Tag Archives: nàng dâu

Dung hòa mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu

Nhiều người cho rằng, mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu là đề tài không có hồi kết, và rất khó dung hòa. Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý giới tính – bác sĩ Lan Hải, nếu cả hai phía cùng nỗ lực, không khó để cải thiện mối quan hệ này.

Dung hoà mẹ chồng nàng dâu
Dung hòa mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu

MẸ CHỒNG ĐỘ LƯỢNG, NÀNG DÂU NHƯỜNG NHỊN

Khi hai người phụ nữ thuộc hai thế hệ cùng quan tâm đến “người đàn ông” của mình, rất dễ phát sinh mâu thuẫn. Mẹ chồng cậy quyền, đánh mất sự độ lượng, đẩy nàng dâu vào thế khó: im lặng, cam chịu, rồi than thân trách phận. Thật ra trong gia đình, ngay cả chị em ruột, mẹ con vẫn xảy ra mâu thuẫn. Vì vậy, đừng quá ”sốc” khi bất đồng quan điểm với mẹ chồng.

Nàng dâu phải biết khéo léo xử sự sao cho vẹn tình. Không phải cứ im lặng là tốt. Mẹ chồng – nàng dâu có quyền nhận xét về nhau, vấn đề là ý kiến có tính chất xây dựng, và lành mạnh hay không còn thể hiện bản lĩnh của người trong cuộc.

Lời nhận xét về nhau cần phải chân thành, không có ý bêu riếu, mỉa mai, lôi kéo người khác đứng về phía mình. Mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu ở mức độ nào tùy thuộc vào sự độ lượng của mẹ chồng và cách sống của nàng dâu. Nàng dâu nên kính nhường mẹ chồng, sẽ nhận lại sự ưu ái. Duy trì mối quan hệ ấy thật tốt, nàng dâu sẽ thu được nhiều mặt lợi, ngược lại, sẽ mất nhiều niềm tin, niềm vui, uy tín. Mẹ chồng cũng vậy, độ lượng với con dâu là thu về một “nội tướng” giỏi.

DÂU LÀ CON

Ông bà ta xưa nay vẫn quan niệm, dâu là con gái. Người làm dâu là làm nhiệm vụ gánh vác giang san, thu vén trong ngoài sao cho vẹn toàn. Trách nhiệm ấy không kém phần nặng nề, nếu không có sự hỗ trợ của những người thân phía gia đình nhà chồng, nhất là mẹ chồng. Người làm dâu phải khéo léo thể hiện, xem mình là con gái trong nhà.

Nếu chưa được lòng mẹ chồng, hãy chịu khó gần gũi, tìm hiểu, học cách kìm nén cảm xúc. Không nên giải tỏa cảm xúc bằng thái độ bất cần, thách thức với bạn bè, láng giềng, hay trên các trang mạng xã hội. Nên nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực, kiểu “mẹ sinh anh để bây giờ cho em”.

Mẹ chồng nếu bất đồng với con dâu, cũng nên giãi bày, giống như cách chỉ dạy cho con gái, đừng quá xét nét, hồ đồ, cũng không cậy quyền, dễ tạo mâu thuẫn, khoảng cách. Xác định “dâu là con”, con dâu sẽ thấy mình phải có trách nhiệm với gia đình nhà chồng, không câu nệ, trách móc, dễ bỏ qua mọi điều mà mình cho là “khó ở”, bởi bây giờ mình đã trở thành “con gái” trong nhà, phải biết lắng nghe cha mẹ chỉ dạy.

Xác định “dâu là con”, mẹ chồng sẽ dễ thông cảm, không chấp nhặt, hay nặng nề với dâu. Từ đó, sự chia sẻ việc nhà, chuyện tình cảm cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Khoảng cách mẹ chồng – nàng dâu sẽ được rút ngắn lại, dần đồng điệu, nhịp nhàng, cởi mở hơn trong mối quan hệ vốn được xem là nhạy cảm.

HÃY VÌ “NGƯỜI ĐÀN ÔNG CỦA MÌNH”

Hãy thành thật với mẹ chồng bằng cách lấy “vũ khí” từ ông xã. Thông qua chồng, nàng dâu sẽ hiểu hơn về mẹ chồng, thậm chí nhờ chồng hiến kế cách dung hòa. Người chồng nào cũng mong vợ biết quan tâm, nhún nhường, an ủi, đỡ đần, yêu thương mẹ. Một nàng dâu thông minh còn phải biết ơn người sinh ra chồng mình, đã nuôi lớn, dạy dỗ, yêu thương, để rồi người đàn ông ấy… về tay mình, mà ăn ở phải phép. Khi ấy nàng sẽ được lòng cả hai.

Mẹ chồng cũng nên nghĩ rằng, mình cưới vợ là cưới cho con trai. Con trai ăn đời ở kiếp với vợ, chứ không phải với mẹ chồng, nên việc rộng lượng với con dâu sẽ khiến con trai hạnh phúc. Mẹ chồng phải biết tin vào sự lựa chọn của con trai, vào cách giáo dục của gia đình với con trai, và ngầm hiểu rằng, gia đình có thêm người con gái chứ không phải người ấy đã “cướp” đi con trai của mình.

Hiểu như vậy sẽ là bí quyết để hai bên tôn trọng, thành thật với nhau. Hãy gieo hạt giống của lòng chân thật, sự hiểu biết, tình yêu thương vào mái ấm gia đình, để nhận lấy mọi điều tốt đẹp.

Khi hai người phụ nữ cùng quan tâm đến “người đàn ông của mình” theo một cách riêng, sẽ dễ xảy ra bất đồng. Hãy nên tìm tiếng nói chung, chớ đẩy người đàn ông ấy vào giữa “hai làn đạn”.

 SONG NGUYÊN (ghi)

Mẹ – đâu phải của riêng anh…

Mẹ – đối với em đó còn là sự kính trọng, là nghĩa vụ của người con dâu, của một đứa con trong gia đình, và rộng lớn hơn – đó là chữ “Hiếu” mà em sẽ chia sẻ cùng anh trong cuộc đời này.

 

Mẹ không chỉ của riêng anh (ảnh minh họa)
Mẹ không chỉ của riêng anh (ảnh minh họa)

 

Quen biết em lâu như vậy rồi, thời gian yêu nhau tính ra cũng ngót 5 đầu ngón tay, anh phải hiểu rằng em là đứa con biết lấy chữ “Hiếu” làm trọng. Anh đã chọn em, đã cho em được chân thành gọi anh là “chồng chưa cưới”, thì cũng đã đến lúc anh nên để em được gọi bác là “Mẹ” – theo đúng nghĩa của phận làm con.

Mấy hôm mẹ nằm viện, chẳng may anh lại phải đi công tác xa nên không thể đến chăm sóc bà hằng ngày. Hôm đưa chìa khóa nhà cho em, anh nói: “Thỉnh thoảng, nếu rảnh thì em qua nhà nấu cơm cho mẹ giùm anh nhé, mẹ anh khá kén ăn, anh sợ bà không quyen với đồ ăn trong viện.…”.

Có một bài thơ của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh mà em rất thích Mẹ của anh: “Phải đâu mẹ của riêng anh. Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi. Mẹ tuy không đẻ không nuôi. Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong. Ngày xưa má mẹ cũng hồng. Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau. Bây giờ tóc mẹ trắng phau. Để cho mái tóc trên đầu anh đen. Đâu con dốc nắng đường quen. Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần. Thương anh thương cả bước chân. Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao…”

Lúc đó, em chỉ lặng gật đầu, nhưng trong thâm tâm – thực sự lúc đó em đã chạnh lòng. Có lẽ với bất kỳ người con gái nào cũng vậy chứ không chỉ riêng em mới có cảm giác đó. Anh lo lắng cho mẹ, và phải chăng anh cũng đang lo em không thể tận tụy vào chăm sóc bà, sợ rằng em sẽ không thể phục vụ bà tốt bằng anh?

Một người con gái sắp làm vợ, làm con dâu mà người chồng sắp cưới của cô ta lại tỏ ra không tin tưởng, không an tâm với lòng chân thành và khả năng chăm sóc gia đình, liệu có cô gái trưởng thành nào sẽ không chạnh lòng?

Và…“mẹ anh”, cái từ mà anh vô tình buông lơi khi nói với em – phải chăng đó là khoảng cách, là sự phân biệt ? Em là vợ sắp cưới của anh, và bà sẽ sớm là mẹ của em mà! Thậm chí, ngay cả khi chưa chính thức kết hôn thì em cũng đã sớm coi bà là mẹ.

Ngày thứ hai của chuyến công tác, anh lại dặn em thật kỹ:

– Em à, buổi sáng em cho mẹ ra ngoài đi bộ một chút – ở nhà mẹ vẫn quen thế rồi, với cả nhớ cho mẹ uống sữa nhé! bà thích sữa không đường.

Những điều đơn giản đó em sẵn sàng có thể chủ động làm được mà (?!)

Từ lâu rồi, anh và mẹ tự chăm sóc cho nhau, luôn chỉ quen với cuộc sống của hai người, nên anh càng lo lắng – điều đó em hiểu. Nhưng tại sao anh lại tỏ ra khách sáo khi để em chăm sóc mẹ? Em sẵn sàng đến chăm bà thường xuyên, đó là điều cần, nên và phải làm của đứa con dâu tương lai, nhất là khi anh lại đang vắng nhà.

Lẽ đời đã đúc rút, liệu mấy ai có thể lo lắng, biết yêu thương cha mẹ một cách thực lòng hơn những đứa con ruột rà? Nhưng anh à, em sẽ là con dâu của mẹ, là con cái trong nhà, mà người ta vẫn thường nói: “con gái là con người ta, con dâu mới thật mẹ cha mua về”. Em yêu anh, yêu tất cả những gì thuộc về anh. Nhưng anh ơi, mẹ – đối với em đó còn là sự kính trọng, là nghĩa vụ của người con dâu, của một đứa con trong gia đình, và rộng lớn hơn – đó là chữ “Hiếu” mà em sẽ chia sẻ cùng anh trong cuộc đời này.

Từ xưa đế nay, vẫn lắm chuyện “mẹ chồng – nàng dâu” chẳng hay ho gì, nhất là ở cái thời buổi vàng thau lẫn lộn như bây giờ thì con dâu đanh đá với mẹ chồng là chuyện không mấy lạ lùng nữa. Và ngay cả chuyện con dâu rất mực yêu thương mẹ chồng, coi mẹ chồng như mẹ đẻ cũng sẽ là chuyện khó… Nhưng em đã chọn anh, quyết định bước vào gia đình anh – gia đình vốn từ lâu chỉ có hai người. Em đủ chín chắn để hiểu về nghĩa vụ, trách nhiệm và tình yêu để có thể bảo vệ cuộc sống đó.

Theo An Ninh Thủ Đô

Mẹ chồng ghê gớm ngay sau ngày cưới

Vừa đón dâu về, đang chụp ảnh cùng cô em chồng bà đã ‘mát mẻ’: ‘Bà cô bên chồng đấy!’. Rồi lợi dụng tôi đi thi, bà lấy hết tiền phong bì cưới.

Mẹ Chồng Ghê Gớm Ngay Sau Ngày Cưới
Mẹ Chồng Ghê Gớm Ngay Sau Ngày Cưới

Yêu nhau được hai năm, trải qua nhiều thử thách, tôi và anh cũng đến được với nhau. Ngày yêu tôi cũng đến nhà anh chơi nhiều lần, mẹ anh đều vui vẻ.

Ngày cưới tôi hạnh phúc lắm. Nhưng điều làm tôi thất vọng là khi đón dâu về, đang chụp ảnh cùng cô em chồng thì mẹ chồng tôi đã nói một câu mà tôi không hiểu: “Bà cô bên chồng đấy!”. Bà nói vậy rồi nguây nguẩy bỏ vào nhà. Câu nói đó làm tôi thấy lạnh người.

Hôm sau tôi phải đi thi (vì tôi vẫn đang học tại chức), ở nhà bà lấy hết phong bì ra đếm cùng cô em chồng, tôi không biết gì. Khi tôi về chỉ thấy bà nói với tôi: “Tiền mẹ chi phí hết, không thừa ra đồng nào”. Tôi cũng không nói gì, nhưng trong mắt tôi, tôi cảm thấy khinh người phụ nữ đó.

Số tiền đó tôi cũng không cần vì gia đình tôi có kinh tế khá, vì vậy ngay sau khi lấy chồng, mẹ đẻ tôi đã cho tiền mua máy giặt (vì mẹ tôi sợ tôi đi làm, đi học lại phải giặt quần áo cho cả nhà chồng nữa). Mẹ chồng tôi vui lắm. Bà chỉ muốn vơ vào cho mình, nếu thấy mua cái gì cho nhà chồng bà đều vui vẻ, nhưng nếu mua về cho nhà ngoại là bà hậm hực. Tôi luôn muốn hai nhà đều phải công bằng như nhau.

Mỗi lần tôi về nhà ngoại chơi, mẹ chồng tôi đều hậm hực vì bà nghĩ tôi về cho bố mẹ tiền. Lúc nào bà cũng soi xét tôi có về nhà ngoại không, có cho mẹ đẻ cái gì không… Chồng tôi là người hiền lành, tôi có nói chuyện nhưng chồng luôn im lặng. Tôi biết anh là người sồng tình cảm và rất thương mẹ, nên tôi cũng không muốn giữa tôi và mẹ chồng căng thẳng, để anh không phải suy nghĩ.

Sống với nhau được một năm nhưng tôi cảm thấy chán. Tôi vẫn rất yêu chồng nhưng mẹ anh làm nhiều việc khiến tôi khinh ghét. Tôi không biết liệu mình có thể sống như thế này với anh được bao lâu, cuộc sống thật ngột ngạt.

Dâu tập hai

Sau khi chờ đợi mòn mỏi, hy vọng gần tan biến, thì bà Lê Hoàng Lan ( phường 15, Bình Thạnh) nghe con trai báo tin: “Tui lấy vợ đó nghen”. Bà mừng húm như trúng số. Nhưng niềm vui tắt ngúm khi con trai bà đưa về một cô gái đã có chồng từ lúc 17 tuổi, bây giờ đóng vai vợ “tập hai” với con bà.

Con dâu tập 2
Con dâu tập 2

Cậu con trai lầm lì không nói nhiều, nên mọi sự bà càng khó hiểu. Con trai bà không thuộc loại chơi bời, cũng chẳng quen linh tinh. Hồi nó 22 tuổi, nó có để ý một cô bé hàng xóm, nhưng không dám nói, rồi cổ đi lấy Việt Kiều, nó hơi buồn buồn…Hành trình trái tim của con bà đơn giản vậy đó, còn cô gái này thì khiếp: “Yêu từ lúc 15 tuổi, 17 tuổi có thai, sống thử không đăng ký kết hôn, chồng hờ bỏ đi, nuôi con một mình, quen biết nhiều anh…”. Nói chuyện với bà, cô gái tỏ ra rất hiểu biết, từng trải, có ý chứng tỏ mình chẳng ham lấy chồng làm gì, chẳng qua là gặp được… tình yêu đích thực.

 

Sao con trai bà lại là tình đích thực của cô gái đó, mà không phải là một cậu nào khác? Chắc cô ta quá chán, quá sợ loại đàn ông mồm mép, coi tán gái như trò giải trí…nên rung động trước những anh có trái tim… lành lặn. Thế thì con bà thiệt thòi rồi. Bà mang tâm tư nhỏ nhẹ nói cùng con. Cậu con bảo mẹ đừng lo, yêu là yêu chứ có phải kinh doanh mua bán gì mà sợ lỗ lã, thiệt thòi. Thôi thì bà đành dựa vào số phận, con trai cũng chẳng mất gì lớn, nhưng bà cũng chẳng có gì để khoe với hàng xóm, bà con về nàng dâu tương lai.

Thế nhưng, cô con gái kia ngày càng làm bà yên tâm. Điều làm bà hài lòng nhất là cô ta không hề “ghen tỵ” với bà. Bà cứ mặc sức chăm sóc cho con trai, mua quần áo, thức ăn cho con như hồi con trai bà còn độc thân mà không đá động gì đến con dâu. Hóa ra, làm mẹ trước khi lấy chồng khiến cho cô gái hiểu rõ tình mẫu tử như thế nào, nên không thể cắt đứt theo kiểu: “Sao mẹ cứ theo chiều chuộng chồng con” như các cô con dâu tập một, chưa hề có kinh nghiệm. Cô này cũng lạ, gặp chuyện gì bất trắc đều rất bình tỉnh. Như con trai bà bỗng nhiên bị công ty sa thải. Bà mẹ biết tính con, ăn nói cộc lốc, thẳng thắn, chắc là cự chuyện gì với sếp lớn. Nhưng cô vợ không than phiền chồng, chỉ bảo: “Chẳng sao cả, trong cái rủi có cái may”. Ít lâu sau, công ty chồng cô phá sản, không trả đồng lương nào cho nhân viên, ông chồng mới thấy mình may, vì còn nhận được tiền lương trước khi nghỉ việc. Dần dần bà nhận ra con dâu dù chưa nhiều tuổi, nhưng đã trải qua nhiều “biến cố to lớn” trong cuộc đời, nên bây giờ thấy chuyện gì “lộn xộn, bất thường” cũng là chuyện nhỏ hết.

Dâu tập 2 làm hài lòng mẹ chồng
Dâu tập 2 làm hài lòng mẹ chồng – Ảnh minh họa

Ngày đám cưới con trai, bà Trần Thanh Dung, mời khách hạn chế, không phải vì bà tiết kiệm mà vì con trai bà là “hàng mới chưa đập hộp” trong khi con dâu chẳng những là hàng… “second-hand”, lớn hơn con bà 3 tuổi mà còn khuyến mãi cho nhà chồng hai đứa con riêng. Phân tích ngăn cấm đủ điều không được, bà phải ậm ừ bỏ qua để con trai không ra ngoài mướn nhà trọ. Có người an ủi: “Thôi kệ, con nhỏ đó coi vậy mà dễ bảo, chứ những cô ưu tú coi chừng lại khó thích nghi với nhà chồng”.

Bà cũng hy vọng vậy, và từ từ bà nhận ra con trai bà biết nhìn người. Cô con dâu rất biết điều, biết thân biết phận. Bà mẹ chồng ở nhà nấu cơm, cô lãnh phần rửa chén, dọn dẹp. Ông chồng và hai đứa con của cô phụ trách trồng rau sạch trên sân thượng. Không bao giờ, cô dòm ngó chuyện gia đình chồng, không nhiều chuyện linh tinh. Cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ dạy cho cô nhiều bài học về cách tổ chức gia đình.

Chẳng những vậy, càng ngày cô con dâu càng chứng tỏ là “người phụ nữ thời đại”. Cô ủng hộ bà mẹ chồng nhiều sở thích mà lâu nay bà cảm thấy ngại ngùng, như làm đẹp, mát xa, du lịch. “Má còn trẻ, mặc cái váy ngắn cho đẹp, má uốn cái tóc lên, nhuộm màu đi…”.

Ngoài mặt thì ít nói chuyện, chứ trong lòng bà thích cô con dâu…thoáng. Chưa hết đâu, chồng bà mất gần 4 năm, cô con dâu rất đồng cảm chuyện bạn bè của mẹ chồng: “Thấy ông nào được là má tiến tới luôn, không thì “nói chuyện cho vui”, khỏi cần kết hôn cho vướng bận”. Sao con dâu bà hiểu được lòng mẹ chồng nhiều đến thế. Có gì đâu, thì hồi sống với chồng trước, cô cứ hy sinh cho gia đình, hầu hạ bố mẹ chồng, cất hết sở thích của bản thân, cuối cùng chồng có bồ, bảo vợ nhạt, không có cá tính. Rồi khi sống một một mình nuôi con, cô ấy nhận ra phụ nữ cũng có quyền vui chơi miễn là lành mạnh, cũng có quyền sống như mình muốn…

Không phải cô nào qua đổ vỡ tan nát cũng rút kinh nghiệm một cách thành công, nhưng những bà mẹ hiểu con trai mình thì sẽ hiểu được vì sao con mình lại bỏ qua những “trăng tròn” để chọn một “vầng trăng khuyết”.

 

PHƯ CHU
(Tuổi Trẻ Cười)

Ăn bám

Mới 5 giờ sáng dưới nhà đã loảng xoảng tiếng nồi niêu xoong chậu va vào nhau. Đấy là cách mẹ chồng chị Phượng tỏ thái độ khi thấy con dâu “dậy muộn”.

Ăn bám - Ảnh minh họa
Ăn bám – Ảnh minh họa

Bà nói vọng lên như chỉ cốt để con dâu nghe thấy: “Không dậy đi còn nằm ườn ra đấy. Dậy mà làm đi cứ phơi thây ra đấy thì thóc đâu mà đổ vào mồm. Ai hầu mãi được”. Dù trời mùa thu hãy còn se lạnh, chưa sáng hẳn, dù biết dậy giờ này cũng chẳng làm gì, Phượng vẫn uể oải ngồi dậy.

 

Tất cả bắt đầu từ lúc chị mất việc nghỉ ở nhà. Chị làm công nhân một công ty may mặc. Khủng hoảng kinh tế chung, nhiều công ty phải đóng cửa. Chị nằm trong số hơn 600 công nhân bị cắt giảm ở công ty.

 

Xưa nay, lương 2 vợ chồng chỉ đủ trả tiền thuê nhà trên thành phố và chi tiêu tằn tiện cho sinh hoạt hàng ngày. Tuy chưa đến nỗi thiếu thốn nhưng cũng chẳng dư ra đồng nào để tích cóp. Giờ chị mất việc, chồng chị may mắn chưa phải nghỉ ở nhà nhưng công ty ít việc nên phải thay ca luôn phiên. Tiền lương cũng vì thế mà giảm đi gần một nửa.

 

Chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, lương tháng của chồng không đủ trang trải sinh hoạt, lại thêm 2 đứa con, đứa lớn bắt đầu vào lớp 1, đứa nhỏ chưa cai sữa. Chồng chị không những không lấy thế để lo lắng mà còn bắt đầu đi muộn về sớm. Do thời gian rảnh rỗi nhiều nên hay tụ tập với bạn bè. Cuộc sống trở nên khó khăn và ngột ngạt. Những cuộc cãi vã đã thường xuyên hơn…

 

Thương con gái, bố mẹ chị nhờ mối quen biết chạy cho chị một chân lao công trong Công ty môi trường của thành phố. Công việc quét dọn và thu gom rác đường phố tuy hơi vất vả nhưng lại có biên chế và lương cũng tạm ổn.

 

Chị chưa kịp vui mừng thì đã nhận một gáo nước lạnh từ thái độ của bố mẹ chồng. Bố mẹ chồng ở quê làm ruộng nhưng lại có tính sĩ diện cao. Họ đưa lý do “không muốn thằng Tuấn mất mặt khi bạn bè biết vợ nó làm lao công quét rác” để bắt chị về quê làm ruộng. Mẹ chồng bảo “thà làm nông dân cấy lúa mà ăn còn hơn đi thu rác ngoài đường” . Bà tuyên bố coi như không có con cháu trong nhà nếu chị làm công việc “xấu mặt nhà chồng” ấy.

 

Dù đã cố gắng giải thích với mẹ chồng về công việc và hoàn cảnh hiện tại nhưng vô ích, Phượng quay sang cầu cứu chồng, mong anh đứng ra khuyên nhủ mẹ. Đáp lại chị là thái độ dửng dưng. Chính anh cũng không muốn “mất mặt”.

 

Cực chẳng đã chị đành khăn gói đưa con về quê chồng. Dự định tá túc một thời gian đợi việc.

 

Đã hơn 2 tháng kể từ ngày về ở quê, chị hứng chịu thái độ kinh rẻ của mẹ chồng. Người già không ngủ muộn được nên thường dậy sớm. Mẹ chồng chị thường thức dậy lúc 5 giờ và bắt con dâu dậy theo dù chẳng có việc gì làm.

 

Từ ngày chị chuyển về quê, mọi việc trong nhà đều đến tay chị. Dù không biết làm ruộng chị cũng theo mọi người trong nhà ra đồng, ai bảo gì làm nấy. Chị chăm lo nhà cửa gọn gàng, nhặt rau, nấu cơm, chăn lợn… Nhưng chẳng bao giờ mẹ chồng hài lòng với chị. Chồng làm xa, mình chị với 2 đứa con nhỏ đối diện với thái độ khinh miệt của bố mẹ chồng. Buồn nhất là đứa em chồng cũng bắt chước mẹ mà hạch sách, bắt bẻ chị là ăn bám trong nhà. Nhiều đêm chị nằm ôm con khóc.

 

Đêm qua bé út lên cơn sốt, cứ khóc ngằn ngặt làm chị thức trắng để dỗ. Mãi gần sáng chị mới chợp mắt được thì đã phải dậy bởi thái độ khó chịu của mẹ chồng.

 

Bố chị gọi điện về, nói đã thuê giúp chị vỉa hè của một công ty để bán trà đá và ốc luộc buổi tối. Chị vừa mừng vừa lo. Mừng vì chí ít cũng có việc để kiếm thêm tiền nuôi con, nhưng lại lo, vì biết đâu ông bà nội không cho đi làm, biết đâu bán nước vỉa hè cũng làm ông bà mất mặt.

 

Nguyễn Thị Lệ / Dân Trí

Tình dễ tan trước ngày cưới

“Anh thật thất vọng, yêu nhau bao nhiêu năm mà em không biết anh là con người thế nào. Được, nếu em thấy anh không thể cho em một chỗ dựa thì hãy làm theo ý em: Hủy đám cưới”, Hải (27 tuổi) to tiếng với vợ sắp cưới khi hôn lễ chỉ còn một tháng nữa.

Hải và Hiền yêu nhau từ thời sinh viên. Lúc ra trường, mỗi người một công việc, tuy tính chất có khác nhau nhưng cả hai đều cố gắng dung hòa. Theo đúng dự tính, một đám cưới lãng mạn sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Thế nhưng càng gần ngày cưới, Hải càng thấy khó chịu với tính nết “khó như bà đẻ” của Hiền.

“Không hiểu cô ấy nghe mấy cô bạn thủ thỉ gì mà dạo này bắt đầu hạnh họe, kiểm soát, ca thán tôi nhiều hơn. Đầu tiên là cách cô ấy ‘ dạy chồng’: ‘đàn ông khi yêu là thiên thần, lúc cưới là quỹ dữ’, sau này phải đưa hết tiền cho vợ, 7h phải về tới nhà, vợ nấu cơm thì chồng rửa bát… Tôi chỉ cười vì tôi vốn nghĩ lúc nào rãnh sẽ giúp. Vợ là người mình yêu thương sao có thể bắt cô ấy đầu tắt mặt tối, còn mình ngồi chơi được”, Hải chia sẻ.

Để có tiền mua váy cưới cho Hiền, Hải đã phải làm tăng ca cả tháng nay. Hôm qua, anh đi liên hoan kết thúc dự án với mấy anh em ở phòng, dù trước đó đã giải thích với Hiền song cô vẫn liên tục gọi điện, khóc lóc. Thương cảnh vợ sắp cưới ngồi chờ cơm, khi tàn cuộc Hải vẫn vòng xe qua phòng trọ của Hiền.

“Tôi vừa bước vào đã nhận được trận mắng té tát: ‘Anh đi đâu mà giờ mới về. Chắc định xả hơi trước ngày cưới chứ gì. Anh đưa điện thoại đây, đi với con nào mà không chịu bắt máy. Không cưới nữa’. Tôi nghe mà ức trong cổ họng. Từ ngày yêu Hiền, tôi chưa bao giờ tơ tưởng đến người con gái nào khác, thế mà cô ấy…”, Hải than.

Cho rằng bạn gái không tin tưởng mình, anh chàng không còn giữ được bình tĩnh quyết định giải thoát cho đôi bên. Anh không thèm dắt xe, đi bộ trong đêm về phòng. Hiền cũng không tin vào tai mình, khóc vật vã. Người bạn cùng phòng phải thức cả đêm canh chừng đề phòng cô gái làm liều.

Sắp làm cô dâu, nhưng Tiên (23 tuổi, Bắc Giang) cứ ngày một héo hon vì lo lắng. Chẳng ai còn nhận ra cô gái vui tươi thuở nào giờ biến thành bà già cáu bẳn. Ngày cưới đang dần tới mà cô thì liên tục muốn hoãn.

Như thống nhất từ trước, sau khi kết hôn Tiên sẽ về sống cùng gia đình chồng ở Xuân Đỉnh (Hà Nội). Cô dâu trẻ sợ không biết có đảm nhận được vai trò mới vừa làm vợ, làm dâu, vừa phải đi làm, lại phải chăm lo cho gia đình chồng. “Nhà mình có 4 thế hệ, chưa nói phải phục vụ cơm nước hằng ngày, rồi phải ‘đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên’. Nhất là mình sợ quan hệ mẹ chồng – nàng dâu xích mích. Nhà còn có chị dâu, ông bà già, trẻ nhỏ nữa, biết sao để điều hòa cho hết”, Tiên cho biết.

“Dù yêu anh xã vô cùng nhưng cứ nghĩ đến cảnh làm dâu, ở nhà người khác mà thấy khó chịu ghê. 23 năm sống tự do, quen được cưng nựng, giờ đùng một cái sang nhà người lạ ở, bảo sao chịu được. Nói với anh xã thì anh ấy bảo nhà nào chẳng là nhà, có anh bên em rồi còn lo gì nữa. Thương bố mẹ, nghĩ cho thân mình, lại nhớ lời chồng mà phát bực”, Tiên nói.

Tháng 11 này, Ngọc Thảo (24 tuổi, Thanh Hóa) – nhân viên một siêu thị ở Hà Nội sẽ về làm dâu nhà chú rể Quản (Nam Định) nhưng tâm trạng cô khá rối bời. Người vốn đã gầy yếu, vì lo cho đám cưới Thảo càng sụt cân hơn. Chỉ trong 3 tháng, Thảo bị sụt từ 47 kg xuống 42 kg.

“Em và anh đã lên kế hoạch sang tháng sau cưới, đã chụp hình, đặt nhà hàng, mua trang sức. Giấy mời cũng đã đâu vào đấy rồi nhưng không hiểu sao dạo này tính em rất khó. Trong đầu luôn có một nghi hoặc mơ hồ liệu sau cưới có hạnh phúc như bây giờ. Em yêu anh ấy, thậm chí hơn cả bản thân mình nên em sợ lắm”, Thảo nói.

Có lẽ chính vì thế, Thảo hay bắt bẻ, thử thách chồng sắp cưới hơn. Cô cũng đâm ra nghi hoặc, gần như ngày nào cũng soi điện thoại, facebook, mail của Quản. “Hôm qua, em hẹn anh đi gặp mấy đứa bạn thân đưa thiếp mời. Anh đến muộn chừng nửa tiếng. Em thấy mình như phát điên gọi điện ầm ĩ, chất vấn anh đủ điều. Nghĩ lại cũng thấy mình sai. Em thực sự không hiểu mình bị ma xui, quỷ khiến thế nào nữa”, Thảo sầu não.

Tai hại hơn mỗi lần giận dỗi, Thảo đều nghĩ đến chuyện sẽ hủy đám cưới, chia tay. Chỉ trong 3 tháng nay cô đã đòi hủy đám cưới 4 lần. Mỗi lần như vậy chồng sắp cưới của cô tức giận tím cả mặt, còn cô chỉ biết bưng mặt khóc.

“Những lần đòi hủy hôn anh xã toàn vùng vằng bỏ đi. Em thì lại nghĩ anh vô tâm, chỉ mình tha thiết, càng hờn giận hơn. Gần như đêm nào em cũng mơ thấy anh đang ở bên một cô gái, rồi ban ngày suy nghĩ không ăn uống được gì nên em mới sụt cân. Hôm qua bà mẹ chồng còn bảo gầy ngom thế thì đẻ đái gì, càng khiến em bực bội”, Thảo kể.

Theo nhà tâm lý Văn Thanh Sĩ – Tổng đài 1088, ông thường xuyên tư vấn cho các trường hợp cả nam, lẫn nữ muốn hủy đám cưới trước hôn nhân. “Khi yêu, cả hai đều vun vén cho tình yêu nhưng khi đã có một tờ giấy kết hôn hay ngày cưới đã định, nhiều người nhầm tưởng rằng tình yêu của họ cuối cùng có thành quả mà quên mất bồi dưỡng, vun vén. Nếu một trong hai người tỏ ra vô tâm, thờ ơ thì rất có thể sẽ đánh mất hạnh phúc chính trong thời khắc thử thách này”, chuyên gia nói.

Giai đoạn tiền hôn nhân là thời điểm nóng bỏng, quyết định hạnh phúc nhưng không ít người nhầm tưởng đây đã là đích của tình yêu mà thiếu đi sự cố gắng, dẫn đến tình cảm rạn nứt trong đúng giai đoạn này. Ảnh: Google Images.
Giai đoạn tiền hôn nhân là thời điểm nóng bỏng, quyết định hạnh phúc nhưng không ít người nhầm tưởng đây đã là đích của tình yêu mà thiếu đi sự cố gắng, dẫn đến tình cảm rạn nứt trong đúng giai đoạn này. Ảnh: Google Images.

Theo nhà tâm lý, gần bước vào lễ cưới, bao nỗi lo toan sẽ đè nặng lên những đôi trai gái. Đối với họ cuộc sống tự do trước đó và cuộc sống hôn nhân là hai thái cực hoàn toàn khác biệt, vừa háo hức lại vừa lo lắng. Tựu trung lại có 3 vấn đề lớn thường gặp phải trong giai đoạn này là do những bất đồng về tài chính, thời gian và sự nghiệp. Có thể trong giai đoạn yêu nhau, trai gái ít có thời gian cho nhau, hay sự nghiệp công việc của một trong hai không tốt…dù thế tình cảm của họ vẫn mặn nồng. Nhưng khi xác định cưới nhau rồi, ai cũng có chung tâm lý muốn người kia dành nhiều thời gian cho gia đình, liệu với mức lương như hiện tại người ta có thể lo cho hạnh phúc không. Họ dễ mất niềm tin vào nhau hơn.

Để tránh những lo lắng không đáng có này, các cặp đôi nên chuẩn bị sẵn tâm lý, kinh tế trước hôn nhân, dành nhiều thời gian cho nhau, tìm hiểu tâm sự của đối phương nhiều hơn. Hai bên gia đình thường xuyên qua lại, động viên con trẻ.

“Hơn lúc nào hết, hãy quan tâm đến đối phương nhiều hơn trong giai đoạn này. Thêm vào đó cũng phải chuẩn bị đầy đủ tư tưởng, tài chính và cả một kế hoạch trước khi quyết định đi đến kết hôn”, chuyên gia cho biết.

Phan Dương / Theo VnExpress