Tag Archives: Style Definitions

Những mùa hạ cũ

Mùa hạ đang bước khẽ khàng, thả những tia nắng đủ trong đủ vàng lên con đường dài ngun ngút. Cơn gió Lào mang hình hài quen thuộc, quét bỏng rát xào xạc trên những tàng cây.

 

Mùa hạ
Mùa hạ – Ảnh minh hoạ

 

Có lẽ, mình là người luôn hoài niệm, khi quay về nhìn lại tháng năm thấy cái gì đã thành xưa cũ cũng đẹp đẽ và đáng nhớ, nên cứ thao thức nhắc hoài nhắc mãi đến cả trong mơ. Và những mùa hạ, bao giờ cũng là một miền ký ức riêng tư, đủ làm trái tim rung lên mỗi lúc nhớ về.

Là mùa hạ năm mình mười tuổi, những trưa nắng gắt thường trốn ngủ, mình và cậu em trai ra đường nhặt đá chơi ô ăn quan, chơi hoài chơi mãi đến hết những trưa mùa hạ mà không chán. Sau này, lớn lên một chút, chị em thường dấm dẳng với nhau mỗi khi tranh luận về vấn đề nào đó. Mẹ hay bảo chắc bởi tình tính khác nhau, một đứa thực tế, một đứa mơ mộng lấy đâu ra điểm chung mà tâm đầu ý hợp. Đến khi em đi học xa, niềm thương nỗi nhớ trở nên ngượng ngập, mình chỉ biết bâng quơ nhắc em giữ gìn sức khỏe nơi đất khách quê người…

Có một mùa hạ theo chân dì ra đồng, xách ấm nước chè đá mát rượi đứng trên bờ ruộng nhìn xuống, thấy bóng của cậu, bóng những người nông còm cõi nhỏ nhoi cúi lưng phơi mình dưới nắng. Mồ hôi thi nhau chảy, mình ngỡ giọt vừa chạm đất đã nghe sôi sùng sục vì nắng nóng quá chừng. Những bàn tay thô ráp, nứt nẻ, vàng khè đỡ lấy ly nước rồi uống thật nhanh cho tan đi cơn nóng khắc nghiệt của miền Trung. Nghĩ, làm nông, chẳng bao giờ được gọi là sung sướng, vậy mà năm nào mùa về, lúa đầy sân đã thấy dì cười, dì bảo chỉ cần thế thôi là đủ.

Có mùa hạ cũ cùng tình yêu đã cũ, khi lòng chộn rộn trong những buổi cùng người ấy đạp xe ngang qua bao con đường phượng bay. Tiếng ve râm ran tạo thêm thanh âm cho khoảnh khắc hai đứa ngại ngùng. Ngẫm lại đã mười năm mà cái cảm xúc ấy như chỉ mới thổn thức đâu từ hôm qua. Những ngập ngừng, e thẹn ngày ấy dễ thương, hồn nhiên quá đỗi khiến mình nhiều khi ao ước được chạm lại vào giây phút ấy dẫu chỉ một lần.

Những mùa hạ còn đi học luôn gấp gáp lo toan trong bao mùa thi. Cùng hẹn nhau thức khuya, hẹn nhau dậy sớm ôn bài. Đứa nào cũng mang trong mình những mơ ước thật lớn để bây giờ vẫn đang miệt mài góp nhặt và xây đắp dần dần. Dẫu sao, ta cũng chỉ vừa đi vài bước trong đời, chỉ vừa tới đâu đó ở một phần ba của đời người còn dài dai dẳng nên hãy cố gắng đến cùng.

Có điều, mùa hạ nào đứng trên quê mình cũng mênh mông vị ngai ngái của lúa trổ đòng, của gió Lào khen khét thổi nghiêng những hàng cây. Mùi mồ hôi phả ra từ người ba sau những trưa muộn về nhà, mệt quá chẳng thể nào nuốt nổi miếng cơm mà uống tù tì mấy ly nước. Mùa hạ có khách lỡ đường dừng chân, bưng ly nước chè uống một hơi rồi tha thiết cảm ơn mẹ. Những ngày hè oi ả, cả nhà bưng chiếc giường tre ra giữa sân nằm nói chuyện, nghe cô em nhỏ hát bi bô vui cười. Và những chiều, chị em chạy te tái về nhà bởi cơn mưa giông hù dọa.

Phía trước vẫn còn nhiều lắm những mùa hạ rộn ràng. Mùa hạ này rồi cũng sẽ cũ, cũng thành một phần ký ức để xếp theo lớp năm tháng đã đi qua đời mình. Mưa nắng nào cũng đến hồi phai nhạt đổi quanh, để mình gấp gáp mà thành kỷ niệm, chẳng hay đến lúc đó còn nhớ, còn ghi như bây giờ…

Diệu Ái

Thân gái đục trong

Chị em nó ít giao du chơi bời, suốt ngày ru rú ở nhà với bố mẹ. Bạn bè thường cười trêu, đúng là “hội chứng gà công nghiệp”.

Thân gái đục trong - Ảnh minh hoạ
Thân gái đục trong – Ảnh minh hoạ

Xa nhà, xa bố mẹ, đi học đại học, chị nó ở nhà bác ruột nên bạn bè xã hội của chị không mở rộng hơn là mấy. Chị vẫn sống rất nhút nhát, kín kẽ, với cả người nhà cũng ít khi chia sẻ, chị em gái chẳng mấy lúc chuyện trò.

Tới tuổi đi làm chị ra ngoài ở trọ. Bên ngoài thì ít giao lưu, hết giờ làm chị chỉ lướt mạng, cuối tuần nào cũng phóng xe về với bố mẹ, chưa thấy chị nói yêu ai bao giờ, có vẻ như quan hệ với đồng nghiệp cũng không được tốt.

Chị nó vẫn cứ vậy, cho đến một ngày con trai bà chủ nhà chị trọ vốn làm ở xa giờ thất nghiệp, về gần tìm việc, thấy chị nó hiền khô, bao năm chẳng yêu ai, công việc ổn định, gia đình cũng tương đối thì tấn công. Vào đúng thời điểm bố mẹ nó giục như hò đò, thậm chí là nhiếc chị việc hai tám rồi mà chưa chịu đi lấy chồng, thế là chị gật.

Nhưng không hiểu sao anh chị lấy nhau mãi chẳng có con, ai cũng buồn não nề. Đã thế hàng xóm còn ác ý cho rằng chị sống buông thả hồi xa nhà học đại học, nạo phá lắm vào giờ mới “tịt”. Tin đồn đến tai bố mẹ chồng chị, khiến mối quan hệ của chị với nhà chồng vốn đã trục trặc nay càng chẳng ra gì. Chị muốn ly hôn nhưng mẹ đẻ chị dọa sẽ từ mặt, sẽ đập đầu vào tường mà chết…

Dạo này ngôi nhà nhỏ càng trở nên u ám hơn. Bố mẹ nó chẳng còn thiết nhắc nhở, giục giã nó lấy chồng.

An Miên

Người yêu cũ “ám” tôi

Tôi và người yêu cũ đã chia tay, lý do là tình cảm không còn. Mặc dù thế, tôi nghĩ vẫn nên duy trì mối quan hệ bạn bè, chứ không nên vì đã hết yêu mà xem nhau như người dưng, ngoảnh lưng quay mặt.

 

Người yêu cũ ám tôi
Người yêu cũ ám tôi – Ảnh minh họa

 

Không biết có phải vì thế mà tôi tự đặt mình vào thế khó hay không, bởi người cũ cứ nhân danh bạn bè mà không để cho tôi yên. Mới đây tôi đã có đối tượng hẹn hò khác, người cũ đến tìm tôi nhiều hơn, như một vị khách không mời, thản nhiên bấm chuông, thản nhiên vào nhà tôi ngồi “ám”. Người cũ hỏi tôi nhiều chuyện liên quan đến đời sống riêng tư, đến tình cảm mới tôi đang có. Thái độ anh ấy nhiều lúc quá khích tới mức tôi buộc phải nhắc nhở giữa chúng tôi không còn gì, chỉ là bạn, mà với bạn bè thì tôi có thể chia sẻ có thể không, tôi không có nghĩa vụ phải kể hết chuyện riêng tư của mình với anh nếu không thấy thoải mái. Đáp lại thái độ của tôi, người cũ lại có những hành động bạo liệt hơn, cố tình chạm vào tôi và đẩy tôi lên giường.

Làm sao để rõ ràng được một lần với anh ấy rằng quan hệ của chúng tôi đã hết, anh ấy không có quyền cứ thích thì lại đến tìm tôi. Làm sao để người cũ hiểu rằng anh ấy cần buông tay, để cho tôi ra đi vì mọi chuyện đã chấm hết?

Bạn trẻ thân mến

Vấn đề đúng là nằm ở lựa chọn “không còn là người yêu thì làm bạn” của bạn đấy. Khi chia tay, người ta cần chia tay bằng cả hành động chứ không phải chỉ lời nói. Có những người nghĩ rằng duy trì mối quan hệ bạn bè là cách đối tốt với nửa kia, song thực ra, giải pháp đó có thể là con dao hai lưỡi, khiến người kia vẫn luôn nuôi hy vọng.

Bạn nên “chia tay lại” một lần nữa. Cá nhân tôi cho rằng, ngoài những cặp đôi đã có chung mối ràng buộc về con cái, không thể không liên quan đến nhau và nên duy trì mối quan hệ hòa hảo vì các con, thì những cặp đôi khác hoàn toàn không nên tiếp tục gặp gỡ nhau sau chia tay, ít ra là nên giữ khoảng cách một thời gian nhất định để hoàn toàn chấm dứt những dư âm do mối tình để lại. Bạn nên dành thời gian của mình cho những người bạn riêng, và chấm dứt hoàn toàn việc qua lại, gặp gỡ người cũ cũng như gia đình, bạn bè anh ấy, cả những người bạn chung…

Cả hai bạn bây giờ đều cần đưa ra những ranh giới rõ ràng về việc sẽ không xâm phạm vào cuộc sống của nhau, không đến nhà, không tìm cách lại gần nhau. Đừng đặt gánh nặng “buông tay và tiếp tục sống” lên một mình người cũ. Bản thân bạn cũng cần chắc chắn rằng bạn không bắn tín hiệu, không gieo thêm hy vọng.

Huyền Anh
Theo BodyandSoul

Tín đồ phong thủy

Đi làm về, thấy em hì hụi xê xê, nhích nhích chiếc tủ lạnh, anh biết ngay em lại vừa nhận chỉ đạo từ xa. Mặt em tươi rói: “Anh, giúp em chuyển tủ lạnh sang bên kia”. “Chuyện gì nữa đây?” – anh hỏi.

 

Phong thủy nhà ở
Phong thủy nhà ở – Tín đồ phong thủy

 

Em dừng tay, vẻ nghiêm trọng: “Biết sao tuần trước vợ chồng mình gây nhau không? Là do bố cục nhà bếp không hợp phong thủy”.

Em huyên thuyên giải thích, vừa rồi kể cho mẹ nghe chuyện hai đứa gây nhau, mẹ bỗng dưng hỏi… cái bếp gas để đâu. Biết bếp gas… bị kẹp giữa tủ lạnh và bồn rửa chén, mẹ la toáng lên: “Trời ơi! “thủy hỏa bất tương dung”, lửa bó buộc giữa hai luồng nước, hơi khí nóng không thoát được, sao nhà cửa êm ấm đây?”. Anh chỉ còn biết thở dài. 

Những lúc quá khó chịu, anh lựa lời góp ý là em giãy nảy: “Anh muốn tai ương đổ xuống nhà mình phải không? Bất hạnh, xung đột trong gia đình xảy ra đều là do nhà cửa, vật dụng bố trí không thuận hợp. Anh không biết gì thì cứ nghe lời em đi”. Em viện dẫn, năm ngoái, chuyện anh đến thăm cô bạn cũ đang ốm nặng, bị đồn ầm thành anh ngoại tình khiến chức trưởng phòng thuộc về tay người khác, là do giường ngủ của hai vợ chồng đối diện với tấm gương tủ quần áo, hỏi sao không lục đục. Nghe lời em chuyển dịch chiếc giường, rồi không hiểu em đúng hay sự thật anh vô tội mà lời đồn đoán bỗng dưng không còn. Tin là nhờ vào sự thay đổi phong thủy ấy, em ngày càng lấn lướt. Cứ dăm bữa nửa tháng, nếu không nhích vật này sang phải một chút, kéo vật kia sang trái nửa bước chân hay xoay đổi chiều hướng chiếc giường, cái bàn, chiếc tủ… để tránh tai ương thì y như rằng, em ăn ngủ không yên. Rốt cuộc, có lần đứng từ ngoài nhìn vào, anh không khỏi ngao ngán thấy trong nhà vật dụng ngổn ngang, chương chướng, không gian sinh hoạt ngày càng teo tóp lại.

 

Tất cả những thay đổi đó em đều nghe theo chỉ đạo của mẹ. Mẹ sống ở quê, cách hơn 500 cây số nhưng các con xảy ra chuyện gì, thể nào dăm bảy phút sau bà cũng biết. Tuy nhiên, thay vì nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực, có tình, có lý, mẹ lại “đổ vấy” mọi chuyện cho nguyên nhân là từ cách trang trí nội thất. Mẹ yêu cầu chúng mình phải xê nhích vật dụng này, món đồ kia sao cho hợp phong thủy. Nghĩ chuyện tuần rồi mà lòng anh còn giận. Nửa đêm cu Bin sốt cao phải nhập viện, trong khi anh phải nghỉ việc chăm con thì em bận đi kêu thợ về đóng bít cánh cửa vì: “Mẹ bảo cửa sổ phòng con gần trụ điện cao áp, luồng “khí xấu” từ trụ điện ùa vào “bắt” bệnh nên phải đóng lại”. Đôi khi, anh không khỏi ngạc nhiên khi thấy mẹ dù ở xa, vẫn am tường nơi chứa đựng, đặt để từng vật dụng trong tổ ấm của mình. Đến chiếc mũ bảo hiểm anh hay mắc sau cánh cửa mẹ cũng biết, rồi dặn: “Cửa nhà phải thông thoáng để đón luồng “khí tốt”, đừng treo móc vật gì lên đó gây cản trở nghen con!”.

 

Sau đận mất chiếc ghế trưởng phòng ấy, tư thế ngủ của anh cũng bị đem ra mổ xẻ. Thì ra mẹ nhỏ to dặn dò con gái: “Đừng để nó nằm thế còng queo. Tướng ngủ mà cong cong, co ro trông khổ sở vậy biểu sao đường công danh thẳng thớm cho được!”. Không biết bao nhiêu đêm đang ngon giấc, anh bị em lay: “Anh lại nằm cong kìa!”. Bực bội, giận nhưng không thể trách được em bởi anh biết, em cũng đang mất ngủ vì lo canh giữ… thế ngủ ngay cho chồng. Sự nghiệp thăng tiến, công danh rạng rỡ đâu không thấy, chỉ thấy hai đứa đều gầy sọp, mắt thâm quầng, phờ phạc vì triền miên thiếu ngủ; công việc thì trễ nải, năng suất sút giảm…

 

Chuyện mua đất, xây nhà cách đây ba năm đến nay nhớ lại, anh còn rùng mình. Suốt hai tháng ròng, ngày nào hai đứa cũng ăn vội bữa cơm trưa rồi đội nắng đi xem đất. Mua được miếng đất đúng ý mẹ đã trần ai, chuyện xây nhà còn khủng khiếp gấp bội: “Xây nhà phải nở hậu, đúng hướng; cửa chính tránh chiếu thẳng vào nhà bếp mới êm ấm, thịnh vượng…”. Đồng ý với em, việc bố cục, bài trí, xây dựng nhà cửa là quan trọng; nhưng có cần thiết phải tuân theo như một tín đồ đến mức đôi giày cũng phải để sao cho “đường đời êm ái” không em? Anh nghĩ mãi không biết cuối cùng là mình nên thay đổi vật gì để em có thể nhận ra sự mệt mỏi, chán ngán của anh…

 

Theo Nguyễn Dân
Phụ nữ TPHCM

Không tin, có nên yêu?

GocTamSu – Tôi gặp cô ấy trên mạng khoảng 4 tháng trước. Hai người có vẻ hợp nhau nên chúng tôi bắt đầu hẹn hò. Tôi luôn có những quy tắc riêng trong chuyện hẹn hò, không tỏ ra quá vồ vập. Tôi thấy rõ là cô ấy có thích tôi.

Không tin có nên yêu
Không tin có nên yêu

Biểu hiện: Cô ấy sẽ làm mọi chuyện theo ý tôi, và cô ấy hay khen tôi thông minh trong cách trò chuyện. Những gì cô ấy nói thường chứng tỏ chúng tôi sẽ bên nhau suốt đời.

Nhưng gần đây hình như tôi đã phạm sai lầm. Tôi đưa Linh, cô gái tôi mới quen, đến gặp gỡ vài nhóm bạn của mình. Họ đều thích cô ấy, cô ấy tỏa sáng và cư xử rất khéo léo. 2 tháng trước, một người bạn của tôi tổ chức đi chơi xa mừng anh ấy lấy bằng thạc sĩ. Vì anh ấy cũng đưa bạn gái đi cùng nên tôi dắt Linh theo. Linh chưa hề gặp bạn tôi, nhưng tôi nghi ngờ cô ấy có tìm hiểu về anh bạn mình qua Facebook. Cô ấy bảo đã mơ thấy anh ấy. Tôi nghĩ chuyện này dị, nhưng tôi không tỏ thái độ khó chịu.

Lúc quen tôi, Linh ăn mặc rất bình thường. Nhưng trong chuyến đi chơi này, cô ấy lại thay đổi phong cách: Quần soóc ngắn, tóc hoàn hảo, sơn sửa móng chân móng tay. Tôi thì như kiểu: “Oa, cô ấy trông rất đẹp, nhưng trưng ra thế để rong ruổi trên ô tô à?”.

Cái điều lo sợ của tôi được xác nhận khi hai người họ gặp nhau. Linh rõ ràng là bị anh bạn tôi cuốn hút tới mức không giấu được. Cô ấy tung cho bạn tôi đủ loại tín hiệu “đèn xanh”, chăm chú tới mọi điều anh ấy nói, rồi hỏi han, đi theo anh bạn tôi… có lúc tôi còn bắt gặp cô ấy nhìn bạn tôi rất lâu nữa.

May mà chuyến đi cũng chỉ trong 1 ngày, nhưng tôi thấy tổn thương. Tôi giận điên lên vào cái buổi tối lúc đưa Linh về nhà, đến nỗi tôi nói chia tay chẳng cần lý do. Cô ấy khóc đôi chút. Cô ấy cũng chẳng hỏi tôi vì sao có quyết định như thế, còn tôi thì mặc định là cô ấy biết rõ vì sao.

Một tuần không liên lạc khiến tôi chẳng yên. Tôi tự hỏi mình có nên ngồi xuống cùng cô ấy để nói rõ vì sao mối quan hệ kết thúc hay không? Liệu cô ấy có biết rõ lý do như tôi vẫn nghĩ?

Sơn Tùng

Gánh nặng làm cha

Mẹ sức khỏe không được tốt, phải về nghỉ mất sức, thành ra mình bố phải nuôi ba đứa con ăn học, sự vất vả luôn hằn trên đôi mắt trũng sâu của bố, những nhọc nhằn như khắc rõ lên mỗi nếp nhăn trên gương mặt. Bố lúc nào cũng khó tính, chẳng mấy ai dám lại gần.

 

Đã từ rất lâu bố chẳng ham mê bất cứ gì ngoài công việc, và cũng vì đặc thù công việc nên bố không thể thích thú với những trò giải trí như bia rượu thuốc lá, bố sống hoàn toàn lành mạnh nên sức khỏe cũng tốt, nhờ thế mấy đứa con đứa nào cũng muốn noi theo.

 

Ngày con đi thi tốt nghiệp cuối cấp, và ngay cả ở những kỳ thi tranh giải ở trường, bố mẹ các bạn đưa đi, thậm chí đứng chờ ở ngoài, còn con toàn tự đi bộ hoặc đạp xe mà đi, vì mẹ không biết đi xe. Ngày thi đại học cũng là anh đưa đi. Hồi đó con đã tủi thân rất nhiều, trách bố chẳng quan tâm.

 

Trưởng thành hơn một chút, con mới dần hiểu cho nỗi khổ của trụ cột gia đình. Bố nghỉ một ngày nghĩa là một ngày không lương, nghĩa là một ngày ấy bao miệng ăn chẳng có chỗ trông vào. Giờ đây khi cùng chồng gánh vác việc gia đình con mới thực sự thấu hiểu sự vất vả, những buổi đi sớm về khuya và cả những buổi phải đi công tác triền miên của bố, tất cả chỉ để lo cho gia đình lớn nhỏ của mình. Vậy nên bố luôn biết cắt giảm những thú vui của mình để quay về bên vợ con, với bố thời gian đi làm xa gia đình mười tiếng một ngày là quá đủ.

 

Con biết bố mẹ luôn nghĩ đến các con, luôn tìm cách động viên kịp lúc, để khách quan đưa ra góp ý cho chúng. Con biết bố cũng luôn muốn quan tâm đến đời sống tinh thần của lũ trẻ, song nhiều lúc lực bất tòng tâm. Thi thoảng được bố chở cho lên cơ quan chơi, cho lên tháp nước ngắm toàn thị trấn từ tít trên cao, con vô cùng thích thú và con biết bố cũng rất vui.

 

Ngày con đi thực tập bố lại nhờ vả, nói khó với khối văn phòng để cho con vào đó học việc cho biết chứ không dám hi vọng được ở lại làm. Chính nhờ những ngày ngắn ngủi ấy lại là tiền đề cho những gì sau này con có được, chỉ một tháng thực tập mà có khi bằng kinh nghiệm hằng năm trời con đi học cố gắng tích lũy. Những điều ấy con vẫn ghi nhớ trong lòng bố ạ.

 

Vừa rồi, thấy các chú còn vất vả, bố lại quyết định chắt bóp để đứng ra xây căn nhà khang trang cho ông bà nội, cứ thế nên nỗi lo cứ tràn ngập nỗi lo.

 

Nghĩ về bố con thêm hiểu và thông cảm cho “gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha” con trở nên đồng cảm với những trăn trở của chồng nên luôn tìm cách hỗ trợ anh ấy một tay, nhờ đó mà tình cảm vợ chồng thêm bền chặt.

 

Chúng con được như hôm nay tất cả nhờ sự chịu thương chịu khó của bố và tài thu vén khéo léo của mẹ. Giờ với chúng con chỗ dựa về tinh thần quan trọng hơn tất cả, con chỉ mơ ước bố mẹ mãi mạnh khỏe để dịp cuối tuần trở về tụ họp, được khoe bố mẹ cái nọ cái kia, chia sẻ những câu chuyện xảy ra với gia đình nhỏ của mình để mong nhận được những lời khuyên bảo.

 

Bố giờ đã già nhiều rồi, tóc đã sợi đen ít hơn sợi bạc, lâu lắm chẳng thấy ai còn khen bố đẹp trai phong độ, dù bố vẫn thế, vẫn mở mắt ra là lấy uống một ngụm nước muối, vừa ngậm xúc miệng vừa lấy chổi quét từ nhà, đến sân, sau đó là chạy bộ một vòng, rồi quay về rủ mẹ đi dạo bộ … và một ngày ý nghĩa với bố là ngày mà giúp đỡ được vợ con nhiều nhất. Bố à, con tự hào về bố.

TSL

“Chọn người như ba mà lấy”

So với nhiều người đàn ông khác, ba tôi không bằng một góc của người ta, không chức quyền, không giàu sang, không thành đạt, không to cao vạm vỡ. Nhưng ít ra, với những người phụ nữ trong gia đình tôi, ba là người đàn ông vĩ đại nhất thế gian này.

Ba chở con
Ba chở con – Ảnh minh họa

 

Cái hồi ba mẹ còn tán nhau, nghe đâu ba hay phì phèo điếu thuốc để làm thơ, đến lúc lấy mẹ về, tôi mon men ra đời thì ba bỏ hẳn thuốc vì sợ ảnh hưởng đến con nhỏ. Đã vậy, rượu bia ba không đụng đến một giọt, ba minh chứng ngược lại cho cái lý “nam vô tửu như cờ vô phong.”

 

Lúc gặp gỡ ban đầu, mẹ chẳng thèm để ý tới ba, mẹ cao ráo xinh đẹp trong khi ba nom già nua và xấu trai lắm. Thế mà, duyên số đưa đẩy thế nào, ba gặp ông bà ngoại, lọt vào mắt xanh của hai người. Ông ngoại nhất nhất nói với mẹ “chỉ có thằng này là được”. Mẹ chẳng hiểu cái “được” mà ông ngoại chấm là sao, khi mà ba chẳng có gì nổi trội so với đám trai làng dập dìu trước ngõ.

 

Có ông bà ngoại hỗ trợ, ba dần dần chinh phục trái tim mẹ. Mẹ nhận ra, ở con người ấy có khối điều hay ho, tài giỏi mà những người cùng trang lứa không có. Cho đến bây giờ, mẹ vẫn bảo, ba là chọn lựa đúng đắn nhất trong cuộc đời của mẹ.

 

Nhờ sự lựa chọn tuyệt vời đó, chị em tôi lần lượt ra đời.

 

Nhà nội vốn có truyền thống học giỏi nhưng không có điều kiện để học hành đến nơi đến chốn. Ba học lực xuất sắc, văn hay chữ đẹp nhưng phải nghỉ học từ năm lớp mười. Thi thoảng gặp bạn ba, mấy chú vẫn hay đùa “Ba con không học, chứ học hành tới nơi chắc phải làm to.” Nhìn ánh mắt đầy tôn trọng của họ dành cho ba, tôi thấy tự hào lắm lắm.

 

Ba ở nhà phụ nội mấy năm rồi xung phong đi bộ đội. Khi trở về, ba đã hơn ba mươi tuổi và mang theo một vết thương ở đầu. Huân chương kháng chiến treo ở góc nhà chẳng giúp được gì trong cuộc mưu sinh nhưng nó là minh chứng cho những năm tháng tuổi trẻ sống hết mình.

 

Lập gia đình, ba lại bắt đầu gồng gánh cho gia đình nhỏ. Ba làm đủ nghề để kiếm sống từ rà tìm phế liệu, xay gạo, buôn bán…

 

Ba vốn cẩn thận, đặc biệt trong việc chăm con. Mùa hè miền Trung nóng nực, tối đến cái nóng còn theo sát. Chị em tôi nằm ngủ thường để quạt ở đầu giường từ hôm đến sáng. Có lúc nằm ngủ mê man, chợt nghe tiếng lục đục, hóa ra, ba bê mấy chậu nước đặt trước quạt vì sợ con gái khô da.

 

Thời tiết chỉ hơi se lạnh, con cái nhà hàng xóm tung tăng đi ngoài đường, chị em tôi buộc phải ở trong nhà, áo ấm khăn quàng kín mít. Ba sợ mấy đứa bị cảm.

 

Lúc học tiểu học, hai chị em tôi thường dắt tay nhau đi bộ. Mỗi lúc trời mưa, ba lấy mảnh áo mưa che vội vào người rồi hốt hoảng đi đón chúng tôi. Dù ở cách xa mấy, tôi vẫn có thể nhận ra dáng đạp xe của ba, trên đầu đội chiếc nón tơi, tay cầm chiếc áo mưa cho hai chị em, khuôn mặt lo lắng, thất thần. Về đến nhà, thể nào ba cũng ướt nhẹp trong khi hai chị em tôi khô ráo.

 

Thế nhưng, ba cực kỳ nghiêm khắc và khó tính. Nếu làm một phép so sánh, có lẽ ba là người cha nghiêm khắc nhất so với những người cha của bạn bè từ nhỏ đến lớn của tôi.

 

Lúc nhỏ tới giờ, ba luôn hạn chế chị em tôi đi chơi, nhất là buổi tối. Ba khó tính đến nỗi bạn bè của chúng tôi đều e ngại khi đến chơi nhà. Tôi đã từng mường tượng trẻ con rằng, ước gì ba của mình được như ba của bạn này bạn kia, chiều con như vầy. Để rồi càng lớn, càng nhận ra rằng, chính sự nghiêm khắc của ba đã rèn giũa chúng tôi nên người, rèn sự bản lĩnh và tỉnh táo trước mọi điều không hay trong cuộc sống.

 

Ba hay vì người khác, hay thương người quên cả mình, nhiều độ mẹ giận lắm vì lòng tốt của ba. Ví như, năm nào đó ba đi khám bệnh, có người bệnh cần máu kịp thời, ba chẳng ngần ngại hiến máu cho người ta. Về nhà, ba giấu mẹ vì sợ mẹ lo, nhìn vẻ mặt xanh xao của ba, mẹ chẳng nỡ trách cứ.

 

Lúc trước, khi điện đài còn chập chờn, chưa có mạng lưới như bây giờ, mỗi lần cúp điện, nguyên cả xóm ngồi chờ ba. Chẳng hiểu sao, thanh niên trai tráng không thiếu nhưng chẳng ai đủ dũng cảm và hiểu biết để trèo lên sửa. Mỗi lúc thấy ba lúi húi trèo thang sửa điện, tôi đứng từ xa, mắt dõi theo không yên, giận luôn mấy anh mấy chú trong xóm.

 

Ba không bao giờ trau chuốt vẻ ngoài cho mình và cũng không hề khuyến khích chúng tôi điều ấy. Tôi từng có cảm giác xấu hổ khi ba xuất hiện trước mắt bạn bè tôi với vẻ nhàu nhĩ, xộc xệch. Tự hỏi sao ba chẳng thơm phức và chỉnh chu, bóng láng như ba của người ta. Hỏi rồi cũng tự trả lời, vì chị em mình nên ba như thế. Ba luôn bảo, vẻ ngoài chẳng quan trọng, người ta tôn trọng mình vì cái bên trong mình có chứ không phải bộ đồ bên ngoài. Càng lớn, tôi càng tự hào về ba.

 

Nếu được vẽ một bức tranh về ba, tôi không thể vẽ hình ảnh một người cha bác sĩ mặc áo blu trắng tinh, một người cha giáo viên mực thước, một người cha thành đạt chức cao vọng trọng. Tôi chỉ vẽ người cha chân thực với bàn tay thô ráp, gương mặt khắc khổ, mái tóc điểm màu thời gian, sẽ điểm tô nhiều nhất là mồ hôi. Mồ hôi ướt áo mỗi khi ba chở hàng cho người ta, mồ hôi lấm tấm khi ba hì hụi ngồi sửa đồ, mồ hôi chảy dài khi hai cha con ngồi đợi tàu tiễn tôi lúc tôi vào thành phố… Có nhiều lắm mồ hôi ba đã rơi, cũng nhiều lắm yêu thương ba dành cho cả gia đình, cho mẹ và mấy chị em tôi. Tất thảy đều không đong đếm được.

 

Mẹ chỉ nói với chúng tôi một câu ngắn gọn rằng, lấy chồng, hãy chọn người như ba mà lấy.

 

Diệu Ái

Lại yêu lần nữa

GocTamSu.com – Một buổi chiều tháng Ba năm 2010, tôi vào trang cá nhân của mình, bất chợt liếc qua phần “tình trạng hôn nhân”. Frank, người chồng 42 tuổi của tôi vừa mất được một tháng, nhưng ở đó vẫn ghi “có gia đình”.

Yêu lại lần nữa
Yêu lại lần nữa – Ảnh minh họa

Trong sự dứt khoát thoáng chốc của kẻ đang ngồi ở thế kỷ 21, tôi chuyển tình trạng hôn nhân của mình thành “góa bụa”. Chẳng từ nào diễn tả được chính xác hơn thế, “độc thân” nói lên quá ít. Tôi cũng nghĩ đến một lựa chọn khác là “Rất phức tạp” (có sự mất mát nào không phức tạp cơ chứ?), nhưng rồi lại thôi. Một số từ khác như “Chia cách” cũng hiện ra trong đầu, nhưng tình trạng của tôi còn bi đát hơn chia cách nhiều. Có những người vẫn hy vọng có thể tìm lại nhau dù chia cách. Còn với tôi, sự ra đi này là mãi mãi.

 

Vậy nên, ở tuổi 39, sau 7 năm kết hôn, tôi không còn là phụ nữ có gia đình. Tôi là bà góa. Bệnh tật và cái chết của Frank thuộc về anh ấy, nhưng chúng cũng làm thay đổi cuộc đời tôi, đưa ra những yêu cầu và đòi hỏi hy sinh. Con đường biến tôi từ một người vợ sang một bà góa rất dài, gập ghềnh và đau đớn. Hai năm trước khi Frank mất, tôi ở đó bên anh ấy, nhìn anh chống chọi với bệnh tật, không lúc nào không nuôi hy vọng và luôn nhắc mình phải lạc quan lên. Frank mắc một loại ung thư thực quản rất hiếm và quái ác. Khi tình trạng ung thư được kiểm soát, tôi vui với anh, khi nó xuất hiện trở lại, tôi đau nỗi đau của anh, tuyệt vọng cùng anh. Tôi nhào theo khi xe cấp cứu chở anh đến bệnh viện lúc nửa đêm, hỏi bác sĩ hàng ngàn câu hỏi về ung thư và ghi chép. Tôi khóc trên điện thoại khi gọi điện làm việc với bảo hiểm y tế. Rồi một sáng, khi tôi rời phòng bệnh có một lát để đi gọi điện, thì Frank qua đời. Lúc người ta thông báo, tôi quỵ xuống sàn, khóc lóc, đau đớn, dày vò tột độ vì đã không ở bên anh đúng giây phút cuối cùng.

 

Cho dù đã quyết định sẽ vẫn tiếp tục đeo nhẫn cưới suốt 1 năm sau khi Frank mất, 6 tháng sau, tôi cảm thấy vết thương đã dịu đi rất nhiều và có thể hẹn hò trở lại. Tôi bắt đầu nhớ cảm giác có đôi, có một người đàn ông làm bạn đồng hành. Thế nhưng khi quay lại hẹn hò, “góa bụa” lại trở thành vấn đề quá lớn. Đàn ông tránh nói về chủ đề đó với tôi.

 

Người đàn ông đầu tiên tôi thử hò hẹn là một vận động viên thể thao. Sau 2 tháng, anh ấy cố nặn nụ cười để nói với tôi lời “anh rất tiếc” trước khi đổi chủ đề từ “góa bụa” sang nói chuyện thể thao. Đó là một phản ứng thích hợp, nhưng chẳng cần nói tôi cũng đủ cảm thấy tiếc cho mình rồi. Sau chuyện này, tôi khó lòng chịu nổi việc ở bên ai đó cảm thấy tiếc cho tôi, thương hại tôi.

 

Một người đàn ông khác, khi biết “tiểu sử” của tôi thì “chạy” ngay tắp lự. Nhìn chung, đàn ông đến với tôi, cứ khi nào tôi thấy đủ thoải mái để kể chuyện của mình cho họ, thường là sau vài lần hẹn hò, thì họ sẽ ngãng ra, không email, không điện thoại nữa.

 

Tôi thừa nhận, việc tôi vẫn còn đeo nhẫn cưới và nói về Frank có thể là dấu hiệu để người ta nghĩ tôi chưa sẵn sàng sống tiếp. Nhưng tôi thực sự bị giằng xé giữa cảm giác quá gắn bó với những kỷ niệm về Frank và mong muốn bước tiếp về tương lai mà không có anh ấy.

 

Góa bụa dường như có một ảnh hưởng lạ kỳ nào đó lên cách đàn ông tiếp nhận tôi. Một số họ gọi tôi là “đầy nghị lực”, đến nỗi có lúc tôi thấy như họ đang nhìn tôi là một vị thánh sống. Còn cuộc hôn nhân đã qua của tôi trong mắt họ thì hoàn hảo đến không tì vết, mặc dù thực tế không phải vậy.

 

Cuộc hôn nhân ấy bình thường như hôn nhân của bao người khác, cũng có lúc thăng trầm. Một năm trước khi Frank ốm, chúng tôi có lúc còn phải gõ cửa trung tâm tư vấn, thậm chí đã thử chia tay, nhưng chưa bao giờ chúng tôi đặt câu hỏi liệu tôi có ở bên Frank không khi anh ấy ốm.

 

Dẫu thế, có vẻ như sự ra đi của Frank đã làm dịu tất cả, những sần sùi, gai góc của cuộc hôn nhân, chỉ để lại điều gì đó thật lý tưởng đến không thể chạm vào, như một mối đe dọa với những người đàn ông định đến bên tôi vậy.

 

Cứ thế tôi hò hẹn được 2 năm, có những người chỉ gặp gỡ, chuyện trò duy nhất 1 lần, có người vài tháng. Dường như luôn có rào cản giữa tôi với họ, và đó thường là Frank. Ở tuổi còn trẻ, tôi đã kết luận rằng, “bà góa” khác với những người đàn bà khác, khác với mọi người. Và tôi thì là một trong những người đàn bà góa bụa.

 

Rồi gần đây, tôi gặp một người đàn ông – bạn của bạn. Anh ấy gặp tôi khi đang từ Châu Âu du lịch khắp New York. Chúng tôi hẹn nhau đi uống nước và có khoảng thời gian vui vẻ, kể nhau nghe những câu chuyện về thời thơ ấu, chia sẻ về cuộc sống của mình như thế nào khi là một nhà văn. Tôi cho rằng người bạn chung đã nói với anh ấy việc tôi mất chồng. Thực ra thì người bạn ấy không nói, nhưng tôi cứ cảm giác thoải mái trong khi trò chuyện như thể anh biết rõ về điều đó vậy. Có lẽ vì cuộc trò chuyện đó không thực sự giống một buổi hẹn hò. Thay vì “rất tiếc”, anh ấy phản ứng bằng sự đồng cảm: Anh ấy muốn nghe nhiều hơn, anh ấy hiểu, được nói ra hết quan trọng với tôi thế nào.

 

Đó là điều những người đàn ông khác còn thiếu. Buổi tối của chúng tôi kết thúc rất trong sáng, nhưng lại ngân lên những rung động lớn trong tôi, nhắc tôi một điều rằng mình vẫn có khả năng gắn kết với đàn ông.

 

Tôi không tin cái chết đồng nghĩa với một bài học nào đó cho chúng ta. Nhưng tôi biết Frank khi ốm chẳng mong muốn gì hơn là được sống thêm một ngày. Và đó là điều đáng ghi nhớ: Nên trân trọng mỗi ngày mà mình có. Tôi không chắc rồi mình có kết hôn nữa hay không. Cho dù có kết hôn lần nữa, cho dù “tình trạng hôn nhân” trên trang cá nhân của tôi lại thay đổi, tôi vẫn mãi mang theo trải nghiệm về cuộc sống của một phụ nữ góa chồng.

 

Song gánh nặng đã nhẹ hơn. Ở chính nơi mà ý nghĩ về việc yêu thêm lần nữa dường như chẳng bao giờ thành hiện thực, tôi đã mang một cảm giác khác. Tôi không cảm thấy bi kịch, dị thường. Tôi thấy sẵn sàng. Gần như là thế.

 

Huyền Anh
Lược dịch theo Rosie Schaap/MC

 

Vợ chồng “son”

Bà Nhàn cứ than ngắn thở dài, tựa như lỡ mua đắt mớ cá mớ tôm đâu ngoài chợ, miệng luôn lẩm bẩm “có hai mụn con mà giờ nhìn đi nhìn lại chẳng có đứa nào bên mình thế này”.

Vợ chồng son
Vợ chồng son – Ảnh minh họa

Hai ông bà chẳng phải là cán bộ công chức gì, chỉ là dân làm nông, buôn bán bình thường như bao người khác. Có điều, cả cái làng này, trong khi nhà ai cũng phải năm đứa con trở lên thì nhà ông bà hai đứa.

 

Ông Hựu bảo, ngày trước, cũng tại con gà mà tôi không muốn sinh đông đó chứ. Tình cờ sang chơi nhà ông anh thời chiến đấu, thấy nhà người ta ngồi ăn cơm mà chật bàn, đếm đi đếm lại thiếu hai người nữa là tròn mâm. Đĩa thịt gà lọt thỏm giữa sáu đứa con nom còn thòm thèm lắm. Ông chậc lưỡi, sau này mình có giàu cũng chả đẻ nhiều làm chi, đẻ ít thì của ít cũng hóa ra nhiều…

 

Rồi các con cũng lớn. Khi cô con gái đi học xa nhà, bà khóc rấm rứt mấy ngày liền. Đi vào đi ra lại than nhà cửa buồn hiu, chẳng ai bầu bạn. Thằng em nó ham chơi, suốt ngày ở ngoài đường nhiều hơn trong nhà. Ông Hựu lo cắm cúi ngoài đồng, về nhà lại bật tivi xem, chẳng để ý đến nỗi buồn của vợ.

 

Hoc xong, cô con gái ở lại thành phố làm, nói mấy nó cũng không chịu về quê. Thì ra, tình yêu của nó ở trong đó. Bà thở dài, ngẫm đời chua thật, mình yêu thương nó trước cả khi thằng đó yêu nó vậy mà giờ vì thằng đó, nó gạt mình ra.

 

Cho con gái lấy chồng xa, nó cứ tíu tít vui mà không thấy nước mắt mẹ đang chảy dài. Hôm đưa dâu, bà cứ sờ nắn tay nó, rồi ôm nó nức nở. Kể ra con bé cũng vô tư quá hay tại nó bản lĩnh không biết, thấy mẹ thế nó còn cười được, miệng líu lo mẹ cứ yên tâm, anh ý thương con lắm, con không khổ đâu. Ờ, thì cả đời này mẹ cũng chỉ mong vậy thôi.

 

Nhiều lúc nhớ con quay quắt, bà chỉ biết lấy áo quần con ôm ngủ. Thi thoảng vào phòng nó dọn dẹp vài ba thứ, để nó có về thăm đột xuất cũng có chỗ sạch sẽ mà ngủ.

 

Thằng em lận đận lắm cũng tốt nghiệp cấp ba xong rồi đòi vào tận Sài Gòn học nghề.

 

– “Nghề gì học gần đây cũng được, có nhất thiết phải đi xa không con”.

 

Nó ngắc ngứ: “Con chỉ thích học trong đó”.

 

Ờ, thì nó thích, mình đành chịu.

 

Ngoài làm nông, ông bà cũng buôn bán thóc lúa cho những mối lớn trên huyện nên có đồng ra đồng vào. Ngôi nhà bây giờ xây khang trang, rộng rãi mà trống huơ trống huếch. Hết ông đi lên lại gặp bà đi xuống, hai ông bà nhìn nhau mà thở dài thườn thượt.

 

Bà biết, ông không nói ra nhưng ông cũng nhớ chúng nó lắm. Cái hồi tới mùa gặt, nhìn mấy nhà trong xóm con cái đứa nấu ăn, đứa phụ gặt, đứa gánh lúa về, không khí đông đúc vui vẻ nom thèm làm sao. Bên ruộng này, mỗi hai ông bà già lụi hụi làm, có việc gì to tát lại đi thuê người.

 

Nghe tiếng trẻ nít từ nhà bên cạnh, bà bấm điện thoai gọi con gái, thôi mày mau có cháu đi, đẻ xong đem về đây tao nuôi cho. Con gái bà ậm ừ, bà nội để làm gì, việc gì mẹ phải nhọc như thế. Mẹ cứ nghỉ ngơi cho khỏe.

 

Gọi vào cho thằng con trai, nó bảo ông đừng gọi chi nhiều, nó bận lắm. Hình như chỉ lần nào hết tiền, nó mới gọi để bảo ông chuyển tiền thì phải. Những lúc ấy, ông phấn khởi làm sao, cố khơi chuyện mà nói rồi lại chuyển máy cho bà. Nó tắt máy từ hồi lâu mà ông bà còn cầm cái máy áp vào tai tưởng như làm vậy là cảm nhận được hơi của thằng con. Hóa ra, thời đại bây giờ, gần con cũng trở nên xa xỉ đến thế.

 

Hôm ông ốm, bà bắt con gà làm thịt, hai ông bà đùn qua đẩy về, ăn mãi cũng không hết nửa con, phải chi có chúng nó ở nhà.

 

Lại nhắc chuyện ông bạn thời chiến đấu của ông, nhà có sáu đứa con. Mấy đứa trẻ nhà ấy cứ luân phiên nhau, đứa này đi học xa thì đứa kia ở nhà đỡ đần bố mẹ. Ngày Tết cũng vui, vợ chồng con cái trong nhà thôi mà y như có hội.

 

Hai ông bà cứ như vợ chồng son già cỗi, ngày ngày vào ra trông ngóng con. Chẳng mấy chốc lá rụng về cội, hai cái thân già rồi cũng dìu dắt tiễn nhau đi, không lẽ cứ sống mòn mỏi rồi chờ cái ngày ấy.

 

Diệu Ái

Thôi nghĩ về nhau

Tối nay, anh lại không kìm được lòng mình, lại cầm điện thoại ngập ngừng bấm số của chị. Vẫn như mọi lần, chị không bắt máy, tiếng nhạc chờ bài Trịnh không lời réo rắt như khúc tự tình thảng thốt trong anh.

Thôi nghĩ về nhau
Thôi nghĩ về nhau

Anh là mối tình đầu của chị, người ta bảo trái tim đàn bà thường hoài nhớ mông lung về mối tình đầu cho đến nửa đời còn lại. Với chị, nói cho cùng, những suy nghĩ về anh vẫn còn nhưng không phải là kiểu như bao người thường nhớ về dư âm tình cũ, có thể chỉ như một nỗi lấn cấn trong lòng.

 

Chị không phải là mối tình đầu của anh nhưng vẫn là người anh yêu nhất cho đến bây giờ. Hai người đã từng sóng bước bên nhau, từng trao cho nhau những ngọt ngào, những hẹn thề mong ước, từng cháy hết mình vì thứ mà nhân gian gọi là tình yêu. Thế nhưng, mọi chuyện đã thuộc về quá vãng khi anh lung lạc trước một người con gái khác, buông tay tình yêu dài lâu của mình để đánh đổi danh vọng, tiền tài. Anh kết hôn sau một tháng hai người chia tay.

 

Bẵng đi một thời gian, cả hai né tránh nhau hay đúng hơn là chị cố tránh những hỏi han ân cần, quan tâm không ngừng của anh. Lần này, đám cưới một người bạn thân của anh và chị, lần đầu tiên, hai người chạm mặt nhau sau năm năm. Trước khi dự đám cưới, chị đã hình dung anh sẽ đến cùng vợ, là cô gái đã từng dằn mặt chị, kêu chị tránh xa anh ra, trong khi anh và chị sắp nên duyên chồng vợ. Cũng cô gái ấy, tự dựng lên mọi chuyện, đổ cho chị cái tội phá hoại hạnh phúc của cô ta trong khi chị chưa hiểu thực hư thế nào, rồi lại đòi tự tử khiến anh dạo ấy đứng ngồi chẳng yên.

 

Thế mà, không hiểu sao, anh đi một mình. Chị mỉm cười chào anh theo cách xã giao thông thường. Con người ta đâu dễ giấu đi những cảm xúc của mình khi gặp lại cái nửa thân quen đến từng hơi thở. Cảm xúc của chị về anh, tình yêu của chị với anh chẳng còn, ai đó hỏi chị có thù hận không khi anh ham giàu sang, tham danh lợi mà quên hẹn ước. Đôi lúc, chị cũng tự hỏi lòng mình, chẳng biết là có hận hay không nhưng nhất định là không còn yêu. Đơn giản vì anh giờ đây không phải là con người của nhiều năm về trước. Anh lén nhìn chị, ánh mắt, nụ cười của chị vẫn như thế. Cái tươi vui giấu đằng sau đó bao nhiêu nỗi niềm mà ngày xưa, anh đã từng rất hiểu. Chị vẫn mạnh mẽ và bản lĩnh qua bao nhiêu chuyện anh gây ra.

 

Đột nhiên, chị nhìn anh, bắt gặp ánh mắt anh trao về phía chị tự lúc nào. Giữa không khí ồn ào, náo nhiệt, giữa những tiếng chúc tụng hoan ca của bao người về hạnh phúc của hai nhân vật chính trên kia thì anh đang nhỏ lệ trong lòng. Tim anh đập rộn ràng, đôi mắt ngấn nước, cái nhìn hiện rõ sự nhớ nhung, day dứt, yêu thương xen lẫn. Chị bình thản quay đi, vô tình như không hiểu về con người đã từng gắn bó ấy. Chị dằn lòng lại, để khỏi buông ra thắc mắc từ lâu “Anh đang hạnh phúc cơ mà, sao lại gầy ốm, suy sụp thế kia”.

 

Sau lần đó, anh lại nghĩ về chị nhiều hơn trước, vẫn là người đầu tiên anh nghĩ mỗi khi thức giấc và người cuối cùng anh thao thức tới khi vào giấc ngủ. Anh liên lạc với chị chỉ mong chị bắt máy, chỉ mong một giây thôi được nghe tiếng nói, tiếng thở khẽ khàng của chị, nhưng tuyệt nhiên, chị không bao giờ nghe điện thoại của anh. Dẫu rằng, đôi khi chị cũng muốn kiểm chứng lại xem nếu nghe giọng nói của con người kia, liệu tim mình còn thổn thức, những uất hẹn trong lòng liệu có dễ dàng trút bỏ. Nhưng không, anh đã bị ràng buộc, cái ranh giới ấy, nhất định chị không cho phép mình xen vào.

 

Thôi thì, mỗi người hãy sống tốt phần đời của mình. Đến cuối cuộc đời chúng ta mới thực sự thôi nghĩ về nhau.

 

Diệu Ái