê tôi toàn mùi tã lót, bỉm sữa.
Quá uất ức nên đêm đó, khi anh đập cửa đòi vào tôi đã buông câu: “Nếu anh muốn tôi chiều thì anh đưa 300 ngàn đây”. Vừa dứt lời thì chồng thẳng tay cho tôi một bạt tai đau điếng. Anh quát lên với tôi rằng tôi chỉ đang đi ở nhờ nhà anh thôi, có quyền gì mà đòi hỏi. Chúng tôi ly thân, anh cho tôi và con ở nhờ là quá hào phóng rồi, sao tôi còn dám đòi hỏi. Tôi phải có trách nhiệm hầu hạ, phục vụ anh. Rồi anh mắng chửi tôi không thương tiếc để đến nỗi con tôi tỉnh giấc òa lên khóc. Đêm đó, hai mẹ con tôi ôm nhau khóc giữa đêm.
Tôi thật sự bế tắc với cuộc hôn nhân này. Tôi không thể chịu đựng thêm người chồng keo kiệt và quá đáng này thêm nữa. Tôi sẽ đưa đơn ra tòa và dành quyền nuôi con 1 mình chứ nếu để con tôi ở với gã chồng keo kiệt kia thì không biết tương lai của nó sẽ ra sao?
Mai Thủy

Lời đề nghị trơ trẽn của chồng sắp cưới trước ngày ăn hỏi

Chỉ còn 5 ngày nữa là đến lễ ăn hỏi của mình. Song từ hôm qua sau khi nghe lời đề nghị trơ trẽn của chồng sắp cưới mà tôi chán nản vô cùng và đang muốn hoãn cưới để suy nghĩ lại

khóc vì chồng sắp cưới hỏi
Tính đến hôm nay, còn 5 ngày nữa là đến lễ ăn hỏi của hai đứa (Ảnh minh họa)

Tôi và chồng sắp cưới yêu nhau gần 2 năm mới quyết định tiến tới hôn nhân. Anh hơn tôi 2 tuổi và đang làm nhân viên văn phòng một công ty truyền thông. Lương tháng của anh chỉ được khoảng 6 triệu. Còn tôi do thi không đỗ đại học nên tôi đi học nghề may. Tôi đang nhận may đồ đầm đồ kiểu tại nhà cho 2 tiệm may gần nhà. Do đó, thu nhập của tôi cũng được khoảng gần chục triệu/tháng.

Xin nói qua về gia cảnh nhà tôi và nhà anh. Nhà tôi ở Hà Nội nhưng kinh tế chỉ bình thường. Bố mẹ tôi đều hiện làm công nhân và vẫn phải nuôi em trai tôi học đại học. Còn nhà anh ở cách Hà Nội 40km. Nhà anh bố mẹ cũng đều làm nông nghiệp, kinh tế cũng chỉ ở mức trung bình. Nhà anh có 3 chị em và anh là con trai thứ 2 trong gia đình.

Tính đến hôm nay, còn 5 ngày nữa là đến lễ ăn hỏi của hai đứa (Ảnh minh họa)
Gần 2 năm chúng tôi quen và yêu nhau

, hai đứa cũng về ra mắt gia đình 2 bên. Hai bên gia đình thấy chúng tôi yêu nhau cũng rất ủng hộ tình yêu này. Tôi và anh mấy tháng trước cũng xác định lên kế hoạch cưới xin. Cưới xin xong, chúng tôi sẽ thuê nhà và ở Hà Nội đi làm. Do đó, để chuẩn bị cho đám cưới, chúng tôi đã đi tìm thuê 1 căn phòng trọ nhỏ. Mọi đồ vật đã được chuyển đến, giờ chỉ đợi qua lễ ăn hỏi, chúng tôi sẽ dọn về sống chung.

Tính đến hôm nay, còn 5 ngày nữa là đến lễ ăn hỏi của hai đứa. Hôm rồi, anh cũng xin nghỉ làm về quê để cùng gia đình lo toan cho ngày trọng đại này của mình. Tôi cứ nghĩ, mọi chuyện sẽ suôn sẻ bởi có gia đình anh đứng ra lo tất. Còn chuyện sắm sửa cho lễ cưới như váy cưới, ảnh cưới, mua sắm cho phòng cưới, tôi và anh sẽ cùng bỏ tiền ra để chi tiêu.

Thế mà tối qua anh gọi điện cho tôi. Anh bảo có chuyện muốn nói với tôi. Anh nói anh rất thương bố mẹ mình nên anh muốn đỡ đần tiền đám hỏi cho họ. Anh nói tôi còn tiền thì hãy bỏ tiền ra lo cả việc nhà trai cho bố mẹ anh với. Khỏi phải nói, khi nghe lời đề nghị ấy của chồng sắp cưới mà tôi sốc và ngạc nhiên.

Cố giữ bình tĩnh, tôi hỏi anh, giờ anh muốn tôi đỡ đần lo hộ nhà trai những khoản gì trong lễ ăn hỏi. Anh nói thẳng chẳng chút ngại ngần và kể lể ra danh sách các khoản tôi cần hỗ trợ nhà anh. Đó chính là: tiền mua 5 tráp ăn hỏi, tiền quà bánh, tiền phong bì lễ đen, tiền xe cộ từ nhà trai ra nhà gái ăn hỏi… Nghe anh liệt kê vậy, tôi không khỏi tức tối nhưng vẫn cố nói trêu ngươi anh.

Tôi nói với anh rằng, còn khoản nào nữa cần tôi hỗ trợ, anh cứ nói luôn với tôi. Anh bảo hết rồi, còn tiền làm cỗ mời người thân thì bố mẹ anh sẽ tự lo được. Rồi anh nói tất cả các khoản kể trên hết khoảng 30 triệu chứ mấy.

Nghe chồng sắp cưới nói mà tôi điên tiết. Tôi đã nói huỵch toẹt với anh là tôi không có tiền. Tôi bảo anh biết lo cho bố mẹ là tốt, thương bố mẹ là tốt, thế còn bố mẹ tôi, không lẽ tôi không thương họ chắc. Nhà trai không có cũng phải vay mượn mà lo cái tráp cho con chứ sao. Tôi cũng nói nhà tôi cưới xin cho con gái cũng chẳng có tiền.

Quá thất vọng, tôi cũng nói, nếu anh và gia đình chưa có tiền lo được những thứ căn bản nhất thì đừng lên kế hoạch cưới xin gì nữa, nên hoãn cưới luôn và ngay. Thấy tôi tỏ thái như thế, anh chẳng ngại ngần còn nói tôi là keo kiệt. Anh nói tôi bỏ tiền ra lo đám cưới cho mình mà cứ như bỏ tiền ra lo đám cưới cho ai. Rồi nếu đã xác định cưới rồi thì hai nhà như một.

Thật sự lời đề nghị của chồng sắp cưới tôi nghe mà không thể thông cảm nổi. Thật nực cười khi chồng chưa cưới đề nghị tôi phải mua tráp, phong bì lễ đen, xe cộ cho nhà anh. Có cô dâu nào phải mua những thứ này không?

Muốn tìm tình cũ tâm sự chuyện vợ chồng mâu thuẫn

Nếu có mâu thuẫn, nếu có vui buồn, người đầu tiên bạn cần trò chuyện và trò chuyện hết một cách chân thành, cởi mở và ước mong được lắng nghe, được chia sẻ phải là chồng bạn, chứ không phải là người đàn ông nào khác.
Em đã có chồng được 3 năm và có 1 đứa con gái thật dễ thương. Gần đây, đôi khi vợ chồng em cãi nhau em lại nghĩ đến người bạn trai cũ và quyết định tìm cách xin lại số điện thọa của người đó để tâm sự chuyện vui buồn giữa em và chồng em. Em không làm gì quá giới hạn và như vậy khi giấu chồng đi caphe cùng người cũ thì có sao không chị? Em quyết định có chồng cũng vì biết anh ấy có vợ nhưng lại thương em và em biết mình không có kết quả. Đôi khi vợ chồng cãi nhau em lai nghĩ đến người cũ.
LA

Tìm tình cũ khi vợ chồng mâu thuẫn
Tìm người tình cũ tâm sự khi vợ chồng mâu thuẫn

Chào bạn,
Khi bạn làm điều gì đó mà phải giấu diếm thì có nghĩa là điều đó không đúng không tốt rồi đó bạn. Vì sao buồn vui của vợ chồng mình bạn lại muốn chia sẻ với một người đàn ông mà không phải là chị mình, em mình, mẹ mình hay bạn gái của mình? Phải chăng bạn có một ý đồ gì trong đó nên cần giấu diếm? Có phải là bạn muốn than vãn, muốn nói mình không hạnh phúc để khơi gợi tình cảm thương yêu, thương tiếc của người đàn ông đó với bạn, khơi gợi lại mạch tình cảm đã đứt đoạn khi xưa, để người đàn ông đó hiểu rằng trong lòng bạn có một chỗ trống đang cần lấp đầy? Bạn có đủ dũng cảm để xem xét xem những giả thuyết Hạnh Dung đưa ra, có phần nào đúng hay không?

Hình như bạn đang lấy chuyện mình lấy chồng không phải vì tình yêu, chỉ để khỏa lấp một mối tình vô vọng mà bào chữa cho việc ý định “làm một việc cần giấu diếm chồng”. Lý do đó thật ra không làm bạn bớt lỗi với chồng mà chỉ làm tăng thêm mà thôi. Bạn đã quá ích kỷ khi biến anh ấy thành một người thế chân, một cái bình phong che lấp những điều không như ý. Nay lại thêm một lần ích kỷ thứ 2 khi muốn làm một việc có thể nói là hết sức xúc phạm đến chồng mình, xúc phạm đến tình cảm gia đình mình: tìm người tình cũ để kể xấu về mối quan hệ vợ chồng của mình.

Nếu có mâu thuẫn, nếu có vui buồn, người đầu tiên bạn cần trò chuyện và trò chuyện hết một cách chân thành, cởi mở và ước mong được lắng nghe, được chia sẻ phải là chồng bạn, chứ không phải là người đàn ông nào khác. Bạn có làm được điều đó hay không? Có thử làm hay chưa hay trong đầu lúc ấy chỉ nghĩ đến người tình cũ? Vậy thì bạn còn trái tim nào, lý trí nào dành cho việc khai thong một con đường nối đến với chồng mình?

Hạnh Dung hiểu rằng đôi khi người ta rất cần ai đó để trò chuyện, để trút hết những nỗi buồn vui chưa thể giải tòa được trong lòng và đôi khi người đó không phải là chồng. nhưng nhất định không phải là người tình cũ như bạn đang dự định thế này. Nếu tự dưng bị tìm đến, bị nghe than thở về người đàn ông đang là chồng của bạn, không biết anh ta sẽ nghĩ thế nào? Bạn có lường trước được hay không? Bạn mong muốn anh ta có thái độ thế nào?

Mà dù anh ta có thế nào, Hạnh Dung vẫn nghĩ rằng, nếu bạn còn yêu thương gia đình của mình (Hạnh Dung không dám nói đến yêu thương chồng của mình) thì bạn hãy từ bỏ ngay ý định đó. Hãy toàn tâm toàn ý giải quyết những xung đột của hai vợ chồng bằng những trò chuyện chia sẻ của hai vợ chồng. Còn nếu không yêu thương gia đình mình nữa và chỉ còn nghĩ đến người đàn ông khác, nhưng người đó cũng có gia đình, vợ con thì bạn cũng đừng nghĩ đến chuyện tìm người ta để than thở. Hãy để cho người ta được sống yên với những vui buồn của chính gia đình người ta. Còn bạn thì giữ được lòng kiêu hãnh, tự trọng của chính mình!

HẠNH DUNG

Dung hòa mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu

Nhiều người cho rằng, mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu là đề tài không có hồi kết, và rất khó dung hòa. Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý giới tính – bác sĩ Lan Hải, nếu cả hai phía cùng nỗ lực, không khó để cải thiện mối quan hệ này.

Dung hoà mẹ chồng nàng dâu
Dung hòa mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu

MẸ CHỒNG ĐỘ LƯỢNG, NÀNG DÂU NHƯỜNG NHỊN

Khi hai người phụ nữ thuộc hai thế hệ cùng quan tâm đến “người đàn ông” của mình, rất dễ phát sinh mâu thuẫn. Mẹ chồng cậy quyền, đánh mất sự độ lượng, đẩy nàng dâu vào thế khó: im lặng, cam chịu, rồi than thân trách phận. Thật ra trong gia đình, ngay cả chị em ruột, mẹ con vẫn xảy ra mâu thuẫn. Vì vậy, đừng quá ”sốc” khi bất đồng quan điểm với mẹ chồng.

Nàng dâu phải biết khéo léo xử sự sao cho vẹn tình. Không phải cứ im lặng là tốt. Mẹ chồng – nàng dâu có quyền nhận xét về nhau, vấn đề là ý kiến có tính chất xây dựng, và lành mạnh hay không còn thể hiện bản lĩnh của người trong cuộc.

Lời nhận xét về nhau cần phải chân thành, không có ý bêu riếu, mỉa mai, lôi kéo người khác đứng về phía mình. Mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu ở mức độ nào tùy thuộc vào sự độ lượng của mẹ chồng và cách sống của nàng dâu. Nàng dâu nên kính nhường mẹ chồng, sẽ nhận lại sự ưu ái. Duy trì mối quan hệ ấy thật tốt, nàng dâu sẽ thu được nhiều mặt lợi, ngược lại, sẽ mất nhiều niềm tin, niềm vui, uy tín. Mẹ chồng cũng vậy, độ lượng với con dâu là thu về một “nội tướng” giỏi.

DÂU LÀ CON

Ông bà ta xưa nay vẫn quan niệm, dâu là con gái. Người làm dâu là làm nhiệm vụ gánh vác giang san, thu vén trong ngoài sao cho vẹn toàn. Trách nhiệm ấy không kém phần nặng nề, nếu không có sự hỗ trợ của những người thân phía gia đình nhà chồng, nhất là mẹ chồng. Người làm dâu phải khéo léo thể hiện, xem mình là con gái trong nhà.

Nếu chưa được lòng mẹ chồng, hãy chịu khó gần gũi, tìm hiểu, học cách kìm nén cảm xúc. Không nên giải tỏa cảm xúc bằng thái độ bất cần, thách thức với bạn bè, láng giềng, hay trên các trang mạng xã hội. Nên nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực, kiểu “mẹ sinh anh để bây giờ cho em”.

Mẹ chồng nếu bất đồng với con dâu, cũng nên giãi bày, giống như cách chỉ dạy cho con gái, đừng quá xét nét, hồ đồ, cũng không cậy quyền, dễ tạo mâu thuẫn, khoảng cách. Xác định “dâu là con”, con dâu sẽ thấy mình phải có trách nhiệm với gia đình nhà chồng, không câu nệ, trách móc, dễ bỏ qua mọi điều mà mình cho là “khó ở”, bởi bây giờ mình đã trở thành “con gái” trong nhà, phải biết lắng nghe cha mẹ chỉ dạy.

Xác định “dâu là con”, mẹ chồng sẽ dễ thông cảm, không chấp nhặt, hay nặng nề với dâu. Từ đó, sự chia sẻ việc nhà, chuyện tình cảm cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Khoảng cách mẹ chồng – nàng dâu sẽ được rút ngắn lại, dần đồng điệu, nhịp nhàng, cởi mở hơn trong mối quan hệ vốn được xem là nhạy cảm.

HÃY VÌ “NGƯỜI ĐÀN ÔNG CỦA MÌNH”

Hãy thành thật với mẹ chồng bằng cách lấy “vũ khí” từ ông xã. Thông qua chồng, nàng dâu sẽ hiểu hơn về mẹ chồng, thậm chí nhờ chồng hiến kế cách dung hòa. Người chồng nào cũng mong vợ biết quan tâm, nhún nhường, an ủi, đỡ đần, yêu thương mẹ. Một nàng dâu thông minh còn phải biết ơn người sinh ra chồng mình, đã nuôi lớn, dạy dỗ, yêu thương, để rồi người đàn ông ấy… về tay mình, mà ăn ở phải phép. Khi ấy nàng sẽ được lòng cả hai.

Mẹ chồng cũng nên nghĩ rằng, mình cưới vợ là cưới cho con trai. Con trai ăn đời ở kiếp với vợ, chứ không phải với mẹ chồng, nên việc rộng lượng với con dâu sẽ khiến con trai hạnh phúc. Mẹ chồng phải biết tin vào sự lựa chọn của con trai, vào cách giáo dục của gia đình với con trai, và ngầm hiểu rằng, gia đình có thêm người con gái chứ không phải người ấy đã “cướp” đi con trai của mình.

Hiểu như vậy sẽ là bí quyết để hai bên tôn trọng, thành thật với nhau. Hãy gieo hạt giống của lòng chân thật, sự hiểu biết, tình yêu thương vào mái ấm gia đình, để nhận lấy mọi điều tốt đẹp.

Khi hai người phụ nữ cùng quan tâm đến “người đàn ông của mình” theo một cách riêng, sẽ dễ xảy ra bất đồng. Hãy nên tìm tiếng nói chung, chớ đẩy người đàn ông ấy vào giữa “hai làn đạn”.

 SONG NGUYÊN (ghi)

Hai lần đò…chìm

Tôi lấy chồng lúc 24 tuổi, sau cưới hai tháng thì anh mất do tai nạn lao động. Tôi với cái thai mới tượng hình cùng nhau đi qua gian khổ. Đến năm 42 tuổi, tôi lập gia đình lần hai vào năm 2012 với người hơn mình đúng… 20 tuổi. Tôi nghĩ anh có tuổi như thế, chắc sẽ chín chắn để cùng nương tựa vào nhau đến cuối đời.

 

Sau khi kết hôn 1 năm tôi quyết định cất lại nhà, mẹ tôi cho tôi một số đất vườn thì anh… xin đứng tên chung. Nghĩ vợ chồng là trăm năm nên tôi không từ chối. Con gái tôi thiếu tình thương cha từ nhỏ nên nó rất quý anh, ngọt ngào gọi “ba”, xưng “con”.

Ba người chúng tôi sống khá hạnh phúc nên từ một căn nhà nhỏ của mẹ con tôi, chúng tôi đã có một căn nhà khang trang. Tôi đã lấy giấy tờ nhà thế chấp ngân hàng vay 90 triệu đồng. Căn nhà trị giá hơn 200 triệu đồng thì ngoài số tiền vay ngân hàng, bản thân anh, tôi và con gái tôi cũng góp vào mỗi người một ít. Anh làm thợ hồ, tôi phụ bếp ở một dịch vụ nấu đám cưới, con gái tôi đi may gia công.

Thế nhưng sự bất hòa đã bắt đầu từ giữa năm 2014. Anh nhậu nhẹt rồi về chửi bới, đánh đập vợ. Rất nhiều lần tôi đã bỏ qua vì cho rằng “rượu nói, rượu làm”. Ai ngờ anh càng nhậu và quậy nhiều hơn, không những anh chửi tôi mà chửi cả con gái tôi bằng những lời thô bỉ.

2 Lần Đò - Ảnh minh hoạ
2 Lần Đò – Ảnh minh hoạ

Chửi vợ xong, thấy tôi giận, anh về nhờ mẹ ruột anh sang… năn nỉ tôi để gia đình sum họp. Mẹ anh mất, con gái anh đi năn nỉ tôi tha lỗi cho ba nó cái tật nhậu vô là đánh chửi vợ con. Tôi cứ nghĩ, đời mình 2 lần đò mà cũng đã vào tuổi xế chiều, thôi thì cứ im lặng cho vẹn tròn một mái gia đình. Nhưng anh chửi quá, con gái tôi đã dọn ra nhà trọ. Tôi đắng lòng nhìn con gái xách gói ra khỏi căn nhà hai mươi năm êm ấm của mẹ con mà không biết nói lời nào…

Nhà còn lại hai vợ chồng, những tưởng anh sẽ được thoải mái. Nhưng anh bắt đầu “hành” vợ bằng những “chiêu” từ internet. Tôi không làm được như thế thì anh mắng: “Mày con thua mấy con đĩ nữa! Tao bảo sao thì tụi nó làm theo vậy, còn mày là vợ sao không biết nghe lời chồng gì hết!”. Đau đớn, tủi nhục tôi bỏ ra nhà trọ sống với con gái. Bây giờ tôi là người có nhà như không, đi làm cũng không dám vì ra đường sợ anh bắt gặp.

Tôi muốn ly hôn. Cuộc sống hôn nhân đã làm tôi đau đớn từ tinh thần đến thể xác. Nhưng nghĩ tới việc phải chia số tài sản mà trót để anh đứng tên chung thì thấy sao mà cay đắng quá! Mấy năm sống chung, ngoài số tiền anh góp với mẹ con tôi lúc sửa nhà thì anh không hề góp một khoản nào khác. Các khoản sinh hoạt phí của anh đều do mẹ con tôi “bao” hết. Vậy mà anh vẫn còn chưa hài lòng hay sao mà cứ khuấy động mái gia đình?

Muốn ly hôn nhưng nghĩ cảnh đứng trước tòa trả lời vì sao phải chia tay khi ai cũng đã bước vào cuối dốc của cuộc đời khiến tôi buồn thê thảm…

KIM CÚC

Đó chẳng qua chỉ là một màn kịch…

Tôi và bà con trong tổ dân phố cuối cùng cũng biết rõ bức tranh hạnh phúc của gia đình họ thật ra chỉ là một màn kịch…

Hôn nhân là màn kịch
Hôn nhân là màn kịch

Thằng bé con nhà hàng xóm hét to rồi lao như tên bắn ra đường. Chiếc xe máy thắng kịp nhưng thằng bé cũng té đập mặt xuống đất. Cả xóm bu lại. Khi tôi gọi taxi chở nó đi cấp cứu thì ba mẹ nó vẫn chưa hay con mình bị nạn. Họ còn mãi cãi nhau.

Sau đó khoảng 1 tiếng đồng hồ, Loan, chị vợ hớt hải chạy vào bệnh viện. Trong khi chờ con trai ổn định, Loan kể cho tôi nghe sự thật phía sau “bức tranh hạnh phúc” mà bao nhiêu năm nay, các con chị và cả những người hàng xóm như tôi nhầm tưởng…

Vợ chồng nhà hàng xóm của tôi là những người có địa vị xã hội: Chồng là cán bộ trong một cơ quan nhà nước, vợ là giám đốc công ty thời trang. Họ có hai đứa con trai: Trung, đứa lớn đang học đại học; còn Nhân, đứa út đang học lớp 10. Đó là một gia đình mẫu mực.

Không bao giờ hàng xóm nghe họ to tiếng. Họ không thường đi chung với nhau nhưng mỗi khi thấy họ sóng đôi là ai cũng phải ngước nhìn. Anh khoác tay chị, mặt rạng ngời hạnh phúc. Gặp ai họ cũng xởi lởi hỏi thăm. Thỉnh thoảng không thấy anh ra vô, tôi hỏi thăm thì Loan bảo, Nguyên, chồng chị đi công tác nước ngoài. Năm mười bữa, nửa tháng Nguyên về thì tay xách nách mang lỉnh kỉnh quà cho vợ con.

Hai đứa con của họ rất lễ phép, gặp bà con lối xóm ở đâu là chào hỏi, dạ thưa. Họp tổ dân phố cách đây 2 tuần, cả tổ đã nhất trí bầu gia đình họ là “gia đình kiểu mẫu” để tuyên dương nhân dịp 20-10 sắp tới. Đây không phải là lần đầu tiên bà con bầu chọn họ. Từ khi tôi dọn về làm hàng xóm với họ cách nay 4 năm thì năm nào cũng thấy họ là gia đình tiêu biểu.

Thế nhưng sau khi xảy ra sự cố bé Nhân bị xe tông, Loan tấm tức kể hết mọi chuyện. Bên hành lang bệnh viện, câu chuyện của chị có những lúc bị ngắt quãng bởi tiếng khóc.

Đúng là họ đã có một thời gian hạnh phúc trong cuộc hôn nhân khá dài của mình. Khoảng 5 năm. “Sau khi tôi sinh bé Nhân, tình cờ một lần, tôi gặp lại người yêu cũ. Anh ấy định cư ở nước ngoài. Chúng tôi đi uống cà phê, đi ăn với nhau mấy lần trong thời gian anh ấy về nước làm việc. Chuyện bình thường thôi nhưng Nguyên biết được và khăng khăng đề quyết tôi lén lút tình tự với người yêu cũ. Sau đó là mắng chửi, đánh đập. Tôi không chịu nổi đã định tự tử mấy lần nhưng nghĩ thương con còn quá nhỏ nên cắn răng chịu đựng”- Loan vừa kể, vừa khóc.

Đó chẳng qua chỉ là một màn kịch…

Vậy là họ sắm vai hạnh phúc như người ta diễn tuồng trên sân khấu. “Sự nghiệp của tôi bị ảnh hưởng là cô sẽ biết tay tôi. Khôn ngoan thì im lặng chấp nhận”- Nguyên đe vợ. Trong mắt bà con, bạn bè và cấp trên, họ là một cặp đôi hoàn hảo. Chị là người kinh doanh giỏi nhưng cũng không vì thế mà xao nhãng bổn phận làm vợ, làm mẹ.

Cho đến một ngày, cách nay hơn 3 năm, chị phát hiện chồng mình có người đàn bà khác. Chị đòi ly hôn nhưng Nguyên dọa: “Để 2 đứa nhỏ và người ngoài biết chuyện là tôi sẽ giết cô”. Thế là lại câm nín chấp nhận.

“Cách đây một tuần, cháu Nhân về nói với tôi là bạn nó thấy ba thường xuyên chở người phụ nữ khác đi ngang nhà. Cháu không tin nên nhất quyết theo về nhà bạn để xem có đúng như vậy không? Khi cháu thấy ba nó chở người đàn bà khác đi vào khách sạn gần đó, nó bị sốc, về nhà lầm lì không nói. Tôi hỏi mãi, nó mới thú thật. Vì chuyện này mà tôi với Nguyên liên tục gây gổ ngay trước mặt các con. Cháu Trung thì bỏ nhà vô ký túc xá ở với bạn đã mấy hôm, còn cháu Nhân…”- kể đến đây Loan lại khóc.

Chồng ghen tuông
Chồng ghen tuông

Tôi và bà con trong tổ dân phố cuối cùng cũng biết rõ mọi chuyện về màn kịch hạnh phúc của họ. Bác tổ trưởng có qua nhà nói chuyện với Nguyên thì bị anh đuổi về: “Bác đừng có can dự vào chuyện gia đình tôi”. Thất vọng, bác tổ trưởng báo cáo với Hội LHPN phường để xin ý kiến về việc “tước danh hiệu” gia đình tiêu biểu, hạnh phúc.

Thế nhưng chị chủ tịch cũng lúng túng vì đã báo cáo lên trên, bằng khen đã chuẩn bị xong, chương trình lễ tuyên dương cũng đã được phê duyệt. Thấy tôi là giáo viên, họ đề nghị tôi “tư vấn” xem trong trường hợp này phải giải quyết thế nào? Tôi thật sự cũng bó tay…

Thu Lan

“Chân đi”

Sau khi cưới, em dự định trì hoãn sinh con để hoàn thành việc học lên cao học. Thấy anh luôn đi sớm về muộn, em nhắc nhở thì anh chống chế: “Nếu có đứa con, anh sẽ ở nhà”. Nghĩ có con sẽ giúp chồng có trách nhiệm hơn với gia đình, em quyết định tạm dừng việc học. Em đã sai lầm khi nghĩ đứa con có thể “trói” anh ở nhà.

Chân đi
Chân đi – Ảnh minh hoạ

Khi hay tin em có thai, những tháng đầu anh còn vui vẻ hỏi han, quan tâm vợ. Nhưng chỉ được một thời gian, anh lại ngựa quen đường cũ. Ban ngày đi làm, tối về nghe bạn bè “hú” một tiếng là anh xách xe phóng đi ngay. Em nghén, nhìn thấy cơm là sợ nên nhắn tin nhờ chồng mua giúp tô phở bò. Đến tận 11 giờ đêm, chồng mới về nhưng lại lắc đầu, cười: “Anh quên mua phở… hay ăn đỡ mì gói đi em”. Nghe chồng nói tỉnh bơ, em chỉ biết nuốt giận vào trong.

Hai bên nội ngoại đều ở xa. Ngày sinh con, bà ngoại ở quê chưa lên kịp, mọi việc em chỉ biết trông cậy vào chồng. Không ngờ, ba ngày ở trong bệnh viện chăm vợ sinh là thời gian chồng nghỉ dưỡng tuyệt đối. Hết chơi game trên điện thoại, anh lại lăn kềnh ra ngủ. Vợ sinh mổ, vết thương mới may, đi lại khó khăn, con khát sữa khóc ngằn ngặt. Ngoài hành lang, anh trải chiếu, ngáy o o.

Thời gian đầu, em ở cữ, có mẹ chăm sóc. Anh liền bỏ hết mọi việc cho bà ngoại. Khi ba em bệnh, mẹ phải về quê chăm sóc, em nhờ anh việc gì cũng không xong. Em càng căng thẳng hơn, đôi khi gần như trầm cảm. Cả ngày ở nhà với bốn bức tường, con lại khóc quấy, bắt ẵm bồng cả ngày, em chỉ chờ đến tối chồng về phụ giúp, nhưng anh cằn nhằn: “Đi làm cả ngày đã mệt, về còn không được nghỉ ngơi. Ở nhà chăm có mỗi đứa con mà cũng không xong”. Lương văn phòng của chồng chẳng thấm vào đâu nên khi anh đề nghị thuê người giúp việc, em phản đối, anh lại bảo em tự rước khổ vào thân.

Dù nhà có con nhỏ nhưng mỗi khi bạn bè hay người quen có công việc, anh đều xông xáo phụ giúp từ đám cưới đến đám ma, đám giỗ… Vậy mà mỗi lần em nhắc anh ở nhà phụ giúp vợ, anh luôn viện ra đủ lý do để thoái thác.

Tổ ấm nhỏ của vợ chồng mình ngày càng xa lạ với anh. Em có cảm giác như anh luôn sợ ở nhà với hai mẹ con em. Anh có bao giờ nghĩ đến việc cả ngày lẫn đêm, em phải đối diện với căn nhà trọ lạnh lẽo, cùng những cơn khóc quấy của con. Sao anh chỉ biết nghĩ đến bản thân mà không bao giờ nghĩ cho vợ con?

 Thanh Hoàng (Q.Bình Tân)

Bị chồng đánh ngay trên giường mổ đẻ

Mặc dù nhiều lần bị anh tát nhưng lần này tôi sốc vô cùng, suy nghĩ rất nhiều và bị trầm cảm sau sinh một thời gian dài. Mãi sau, tôi lại được nghe từ miệng mẹ chồng nói bà không ra lúc tôi sinh vì gặp gái đẻ đen đủi, bà kiêng.

Chồng vũ phu
Chồng vũ phu – Ảnh minh hoạ

Chồng hơn tôi năm tuổi, là kỹ sư xây dựng, yêu nhau từ khi tôi là sinh viên năm hai, cưới nhau sau bốn năm, hiện con trai tôi sắp hai tuổi. Gia đình tôi ở ngoại thành Hà Nội, có quyền thế và địa vị tầm cỡ; gia đình chồng ở miền Trung, rất nghèo, mọi công to việc lớn từ cưới xin, thủ tục, kinh tế, công việc đều một tay gia đình tôi lo liệu, gia đình chồng gần như bỏ mặc. Tôi sinh con, mẹ chồng lấy lý do bố chồng ốm nên không ra thăm cháu, cũng không được một lời gọi điện hỏi thăm con dâu và cháu. Chính vì điều này nên hai vợ chồng lời qua tiếng lại và chồng đã tát tôi ngay khi tôi còn trên giường mổ.

Mặc dù nhiều lần bị anh tát nhưng lần này tôi sốc vô cùng, suy nghĩ rất nhiều và bị trầm cảm sau sinh một thời gian dài. Mãi sau, tôi lại được nghe từ miệng mẹ chồng nói bà không ra lúc tôi đẻ vì gặp gái đẻ đen đủi, bà kiêng. Mẹ chồng tôi bề ngoài mới tiếp xúc thì thấy hiền lành, chân chất, qua thời gian thấy bà không đơn giản, có phần không thật, đơm đặt; bà hay để ý, thì thầm to nhỏ với con trai về cả hai con dâu (tôi là con dâu thứ).

Không biết có phải do điều kiện gia đình nhà tôi khá hơn không mà bà xử sự với con tôi và cháu trai cả của bà khác hẳn. Mọi quan tâm bà dành hết cho cháu nhà anh trai chồng, còn con tôi bà bỏ mặc. Dịp đầy tháng, sinh nhật con, tôi mời bà ra cho biết chỗ ăn chỗ ở của con cái và gặp gỡ gia đình thông gia nhưng bà chưa lần nào ra. Bất kể sinh nở, đầy tháng, đầy năm, ốm đau đi viện bà cũng kệ. Tôi gọi điện về thì gọi, còn bà chưa gọi cho tôi lấy một lần, nhiều khi tôi gọi bà cũng chả buồn nghe. Chồng luôn nghe theo và bênh mẹ, bất kể bà đúng hay sai.

Bà chính là nguyên nhân trong những lần vợ chồng tôi mâu thuẫn, đánh chửi. Tôi là người sống thẳng thắn, biết điều, ngoại hình xinh xắn, có trình độ học vấn, công việc được xã hội trọng vọng. Trước đây, quanh tôi có nhiều người thành đạt, hơn hẳn anh về mọi mặt nhưng tôi gạt tất cả để đến với anh. Bản thân chúng tôi cưới nhau vì tình yêu dành cho nhau quá lớn. Bố mẹ tôi cũng đồng cảm và ủng hộ cho hai đứa rất nhiều, vì lẽ ấy nên hoàn cảnh nhà anh cũng không làm tôi nhụt chí mà càng thương và yêu anh hơn.

Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng, tôi lấy chồng lại rơi xuống đáy mà chẳng hơn được ai. Sau khi cưới, chồng tôi trở nên hoàn toàn khác, lộ rõ là người hay chấp vặt, để bụng, thù dai và giả tạo. Chồng chửi tôi ngay khi vừa ngồi lên xe hoa, đánh tôi nhiều lần tại nhà riêng, giữa đường, thậm chí ở ngay tại nhà bố mẹ tôi. Mâu thuẫn vợ chồng âm ỉ bắt đầu từ khi tôi mang thai ở những tháng đầu, câu nói đầu tiên chồng dành cho tôi khi mang bầu mà đến chết không thể quên là “Bỏ nó đi”. Thai yếu, có nguy cơ bị sảy cũng phần lớn do tôi bị yếu tố tâm lý từ mẹ chồng và chồng gây ra.

Tôi mang bầu nhưng cứ nói gì đến chuyện gia đình nhà chồng là anh thẳng tay tát, giúi cổ. Tôi bất mãn, stress liên tục và tiêu cực mỗi khi bế tắc; cắt tay, thuốc ngủ đủ cả nhưng số tôi dai dẳng, chưa thể giải thoát được. Tôi lấy chồng vì tình cảm sâu đậm, hết mực yêu thương chồng nên sau mỗi lần tôi như thế anh lại khóc lóc van xin hứa thay đổi, tôi nguôi ngoai và cho qua.

Mọi chuyện xảy ra tôi đều giấu kín, gia đình bạn bè người thân không hề biết được bản chất chồng tôi thế nào. Vợ chồng tôi trước kia sống riêng nhưng vừa rồi anh đã chuyển công tác nên vợ chồng về nhà tôi sống. Từ đây, mọi chuyện mới vỡ lở. Công việc, sự nghiệp của anh đều do gia đình tôi tạo dựng. Cơ hội kiếm tiền rất nhiều, nếu tu chí lo làm ăn, vợ chồng yêu thương nhau thì cuộc sống sung túc đủ đầy. Đằng này, mỗi khi vợ chồng to tiếng anh lại không nói không rằng, phớt hết vợ con, qua mặt gia đình tôi, đùng đùng bỏ nhà, bỏ việc đi. Từ đầu năm đến giờ không dưới bốn lần anh bỏ đi như thế.

Cách đây hơn một tháng, tại nhà bố mẹ tôi, vì một chuyện nhỏ nhặt giữa vợ chồng con cái, chồng xưng mày tao, chửi tôi là mất dạy và sấn sổ tát tôi nảy đom đóm mắt. Tai tôi ù đi, nước mắt giàn giụa, mọi uất ức lâu nay như được dịp trào ra, bùng nổ. Tôi nấc nghẹn lên mà hét vào mặt chồng “Xưa nay tôi có tiếng ăn học tử tế, từ khi về nhà chồng mới phải chịu tiếng ác là đứa mất dạy. Anh có dạy mà tồi tệ thế à”.

Lúc sau trước mặt bố mẹ tôi, anh vẫn giả tạo như không có chuyện gì (phòng bố mẹ tôi ngay đó nhưng ông bà vướng khách không biết chuyện). Kể từ giây phút đó, tình cảm vợ chồng trong tôi như đã chết. Chồng tôi sau đấy vẫn đi làm bình thường được mấy hôm thì bỏ. Nhà tôi cũng không rõ anh đi đâu vì anh không nói, khi biết cách anh hành xử với tôi gia đình tôi rất giận, cũng không muốn biết anh đi đâu. Sau này, tôi mới biết chồng về nhà bố mẹ đẻ.

Tôi có gọi nói qua với mẹ chồng nhưng thái độ bà bàng quan, dửng dưng. Vợ chồng tôi từ hôm đấy đến giờ không liên lạc gì. Cuộc hôn nhân tồi tệ, tất cả những cú va chạm đã làm tôi cùn và chai lỳ đi quá nhiều. Trước đây, tôi hết lòng vì chồng, huỷ hoại bản thân quá nhiều mà quên mất sống cho mình. Thật sự đến giờ tôi muốn rũ bỏ dứt khoát, tôi căm ghét và không còn cần gì người chồng này nữa. Vấn đề trước mắt nếu ly hôn, bố mẹ tôi sẽ khổ tâm nhiều bởi gia đình nhà tôi vẫn muốn hàn gắn lại vì nhiều lý do. Vì nặng lòng với bố mẹ mà lúc này ly hôn hay hàn gắn tôi vẫn chưa đưa ra được quyết định cuối cùng cho mình. Xin nhận được những lời chia sẻ.

Quỳnh